Sự
việc một nữ sinh học lớp 7 ở tỉnh Trà Vinh bị
các bạn cùng học đánh hội đồng khiến cộng đồng rất phẫn nộ. Không ít người băn
khăn vì sao sự việc có thể diễn ra trong một thời gian dài và trước nhiều học
sinh như vậy mà người lớn không biết.
Trước đó không lâu,
một phụ huynh ở Cầu Giấy, Hà Nội, chỉ biết con bị bắt nạt suốt một thời gian
dài ở trường khi có người gọi điện tới tận nhà thông báo. Nguy hơn, bố mẹ cô nữ
sinh cấp 3 này lúc ấy mới biết con gái mình từng cố gắng tự tử nhiều lần bằng
thuốc ngủ. Cô bé chỉ đồng ý kể lại sự việc bị bắt nạt khi đã trải qua rất nhiều
lần tư vấn qua chat với chuyên gia tư vấn học đường. Thời gian đầu, em không muốn
gặp mặt trực tiếp chuyên gia vì luôn bị ám ảnh rằng các bạn vẫn dõi theo từng
hành động của mình.
Thực tế, người lớn vẫn thường nghĩ việc
đánh nhau, mắng nhau, bôi xấu nhau…là chuyện thường gặp ở lứa tuổi học trò và
các con luôn tự biết cách giải quyết ổn thỏa. Nhưng trừ khi chúng ta mong muốn
bọn trẻ phải tự hàn gắn nỗi đau và những tổn thương, còn lại thì tất cả việc đó
sẽ không dễ dàng qua đi chỉ sau một giấc ngủ dài. Hơn nữa, đa phần các học sinh
bị bắt nạt tại lớp, tại trường không dám kể lại mọi việc với cha mẹ. Thường thì
các em cố giấu giếm hoặc thậm chí là nói dối về những thương tích trên cơ thể.
Nguyên nhân của hành động này có thể là do các em sợ bị bạn trả thù, tẩy chay
hoặc bản thân các em chưa tin tưởng vào bố mẹ, thầy cô hay bất kỳ ai có thể
giúp đỡ mình vượt qua khó khăn.
Để hạn chế những sự
việc đau lòng như thế xảy ra với các con, cha mẹ có thể làm gì
Dấu hiệu cơ bản để biết trẻ đang bị “bắt nạt học đường”
Trước tiên, chúng ta
đang nói về khái niệm “bắt nạt học đường”, chứ không phải là “bạo lực học
đường”. “Bạo lực học đường” xảy ra khi hai đối tượng trong môi trường học đường
- có thể là học sinh với học sinh hoặc học sinh với giáo viên, cán bộ trong trường
- có vị trí tương đối cân bằng nhau về quyền lực, quan hệ, sức mạnh.... Còn
“bắt nạt học đường” khi một đối tượng hoặc nhiều đối tượng dùng vị thế, quan
hệ, sức mạnh, cố ý gây tổn hại về thể chất, tinh thần hoặc kinh tế với một đối
tượng khác yếu thế hơn, cũng trong phạm vi học đường, nhằm kiểm soát, thao túng
và đàn áp họ.
Cha mẹ có thể khá dễ
dàng nhận biết những dấu hiệu con đang bị bắt nạt tại trường qua một số điểm
sau:
- Dấu hiệu trên cơ
thể: Thường có những vết thương hoặc thường xuyên có các vết bầm tím, trầy
xước. Thường xuyên có biểu hiện mệt mỏi, đau đầu, đau bụng, ốm, khó ngủ, hay
gặp ác mộng.
- Dấu hiệu về hành vi:
Quần áo nhem nhuốc, xộc xệch hoặc khác biệt, ví dụ như giữa mùa hè lại mặc áo
dài và cài kín cổ, tay áo dài (rất có thể con dùng áo để che dấu vết thương
trên cơ thể). Sách vở, quần áo, đồ dùng cá nhân thường bị mất hoặc phá hỏng.
Lấy tiền của bố mẹ và có các lý do khác nhau về việc cần tiền. Thường ngồi cô
độc một chỗ. Có những hành động hủy hoại bản thân như bỏ nhà, tự làm đau hoặc
tự tử.
- Cảm xúc: Tính cách
thay đổi với tính cách thông thường của trẻ (ít nói hơn, hay lo lắng hơn, căng
thẳng, hay cáu gắt…).
- Dấu hiệu nhận thức:
Thay đổi thói quen và không hứng thú với những hoạt động mà trẻ ưa thích hàng
ngày. Ít tham gia các hoạt động của trường lớp hơn. Bất ngờ học hành sa sút
hoặc thường bỏ giờ. Nếu trẻ bị bắt nạt kéo dài, ở mức độ nghiêm trọng có thể
còn thể hiện triệu chứng tuyệt vọng, không dám đi học, sợ trường học, ám sợ xã
hội, bị sang chấn hoặc có xu hướng tự tử.
- Dấu hiệu xã hội: Trẻ
có thể buồn, e ngại, ít tiếp xúc hay giao tiếp, cảm thấy khó tin tưởng người
khác. Cảm giác bị cô lập.
Gia đình chính là nơi
gần gũi nhất với con trẻ và khi nhận thấy bất cứ dấu hiệu cảnh báo nào cho thấy
con có thể đang bị bắt nạt tại trường học, cha mẹ đừng bỏ qua và tặc lưỡi
“chuyện trẻ con ấy mà”. Bạn nên nhắc mình rằng đã có rất nhiều đứa trẻ mãi mãi
dừng lại ở tuổi trẻ con chỉ vì chưa được giúp đỡ đúng cách và đúng lúc.
Làm gì khi trẻ bị “bắt
nạt học đường”
Các hành vi bắt nạt
rất đa dạng, phức tạp và nhiều khi là sự phối hợp của nhiều hình thức bắt nạt
khác nhau nên tùy từng trường hợp cụ thể mà cha mẹ hoặc người trợ giúp có thể
chọn những cách giải quyết phù hợp nhất trên nguyên tắc đảm bảo lợi ích tốt
nhất cho cả trẻ bị bắt nạt, trẻ đi bắt nạt và trẻ chứng kiến vụ việc.
Bạn có thể xem các
bước gợi ý dưới đây để hỗ trợ trẻ khi biết con đang gặp khó khăn tại trường:
- Bước 1: Động viên,
đảm bảo an toàn và tìm hiểu sự việc. Người trợ giúp cần tạo được niềm tin ở
trẻ, trấn an và để con biết rằng sẽ luôn ở bên, bảo vệ và hỗ trợ ngay khi con
cần.
- Bước 2: Đánh giá tổn
thương của trẻ. Nếu thấy cần thiết thì nên kết nối trẻ với dịch vụ tư vấn, y tế…
- Bước 3: Bàn bạc với
trẻ về kế hoạch giúp đỡ, giải quyết sự việc. Khuyến khích trẻ chủ động đưa ra
giải pháp, sau đó người trợ giúp mới cùng phân tích và tìm ra giải pháp phù hợp
nhất. Cuối cùng, chính con sẽ sống cuộc sống của mình nên hãy hỗ trợ ở mức cần
thiết để con thực tập cách vượt qua khó khăn, khủng hoảng một cách chủ động.
- Bước 4: Hỗ trợ trẻ
một số cách ứng phó với việc bắt nạt. Cụ thể như cần thông báo cho ai khi bị
bắt nạt, cần đưa ra cảnh báo với bạn đi bắt nạt hay tránh đi một mình tới những
nơi có thể bị gây tổn hại.
- Bước 5: Giám sát và
hướng dẫn trẻ thực hiện cách ứng phó để đảm bảo trẻ không tiếp tục bị bắt nạt.
Nhiều bậc cha mẹ thực
sự bức xúc khi con bị bắt nạt. Không chỉ giận kẻ đã bắt nạt mà họ còn bực vì
con mình không kẻ lại sự việc sớm hơn. Nhưng “tiên trách kỉ, hậu trách nhân”,
cha mẹ hãy xem lại liệu mình đã hoàn toàn gần gũi với con cái chưa? Liệu có bao
giờ con mới ngập ngừng nói về chuyện bị bắt nạt tại trường mà bạn đã đổ lỗi cho
con rằng “chắc con phải làm gì thì mới xẩy ra chuyện đó chứ”. Có thể bạn từng
là một học sinh mạnh mẽ và giải quyết tốt tình huống bị bắt nạt nhưng tố chất
con bạn lại không dễ dàng làm việc ấy. Đó cũng là chuyện bình thường và hãy tìm
cách hỗ trợ con thay vì trách móc và đổ lỗi.
Nên làm gì với trẻ đi
bắt nạt?
Trong khi giải quyết
các vụ việc bắt nạt, chúng ta thường có xu hướng thiên vị hoàn toàn đối với trẻ
bị bắt nạt và đẩy mọi lỗi lầm lên trẻ đi bắt nạt. Đúng là trẻ bị bắt nạt rất
cần được trợ giúp để vượt qua sự sợ hãi và những nỗi ám ảnh nhưng chính trẻ gây
bạo lực cũng rất cần được giúp đỡ để trở nên tốt hơn. Vẫn cần có biện pháp kỷ
luật đối với trẻ đi bắt nạt, nhưng hãy làm việc đó khi nó có thể giúp các em
tốt hơn chứ không phải là chỉ để thỏa mãn cơn tức giận của bản thân.
Nếu chỉ cần phạt thật
nặng, đánh đập, nhục mạ hay cô lập trẻ mắc lỗi thì cuối cùng bài học mà chúng
sẽ học được là gì? Vẫn là thói quen dùng bạo lực và quyền lực để trấn áp kẻ yếu
thế hơn. Vậy thì chúng ta - một đám đông bực bội - và một đứa trẻ đi bắt nạt có
gì khác nhau?
Nhà tâm lý Dương Kim Ngân
Trung tâm tư vấn tâm lý Linh Tâm
Trung tâm tư vấn tâm lý Linh Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét