Các nhà khoa học thuộc Chương trình y học gene của người Mỹ (SIGMA) công bố trên tạp chí Nature hôm 25/12 rằng họ đã phát hiện ra một biến thể gene có thể giải thích tại sao người Mỹ gốc Latinh có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 cao hơn những người khác.
Biến thể này nằm trên gen có tên gọi là SLC16A11 - có vai trò trong việc phân hóa các phân tử lipid.
Đây là kết quả nghiên cứu của SIGMA nhằm tìm hiểu lý do tại sao người Mỹ gốc Mexico và Latinh lại có tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 cao gần gấp hai lần so với những người Mỹ da trắng khác ở Mỹ.
Sau khi so sánh DNA của 8.214 người Mỹ gốc Mexico và Latinh, được chia làm 2 nhóm - có bệnh và không có bệnh tiểu đường, các nhà khoa học phát hiện ra rằng những người mang gene SLC16A11 có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn 20% so với những người không có biến thể gene này.
Các nhà khoa học cũng cho biết tỷ lệ những người có biến thể gen này đặc biệt cao trong số những người Mỹ bản địa, khoảng 50%, trong khi tỷ lệ này ở những người Mỹ gốc Latinh là khoảng 30-40%.
Khoảng 11% người gốc Đông Á có biến thể gen này, ở người châu Âu là khoảng 2% còn người gốc Phi không có.
Phát hiện này có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn ngừa và điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2. Bệnh tiểu đường tuýp 2, chiếm tới 90% các ca bị mắc bệnh tiểu đường, thường đi liền với bệnh béo phì và ít vận động.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, khoảng 347 triệu người trên thế giới bị mắc bệnh tiểu đường - xảy ra khi tuyến tụy không thể sản xuất đủ insulin để kiểm soát lượng glucose hoặc cơ thể không thể tiêu thụ hiệu quả lượng insulin này.
Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, thận, đột quỵ và mù.
(từ :Khampha.com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét