THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 55 :
KINH
Kinh Cung Chi Điểu
Kinh cung chi điểu kiến khúc mộc nhi cao phi 驚弓之鳥見曲木而高飛. Có nghĩa : Con chim sợ cung nên thấy làn cây cong thì bay cao lên. Như Thúy Kiều đã vào lầu xanh một lần rồi, bây giờ nghe Bạc Bà muốn gả ép mình cho cháu của bà ta là Bạc Hạnh, lại sợ Bạc hạnh bán mình vào lầu xanh lần nữa , nên mới nói với Bạc Bà rằng :
Thiếp như con én lạc đàn,
Phải cung giờ đã sợ làn cây cong.
Cùng đường dù tính chữ tòng,
Biết người, biết mặt, biết lòng làm sao ?
Thành ngữ KINH CUNG CHI ĐIỂU 驚弓之鳥 có xuất xứ từ "Chiến Quốc Sách.Sở Sách Tứ"《戰國策﹒楚策四》như sau :
Thời chiến quốc, nước Ngụy có một thần tiễn thủ tên Canh Dinh 更盈 (có tài liệu ghi là Canh Luy 更羸),
nổi tiếng là bách phát bách trúng. Một hôm, đang cùng Ngụy Vương đi
săn, bỗng thấy một con nhạn to từ hướng đông bay đến, khi nhạn bay ngang
đĩnh đầu, Canh Dinh đưa cung lên kéo thẳng dây cung bắn khống một phát,
dây cung kêu "BUNG' một tiếng, nào ngờ, con nhạn đang bay bèn lão đão
rớt ngay xuống đất.
Ngụy Vương vô cùng kinh
ngạc, bèn hỏi rằng :" Khanh không có lắp tên, chỉ bắn khống ,sao con
nhạn lại rớt xuống được ?". Canh Dinh bẩm rằng :" Thần thấy con nhạn nầy
bay rất thấp, tốc độ lại chậm, đoán là nó đã bị tiễn thương chưa lành,
tiếng kêu lại rất bi thương, hẵn là bị lạc đàn bay có một mình, nên mới
dương cung bắn không một phát. Con nhạn nghe tiếng dây cung nên giật
mình kinh sợ, dùng sức vổ cánh bay lên cao nên vết thương vỡ ra mà chao
đão rồi rớt xuống đất". Ngụy Vương cho tùy tùng nhặt con nhạn lên kiểm
lại, thì đúng như là sự dự đoán của Canh Dinh.
Trên đây là câu truyện ngụ ngôn của sứ giả nước Triệu nói với Xuân
Thân Quân của nước Sở, khi Xuân Thân Quân định phái Lâm Võ Quân đem
binh đi đánh Tần, vì trước đây Lâm Võ Quân đã từng đại bại dưới sức mạnh
của quân Tần rồi, nay lại phái đi giao tranh cùng Tần, chẳng khác nào
như "kinh cung chi điểu", chưa đánh đã sợ, sẽ mang lấy thảm bại mà thôi. Xuân Thân Quân nghe xong, bèn thôi không phái Lâm Võ Quân đi đánh Tần nữa .
Trong
cuộc sống hằng ngày, người bị hỏa hoạn làm cho cháy nhà nên thấy lửa
thời sợ; người đã chịu cảnh lũ lụt thiên tai thấy nước ngập thì sợ,
những kẻ đầu trộm đuôi cướp thấy bóng cảnh sát thì né tránh... đều có
thể nói là "Kinh Cung Chi Điểu" cả !
KINH BỐ hay BỐ KINH đều là cách nói gọn lại của thành ngữ KINH THOA BỐ QUẦN 荊釵布裙. Có nghĩa : Lấy cái lỏi của cọng cỏ gai làm trâm cài và mặc quần áo bằng vải thô. Chỉ người phụ nữ đãm đang cần kiệm chất phác ăn mặc giản dị không xa hoa cầy kỳ. Có tích như sau :
Đời Đông Hán, có thư sinh Lương Hồng là Thái học sinh nhưng không làm
quan, về nhà cày ruộng. Lương Hồng cưới gái Mạnh Quang 30 tuổi là con
của Mạnh tài chủ trong huyện. Sau đám cưới vợ chồng từ bỏ cuộc sống giàu
sang của nhà họ Mạnh ẩn cư ở vùng núi Bá Lăng, sau lại đi làm công cho
nhà Cao Bá Thông, nhưng nàng Mạnh Quang vẫn vận quần bằng vải bố, trâm
cài bằng cỏ gai. Tuy cuộc sống đạm bạc nhưng vợ chồng lại "Tương Kính
Như Tân 相敬如賓"(Trọng nhau như là khách), "Cử Án Tề My 舉案齊眉" (Nâng án
ngang mày) mà sống với nhau thật là hạnh phúc. Xem lại Điển Tích Văn Học
9 "CỬ ÁN TỀ MY".
Sau khi đờn cho Kim Trọng nghe xong, thì trong cảnh đêm tối "Hoa
hương càng tỏ thức hồng, đầu mày cuối mắt càng nồng tấm yêu" nên khó
tránh khỏi lúc "Sóng tình dường đã xiêu xiêu, xem trong âu yếm có chiều lả lơi" thì Thuý Kiều đã "xì-tốp" Kim Trọng lại bằng lời lẽ :
Đã cho vào bậc BỐ KINH,
Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu.
Còn trong thơ truyện Nôm "Quan Âm Thị Kính" thì đão ngược lại là KINH BỐ :
Áo lai chưa múa sân này,
Thời đem KINH BỐ mà thay gọi là.
KINH LÂN 經麟. Kinh là Kinh sách; Lân là Kỳ Lân, nên KINH LÂN là LÂN KINH 麟經 quyển sách nói đến con kỳ lân. Đó cũng chính là quyển kinh Xuân Thu 春秋經, một trong Lục Kinh do Khổng Tử biên soạn, có xuất xứ như sau :
XUÂN THU KINH 春秋經 là quyển Biên Niên Sử đầu tiên của Trung Hoa do Khổng Tử biên soạn. Năm Lổ Ai Công thứ mười bốn, có người bắt được một con kỳ lân què, Khổng Tử cho đó là điềm chẳng lành, bèn ngưng không soạn tiếp nữa; Vì thế, mà Kinh Xuân Thu còn được gọi là Kinh Lân.
Trong Truyện thơ Nôm PHÙ DUNG TÂN TRUYỆN dài 1120 câu của Trúc Lâm Cư Sĩ bản in đời vua Tự Đức. Truyện kể lại cuộc tình duyên trắc trở giữa Nho sinh Thôi Tuấn Thần và Vương Thị có câu :
Mở mang sử Mã KINH LÂN,
Sâu nguồn Thù Tử, rộng sân Chu Trình.
KINH LÂN 經麟 là Kinh Xuân Thu, khác với KINH LUÂN 經綸. KINH 經 là những sợi tơ tằm đã được chỉnh lý cho ngay thẳng đều đặn. LUÂN 綸 là Chỉ được nối kết se lại thành dây là giềng mối. Nên nghĩa bóng của KINH LUÂN là người có tài chính trị biết sắp xếp ngăn nắp đâu ra đó của guồng máy chính quyền ngày xưa, giỏi xử lý những tình huống rắc rối phức tạp của xã hội, đưa cuộc sống vào hệ thống nề nếp hẵn hoi. Người có tài Kinh Luân là Người giỏi về an dân trị nước.
Trong Truyện Kiều, sau khi Từ Hải và Thúy Kiều đã "Năm năm hùng cứ một phiên hải tần" thì Triều đình đã cử binh đến chiêu an dẹp loạn :
Có quan tổng đốc đại thần,
Là Hồ Tôn Hiến KINH LUÂN gồm tài.
Trong bài Hát nói PHẬN SỰ LÀM TRAI của cụ Nguyễn Công Trứ cũng bắt đầu bằng hai câu :
Vũ trụ chức phận nội,
Đấng trượng phu một túi KINH LUÂN.
Rộng hơn nữa ta có từ KINH PHẦN 經份 là từ chỉ chung về Tứ Thư Ngũ Kinh, Tam Hoàng Ngũ Đế, về Tam Quang Nhật Nguyệt Tinh, Tam Tài Thiên Địa Nhân... Nói chung các sách nói về văn minh văn hóa Trung Hoa cổ xưa, mà người xưa phải theo học để mở mang trí tuệ và để thi cử làm quan. Như trong Sơ Kính Tân Trang của Chiêu Lỳ Phạm Thái có câu :
Yến rằng : Ông bậc thanh xuân,
Tuổi vừa đôi tám KINH PHẦN uyên vi !
Còn trong Truyên Tây Sương thỉ gọi là ĐIỂN PHẦN :
Chàng kia vốn kẻ văn nhân,
Bây giờ lễ nghĩa ĐIỂN PHẦN để trơ.
Trong Văn Học Cổ ta cũng thường hay gặp từ KINH QUYỀN 經權. Theo "Mạnh Tử Li Lâu Thượng 孟子‧離婁上" thì KINH QUYỀN là sự kết nối giữa "Nguyên tắc Đạo Đức" và "Thực hành Đạo đức" của Nho gia. KINH 經 là Lẽ thường của đạo, là Lễ phép, là Kỷ cương, là Nguyên tắc phải tuân theo của Nho gia. Như "Nam nữ thụ thụ bất thân 男女授受不親". Có nghĩa : Con trai con gái đưa và nhận không được thân cận nhau. Ý là Trai gái không được gần gũi, va chạm hoặc nắm núi tay nhau, sợ sẽ phát sinh tình cảm trai gái ngoài khuôn phép, không đúng theo luân thường đạo lý. Còn QUYỀN 權 vốn là trái cân, dùng để cân nhắc nặng nhe, được sử dụng với nghĩa Quyền Biến, là phải biết linh động mà xử sự. như Thuần Vu Khôn 淳于髡 hỏi Mạnh Tử rằng : Nếu nói "Nam nữ thọ thọ bất thân" thì khi chị dâu té xuống sông có nhảy xuống cứu lên không ?. Mạnh Tử đáp : Nam nữ thọ thọ bất thân, lễ dã. Tẩu nịch viện chi dĩ thủ, quyền dã. 男女授受不親,禮也;嫂溺援之以手,權也. Có nghĩa : Trai gái đưa và nhận không được thân cận nhau, đó chính là LỄ. Chị dâu chết đuối đưa tay cứu lên, đó chính là QUYỀN. Ý nói : Nam nữ ngày thường phải được phân biệt, không được thân cận núi kéo nhau, cho dù đưa và nhận cũng không được chạm vào tay nhau, đó là phải giữ LỄ; Nếu không giữ Lễ người nam sẽ dễ lợi dụng thời cơ để sờ mó khinh bạc đối với phụ nữ, hoặc nam nữ dễ phát sinh gian tình với nhau. Còn thấy chị dâu té xuống nước mà còn giữ lễ "Nam nữ thọ thọ bất thân" để cho chị dâu bị chết đuối, là bất nhân bất nghĩa. Nhảy xuống nước ôm chị dâu để cứu chị lên bờ, chỉ là Quyền Biến để
cứu sống chị, chớ không phải giở trò Phi Lễ với chị. Đó gọi là "Ngộ
Biến phải tòng Quyền". Nên người QUYỀN BIẾN là người biết tùy theo thời
cơ, hoàn cảnh mà hành động, không theo nguyên tắc cứng ngắt mà phải biết
linh động tùy cơ tùy thời. Như Thúy Kiều là cô gái khuê các đàng hoàng, nhưng khi gặp cảnh gia biến thì cũng phải bán mình để chuộc tội cho cha, để ...
Duyên hội ngộ, đức cù lao,
Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn ?!
Trong truyện thơ Nôm NỮ TÚ TÀI, nàng Nữ Tú Tài Phi Nga do dự không
biết phải làm thế nào giữa hai chàng Đỗ Tử Trung và Ngụy Soạn Chi cho
đúng cho phải, nên...
Ruột tằm bối rối nào yên,
Bồi hồi chưa định KINH QUYỀN làm sao ?!
Còn có...
KINH 驚 là Sợ, HÃI 駭 là Khiếp, ta có từ KINH HÃI 驚駭 là Khiếp Sợ, chỉ rất Sợ hãi, khiếp đãm. Như khi Thúy Kiều nghe Hoa Tỳ kể lại :"...bà
đến đã lâu, nhón chưn đứng nép độ đâu nửa giờ, Rành rành kẻ tóc chân
tơ, Nỗi ông dật dã nỗi nàng thở than, ngăn tôi đứng lại một bên, Chán
tai rồi mới bước lên trên lầu..." Khiến cho Thúy Kiều :
Nghe thôi KINH HÃI xiết đâu,0
Ấy mới gan, Ấy mới tài,
Nghĩ càng thêm nỗi sờn gai rụng-rời !
KINH 驚 còn có nghĩa là KINH ĐỘNG 驚動 là làm cho Giật mình. Như KINH THIÊN ĐỘNG ĐỊA 驚天動地 là làm cho Long Trời Lở Đất, làm cho trời
đất cũng phải giật mình. Ý chỉ làm chuyên lớn, chuyện mọi người đều
kinh ngạc không ngờ tới. Ta nói là làm chuyện tày trời, như Từ Hải và
Thúy Kiều "Gồm hai văn võ vạch đôi sơn hà!" và " Năm năm hùng cứ một phương hải tần", cho thấy hai người đã :
Vẫy vùng trong bấy nhiêu niên,
Làm cho ĐỘNG ĐỊA KINH THIÊN ầm ầm !
Ngoài KINH THIÊN ĐỘNG ĐỊA 驚天動地 ra, ta còn có thành ngữ KINH THẦN
KHỐC QUỶ 驚神哭鬼 hay QỦY KHỐC THẦN KINH 鬼哭神驚, mà ta hay nói thành QỦY KHỐC
THẦN SẦU, như khi Thúy Kiều đang "Nén hương đến trước Phật đài, Nỗi lòng khấn chửa cạn lời vân vân" thì :
Dưới hoa dậy lũ ác nhân,
Ầm ầm KHỐC QỦY KINH THẦN mọc ra.
... Khuyển Ưng đã theo lệnh của Hoạn Thư đến bắt Thúy Kiều về Vô Tích !
Xin được kết thúc Thành ngữ Điển tích với chữ KINH ở đây !
Hẹn bài viết tới !
Đỗ Chiêu Đức
🍑🍑🍑Mời xem TNĐT 54 :KIM
🌾🌾🌾Giai Thoai Văn Chương :NUỐT THƠ ĐỖ PHỦ💃
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét