Đợt dịch bệnh lây lan mạnh nhất thế giới trong vòng 100 năm qua sẽ dẫn đến nhiều thay đổi trong suy nghĩ và các phương thức tương tác xã hội.
Deborah Tannen, giáo sư ngôn ngữ học của Đại học Georgetown, dự báo rằng thay vì có cảm giác an toàn trong đám đông, giờ đây chúng ta có thể sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi không bị ai vây quanh, đặc biệt là những người lạ mặt không quen biết. Với những cuộc hội họp gặp mặt, thay cho câu hỏi xưa nay “có nên gặp qua mạng không”, chúng ta sẽ chất vấn ngược lại “có lý do gì để phải gặp mặt trực tiếp không”, nhằm tránh tối đa nguy cơ bị lây nhiễm. Chúng ta có thể sẽ bỏ động tác bắt tay xã giao hay bớt thói quen tự chạm lên mặt. Nhiều người có thể sẽ hình thành thói quen rửa tay liên tục mọi lúc mọi nơi.
Các tương tác gián tiếp qua mạng sẽ tăng lên. Những người không được tiếp cận với internet sẽ càng gặp nhiều bất lợi. Tannen cho rằng các tương tác trực tuyến tạo ra nghịch lý: chúng ta ở xa nhau nhưng kết nối nhiều hơn, và việc kết nối với những người ở xa đó khiến chúng ta cảm giác yên tâm hơn – an toàn khi không phải ở gần người khác.
Con người vẫn có thể tạo ra những tương tác ý nghĩa trên thế giới ảo, như chia sẻ của Sherry Turkle, giáo sư ngành nghiên cứu xã hội về khoa học và công nghệ tại Đại học MIT.
Khi xã hội thực hiện cách ly, mỗi cá nhân đều có thể sử dụng thời gian của mình để suy nghĩ và góp phần tạo dựng nên những cộng đồng mới. Turkle dẫn chứng những trường hợp, như bậc thầy cello Yo-Yo Ma mỗi ngày chia sẻ trên mạng một bài trình diễn nhạc phẩm mà ông yêu thích, diva nhạc kịch Laura Benanti khuyến khích các học sinh đăng những phần trình diễn nhạc kịch để mọi người cùng thưởng thức, các doanh nhân dành thời gian để nghe ý tưởng thuyết trình dự án mới, những thầy dạy yoga mở các lớp học trực tuyến miễn phí. Mỗi người đều tự hỏi “tôi có thể đóng góp gì” và “người khác đang cần gì”. Với lựa chọn “cho đi và cảm thông” (generosity and empathy) đó, con người phá vỡ mọi giới hạn khoảng cách đặt ra.
Sự cảm thông giúp chúng ta nhận ra các vấn đề mà người khác phải đối diện.
Ai-Jen Poo, giám đốc của Liên minh Công nhân Trong nước (National Domestic Workers Alliance) chỉ ra rằng cơn đại dịch corona đã làm phát lộ ra những lỗ hổng lớn trong hệ thống dịch vụ chăm sóc của nước Mỹ. Khi người thân bị bệnh và những đứa trẻ bỗng nhiên buộc phải ở nhà vô thời hạn, nhiều người buộc phải đứng giữa ngã ba đường: chọn gia đình, chọn an toàn sức khỏe, hay chọn mất việc không có tiền chạy ăn từng bữa. Hàng triệu người Mỹ vẫn không được tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế, không được chi trả lương nghỉ bệnh, lại không tìm ra được lựa chọn thay thế chăm sóc con em của mình ngoài trường học.
Ai-Jen Poo cho rằng các dịch vụ chăm sóc luôn là trách nhiệm chia sẻ của toàn dân, nhưng các chính sách (của Mỹ) vẫn chưa hỗ trợ đầy đủ các trách nhiệm đó. Cuộc khủng hoảng từ đại dịch lần này nên là động lực tạo sự ủng hộ dành cho những thay đổi chính sách, tăng cường khả năng chăm sóc người dân, đặc biệt là nhóm người ở địa vị thấp của xã hội.
Eric Klinenberg, giáo sư xã hội học tại Đại học New York chia sẻ nhận định trên. Ông tin rằng đại dịch này sẽ giúp chúng ta nhìn rõ hơn số phận của tất cả mọi người trong xã hội đều gắn liền với nhau. Ví dụ như một nhà hàng không trả lương nghỉ bệnh cho nhân viên, nhân viên sẽ buộc phải đi làm khi mang mầm bệnh trong người. Khi mua cái bánh burger rẻ tiền từ nhà hàng đó, chúng ta vô tình rước bệnh vào mình.
Các chính sách trả lương nghỉ bệnh, bảo hiểm thất nghiệp, xóa nợ của sinh viên hay nợ dịch vụ chăm sóc y tế… xưa nay đều bị giới cầm quyền Mỹ phản đối vì cho rằng nó phi thực tế. Vậy nhưng như nhà làm phim Astra Taylor chỉ ra, khi khủng hoảng xuất hiện, chính quyền dễ dàng và nhanh chóng thực hiện ngay những thay đổi “phi thực tế” đó để giải cứu nền kinh tế.
Người ta chờ đợi rằng trong một thế giới hậu đại dịch, những thay đổi tức thời và tạm thời ở trên sẽ dẫn đến những biến chuyển lâu dài và thật sự. Đó là một trong những cách để giải quyết sự bất bình đẳng ngày càng lớn trong xã hội.
Khoảng cách bất bình đẳng này không chỉ là giữa số ít 1% và số đông 99% còn lại như người ta hay nhắc đến. Ở nước Mỹ, theo giáo sư Theda Skocpol, chuyên ngành nhà nước và xã hội học tại Đại học Harvard, khoảng cách giàu nghèo giữa nhóm 20% đầu và phần còn lại của xã hội cũng ngày càng bị nới rộng dưới ảnh hưởng của đại dịch. Trong khi nhóm đầu này có đầy đủ phương tiện để thoải mái vượt qua khủng hoảng dịch bệnh thì 80% dân số còn lại sẽ phải chật vật xoay xở để tìm cách tồn tại.
Vấn đề bất bình đẳng này nếu không được giải quyết sẽ bùng lên cháy mạnh trong những đợt khủng hoảng tiếp theo, thậm chí nó có thể chính là mồi lửa khởi phát cho những khủng hoảng trong tương lai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét