Là một trong những viên đá quý nổi tiếng nhất thế giới, nguồn gốc cũng như quá trình tồn tại của viên kim cương Koh-i-Noor nặng 105,6 carat gắn liền với nhiều bí ẩn và truyền thuyết.
Viên kim cương koh-i-Noor trên vương miện Nữ hoàng Anh. Ảnh: wordpress.
|
Viên kim cương Koh-i-Noor (Núi ánh sáng) ban đầu có trọng lượng 793 carat khi chưa cắt. Từng là viên kim cương lớn nhất trên thế giới, hiện nay Koh-i-Noor nặng 105,6 carat, tương ứng với 21,6 g sau lần cắt gọt gần đây nhất.
Theo Ancient Origins, nguồn gốc của Koh-i-Noor là một chủ đề gây tranh cãi. Một số người cho rằng nó được phát hiện ở hạ lưu sông Godavari, Ấn Độ, cách đây 5.000 năm. Những người khác lại khẳng định Koh-i-Noor được đào tại mỏ Kollur, nay là bang Andhra Pradesh, Ấn Độ, nơi nó trở thành con mắt của nữ thần trong một đền thờ Hindu giáo.
Koh-i-Noor thường xuyên trở thành mục tiêu trong những cuộc chiến tranh đoạt giữa người Ấn Độ và Ba Tư. Về sau, viên kim cương xuất hiện trên ngai vàng hình chim công của Shah Jahan, hoàng đế Ấn Độ từng cho xây đền thờ Taj Mahal và sau đó thuộc quyền sở hữu của cong trai ông là Aurangzeb.
Theo các sử gia, Nader Shah, một chiến binh người Ba Tư đã đoạt chiếc ngai vàng đính viên kim cương Koh-i-Noor, ngọc trai và đá quý trong một trận cướp bóc. Sau khi Nader Shah bị sát thủ giết hại vào ngày 8/6/1747, viên kim cương được truyền qua vài thế hệ đến Shah Zaman, người lên ngôi thành công nhờ dẹp yên những cuộc tạo phản. Để Koh-i-Noor không rơi vào tay các anh em trai, Zaman giấu nó vào khe nứt trong phòng của ông. Trải qua nhiều sự kiện, viên kim cương lại được trả về Ấn Độ và do người Sikh nắm giữ.
Ngày 29/3/1849, do bại trận dưới tay quân đội Anh, người Sikh phải giao nộp Koh-i-Noor cho nữ hoàng Anh. Tại thời điểm đó, viên đá nặng 191 carat. Nó được Voorsanger, một thợ kim hoàn người Hà Lan chế tác. Koh-i-Noor được gắn trên vương miện trong lễ đăng quang của Vua George VI năm 1937 và xuất hiện tại lễ đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth năm 1953.
Theo Bill Norton, một chuyên gia thẩm định kim cương, Koh-I-Noor là một viên đá quý vô giá, gắn liền với lịch sử của nhiều triều đại và đế quốc. Vào tháng 11 năm ngoái, một nhóm doanh nhân Ấn Độ đã yêu cầu các luật sư Anh khởi kiện tại tòa dân sự tối cao ở London để buộc Anh trả lại viên kim cương quý cho Ấn Độ theo Đạo luật Holocaust (Trả lại các vật thể văn hóa).
Phương Hoa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét