Anderson v. Cryovac, Inc., 805 F.2d 1 (1st Cir. 1986) là một trong những vụ kiện tụng liên quan đến môi trường đầu tiên và đình đám nhất nhất trong lịch sử tư pháp Hoa Kỳ.
Cuối những năm 70, một nhóm các gia đình ngụ tại thành phố Woburn bang Massachusetts
phát hiện ra họ đều có chung một bi kịch: nhiều trẻ con trong các gia
đình này đều bị chứng bệnh ung thư bạch cầu quái ác.
Các gia đình này đều không tin rằng đó
chỉ là một sự tình cờ, đặc biệt sau khi báo chí thành phố Woburn rầm rộ
đưa tin về việc cảnh sát phát hiện việc một số công ty đổ xả trái phép
chất thải công nghiệp gần hai giếng nước là nguồn nước cho cộng đồng
thành phố Woburn suốt nhiều năm. Năm đứa trẻ và một người lớn thuộc tám
gia đình tại Woburn đã chết vì bệnh ung thư bạch cầu hoặc các tai biến
của bệnh này. Tám gia đình này quyết định không chịu ngồi yên. Họ tìm
tới văn phòng luật nhỏ của luật sư Jan Schlichtmann và các cộng sự.
Sau một quá trình điều tra thu thập
chứng cứ, tháng 5 năm 1982, tám gia đình tại Woburn chính thức kiện ra
tòa ba doanh nghiệp đã tham gia đổ xả chất thải gần nguồn nước của thành
phố. Văn phòng luật nhỏ của luật sư Jan Schlichtmann và các cộng sự bắt
đầu phải đối đầu với những công ty luật và luật sư danh tiếng của Mỹ
vốn được đổ cả đống tiền từ những doanh nghiệp giàu có về tiền bạc nhưng
nghèo nàn về đạo đức và trách nhiệm xã hội.
Câu chuyện của vụ Anderson v. Cryovac đã
không có một cái kết David thắng Goliath giống kiểu chuyện cô nàng Erin
Brockovich mà người ta thường mong đợi. Vụ kiện kết thúc bằng một thỏa
thuận giàn xếp mà trong đó các doanh nghiệp bồi thường cho tám gia đình
vỏn vẹn 8 triệu đô la, ít hơn rất nhiều so với mức đòi bồi thường.
Các luật sư thuộc văn phòng của luật sư
Schlichtmann làm việc cho tám gia đình Woburn trong vụ việc phức tạp kéo
dài 4 năm này đều gặp phải cảnh nợ nần chồng chất vì đã tốn quá nhiều
thời gian và chi phí cho vụ việc này.
Bản thân luật sư Schlichtmann tán gia
bại sản và bị người yêu bỏ. Tài sản của vị luật sư yêu công lý nhưng
liều lĩnh này khi được kê khai tại tòa xử lý phá sản chỉ còn vỏn vẹn 14
đô la trong tài khoản, một cái radio và một đống quần áo.
Sau tất cả, luật sư Schlichtmann vẫn
tiếp tục hành nghề chuyên về lĩnh vực môi trường và khôi phục sự nghiệp
thành công. Vài năm sau vụ kiện, người dân thành phố Woburn cuối cùng
cũng giành được công lý sau khi các doanh nghiệp xả thải bị Cơ Quan Bảo
Vệ Môi Trường Hoa Kỳ kiện ra tòa thành công và bị buộc trả tiền cho việc
tái tạo làm sạch nguồn nước bị ô nhiễm của thành phố Woburn.
Toàn bộ vụ Anderson kiện Cryovac được kể lại rất chi tiết và sống động trong cuốn sách Một Vụ Kiện Dân Sự (A Civil Action)
của nhà báo Jonathan Harr. Tác phẩm này sau đó được dựng thành phim năm
1998 với tài tử John Travolta vào vai luật sư Schlichtmann.
Phần được trích dẫn từ Một Vụ Kiện Dân Sự trong Café Luật Khoa kỳ này cho chúng ta thấy một phần cuộc đối đầu nảy lửa trong phòng xử án giữa luật sư hai bên.
Trích đoạn “Một Vụ Kiện Dân Sự”- Jonathan Harr (Random House 1995):
“… Schlichtmann ước tính là ông phải
dùng bốn đến năm tuần để hoàn thành phần trình bày về nguồn nước trong
vụ việc. Nhìn chung nhiệm vụ của ông khá đơn giản. Ông phải chứng minh
được là đất đai nhà xưởng của các công ty Grace và Beatrice đã bị nhiễm
bẩn với chất TCE – Trichloroethylene (chất gây ung thư bạch cầu – ND) và
các chất độc hại khác. Các chất này sau đó đã ngấm vào nước ngầm và lan
đến các giếng nước của thành phố từ những năm 1960.
Ông sẽ yêu cầu triệu tập khoảng ba mươi
nhân chứng, nhưng ông định là sẽ chủ yếu dựa vào tường trình của hai
nhân chứng chuyên gia (expert witness).
Người đầu tiên là một nhà địa chất học,
người sẽ miêu tả cho bồi thẩm đoàn mức độ nhiễm chất TCE của đất trong
khuôn viên nhà xưởng của các công ty Grace và Beatrice, cũng như thời
điểm ô nhiễm theo ý kiến của chuyên gia này. Chuyên gia thứ hai, một
giáo sư đại học Princeton, một bậc đại thụ về nghiên cứu mạch nước ngầm,
sẽ giải thích cách mà chất TCE đã thấm qua tầng ngậm nước và bị bơm vào
các giếng nước G và H…
… Nhà địa chất học là John Drobinski.
Ông đã cùng Schlichtmann giành nhiều ngày trước khi phiên tòa bắt đầu để
chuẩn bị phần tường trình của ông. Năm vừa qua, Drobinski đã lãnh đạo
một nhóm công nhân kiểm tra từng thước một phần đất đai nhà xưởng của
Beatrice và Grace…
… Dựa trên những phát hiện của họ, đặc
biệt từ các bức không ảnh chụp từ những năm 50 và 60 cho thấy rõ những
đống rác thải, Drobinski sẽ bước lên bục nhân chứng và làm chứng trước
tòa là phần đất nằm kế xưởng da thuộc của Beatrice đã bị nhiễm độc trong
khoảng thời gian ít nhất là 25 năm.
Schlichtmann tính là ông sẽ cần khoảng ba ngày để dẫn dắt Drobinski đưa ra tường trình chống lại Beatrice.
“Tranh luận của bên nguyên dựa vào việc
tạo đà từ từ,” luật sư Facher (Luật sư danh tiếng đại diện công ty
Beatrice bên bị – ND) đã có lần nói thế với lớp luật trường Harvard mà
ông giảng dạy. “Phần tranh luận của bạn càng ít bị phản đối, tranh luận
của bạn càng tiến triển tốt hơn. Việc phản đối sẽ phá vỡ nhịp độ của một
phần trình bày chứng cứ.”
Và thật sự là Facher phản đối liên tục.
Ngày ra tòa thứ hai, trong buổi sáng mà Drobinski sẽ ra làm chứng,
Facher đòi được thảo luận riêng với thẩm phán và luật sư các bên ngay
tại bàn thẩm phán. Ông ta phản đối các tài liệu mà Schlichtmann dự định
dùng làm bằng chứng dựa trên các lý do bao gồm tính không liên quan
(relevance), bằng chứng gián tiếp (hearsay), tính xác thật của bằng
chứng (authenticity), yêu cầu phải có bản gốc của bằng chứng (best
evidence) và bằng chứng mang tính định kiến thái quá (undue prejudice).
“Cái báo cáo này tệ hại lắm,” Facher nói
về một báo cáo của một nhân viên cơ quản bảo vệ môi trường. “Báo cáo
này là thứ tồi tệ nhất mà tôi từng thấy.”
Facher phản đối các kết quả thử nghiệm
đất của Drobinski và lại phản đối khi Drobinski trên bục nhân chứng tìm
cách cho bồi thẩm đoàn thấy các bức hình ông đã chụp phần đất 6 héc-ta
(phần đất bị nhiễm độc – ND). “Bọn họ phóng to tất cả mọi thứ!” Facher
phàn nàn một cách thì thào với thẩm phán gần bàn ông này.
“Dĩ nhiên rồi,” Vị thẩm phán nói. “Nếu
trình bày vụ việc cho bồi thẩm đoàn thì phải phóng to hình lên. Ông cảm
thấy sốc vì việc đó sao?”
“Nhưng những hình phóng to này rất là
xuyên tạc,” Facher cương quyết. “Nếu ngài nhìn thì ngài sẽ đồng ý. Hình
này có bàn tay to như cái vợt tennis đây này.”
“Nếu ông muốn chỉ ra là không ai có bàn tay to như thế thì ông cứ việc nói trước tòa,” Vị thẩm phán nói…
…Suốt tuần ra tòa đầu tiên, sáng nào
cũng là cảnh Drobinski bước lên bục nhân chứng và ngồi im hai tay đặt ra
phía trước trong khi đám luật sư các bên túm tụm xung quanh bàn thẩm
phán để tranh cãi hết điểm này đến điểm khác.
Sự gián đoạn liên tục diễn ra trong
ngày. Facher thường sẽ đứng dậy để phản đối và yêu cầu được nói chuyện
riêng với thẩm phản và các luật sư, và rồi các luật sư, bao gồm cả luật
sư Cheesman và các luật sư đại diện công ty Grace, lại đứng lên và lục
tục kéo nhau lên bàn thẩm phán để họp với những giọng nói khẽ tiếng
nhưng khẩn trương. Những cuộc họp nhỏ như thế kéo dài khi thì vài giây,
khi thì cả nửa tiếng đồng hồ.
Ngày ra tòa thứ tư, các phản đối của Facher dẫn đến hai mươi hai chuyến lên bàn thẩm phán.
Drobinski trong những lúc đó ngồi trên
ghế trong bục nhân chứng trong khi các thành viên bồi thẩm đoàn ngồi
trong khu vực bồi thẩm một cách chán chường và buồn ngủ. Bọn họ không
được phép mang sách báo gì vào phòng xử án nên chỉ biết ngó mông lung
lên trần nhà hay về phía các ghế dự khán của phòng xử án nơi đám đông
hiếu kỳ bây giờ đã giảm xuống chỉ còn hơn một tá người.
Luật sư Nesson, chuyên gia về Các Quy
Định Bằng Chứng Liên Bang của nhóm Schlichtmann, người biết nhiều về các
lĩnh vực bằng chứng hơn bất kỳ ai trong phòng tòa, và có thể là hơn bất
kỳ ai trong khu vực tài phán Số Một, thường đứng bên cạnh Schlichtmann
trong các phiên họp gần bàn thẩm phán và cãi lại Facher. Ông cãi thắng
được phần lớn các phản đối của Facher nhưng bản thân ông cũng càng lúc
càng cảm thấy khó chịu.
“Thưa quý tòa,” Nessan nói với thẩm
phán, không che dấu sự giận dữ, “Tôi muốn ngài ghi biên bản lại việc
phía công ty Beatrice đang liên tục tìm cách phá hoại tiến trình vụ việc
và làm gián đoạn phiên tòa này theo mọi cách họ có thể nghĩ ra được.”
“Tôi rất muốn đồng ý với ông,” Vị thẩm
phán nói, “nhưng tôi nghĩ là bên phía các ông đã để việc này xảy ra vì
các ông đòi đẩy vụ kiện ra xử trong khi các ông chưa sẵn sàng.”
Thẩm phán Skinner dĩ nhiên là đang rất
nóng lòng giữ đúng lịch xử án. Có lẽ vì thế mà ông ta có vẻ sẵn sàng
chấp nhận một số phản đối nhỏ mọn của Facher. Và không phải phản đối nào
của Facher cũng vụn vặt.
Vào ngày toà thứ bảy, Drobinski vừa
chuẩn bị nói ra ý kiến chuyên gia của ông về thời điểm đất nhiễm độc,
Facher cãi là không có cơ sở khoa học vững chắc cho ý kiến của
Drobinski. Facher cho rằng ý kiến này dựa trên cơ sở việc đào xuống đất
tìm được mấy lon bia, chặt một cái cây và nhìn vào mấy tấm không ảnh.
Facher chấp nhận rằng có thể mấy đống rác thải đã ở đó từ hơn ba mươi
năm trước nhưng không ai có thể nói điều đó với một sự chắc chắn mang
tinh khoa học rằng đất đã bị nhiễm TCE từ khi đó. Ai đó hoàn toàn có thể
tới chỗ đất đó năm 1979 khi mấy cái giếng nước vừa mới bị đóng và đổ
TCE lên đống rác thải.
Vì lý do đó, Facher yêu cầu thẩm phán loại trừ ý kiến của Drobinski và theo đó là xử thắng cho Beatrice luôn và ngay.
Thẩm phán Skinner có vẻ muốn đồng ý với
Facher. Luật sư Nesson thì cảnh báo rằng một quyết định như thế sẽ là
một sai sót trầm trọng và gây tốn kém vốn chắc chắn sẽ bị Toà Thượng
Thẩm bác.
Nesson tranh luận là theo Điều 702 Các
Quy Định Bằng Chứng Drobinski có tất cả các tiêu chuẩn cần thiết để được
xem là một chuyên gia. Vì thế việc tin vào tường trình của Drobinski
hay không là quyết định của bồi thẩm đoàn chứ không phải của thẩm phán.
Tranh luận diễn ra cả buổi sáng. Mười
hai vị bồi thẩm trong lúc đó ngồi chờ trên lầu trên trong phòng bồi thẩm
nóng bức. Giữa trưa, thẩm phán Skinner cho toà nghỉ để ông suy xét vụ
việc.
Khi ông ta trở lại, ông nói với các luật
sư rằng quyết định của ông là một quyết định “rất suýt soát”. Ý kiến
của Drobinski không thể được gọi đúng đắn là “khoa học” – “Anh ta chỉ
nhìn vào đất theo đúng cách mà ai đã đào hố trên đất cũng có thể nhìn,”
vị thẩm phán nói. Tuy nhiên, dựa theo tranh luận của Nesson, vị thẩm
phán quyết định là ông sẽ cho phép Drobinski trình bày ý kiến trước bồi
thẩm đoàn.
Nesson đã lập chiến công. Mình ông đã
cứu cả đơn kiện chống Beatrice. Khi quay trở lại văn phòng chiều hôm đó,
Schlichtmann rất đắc chí. “Charlie, cậu đá lọt lưới lão thẩm phán!”
Schlichtmann reo mừng hân hoan, xoè mấy ngón tay ra như một kẻ làm nghề
xoa bóp có phép thần. “Cậu chạm được vào não lão già ôn dịch ấy!”
Nhưng thời gian ngồi bục thẩm phán của
Drobinski chưa hết. Thực sự những khốn khổ của ông ta mới chỉ bắt đầu.
Vào một chiều thứ sáu, cuối tuần ra toà thứ hai, Facher bắt đầu phần
thẩm vấn chéo.
Phần này sẽ kéo dài đến hết cả tuần thứ
ba. Facher tìm cách đóng khung Drobinski thành một nhân chứng có khuynh
hướng thiên vị và không thành thực, được trả nhiều tiền cho tường trình
của ông ta để chỉ tìm những thông tin bất lợi cho công ty Beatrice.
Facher hỏi, có phải không là phần lớn
đất đai trong khu vực 6 héc-ta “sạch sẽ” và đầy “những bông hoa dại nhỏ
màu xanh dương”? Có thật là chỉ có 6 trong số 19 mẫu đất mà Drobinski
khoan được là có chứa TCE? Drobinski có đang nói sự thật với bồi thẩm
đoàn? Có thật không là mức độ nhiễm TCE cao nhất chỉ có ở phần bề mặt
của đất? Và càng đào xuống sâu thì mức độ TCE càng giảm? Như vậy có
nghĩa là sự nhiễm độc chỉ mới có gần đây thôi chứ không phải là có từ 20
năm về trước? Sự thật như thế chẳng phải quá rõ ràng với mọi người rồi
ư?
“Con người rất tham lam,” Facher có lần
nói với lớp Harvard mà ông dạy. “Vấn đề lớn nhất với các nhân chứng là
phần lớn trong số họ hay nói quá lên.” Trong phần tường trình trước khi
ra toà của Drobinski, Facher đã phát hiện một sự sai lệch và bây giờ ông
ta lôi nó ra cho bồi thẩm đoàn thấy.
Drobinski đã khai là ông ta có bằng thạc
sỹ địa chất năm 1976, nhưng Facher, không chấp nhận dễ dàng bất cứ gì,
đã phát hiện ra là Drobinski nhận bằng thạc sỹ này năm 1979 chứ không
phải 1976.
“Chẳng phải ông đã nói trong lời khai có tuyên thệ của ông là ông có bằng này năm 1976?” Facher hỏi.
“Thưa ông,” Drobinski trả lời, “Hội đồng giám khảo và khoa địa chất bảo với tôi rằng tôi đã đậu bằng này.”
“Ông được bảo? Ông đang nói với tôi là
ông được một bằng thạc sỹ “bằng mồm” năm 1976?” Giọng Facher đầy hoài
nghi. “Ông muốn bồi thẩm đoàn tin điều đó sao? Ông có biết trường đại
học nào trên thế giới phát bằng “bằng mồm” chưa?”
Sau đó, Facher cho Drobinski thấy một
bản copy của một đơn xin tiểu bang Oregon xác nhận Drobinski là một nhà
địa chất học trong đó có phần tuyên thệ của Drobinski.
“Chẳng phải ông đã tuyên thệ chấp nhận mọi hình phạt cho việc gian dối và sau đó nói rằng ông được nhận bằng năm 1976?”
Drobinski đọc đơn và xác nhận “Vâng, thưa ông, đơn này ghi thế.”
“Ông đã cố tình tìm cách xin giấy chứng nhận của tiểu bang Oregon bằng một đơn xin có chứa thông tin sai lệch, đúng không?”
“Tôi không miêu tả việc đó như cách ông nói,” Drobinski trả lời.
“Những thông tin ông đưa ra là đưa ra với tuyên thệ đúng không?”
“Đúng, thưa ông.”
“Đơn này ghi ‘1976’ ngay cạnh phần ‘bằng thạc sỹ’ đúng không?”
“Vâng, thưa ông.”
“Ông đã cho tiểu bang Oregon biết là ông đã có một bằng thạc sỹ vào một năm lúc ông chưa hề có bằng này, đúng không?”
Phiên thẩm vấn chéo cứ thế diễn ra hết
ngày dài, Facher tìm cách xoáy vào sai sót nhỏ nhưng có trọng lượng nói
trên nhằm làm cho bồi thẩm đoàn cảm thấy nghi ngờ sự xác thực trong
những gì Drobinski đã nói ra.
Schlichtmann ngồi yên tại bàn. Ông trông
hoàn toàn bình thản, vẻ mặt bí hiểm không biểu lộ. Thật ra bên trong
ông đang sôi sùng sục. Nếu như đây là một phiên trao đổi khẩu cung trước
khi ra toà, ông đã lên tiếng phản đối cả chục lần và cãi vã tưng bừng
với Facher rồi.
Nhưng bây giờ, trong phòng xử án, ông
hiếm khi phản đối các câu hỏi của Facher ngay cả khi ông có lý do chính
đáng. Ông ghét việc phản đối trước mặt bồi thẩm đoàn. Ông không muốn một
bồi thẩm viên nào có ấn tượng là ông đang tìm cách che đậy điều gì đấy
mượn danh chi tiết kỹ thuật pháp lý.
Schlichtmann hơi quay đầu qua bên phải
để có thể thấy từ khoé mắt Drobinski đang ngồi trên bục nhân chứng. Nhà
địa chất học dáng gầy nhưng đanh người, có một vầng trán rộng và hàng
ria mép đậm. Ông ta ngồi thẳng ra phía trước sát mép ghế, đúng như
Schlichtmann đã dặn. Hai tay Drobinski nắm nhẹ vào nhau và đặt trên mặt
bàn gỗ phía trước ông ta.
Schlichtmann nghĩ rằng Drobinski đang
thể hiện rất tốt trong tình trạng lúc đó. Drobinski trả lời Facher một
cách lịch sự, luôn gọi Facher ‘thưa ông’, và không bao giờ lớn tiếng hay
cho thấy là ông ta đang phát cáu. Schlichtmann có thể thấy Facher đứng
với hai chân bệt vẹo ra trước nhà địa chất học, hai tay Facher khép
ngang trước ngực, hai vai ông ta gù xuống. Một gã lùn tịt mắt ti hí với
cặp kính dầy cộm. Môi ông ta mím lại đầy vẻ hoài nghi nặng nề…”
Bạn đọc có thể tìm đọc thêm:
Lời giới thiệu Column của Ban Biên Tập LKTC:
Luật Khoa tạp chí xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc một chuyên mục hàng tuần mới: Café Luật Khoa.
Mỗi sáng chủ nhật hàng tuần, Café Luật Khoa sẽ tuyển chọn và đăng một
đoạn trích từ một quyển sách, một bài diễn thuyết hoặc một tài liệu thú
vị, giàu cảm hứng và khơi gợi suy nghĩ về các đề tài luật pháp và chính
trị từ các tác giả cả trong và ngoài nước, hiện đại lẫn kinh điển.
Hy vọng chuyên mục này có thể giới thiệu
được đến với bạn đọc những tác phẩm luật và chính trị sâu sắc, nhiều ý
nghĩa, để có thể làm giàu thêm cho tủ sách và vốn đọc của các bạn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét