11 thg 4, 2020

Virus corona: 'Khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ đại suy thoái những năm 1930'

 Ba phần tư số người lao động trên thế giới phải đối mặt với việc chỗ làm đóng cửa một phần hoặc hoàn toàn, LHQ nói

Đại dịch corona sẽ khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu trở nên 'vô cùng tiêu cực' trong năm nay, người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo.
Bà Kristalina Georgieva cho biết thế giới phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng những năm 1930.

Bà dự đoán rằng năm 2021 sẽ chỉ phục hồi một phần.
Lệnh phong tỏa do các chính phủ đặt ra đã buộc nhiều công ty phải đóng cửa và sa thải nhân viên.
Đầu tuần này, một nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc cho biết 81% lực lượng lao động trên thế giới gồm 3,3 tỷ người đã phải đối mặt với nơi họ làm việc bị đóng cửa một phần hoặc hoàn toàn vì vụ dịch.
Bà Georgieva, giám đốc điều hành của IMF, đã đưa ra đánh giá ảm đạm của mình trước cuộc họp của IMF và World Bank vào tuần tới.
Các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển sẽ bị tác động nặng nề nhất, bà nói, đòi hỏi hàng trăm tỷ đô la viện trợ nước ngoài.
"Chỉ ba tháng trước, chúng tôi dự kiến tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người tích cực ở hơn 160 quốc gia thành viên vào năm 2020," bà nói.
"Hôm nay, con số đó đã bị đảo ngược: chúng tôi hiện dự đoán rằng hơn 170 quốc gia sẽ có mức tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người tiêu cực trong năm nay."
Bà nói thêm: "Trên thực tế, chúng tôi dự đoán sự sụp đổ kinh tế tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái".


Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Nền kinh tế sẽ chỉ phục hồi phần nào năm 2021, bà Georgieva nói
Bà Georgieva nói rằng nếu đại dịch hạ nhiệt vào nửa cuối năm 2020, IMF dự kiến kinh tế sẽ phục hồi một phần vào năm tới. Nhưng bà cảnh báo rằng tình hình cũng có thể xấu đi.
"Tôi nhấn mạnh có sự không chắc chắn vô cùng lớn về triển vọng phục hồi. Nó có thể trở nên tồi tệ hơn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm cả thời gian xảy ra đại dịch", bà nói.
Ý kiến của bà được đưa ra khi Mỹ cho hay số người Mỹ tìm kiếm trợ cấp thất nghiệp đã tăng trong tuần thứ ba thêm 6,6 triệu, nâng tổng số người cần trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ trong thời điểm này lên hơn 16 triệu người..
Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ cho biết họ sẽ tung ra thêm khoản vay 2,3 nghìn tỷ đô la vì các lệnh cấm nhằm ngăn chặn dịch lây lan đã buộc nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa và đẩy khoảng 95% dân số Mỹ vào cảnh công ty họ đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần.
Trong một động thái riêng biệt, tổ chức từ thiện Oxfam có trụ sở tại Vương quốc Anh cảnh báo rằng sự sụp đổ kinh tế từ vụ dịch Covid-19 có thể đẩy thêm hơn nửa tỷ người rơi vào tình trạng nghèo đói.
Vào thời điểm đại dịch kết thúc, Oxfam dự đoán, một nửa dân số thế giới gồm 7,8 tỷ người có thể sống trong nghèo đói.
Hôm thứ Năm, sau các cuộc đàm phán kéo dài, các nhà lãnh đạo EU đã đồng ý gói hỗ trợ kinh tế trị giá 500 tỷ euro các thành viên của khối bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các biện pháp phong tỏa.
Ủy ban châu Âu trước đó cho biết, mục tiêu của họ là phối hợp để xây dựng một "lộ trình" nhằm thoát khỏi các biện pháp phong tỏa.
Đầu tuần này, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cảnh báo rằng đại dịch gây ra "cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất" kể từ Thế chiến thứ hai.
Tổ chức này cho biết vụ dịch dự kiến sẽ lấy đi 6,7% số giờ làm việc trên toàn thế giới trong quý II năm 2020 - tương đương với 195 triệu lao động toàn thời gian mất việc.
Tháng trước, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã cảnh báo rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ mất nhiều năm để phục hồi.
Tổng thư ký Angel Gurría nói rằng các nền kinh tế đang chịu một cú sốc lớn hơn cả sau vụ khủng bố 11/9 năm 2001 hoặc cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Xem Thêm :Về dịch bệnh thời vua Gia Long và cái chết của thi hào Nguyễn Du

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét