16 thg 6, 2020

Chữ nghĩa làng văn 15/6/2020- Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Chữ nghĩa làng văn 
Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phi Ngọc Hùng.

Chữ nghĩa làng văn


Tú Xương có câu thơ
Quanh năm buôn bán ở mom sông

Câu thơ ngắn gọn đã phản ánh không gian, địa điểm và công việc làm ăn của bà Tú. “mom sông”. Mom sông là một nơi chênh vênh, ba bề là nước, nó gợi lên sự bất trắc, vốn không phải là nơi dành để buôn bán bình thường. Bởi vậy hơn ai hết, ông hiểu rõ mục đích của nỗi vất vả đó nơi người vợ:

Nuôi đủ năm con với một chồng


(Thơ thương vợ của Tú Xương - Vũ Thanh)


Chữ nghĩa làng văn


Đọc mà như lênh đênh bơi trên bờ ảo. Ảo của vật, ảo của ý. Ảo của ảo. Tất cả đều loáng thoáng, mơ hồ, chợt có chợt không. Gợi nên cái mỏng tang của không gian, của thời gian, và của cả…Hơi chữ nghe có vẻ chắc. Nhưng xem ra đầy nghi hoặc!
Những mảng mênh mông, người viết tiếc không thể đưa thêm nhiều hơn nữa! Cũng là những con chữ đó – những ký hiệu – ai cũng có thể viết, có thể sắp xuôi, sắp ngược theo ý, ấy thế mà, mỗi cách hành văn lại có một lối sắp xếp khác nhau, đưa đến những cấu trúc khác nhau và toát ra hơi chữ khác nhau.

Nhiều bất ngờ khiến cho khi đọc tưởng mình lạc vào một vùng đất nguyên sinh như chưa từng biết đến bao giờ.

Chữ, lạ thật!

(Hơi chữ – Trần Doãn Nho)



Sẩy


Sẩy : lỡ, lìa đàn
(sẩy đàn tan nghé)


(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)


Chữ nghĩa làng văn

Kỳ trước Nguyễn Tuân được nêu ra, xin đề cập với Xuân Diệu có những câu thơ thế này:


Một ít nắng, vài ba sương mỏng thắm
Mấy cành xanh, năm bảy sắc yêu yêu
Thế là xuân. Tôi không hỏi chi nhiều.
(‘Xuân không mùa’)
Vài ba sương mỏng thắm” là thế nào? Rồi lại còn “năm bảy sắc yêu yêu”, sắc yêu yêu là cái sắc ra làm sao? là cái sắc quái quỉ gì vậy? Đó là một từ ngữ, một lối nói riêng của vùng Hà Tĩnh hay Bình Định chăng? Chắc không phải thế đâu. Đang ngon trớn, đang nói dồn nói dập, thi sĩ cứ phóng bừa tới vậy thôi. Thành thử nhiều lúc chữ xô đẩy chữ, lời chen lấn lời. Bất kể từ ngữ ông dùng có chính xác hay không chính xác.
Một phong cách, nó quan trọng là thế.
(Võ Phiến – Văn phong, nhân cách)


Chữ Việt cổ


Những cứ liệu khảo sát từ c

Chữ cổổ rất đa dạng và phong phú, nhưng do điều kiện về thời gian, chúng tôi chỉ khảo sát những từ đã từng tồn tại là những từ bình thường, nhưng nay đã hoàn toàn biến mất trong từ vựng hiện đại
Héo don: khô dun lại, héo quá


(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)

Chữ nghĩa lơ ngơ lớ ngớ


Nếu như em là phở
Thì anh là nước lèo
Đời có cuốn vèo vèo
Ta bên nhau em nhỉ


Cái đôn


Người mà tôi hỏi là ông Lý Văn Hùng, người Quảng Đông ở Chợ Lớn. Ông nầy chỉ là thầy giáo Tàu thôi, nhưng ông đã viết vài quyển sách về lịch sử cận đại của miền Nam bằng chữ Tàu, và ông ta dạy Quan Thoại và văn hóa Trung Quốc ở Văn khoa Đại học ta, nên tôi nghĩ rằng chắc ông ta cũng không dở lắm.
Ông Lý Văn Hùng hỏi tôi:

- Tiên sinh có biết danh từ “cái đôn” của Việt Nam, nguồn gốc nó là gì hay không ?

- Không, đó là tiếng Việt Nam cổ, khó biết nguồn gốc lắm. Thí dụ, cái nhà thì là cái nhà, chớ còn làm sao mà biết nguồn gốc của danh từ nhà được !

Họ Lý lại cười mà rằng:
- Đôn là tiếng Tàu đó, chớ không phải là tiếng Việt đâu. Các nhà nho Việt Nam đọc sai tiếng Tàu, nhưng dân chúng Việt Nam thì lại đọc đúng là đôn, nên chẳng còn ai biết đôn do đâu mà ra nữa. Đôn là tiếng Tàu ngõa cổ đăng mà ra.
- Ngõa cổ đăng là gì ?
- Xem chữ viết đây thì hiểu ngay.

Ông Hùng nói rồi, lấy bút ra viết ngay ba chữ ngõa cổ đăng. Cổ là cái trống. Đăng là gì thì tôi không biết, chỉ thấy chữ ấy được viết bằng chữ đăng với bộ Thổ (?) thì tôi đọc là đăng vậy thôi. Tôi hỏi:
- Đăng là cái gì ?
- Là cái ghế ngồi. Hồi đời xưa, nước tôi chưa biết chế tạo ghế gỗ thì chế tạo bằng đất nung, tức bằng ngõa vậy, chứ đâu phải là bằng ngói. Ngói quá mỏng, ngồi lên đó, ghế sẽ gẫy còn gì.

Cái chữ nầy, Quan Thoại đọc là tôn, dân chúng Việt Nam nói là đôn là chỉ nói sai có một chút xíu thôi. Chính các nhà nho Việt Nam mới là đọc sai quá nhiều là đăng. Đó, tiên sinh đã thấy hay chưa là ngõa đâu có phải mang có một nghĩa là ngói. Ngõa là đất nung ấy chớ, tức gạch cũng là ngõa.

(Học lại chữ Tàu – Bình Nguyên Lộc)

Ca dao thề nguyền


Cầm vàng mà lội sang sông
Vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng


Tác giả cuộc đời và sự kiện


Nguyễn Văn Tố - 1

Năm 1936, sang du lịch xứ Lào, có một người Pháp làm giáo sư ở Hà Nội cùng đi du lịch như tôi (Lê Thanh). Nhân nói đến việc ông Nguyễn Văn Vĩnh mất ở Tchépone, vị giáo sư ấy nói với tôi : “Xứ Bắc Kỳ có ba người đáng chú ý : Ông Phạm Quỳnh, ông Nguyễn Văn Vĩnh và ông Nguyễn Văn Tố. Nếu người ta bắt tôi phê bình ba người, chắc tôi phải kết luận bài phê bình của tôi rằng: Tôi cảm phục ông Quỳnh, tôi thương ông Vĩnh và tôi yêu ông Tố”
Từ đấy, , tôi vẫn do dự mãi, không dám ngỏ ý đến chơi để nói chuyện với tiên sinh.Nhưng hôm nay thì tôi không còn do dự nữa. Vì nghĩ sau này, nếu ai biên tập cuốn sử văn học Việt Nam hiện đại, trong mục những nhà học giả, không thể nào không để vài trang nói về tiên sinh Nguyễn Văn Tố..
.

***
-Rồi sau gặp trường hợp nào, tiên sinh bắt đầu viết văn? Công việc luyện tập quốc văn của tiên sinh thế nào ?
 Tôi không luyện tập gì cả, vì thực ra không phải là văn. Tôi thấy gì chép nấy, chép một cách giản dị, thế thôi.
Năm 1907, tôi 17 tuổi, ông Chánh Trường Bác cổ cho đi Dalat và Lang-Bian chép tiếng mọi Ko-ho, ta thường gọi là “mọi cà-răng căng-tai”. Giữa đường, gặp người Tây làm chủ báo “L’Indochine commerciale” nhờ viết vài bài. Tôi làm bài “Voyage d’études en Annam”, ký tên là Nguyễn Tố, đó là bài báo đầu tiên của tôi.
Viết báo, tiên sinh thường chuyên về loại gì?
- Thường ngày nào cũng viết, nên gặp cái gì có thể làm đầu đề là viết, vấn đề xã hội, văn chương...Khi ông Đào Duy Anh định ra vài bộ sách Quốc học, ông có nhờ tôi trông nom bộ sử học và soạn một vài quyển sử. Tôi nhận lời dự bị soạn một tập về Lý Bôn...


- Tiên sinh có tin rằng nho học mình không có những người đủ sức để đảm nhận công việc ấy?
- Tôi tưởng nho học không thể tàn được, mà chữ nho không thể mất hẳn, vì người mình còn theo thuốc bắc, còn theo đạo Phật, thì Hán học hãy còn : muốn học kinh, muốn hiều đạo, phải đọc nho. song nếu không phòng ngay, thì có lẽ sau này, nước ta sẽ có một hồi như hồi triều Lý, Trần... Mà lúc ấy, việc làm sử sẽ khó hơn, vì có thứ sử liệu mất dần đi, hay “tam sao thất bản”. Bởi vậy, ngay bây giờ phải đem dịch sử chữ nho ra chữ quốc ngữ. Ý của tôi về các bộ sử Việt Nam tôi đã viết trong Bulletin de la Société d’Enseignement mutuel. Vì là bước đầu tiên nên những sách ấy có nhiều chỗ lầm lẫn.


Đến năm 1875-1877, ông Trương Vĩnh Ký cho xuất bản hai quyển Cours d’histoire annamite. Quyển này khá hơn. Tác giả là một người thâm nho, đã lấy tài liệu thẳng ở những bộ sử của ta, lại là người ta, hiểu việc của ta, nên sự phán đoán chắc chắn hơn.

(Trích từ cuốn sách Cuộc phỏng vấn các nhà văn của Lê Thanh
do nhà Đời Mới xuất bản tại Hà Nội năm 1943)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

 

Anh đi đêm chẳng trôi nhanh, 
Anh về lại muốn ngày thành là đêm. 
Anh đi bắt buộc nằm không, 
Anh về nếu bắt nằm không... không nằm.

 

Tác giả cuộc đời và sự kiện


Nguyễn Văn Tố - 2

- Tiên sinh chuyên về sử, lại sẵn có tài liệu, sao tiên sinh không dự bị soạn bộ nào cả ? Ý tiên sinh về những bộ sử đã có ra sao ?
- Hiện nay, nước ta cho việc làm sách cũng như một “nghề kiếm ăn”, cho nên tôi chưa dự định in sách, chỉ viết báo thôi. Vả lại, tôi tưởng chưa phải lúc soạn hẳn một bộ sử như bộ Toàn thư của các cụ ngày xưa. Vì còn nhiều vấn đề chưa giải quyết xong, cần phải nghiên cứu vụn vặt đã, đem những việc nhỏ ra xét lại. Những việc ấy rất nhiều, khi nào tìm được rõ ràng, ta mới nên làm đến việc lớn là soạn bộ sử từ thượng cổ đến cận kim... Tôi thiết nghĩ phải soạn lại từ đầu, dịch hết các bộ sử chữ nho ra quốc ngữ, như bộ Đại Việt sử ký, Khâm định Việt sử, v.v...
Các cụ ngày xưa chép sử có phương pháp và cẩn thận lắm, chỉ chép việc, không hề nói đến tình cảm riêng, thật là hoàn toàn “khách quan”, cũng như phần đông những nhà làm sử Âu châu bây giờ. Có một điều đáng tiếc là ta chép sử của nước ta sau người Tàu, thành ra các cụ phải dựa vào sách Tàu, lại không chua rõ ở sách nào, ngày nay ta muốn kiểm điểm lại thật khó. Công việc càng khó, ta càng phải nghĩ đến gấp, vì rồi đây năm ba mươi năm, không còn mấy người thông nho thì ai là người đảm nhận những công việc ấy.
- Ý tiên sinh đối với quyển Việt Nam sử lược của ông Trần Trọng Kim thế nào?
Bộ  sử của ông Kim vẫn là bộ sử có giá trị nhất. Tác giả tìm tài liệu thẳng trong sách nho, dàn xếp và chia thời đại rất khéo; bỏ cái lối kể dài dòng về những việc riêng của các triều vua, chỉ chép những điều quan trọng đến dân gian, để ý đến lịch sử của nước hơn là lịch sử nhà vua.
Về sử, phương pháp làm việc của tiên sinh như thế nào ?
- Phương pháp, tôi theo quyển “Introduction aux études historiques” của Ch. V. Langlois và Ch. Saignobos, và quyển “De la méthode dans les sciences”, trong có bài của ông G. Monod về phép làm sử. Đại khái nhà làm sử bắt đầu phải tìm tài liệu cho thật đủ, chọn lọc và phê bình tài liệu, rồi mới dùng tài liệu để viết thành sách.
Khi đã tìm đủ tài liệu, nhà làm sử phải phê phán xem thứ nào dùng được chắc chắn, thứ nào phải tạm bỏ ra. Khi đã phê phán tài liệu xong, biết được những việc nhỏ, lúc bấy giờ mới bắt đầu tổng hợp lại thành những việc lớn... rồi theo đấy mà viết thành sử. Viết đúng như sử liệu, đừng để tình cảm, vì để tình cảm vào, sợ có khi thiên.

(Trích từ cuốn sách Cuộc phỏng vấn các nhà văn của Lê Thanh
do nhà Đời Mới xuất bản tại Hà Nội năm 1943)
Những bậc thầy trong văn xuôi của tôi

Nguyên Hồng - 1
Anh tiếp:
- Còn Bỉ Vỏ (Giải thưởng Tự Lực Văn Đoàn năm 1937) thì dài dòng lắm, nhưng tóm tắt như thế này: Trước nhất là tôi có biết chuyện một cô gái ở gần làng tôi chửa hoang với một anh chàng trên tỉnh về quê chơi. Cha mẹ cô tức giận, muốn giết cô cho mất cái nhục. Nhưng vì không giết được, nên khi cô sanh được đứa bé ra, thì ông bà bán đứa bé. Cô gái đau khổ và hận tình, bèn lén nhà đi ra tỉnh tìm anh chàng kia. Rồi chằng tìm được chàng kia mà lại rơi vào nhà thổ. Đó là mảnh thứ nhất.
Mảnh thứ hai là Năm Sài gòn. Tôi quen thành phố Cảng, ở đây có nhiều dân “chạy vỏ” để sống. Hắn là người Bắc, nhưng tôi thấy hắn có dáng điệu ‘Sài gòn” nên đặt cho hắn cái tên ấy. (Tôi không rõ Sài gòn ra sao, nhưng cứ nghĩ thế.) Rồi tôi ráp cô bé với Năm Sài gòn lại nhau. Nhưng như thế đâu đã ra cái chuyện gì. Tôi bèn cho “đất bằng dậy sóng”: Năm Sài gòn ghen, và cô bé ra đi, lấy mật thám. Đó là mảnh Bỉ Vỏ thứ ba.

Mảnh thứ tư là Năm Sài gòn bị bắt, cô bé lén lấy chìa khóa mở cổng thả tình nhân cũ. Rồi hai bên tái hợp về Cảng tiếp tục nghề “chạy vỏ”.

Mảnh thứ 5, kết cục.
t hôm cô bé đang ở nhà thì Năm Sài gòn chạy về, trên tay ôm thằng bé đã chết cứng. Anh ta cướp thằng bé trên tàu và nhảy xuống sông lặn, thoát về nhà. Ngờ đâu khi cô bé nhìn cái dấu riêng thì nhận ra là con của cô ta, đứa bé cô đi tìm mà không gặp. Câu chuyện thật bi thảm, kết cục thật tài tình. Anh nói tiếp:
– Ở đời đâu có sẵn truyện cho mình chép, cậu phải tạo nó ra chứ? Nếu không tạo thì sao có vụ cướp nhảy tàu?
Xuân Vũ)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Lạy thượng đế bao giờ con hết khổ
Tổ cha mày con khổ mãi nghe con

Những bậc thầy trong văn xuôi của tôi
Nguyên Hồng - 2

Dựng truyện cũng như mình cất một ngôi nhà. Có khi nào ở trên trời rớt xuống cho cậu một ngôi nhà đâu! Cậu phải mất tiền mua sắm gỗ, lá, mua đất làm nền, và cuối cùng là phải tự biết sức thợ để dựng nó lên theo ý của mình. Thợ mộc thì cất nhà giống nhau, nhưng người viết truyện lại khác, có khi lấy đuôi làm đầu, có khi lại bắt đầu vào giữa truyện. Có người thích viết giật gân, làm độc giả đọc chương trước, không đoán ra chương sau, cũng như kịch vậy. Nhưng cũng có người cứ từ từ tốn tốn kể lể theo thứ tự của các sự việc, không nhảy, không lộn ngược lộn xuôi mà người đọc cũng thích thú như thường.
Bởi vậy nên người ta nói: “văn là người” là vậy.

Đó là tiểu thuyết. Nó dài nên khó nói nhanh và rõ. Hãy lấy một truyện ngắn, như Chí Phèo của Nam Cao. Anh ấy vô đầu với câu: “Hắn vừa đi vừa chửi.” Hắn nào? Đọc một đoạn mới rõ.
Cũng có người viết đơn giản. Như cụ Hồ Biểu Chánh trong Nam. Cụ ấy viết như nói. Vào đầu, chuyện xẩy ra ở đâu, năm nào, cô gái con của ai, ngôi nhà ra sao, trước sân có trồng trầu, trồng cau…Không giật gân gì hết, nhưng truyện nào của cụ cũng hấp dẫn, hễ đọc là không buông sách xuống được.
(Xuân Vũ)

Câu đố dân gian
Thân dài lưỡi cứng là ta,
Hữu thủ vô túc, đố là cái chi?
Cái cuốc)

Giai thoại làng văn xóm chữ
Có một giai thoại về Nguyễn Khuyến như sau:
Làng Cổ Ngựa có ngôi đền thờ thánh mẫu thu hút khá nhiều người đến lễ bái. Nhằm kiếm chác đám người mê tín, hào lý trong làng xuất quỹ xây lại đền to hơn, đẹp hơn.
Biết rõ ý đồ này, cụ Nguyễn Khuyến gửi đôi câu đối xuống cúng thánh, mừng làng:
- Mỹ nhân như ngọc, hành vũ, hành Phong, anh linh mạc trắc (Nghĩa là: Người đẹp như ngọc, làm gió, làm mưa, thiêng không lường hết).
- Tế thế kỳ âm, hộ dân hộ quốc, thượng lại vô cùng (Nghĩa là: Âm đức cứu đời, giúp dân, giúp nước, ơn đội vô cùng).

Lời ca ngợi thánh mẫu thật sự nghiêm túc chăng?

Ngày xưa viết không có dấu phẩy ngăn cách các từ, và mấy ông chức sắc đã tái mặt khi đọc lại:
- Mỹ nhân như ngọc hành…
- Tế thế kỳ âm hộ…
Hiện tượng mơ hồ và văn học trào phúng – Nguyễn Đức Dân)

Giờ tí

Nửa đêm giờ tí canh ba
Vợ tôi con gái, đàn bà, nữ nhi
(ca dao)

Ban đêm chia ra làm 5 canh:
Canh một từ 8 đến 10 giờ (giờ tuất)
Canh hai từ 10 đến 12 giờ đêm (giờ hợi)
Canh ba từ 12 đến 2 giờ sáng (giờ tí)
Canh tư từ 2 đến 4 giờ (giờ sửu)
Canh năm từ 4 đến 6 giờ (giờ dần)
(Việt Nam anh hoa – Thái Văn Kiểm)

125 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
(*) Bài lên tiếng của Nguyễn Thị Minh Thúy, là vợ cũ của nhà thơ quá cố Nguyễn Tất Nhiên.
Cách đây không lâu, một người bạn có kể cho tôi nghe là nhà thơ Du Tử Lê đã tuyên bố ở đâu đó rằng bút hiệu Nguyễn Tất Nhiên của tác giả “Thà Như Giọt Mưa” là do ông đặt ra cho người thi sĩ quá cố này. Tôi không lấy gì làm bận lòng về tính khả tín của nó.

Ðể tránh làm mất thì giờ…
Vào khoảng gần cuối năm 1970, lúc tôi đang học lớp đệ tam thì anh Nhiên có xin phép thầy hiệu trưởng mang tập thơ Thiên Tai, với bút hiệu Nguyễn Tất Nhiên hẳn hòi, vào từng lớp để bán vì tập thơ in xong mà tác giả chưa chạy đủ tiền để trả cho nhà in. Chi tiết này cũng được nhà báo Hà Tường Cát, vốn là thầy dạy của chúng tôi tại trường Trung Học Ngô Quyền, kể lại trên một bài viết được đăng báo vài ngày sau khi anh lìa đời. Cũng qua bài “Vài Kỷ Niệm Về Nguyễn Tất Nhiên” (nhật báo Người Việt, số 2481 ngày 8 Tháng Tám, năm 1992), tôi mới biết thêm là hình bìa tập Thiên Tai do Ðinh Cường vẽ chính là “công” của thầy Cát (vì đối với giới học trò làm thơ như chúng tôi lúc đó, có hình bìa Ðinh Cường là một điều rất đáng nể, rất “ngầu,” nghĩa là một ấn tượng rất khó quên)


Chúng đã được nhà báo Hoàng Dược Thảo (người bạn đời của ông Du Tử Lê) kể lại với tấm lòng cảm thông qua một bài viết dài. Bài được đăng trên tuần báo Sài Gòn Nhỏ của bà ngay sau khi anh Nhiên qua đời (Tháng Tám, 1992) và sau đó có đăng lại trên tạp chí Tân Văn (số 3, Tháng Mười, 2007) dưới tựa đề “Nguyễn Tất Nhiên (1952-1992), Buồn Hơn Trước Nhiều.” (“Buồn hơn trước nhiều” là lời thơ của Nguyễn Tất Nhiên).

(Trả lời bài viết của Du Tử Lê - Nguyễn Thị Minh Thủy)

Bình vôi

Miền bắc Việt, cũng như miền trung có tục thờ cây cối. Dưới gốc cây to, cổ thụ người ta thường đặt những bình vôi sứt mẻ đã dùng chứa vôi ăn trầu.

Đấy là một đồ dùng để ăn trầu khi nào bể vỡ người ta không vứt đi mà người ta phải đặt vào một gốc cây. Đặt bình vôi vào dưới gốc cây không phải để cúng cây, Bình vôi là cái gì chứa một quyền năng thần bí có quan hệ mật thiết đến vận mệnh của gia đình, cho nên người ta thường gọi là “Ông” bình vôi. Nếu vôi bám vào nơi miệng bình thành bờ thì gia đình làm ăn thịnh vượng, còn trái lại là điềm gở, xấu. Bởi thế nên khi có bình vôi sứt mẻ, người ta đặt dưới gốc cây vì gốc cổ thụ là nơi đặc biệt tụ khí (mana), tức là khí thiêng.
Do đấy mà về sau có tục thờ cây.

(Tục thờ cây ở Việt Nam – Nguyễn Đăng Thục)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Có chồng phải “ấy” ai ơi
Cớ sao anh lại khơi khơi nằm kề?

Lục bát dân gian
Theo thống kê của nhiều nhà nghiên cứu văn học dân gian thì có đến trên 90% ca dao, dân ca là thể thơ lục bát. Cũng có thể xem ca dao dân ca chính là nơi "nằm nôi" của thể thơ lục bát và ở cái tuổi "nằm nôi" này Lục bát có những đặc điểm rất riêng của nó.

Có lẽ vì ra đời trong môi trường truyền miệng và lại đồng hành cùng với nhiều hình thức diễn xướng dân gian khác nên Lục bát dân gian có khá nhiều dạng thức biến thể. Đó là dấu tích của sự chưa định hình hay là sự tương tác qua lại lẫn nhau giữa thơ và các hình thức diễn xướng khác ?

Tuy ca dao đã là trên 6 dưới 8 nhưng khả năng mở rộng dung lượng câu của lục bát dân gian còn khá lớn. Có những câu vẫn tồn tại ở cả hai dạng: nguyên dạng chúng là một cặp lục bát trên 6 dưới 8: "Yêu nhau mấy núi cũng trèo / Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua"; nhưng ở dạng biến thể, chúng lại thành một cặp lục bát trên 7 dưới 11 hoặc 13...:"Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo / Ngũ lục sông cũng lội thất bát (cửu thập lục)... đèo cũng qua".
Trong ca dao ta có thể tìm được khá nhiều những câu tương tự:

-Anh tưởng nước giếng sâu anh nối sợi gầu dài
Nào ngờ nước giếng cạn anh tiếc hoài sợi dây
(Nguồn: Đỗ Đình Tuân)

Bản thảo

Theo Tầu là sách ghi chép…các vị thuốc.
Theo Ta là bản viết tay, bản đánh máy của một tác phẩm trước khi mang đi in ấn.

Nam Kỳ lục tỉnh: Đất nước và con người


Văn học Nam Kỳ
Để nhận xét về các sách dịch thuật truyện Tàu từ đầu thế kỷ XX vô cùng phát triển ở miền Nam (những dịch giả quan trọng là các chủ bút hay phụ bút cho nhiều tờ báo ăn khách lúc đó như Nguyễn Chánh Sắt, Trần Phong Sắc, Nguyễn An Cư, Nguyễn Liên Phong...nên truyện dịch của họ được đăng ngay trong báo hay in từng tập phổ biến dễ dàng trong dân chúng, gây thành một phong trào), lưu hành ra Trung Bắc và được độc giả Trung Bắc ưa thích, Phạm Quỳnh, cũng trong Nam Phong đã nặng lời:
”Nghề làm sách ở Nam Kỳ cũng thịnh lắm... Cái số sách xuất bản ở NK không biết bao nhiêu mà kể. Nhất là các loại dịch các tiểu thuyết Tàu cũ như Tam Quốc, Thủy Hử, Chinh Đông, Chinh Tây, Phản Đường, Tùy Đường, Đông Châu, Phong Thần... nếu sưu tập cả lại thì làm được cái thư viện nhỏ.

Nhưng những tiểu thuyết Tàu từ tám mươi đời đó, văn chương đã chẳng ra gì mà truyện thì toàn quái đản của mấy bác cuồng nho bên Tàu, ngồi không bịa đặt ra để khoái trá bọn hạ lưu vô học. Thế mà dịch nhiều như vậy, thịnh hành như vậy, nghĩ cũng kinh thay. Không trách cái tư tưởng quốc dân những chìm đắm trong sự mê hoặc không cùng... “
Nam Kỳ có một nền văn học đa dạng, phong phú từ hơn 150 năm nay. Mảng văn học nầy là phản ảnh tiếng nói, tâm tình và tâm tính của người Việt từ Đàng Ngoài, sau gần 400 năm lập quốc ở phương Nam, hòa tụ với văn hóa Minh Hương và văn hóa bản địa, văn hóa tây phương để biến trở thành một mảng văn hóa độc đáo mang sắc thái đặc biệt của đất Nam Kỳ, đất phuơng Nam.
(Lâm Văn Bé)

Đồng dao, đồng diêu

Một bài đồng dao về cuộc sống luẩn quẩn loanh quanh trong xóm ngoài làng là Ông Ninh Ông Nang được Lê Thương phổ nhạc:

Ông Nỉnh ông Ninh/ ông ra đầu đình/ ông gặp ông Nảng ông Nang
Ông Nảng ông Nang/ ông ra đầu làng/ ông gặp ông Nỉnh ông Ninh
Nang Ninh đầu đình/ và Ninh Nang đầu làng
Nang Ninh làng đình/ rồi Ninh Nang đình làng
Nang Ninh làng đình Nang Ninh/ Ninh Nang đình làngNang Ninh
Nang Ninh làng đình Ninh ...
(Trần thị LaiHồng – Đồng dao và trò chơi trẻ con)

Nguồn gốc tộc Việt

Người vượn
Ông tổ của thuyết “tiến hoá” chỉ có thể lý luận được bằng lý thuyết chứ chưa chứng minh được bằng khoa học về câu hỏi: làm thế nào mà người vượn (Homo-Erectus) lại có thể biến thành người hiện đại (Homo-Sapiens) như chúng ta ngày nay?
Thuyết chủ trương con người cũng như muôn loài trên trái đất đều từ một đơn bào phát sinh cách nay khoảng 1 tỷ rưỡi năm biến đổi sinh thành. Riêng ông tổ trực tiếp của loài người đều được các nhà nhân chủng cho là từ một giống người vượn đi thẳng bằng hai chân tên khoa học là Homo-Erectus biến hóa dần mà ra. Như ta đã biết dấu vết người vượn cho đến nay tìm được, xưa nhất là ở Đông Phi Châu. Người ta chia làm ba loại:

- cổ nhất thường được gọi là người Viễn Cổ (Proteo-anthropus) từ 1 triệu năm trở về trước (dấu chân người vượn homonid có thể cách đây đến 3 triệu rưỡi năm!).
- cổ thứ nhì thường được gọi là người Thái Cổ (Arche-anthropus) có từ 100.000 năm đến 1 triệu năm.
- cổ thứ ba được gọi là người Thượng Cổ (Paleo-anthropus) từ khoảng 40.000 năm đến hơn 100.000 năm trở về trước.

- sau hết là người Hiện Đại (Neo-anthropus) là mẫu hình nhân loại ngày nay tên khoa học là Homo- Sapiens-Sapien xuất hiện cùng một loạt ở nhiều nơi mà khảo cổ tìm thấy xương cốt cách đây trên dưới 40.000 năm. Hai trung tâm tìm thấy người Hiện Đại đầu tiên là Đông Nam Á (Hang Nia) và Tây Á.
(Nguồn: Cung Đình Thanh)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Những sai lầm tai hại trong hai quyển Từ điển từ và ngữ Việt Nam và Từ điển từ và ngữ Hán Việt của Nguyễn Lân.

tằng tổ 曾祖

Tằng tổ nghĩa là người cha của ông nội, tức là cụ nội. Soạn giả đã giảng giải đúng nghĩa của từ này. Tuy nhiên, ông cho rằng, tằng là ông tổ bốn đời thì không ổn. Các từ điển của Trung Quốc đều giải thích rằng, tằng曾 là tính từ để chỉ quan hệ thân thuộc cách nhau hai đời (hoặc kể từ đời nọ đến đời kia thì tính là bốn đời).
Bởi vậy, mới có từ tằng tôn nghĩa là đứa cháu ở đời thứ tư (mà ta gọi là chắt). Như vậy, rõ ràng rằng, tằng không phải là ông tổ bốn đời như soạn giả đã dạy.
(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)

Lễ hội Con đĩ đánh bồng




Mở đầu bằng nghi lễ rước kiệu diễn ra long trọng trong sự thành kính của người dân làng Triều Khúc. Tiếp đến là những điệu múa lân, múa rồng của các trai thanh trong làng, đặc biệt nhất là màn múa “Con đĩ đánh bồng”.

Điệu múa đánh bồng cực phóng khoáng, dứt khoát mạnh mẽ, nhưng cũng rất mềm mại, linh hoạt. Chỉ có mấy động tác đơn giản như xoay tròn, dựa lưng, úp mặt vào ngực nhau nhưng quả thực mang cái dáng dấp "kiểu cách", "sang chảnh" không phải ai cũng bắt chước được. Sau màn múa là rước kiệu Bố Cái đại vương Phùng Hưng về đình làng

(Nguyễn Dư)


Mời Xem “Chữ nghĩa làng văn - Ngộ Không Phi Ngọc Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét