Nam Phương Hoàng Hậu: 100 năm sinh nhật và 50 năm kỵ nhật tại Paris
Dân Nam kỳ, lớp lớn tuổi, nhiều người hãy còn nhớ Nam Phương Hoàng Hậu, vì bà là người tỉnh Gò Công, con gái của Ông Bà Nguyễn Hữu Hào là nhà giàu nổi tiếng xứ Gò công. Ông ngoại của bà, Lê Phát Đạt hay còn gọi là Huyện Sĩ, người xây Nhà Thờ Huyện Sĩ ở Sài Gòn, gần nhà thương Từ Dũ, là một trong 4 nhà giàu lớn của xứ Nam kỳ: Nhứt Sĩ, Nhì Phương,Tam Xường, Tứ Trạch (hay Định).
Bà là vị Hoàng Hậu cuối cùng của Nhà Nguyễn. Bà sanh ngày 14 tháng 12 năm 1914 tại Tỉnh Gò công, Nam Việt, và mất ngày 16 tháng 9 năm 1963 tại làng Chabrignac, Tỉnh Corrèze, Miền Nam nước Pháp.
Có một giai thoại về Nhà Nguyễn khá ly kỳ. Một thầy địa lý tàu khuyên Nhà Nguyễn không nên lập ngôi Hoàng Hậu vì khi lập ngôi Hoàng Hậu thì chấm dứt triều đại Nhà Nguyễn. Các vị tiên vương, không ai lập ngôi Hoàng Hậu khi Hoàng Hậu còn sanh tiền. Phải chăng lời tiên tri của ông thầy tàu kia ứng nghiệm mà Hoàng Hậu Nam Phương trở thành vị Hoàng Hậu cuối cùng của Nhà Nguyễn?
Ngày cuối cùng của Bà không có con cái bên cạnh. Theo lời kể của ông Thầy giáo Christian Bouzon vừa là Hiệu trưởng của trường Tiểu học làng Chabrignac – ông biết nhiều về Bà Nam Phương vì trong Văn khố Thị xã có đầy đủ tài liệu về bà từ khi bà về đây sanh sống và chính ông đã từng hướng dân học trò làm bài kể chuyện về bà vì làng Chabrignac lấy làm vinh hạnh có một công dân là Hoàng Hậu – một buổi sáng tháng 9, bà không đi săn được như đã hẹn với ông Thị trưởng vì bà cảm thấy nhức đầu và khó thở do đau cổ họng. Bà bảo người phụ nữ pháp giúp việc mời thầy thuốc tới khám bịnh cho bà. Chỉ vài giờ sau, bà mất bên cạnh người giúp việc và người quản gia.
Công chúa và Hoàng tử đều ở xa, chỉ tới tham dự tang lễ. Cựu Hoàng không tới được vì lúc đó, không phải vì không còn sống chung với bà nữa, mà ông buồn bực nhiều chuyện thường đi vắng nhiều ngày không liên lạc được. Tang lễ của bà cử hành rất đơn giản, có các công chúa và Hoàng tử chịu tang, có chánh quyền địa phương và dân chúng người pháp tham dự.
Theo lời kể của Thầy giáo, quan tài được chuẩn bị đem về Việt Nam an táng nhưng khi xin phép, nhà cầm quyền Việt Nam ở Sào gòn từ chối. Chôn tại nghĩa trang làng Chabrignac. Nấm mộ đơn sơ vì giữ ý định một ngày nào đó sẽ đưa về xứ. Tình trạng an táng tạm tới nay đã được 50 năm. Và năm nay, là năm đầu tiên, lễ Giỗ 50 năm của bà được tổ chức trọng thể trong giáo đường của Phái Bộ Thừa sai Hải ngoại (Missions Etrangères de Paris), 128, rue du Bac (đường Bến Đò), Paris VII.
MEP
Nhân sự việc hi hữu là năm nay, lễ Giổ lần thứ 50 của Nam Phương Hoàng Hậu được tổ chức trong thánh đường cùa trụ sở Phái Bộ Thừa sai Paris (MEP), tưởng cũng nên biết qua vài nét cơ sở tôn giáo lâu đời này. Nên biết vì nó có lịch sử lâu dài, đầy biến động với lịch sự Việt nam từ trước khi mất nước cho tới sau khi nước mất.
Phái Bộ Thừa sai Paris (MEP) ra đời từ thế kỷ thứ XVII để phục vụ Giáo hội Công giáo ở Á châu như Tàu Thái lan, …và Việt Nam. Nhiệm vụ của MEP là đào tạo giáo sĩ địa phương để truyền bá giáo lý và tổ chức Giáo hội địa phương. Ngoài hoạt động thuần túy tôn giáo, MEP còn tổ chức những hoạt động ngoại vi như văn hóa, từ thiện, xã hội qua những Tổ chức Phi Chánh phủ và cả những xí nghiệp công kỷ nghệ. MEP là cây cổ thụ 350 năm tuổi ra đời từ lịch sử Đế quốc Pháp thì cành lá phải sum xuê che phủ khắp thế giới.
Riêng trong lịch sử quan hệ với Việt Nam, MEP giữ nhiều tài liệu cổ xưa vô cùng quan trọng. Để thấy tầm quan trọng và quyền lực của MEP trong lịch sử hoạt động ở Việt Nam lúc Pháp bắt đầu xâm chiếm để đô hộ, xin mời đoc qua vài dòng trích dẫn sau đây từ bức thư của Ông Roche gửi cho Ông Harmand giải nghĩa sự xung đột giữa Espagne và Pháp về Việt Nam:
” Tôi lưu ý ông về một vấn đề, theo ý tôi, vô cùng quan trọng về sự chiếm đóng xứ Bắc kỳ của chúng ta. Tôi muốn nói về Phái Bộ Thừa Sai. Những Phái Bộ Bắc kỳ, Nam kỳ, nói chung, của tất cả lãnh thổ của chúng ta ở Hải ngọai … không phải là những Tổ chức riêng rẽ, biệt lập, mà tất cả đều phát xuất từ một Cơ sở Mẹ ở Paris ; kế đến, chỉ cần hiểu điều mà những Phái Bộ đã làm không ngừng nghỉ từ hơn 2 thế kỷ nay ở Annam và ở nơi khác để nhận thấy yếu tố thực dân là thiết thân với những vị Thừa Sai của chúng ta là những người phụ tá mạnh mẽ và tận tụy …” (Báo Avenir du Tonkin – Tương lai xứ Bắc kỳ – Cao Huy Thuần trích dẩn, Les Missionnaires et la Politique coloniale française au Việtnam 1857-1914 (Luận án Tiến sĩ Sử học ), trang 381, Yale Center for International and Area Studies – The Lac Viet Series No 13).
Tuy tọa lạc trong Paris, Trụ sở MEP vẫn có riêng một khu vườn rộng hơn một mẫu đất trồng nhiều thứ thảo mộc lạ do những giáo sĩ đem về từ những vùng lãnh thổ xa xôi nhiệt đới của Giáo hội và mẫu quốc Pháp. Đặc biệt những thảo mộc và khung cảnh ở đây không có nhiều thay đổi quan trọng từ khi thành lập vào thế kỷ XVII. Vườn chỉ mở cửa cho thăm viếng theo thời khóa biểu riêng.
Có đi thăm viếng MEP không nên quên nơi lưu giữ hài cốt của các Thánh Tử đạo, dĩ nhiên có cả Thánh Tử đạo Việt Nam, của các Giáo sĩ truyền giáo và cả đồ vật, như y phục, sách vở, … của những người này sử dụng lúc tại thế.
Bộ phận thứ hai quan trọng là Văn khố độc đáo nơi chứa đựng tài liệu về những hoạt động của MEP từ thời xuống tàu buôn, rồi tàu chiến, đi qua Á châu truyền giáo. Ông Cao Huy Thuần, trong Luận án sử học của ông, có than phiền không được tham khảo một số tài liệu còn giữ MẬT. Mà đúng vì đây là tài sản riêng, tư nhân, của MEP. Mùa hè năm rồi, trong một buổi hội ngộ thân hữu tại tư gia của một Cựu Đại Học Sư phạm Sài gòn ở ngoại ô Paris, có Linh mục Jean Mais (Ông lấy tên Việt Nam là Cha Ngô) tham dự. Cỏ May nhân dịp thưa với ông có ý muốn tham khảo một số tài liệu ở MEP về Việt Nam, mà còn bị cấm. Ông vui vẻ bảo cứ tới và gặp ông.
50 năm ngày giỗ, 100 năm Ngày sanh
Hôm rồi, giáo xứ Paris tổ chức lễ giổ lần thứ 50 cho cố Tổng thống Ngô Đình Diệm và Cố vấn Ngô Đình Nhu. Cùng thời điểm mùa lễ các thánh, càc Nữ tu Dòng Đức Bà và Cựu học sinh Trường Couvent des Oiseaux tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sanh và lễ giỗ thứ 50 cho Bà Nam Phương Hoàng Hậu tại nguyện đường Hiển Linh Hội Thừa Sai Paris, 128, rue du Bac Paris, VII.
Dòng Đức Bà tại Pháp gồm các Nữ tu và cựu học sinh các trường công giáo ở Việt nam trước kia như trường Notre-Dame du Lang-Bian ở Đà lạt, trường Notre-Dame du Rosaire ở Hà Nội và trường Régina Mundi ở Sài Gòn.
Buổi lễ gồm hai phần văn hóa và tôn giáo. Phần văn hóa do bà Sabine Didelot, cựu học sinh Couvent des Oiseaux và là cháu ruột của bà Nam Phương Hoàng Hậu, đảm trách. Tưởng niệm người quá cố, bà nhắc lại sơ lược cuộc đời và sự nghiệp Bà Hoàng Hậu triều Nguyễn theo Công giáo.
Theo Bà Sabine Didelot, Nam phương Hoàng Hậu thuộc dòng dõi bên ngoại thánh tử đạo Mathieu Lê Văn Gẫm, bị xử trảm vào năm 1847. Năm 1926, bà qua Pháp học tại trường trung học tư Couvent des Oiseaux ở Paris. Đây là một trường tư nội trú nổi tiếng do các Nữ tu điều khiển. Trường không chỉ dạy chương trình thi cử mà còn dạy cung cách lễ nghi theo giới quí tộc pháp.
Tháng 9 năm 1932, đậu xong Văn bằng Tú Tài, bà trở về xứ. Trên tàu d’ Artagnan của hảng Messageries Maritimes, cùng đi về xứ với bà, có Vua Bảo Đại nhưng hai người chưa quen biết nhau. Năm sau, hai người do sự sắp xếp của Pháp, có dịp quen nhau.
Ngày 20 tháng 3 năm 1934, hôn lễ của bà với Vua Bảo Đại cử hành tại Huế. Qua ngày hôm sau, bà được tấn phong Hoàng Hậu, Hiệu Nam Phương. Đây là một biệt lệ vì 12 bà Hoàng của 12 vị Tiên vương Nhà Nguyễn đều là Vương phi. Sau khi qua đời, các bà mới được lên ngôi Hoàng Hậu.
Làm Hoàng Hậu, bà thường đi ra bên ngoài thăm các nữ sinh trường Đồng Khánh, tham dự lễ phát thưởng cho học sinh giỏi ở Huế. Và bà đã ngỏ ý với Bộ Quốc gia Giáo dục đem môn Gia chánh Nữ công vào chương trình trung học.
Đặc biệt hơn nữa, trong quan hệ ngoại giao, bà thường bên cạnh Hoàng Đế Bảo Đại tiếp kiến các vị Quốc trưởng. Có thể nói đây là tiền lệ trong nghi lễ ngoại giao của Việt Nam.
Bà sinh năm người con với Hoàng Đế Bảo Đại: Thái tử Bảo Long sinh ngày 4-1-1936 tại điện Kiến Trung, mất ngày 28/7/2007, Công chúa Phương Mai sinh ngày 1/8/1937, Công chúa Phương Liên 3/11/1938, Công chúa Phương Dung 25/2/1942 và Hoàng tử Bảo Thắng sinh ngày 30/9/1943.
Tưởng niệm Nam Phương Hoàng Hậu, Bà Sabine Didelot không quên nhắc lại Hoàng Hậu lúc nhỏ rất sùng đạo, thông minh, học giỏi và tánh tình rất tế nhị.
Năm 1945, sau khi tuyên bố hủy bỏ các Hiệp ước bất bình đẳng với Pháp, Hoàng Đế Bảo Đại thoái vị để trở thành một công dân của Việt nam độc lập. Hoàng Hậu dời qua Cung An Định. Trước thời cuộc nhiễu nhương, thực dân Pháp lợi dụng tình hình thỏa hiệp với Hồ Chí Minh trở lại tái lập chế độ thực dân, Hoàng Hậu viết thư gởi bạn bè ở Á châu yêu cầu họ lên tiếng tố cáo tham vọng của thực dân pháp:
“Kể từ tháng 3 năm 1945, nước Việt Nam đã thoát khỏi sự đô hộ của người Pháp nhưng vì lòng tham của một thiểu số thực dân Pháp với sự tiếp tay của quân đội Hoàng gia Anh nên hiện nay máu của nhân dân Việt Nam lại tiếp tục chảy trên mảnh đất vốn đã có quá nhiều đau khổ. Hành động này của thực dân Pháp là trái với chủ trương của Đồng Minh mà nước Pháp lại là một thành viên. Vậy tôi tha thiết yêu cầu những ai đã từng đau khổ vì chiến tranh hãy bày tỏ thái độ và hành động để giúp chúng tôi chấm dứt chiến tranh đang ngày đêm tàn phá đất nước tôi.
Thay mặt cho hàng chục triệu phụ nữ Việt Nam, tôi thỉnh cầu tất cả bạn bè của tôi và bạn bè của nước Việt Nam hãy bênh vực cho tự do. Xin các chính phủ của khối tự do sớm can thiệp để kiến tạo một nền hòa bình công minh và chân chính và xin quý vị nhận nơi đây lòng biết ơn sâu xa của tất cả đồng bào của chúng tôi “
( Jean Renaud, Ed Guy Boussac, 1949, Paris)
( Jean Renaud, Ed Guy Boussac, 1949, Paris)
Phần Thánh lễ tưởng niệm do Lm Xavier Demolliens, Trợ lý Bề trên các chức sắc Thừa sai Paris (MEP), Lm Jean Maïs, cựu giáo sư Đại Học Đà Lạt, chủ bút Églises d’Asie và Lm Trần Ngọc Anh cử hành tại nhà nguyện của MEP.
Trong phần nhập lễ, nữ tu Christiane Kientz, bề trên dòng Đức Bà tại Pháp, ngỏ lời cám ơn các Thừa sai Paris đã đóng góp tích cực vào việc rao giảng Phúc âm tại Á châu và cho phép cử hành thánh lễ ngày hôm nay. Trong nguyện đường lịch sử này, ‘‘nơi đây vẫn còn những kỷ niệm của bao vị thừa sai với lòng quả cảm và nhiệt thành đã giúp cho bao người biết và yêu mến Chúa Giêsu Kitô .’’
Trước di ảnh hoàng hậu, nữ tu Christiane Kientz, nữ tu Odile Guyot-Fionneft thay mặt Bề trên Tổng quyền Dòng Đức Bà là nữ tu Marie-Alexia Nguyễn Thị Hồng Quỳ, bà Sabine Didelot, Bà Trương Bạch Bích, Hội trưởng Ái hữu Cựu nữ sinh Couvent des Oiseaux Việt Nam, Bà Hoàng Thị Anh Trâm và Bà Nguyễn Anh Thư trong Ban tổ chức, đại diện các cựu nữ sinh trường Đức Bà tại Đà Lạt, Hà Nội và Saigon, cùng cử hành nghi thức niệm hương theo truyền thống Việt Nam.Trong bài giảng, Lm Xavier Demilliens tán dương công đức của Nam Phương Hoàng Hậu như sau: ‘‘ Qua lời kinh dâng nước Việt lên Trái tim Chúa Giêsu, Nam Phương Hoàng Hậu đã nói lên lòng biết ơn Thiên Chúa đã ban ân sủng đức tin. Bà đã thực hiện trọn vẹn sứ mệnh người Kitô hữu. Sau 50 năm ngày từ trần, bà nhận được sự kính trọng và yêu mến.’’
Tham dự thánh lễ có ba người con của Hoàng Hậu là Hoàng tử Bảo Thắng và hai Công chúa Phương Mai và Phương Dung và một số thân hào nhân sĩ ở Paris trong số có giáo sư Vũ Quốc Thúc là cựu Tổng trưởng và Khoa trưởng Đại học Luật khoa Saigon vừa mới cải đạo theo Công giáo.
Trong phần dâng lễ, cộng đoàn cùng hát với ca đoàn bài ‘‘ Hãy làm cho Ngài lớn lên’’. Bài hát này được vang lên trong nguyện đường, là ngọn đuốc sáng rực soi đường cho sứ mệnh giáo dục và truyền giáo của dòng Đức Bà. Ca đoàn do nữ tu Marie Liesse điều khiển, và gồm gia đình Ông Bà Nguyễn Kim Tuấn, các Bà Hồng Thư, Anh Thư, Hoàng Thị Anh Trâm …
Với Hoàng Hậu Nam Phương, mọi người khi nhắc tới, cũng đều tỏ lòng thương tiếc và kính trọng. Điều rất hiếm đối với nhiều mệnh phụ phu nhơn khác từ sau khi bà rời khỏi Việt Nam. Nhờ đi khỏi Việt Nam sớm, bà và các con của bà không phải lâm nạn như gia đình Bà Phi Ánh, Thứ Phi của Hoàng Đế Bảo Đại, ở lại Sài gòn sau khi Hoàng Đế Bảo Đại bị truất phế bằng “trưng cầu dân ý “, nhà cửa, tài sản bị nhà cầm quyền ở Sài gòn tịch thâu, con cái không được đi học bình thường, mà phải đổi họ tên…
© Nguyễn Thị Cỏ May
* hình ảnh trong bài lây từ Google,ko thấy ảnh gốc của tác giả
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét