22 thg 6, 2020

Ảnh hiếm về cuộc sống mưu sinh vất vả của người dân Anh thế kỷ 19

Trái với một London hiện đại ngày nay - nơi mọi thứ đều được công nghiệp hóa, London của thế kỷ 19 chứng kiến nhiều tầng lớp lao động buôn bán thủ công, thô sơ ngay trên các con phố.


Những bức hình được chụp vào giai đoạn 1884 – 1887 tại thủ đô của nước Anh, ghi lại cuộc sống mưu sinh hàng ngày của tầng lớp lao động ở London.

Trong thời kỳ này, buôn bán hàng rong vẫn còn phổ biến trên đường phố London, với sự tham gia đông đảo của cả trẻ con và người lớn, buôn bán đủ mọi vật phẩm phong phú.
Những người bán hàng rong chủ yếu là tầng lớp lao động nghèo, bán các loại mặt hàng cho tầng lớp trung lưu sống ở trung tâm thành phố. Trong giai đoạn này, xe ngựa vẫn là phương tiện phổ biến nhất nên không khó để nhận ra, những chỗ buôn bán sầm uất nhất ở London luôn đi kèm với hình ảnh người bán chất đầy hàng trên xe ngựa, đỗ dọc các con phố và chào mời người mua hàng.
Cùng với đó, những bức hình đen trắng đem người xem trở lại về thời kỳ mà người thợ lau dọn ống khói đứng chào việc, người bán cá tươi đẩy xe chào hàng khắp phố, người bán bánh mì với các rổ hàng cồng kềnh đều là những hình ảnh quen thuộc của cuộc sống hàng ngày.
 Người thợ vệ sinh ống khói đứng chờ khách tại quận Greenwich (London). Khi công nghệ dọn dẹp chưa hiện đại như ngày nay, lau dọn ống khói vẫn là nghề nghiệp phổ biến.
Khi những siêu thị cung cấp mọi nhu yếu phẩm cần thiết chưa ra đời, công việc đi chợ, chuẩn bị thực phẩm của người dân London phụ thuộc nhiều vào các xe bán hàng rong. Trong ảnh, hai người đàn ông hành nghề bán cá đang đứng trò chuyện trên phố. 
Cách thợ làm bánh ở London rao bán bánh mì ở thế kỷ 19 vẫn hoàn toàn thủ công: họ đội các khay bánh lớn trên đầu, đi dọc các phố cùng với chuông cầm tay để báo hiệu cho người mua. 
 Ngay cả khi sở hữu cửa hiệu, W.Thompson – 1 chủ tiệm bánh vẫn lựa chọn phương pháp quảng bá sản phẩm bánh của mình ngoài vỉa hè.
Cùng với nghề làm bánh, việc bán và giao sữa trên các xe đẩy cũng là hình ảnh phổ biến trên đường phố London. Những người bán hàng sẽ đựng sữa trong các bình lớn rồi đẩy xe chào hàng qua từng nhà.
  Những người bán sữa trên phố đầu tư hơn thường trang bị thêm ngựa làm xe kéo, giúp việc vận chuyển các thùng sữa bớt nặng nhọc.
   Người dân có nhu cầu mua sữa sẽ sử dụng chai lọ có sẵn của mình để người bán hàng chiết sữa từ can lớn vào. Khác với việc hàng hóa luôn có sẵn như ngày nay, người dân London đương thời thường chỉ có thể mua sữa vào thời điểm ban sáng, khi những người giao sữa làm việc.
Một người bán hàng vác đầy thịt thỏ trên vai. 
Trẻ con tụ tập bên xe bán kem tại con phố Stockwell. Là món ăn ưa thích của nhiều người, đặc biệt là trẻ em, các xe đẩy bán kem luôn thu hút lượng khách lớn là các em nhỏ.
Cậu bé bán báo giấy đang tìm kiếm khách hàng. Thời kỳ này, báo in vẫn là phương tiện người dân sử dụng thường xuyên nhất để cập nhật thông tin mỗi ngày nên đông đảo trẻ em hành nghề bán báo trên phố.
Một người bán đồ chơi rong ngoài Đại học Hải quân Hoàng gia Anh. Gần 2 thế kỷ trước, các món đồ chơi cho trẻ em đều đơn giản, làm hoàn toàn thủ công.
 Biểu diễn đường phố đã xuất hiện ở đất nước Anh từ lâu. Trong ảnh, một nghệ sĩ violin mù đánh đàn ngoài một nhà hát trong thành phố. Bên cạnh người đàn ông là chú chó nhỏ có nhiệm vụ thu hút thêm khán giả.    
Chú bé trong bộ đồng phục nhân viên vệ sinh dùng chổi quét dọn đường sá London.
 Một người đàn ông đang chào bán khay bánh gừng cho các vị khách thuộc tầng lớp trung lưu, khá giả.


Người phụ nữ hành nghề bán rau trên phố. Với đặc trưng của bối cảnh lịch sử, trang phục của phụ nữ Anh trong giai đoạn này ở mọi tầng lớp đều được thiết kế kín đáo từ đầu tới chân, cùng những kiểu mũ cầu kỳ.

  (Từ Cảnh chuyển)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét