24 thg 1, 2015

Đầu năm tản mạn về chữ PHÚC - Nguyễn Hửu Phước



Nhơn ngày tết Ất Mùi, thân chúc gia đình SPSG một chữ thôi: chữ PHÚC.

Phúc đồng nghĩa với chữ “Phước” như phúc đức, phúc lộc, phúc lợi, phúc tướng.
Nhưng chữ phúc còn có nhiều nghĩa khác nhau không liên quan gì đến chữ phước. Thí dụ: Phúc = nỗi niềm ôm ấp trong lòng hay tin cậy như tâm phúc; phúc = trở lại, như phúc đáp, phúc khảo (thi lại lần thứ nhì), phúc án = xét lại án đã xử; và nhiều chữ phúc với nghĩa khác nữa. Chúng ta chỉ nói về phúc / phước mà thôi.

Chữ PHƯỚC có liên hệ đến rất nhiều nội dung khác.
Trước hết trong 3 chữ thân thương quen thuộc, PHƯỚC LỘC THỌ, chữ PHƯỚC đứng đầu. Hầu hết con người đều mong ước 3 chữ nầy.  Phước, theo sự hiểu biết thông thường, là chuyện tốt, điều lành mà trời ban cho những người làm nhiều việc thiện. Phước cũng là những chuyện may mắn mà ta hưởng được trong đời sống hằng ngày ngoài những mong ước bình thường.
Theo Công giáo, phước là sự “bình an cho người thiện tâm”. Chúng ta thường nghe câu “vinh danh Thiên chúa trên các từng trời, và bình an dưới thế cho người thiện tâm”. 
Theo Phật giáo, phước là kết quả của sự dày công trong việc “tu tụng, tu niệm, và tu hộ”, ba trong bốn cách tu để xóa tan vô số phiền não của con người. Tụng kinh, niệm kinh, và hộ niệm hay tụng niệm giúp các gia đình trong lễ ma chay, sẽ được “phước báo”.  Phép tu thứ tư là “tu tập đắc hồ huệ” không liên quan trực tiếp đến chữ phước. Như vậy, muốn có phước, chúng ta phải tự tạo ra qua sự dày công tu luyện.

Lộc là điều tốt lành có liên quan đến đời sống vật chất hay việc thành đạt trên đường học vấn, được giữ chức vụ quan trọng, phục vụ xã hội, và được thăng tiến trong nghề, bành trướng thương vụ, số khách hàng gia tăng, lợi tức lên cao v.v.

Thọ là sống lâu. Lễ sinh nhật 60 là lễ hạ thọ; 70 mừng trung thọ, và 80 tuổi mừng đại lễ thượng thọ.  Người xưa hay chúc nhau: “Thọ tỷ Nam san, phước như Đông hải” (sống lâu như núi Nam, phúc lớn như biển Đông).

Trung tâm Little Sài Gòn có khu thương xá “Phước Lộc Thọ” Nơi mặt tiền khu nầy (Hình A) có tượng của ba ông Phước, ông Lộc, và ông Thọ.  Ông Phước tướng người phúc hậu, râu càm dầy và dài, tay bồng đứa bé; ông Lộc mặc áo quan văn, đội nón cánh chuồng theo trang phục của một vị quan thời xa xưa.  Ông Thọ, tay cầm gậy, tay kia ôm bình, và cũng có râu dài.
Nhưng đôi khi có chút lầm lẫn vì có một số du khách Việt Năm gọi khu phố nầy là khu phố “Ba Ông Địa”.  Quả là “oan ơi ông địa” cho khu phố, mặc dầu có một tượng ông địa ngồi phía trước ông Phước, và cười toét miệng, gần đó có một tượng ông địa nhõ hơn bằng đá.  Bên trong cánh phải của sân khấu cũng có một tượng ông địa rất to với nhiều màu sắc, và một tượng nhỏ hơn, bằng đá.  Tên chính thức của khu thương xá là PHƯỚC LỘC THỌ, chữ Việt (Hình B) ngay bên trên tượng của 3 Ông.  Trên tường trước bên mặt (Hình C) có 3 chữ Tàu (Hán: 祿 ) có nghĩa PHƯỚC LỘC THỌ phía trên.  Ngay bên dưới có tên bằng chữ Anh ASIAN GARDEN MALL, (hay Thương Xá Á Châu), nghĩa chữ không liên hệ gì đến phước, lộc, thọ.

Kế đến, với chữ phúc là phước, chúng ta có chữ PHÚC của con cháu chúa Nguyễn Hoàng với 9 đời chúa và 13 đời vua. Tất cả các chúa, các hoàng đế hậu duệ, và các con cháu khác thuộc dòng Nguyễn Hoàng đều có tên lót bằng chữ “Phúc”.
Tương truyền rằng trên đường về Nam, bà chúa vợ chúa Nguyễn Hoàng thụ thai và nằm mộng thấy thần hiện ra và bảo hãy đặt tên cho ấu chúa là Phúc sẽ được hưởng nhiều phước trời. Nguyễn Hoàng bàn tính với vợ là nếu tên con là Phúc, thì chỉ có đứa con nầy hưởng phước mà thôi. Hai ông bà quyết định lấy chữ Phúc làm tên lót với mơ ước là tất cả con cháu mình đều hưởng phước đời đời.
Đúng như ước nguyện của Nguyễn Hoàng, con cháu ông còn được hưởng tước phong “chúa” 9 đời.  Tiếp theo đời chúa thứ 9,  Nguyễn Phúc Ánh, cháu của chúa thứ 9, thống nhất đất nước sau một thời gian nội chiến hơn vài thập niên, giữa các họ Trịnh, Nguyễn, Lê, Mạc, và Nguyễn (Tây Sơn).  Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi hoàng đế năm 1802 với niên hiệu Gia long.  Dòng Nguyễn Phúc có thêm 12 đời vua nữa.   Nguyễn Phúc Vỉnh Thụy, hiệu Bảo Đại, 1926- 1945, là vị vua cuối cùng của dòng họ Nguyễn Phúc.  Vô số các con cháu khác của chúa Nguyễn Hoàng, ngoài các vị chú và vua, đều dùng tên Nguyễn Phúc . . .

Sau cùng, chúng ta có chữ đôi “HẠNH PHÚC”.   Chữ nầy vô cùng uyển chuyển, và rất ư “triết lý”.  Tôi ước mong và chúc tất cả quí vị luôn được Hạnh Phúc.  Trong tâm tưởng, trong suy tư, trong cảm nhận, trong nội tâm của mỗi người đều có một sự hạnh phúc khác biệt nhau. Có thể một lời khen của chồng/vợ, sự gặp gỡ với thân nhơn, sự vui đùa với con cháu, hay nhìn ánh trăng rằm, nhìn cảnh tuyết rơi, hoặc vừa làm một việc thiện v.v. Tuyệt.  Những lúc đó chúng ta có thể cảm nhận được hạnh phúc tràng trề. Trong mỗi tâm tư, mỗi cảnh huống, hạnh phúc đều khác nhau ở mỗi người và trong chính ta. Chữ không đủ để diễn tả nên đành dùng tạm hai chữ triết lý cho vui vậy vì trạng thái “Hạnh Phúc” quá đa dạng. 
Tôi xin mượn và bắt chước ý của 2 câu chữ Hán Nôm do ai đó viết ra từ xưa:
 “*Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc,
   *Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn hà thời nhàn”*

 Tôi viết rằng:
    “Biết hạnh phúc là hạnh phúc,
      Đợi hanh phúc biết bao giờ có hạnh phúc”.

*Biết đủ là đủ, đợi cho đủ, biết bao giờ đủ,
 *Biết (an) nhàn là an nhàn, đợi an nhàn biết bao giờ an nhàn.

Một lần nữa xin chúc quí vị luôn có chữ PHÚC, và luôn cảm nhận sự Hạnh Phúc trong Tâm Bình An. 
Jan 18, 2015.
Tác giả bài viết  lý thú nầy là Thầy Nguyễn Hửu Phước từng là HT.trường SPSG trước 30/4/75..
Kính chúc Thầy và Gia Đình luôn VUI và KHỎE.
Cám ơn bạn Dung Tran k.11 đã chuyển bài



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét