Chuyện này có lẽ sẽ mãi mãi nằm yên trong ký ức của tôi và một vài người bạn Đức, nếu không xảy ra chuyện chặt hàng loạt cây ở Hà Nội.
Tôi xuất thân từ Hà Nội. Dù cư trú ở Đức đã hơn 20 năm nhưng vẫn gắn bó với thủ đô Hà Nội, đặc biệt là với những đường phố rợp bóng cây. Nay xem những hình ảnh hàng loạt cây ở Hà Nội bị chặt hạ tôi vô cùng đau xót. Tôi xin kể một chuyện có thật sau đây ở Đức mà tôi đã trực tiếp tham gia và chứng kiến để các bạn xem về quản lý cây xanh ở xứ người.
Vườn nhà ông bà Schulz
Tôi quen gia đình ông bà Schuhmacher ở Bonn (thủ đô cũ của Tây Đức) đã gần 20 năm nay, từ ngày ông bà mới mua ngôi nhà trên một mảnh đất gần 400 m². Hàng xóm của gia đình ông bà là ông bà Schulz, cũng sở hữu một cơ ngơi tương tự như vậy. Bẵng đi bao nhiêu năm trời không gặp lại vì mưu sinh, cách đây 3 năm tôi mới có dịp về thăm lại gia đình ông bà Schuhmacher.
Thành phố Bonn giờ đây yên lắng hơn vì thủ đô đã chuyển về Berlin. Con người ở Bonn cũng trầm lắng hơn. Mảnh vườn nhà ông bà Schuhmacher giờ khó mà nhận ra vì hàng cây cối ven rào giờ đã vươn cao và tỏa bóng mát xuống già nửa diện tích. Có những cây đã gần thành cổ thụ, cao tới 7-8m. Về thăm lại gia đình ông bà Schuhmacher lần này, tôi đã tình cờ chứng kiến và tham dự một vụ việc để lại kỷ niệm sâu sắc có lẽ có một không hai trong đời.
Số là khi hai gia đình Schuhmacher và Schulz cùng mua 2 lô đất kia cách đây gần 20 năm, ông bà Schuhmacher quyết định trồng mấy cây giẻ ở sát hàng rào để lấy bóng mát, còn ông bà Schulz xây một gara ô tô ở ven rào sát đó.
Trong suốt ngần ấy năm trời, hai gia đình vẫn giữ tình cảm hàng xóm láng giềng gắn bó và thân mật. Nhưng năm tháng qua đi, cây giẻ bên nhà ông bà Schuhmacher ngày càng lớn, rễ cây vượt địa giới, xuyên sang lô đất bên ông bà Schulz, thậm chí còn làm nứt cả nền và tường gara.
Ban đầu, ông Schulz còn cố dùng xi măng để trát lại tường và nền gara nhà ông, nhưng rồi vết nứt ngày càng trầm trọng, hai gia đình Schuhmacher và Schulz đã gặp gỡ nhau, bàn bạc nhiều lần để cùng tìm giải pháp, những tưởng rằng chỉ có cách chặt hạ cây giẻ kia để cứu chiếc gara ô tô. Nhưng theo bộ luật môi trường và bộ luật bảo vệ thiên nhiên của Cộng hòa Liên bang Đức nói chung cũng như của các tiểu bang nói riêng, vấn đề chặt hạ cây không phải là đơn giản.
Luật của Đức quy định:
- Tất cả những cây cho bóng mát và cây thuộc họ tùng đều nằm trong diện cây được bảo vệ, cho dù cây đó nằm ở đường phố, công viên hay trong vườn thuộc sở hữu của cá nhân.
- Những cây có chu vi gốc trên 80cm và cao trên 1m không được phép chặt, trừ khi có giấy phép của chính quyền. Ai chặt cây trái phép, làm cho cây tổn hại hoặc bị chết có thể bị phạt tiền tới 50.000 euro.
- Bộ luật bảo vệ cây quy định rõ: chỉ có cây bị bệnh nặng mới được cấp phép để chặt hạ. Mức độ bệnh của cây được quy định theo những tiêu chí cụ thể (bệnh về tán lá, về thân, về rễ cây) và chia làm 5 mức khác nhau.
- Khi một cây cần thiết phải chặt, nhất thiết phải có giấy phép của nhiều cơ qua đương cục (Cục bảo tồn di tích đối với những cây đã được xếp hạng, Sở bảo vệ thiên nhiên và môi trường, Sở trật tự công cộng và Công ty cây xanh với những cây còn lại.)
Thế là hai gia đình Schuhmacher và Schulz phải mời các nhà đương cục vào cuộc để bàn thảo tìm giải pháp thích đáng. Tham gia cuộc bàn thảo, ngoài đại diện của Sở bảo vệ thiên nhiên và môi trường, Sở trật tự công cộng và Công ty cây xanh còn có giám định viên của Sở xây dựng để đánh giá mức độ thiệt của gara do cây giẻ gây ra.
Tôi nghe ông bà Schuhmacher kể lại, cuộc họp đầu tiên được tổ chức 3 tuần trước khi tôi về thăm lại ông bà Schuhmacher. Hôm đó tất cả mọi người đều khẳng định: Cây giẻ trên mảnh đất nhà ông bà Schuhmacher quá lớn, rễ cây làm nứt tường và nền gara ô tô nhà ông bà Schulz. Chỉ có thể có một trong hai giải pháp: hoặc là dỡ bỏ gara chuyển đi vị trí khác hoặc đốn hạ cây giẻ để cứu gara.
Hôm đó, đại diện của Sở xây dựng và Công ty cây xanh khẳng định rằng: Nếu chặt hạ cây giẻ thì đấy là một việc làm đúng luật vì trong trường hợp này cây đã làm tổn hại đến gara nhà hàng xóm. Nhưng làm như vậy thì ta sẽ mất đi một sinh mạng của một cây gần 20 năm tuổi. Còn nếu muốn giữ cây thì phải chuyển vị trí của gara nhà ông Schulz, mà việc này liên quan tới chi phí, liệu gia đình ông Schulz có sẵn lòng tự chịu kinh phí này không?
Cả phòng im lặng hồi lâu, rồi bỗng ông đại diện của Sở bảo vệ thiên nhiên và môi trường đề xuất: Vì lợi ích thiên nhiên và môi trường nói chung, tôi mạnh dạn đề nghị, chúng ta giữ lại cây giẻ và di chuyển gara nhà ông Schulz, cá nhân tôi sẽ báo cáo với lãnh đạo để Sở chịu một phần kinh phí.
Mọi người thật bất ngờ với ý kiến chưa hề có tiền lệ. Sau một hồi suy nghĩ và cân nhắc, đại diện của các cơ quan còn lại cũng ủng hộ ý kiến đó và hứa sẽ báo cáo lãnh đạo cơ quan mình về việc cùng chịu chi phí. Ông Schuhmacher cũng sẵn sàng cùng chịu một phần chi phí cho gia đình ông Schulz.
Sau một hồi phân tích và bàn bạc, cuối cùng mọi người đã thống nhất ghi vào biên bản cuộc họp: Đại diện Sở xây dựng cùng gia đình ông Schulz xác định chi phí cho việc di chuyển vị trí gara và thông báo cho các bên liên quan để báo cáo và trình lãnh đạo. Nếu lđạo các sở đồng ý thì chi phí được chia đều cho 6 bên (Sở bảo vệ thiên nhiên và môi trường, Sở xây dựng, Sở trật tự công cộng, Công ty cây xanh và hai gia đình Schuhmacher, Schulz). Sau 3 tuần, các bên sẽ họp mặt lần hai để thông báo quyết định.
Ba tuần sau đó, tôi tình cờ có mặt trong cuộc họp lần hai tại nhà ông Schuhmacher. Tôi đã định tìm cách rút lui nhưng ông Schuhmacher đã nói với tất cả những người có mặt: Tuy không phải là người trong cuộc, nhưng chúng tôi coi ông Hoàng Thao như là người trong gia đình nên cứ để ông ấy dự cuộc họp này.
Cuộc họp diễn ra thật chóng vánh ngoài sức tưởng tượng của tôi. Ông đại diện Sở bảo vệ thiên nhiên và môi trường tuyên bố: Lãnh đạo Sở chúng tôi đã quyết định cùng chịu chi phí với gia đình ông Schulz để di chuyển gara nhà ông và không chặt hạ cây giẻ bên nhà ông Schuhmacher. Đại diện các cơ quan còn lại cũng tuyên bố tương tự như vậy. Đại diện cho Sở xây dựng đưa ra bản chào của một Công ty xây dựng dự toán chi phí cho việc di chuyển gara ở mức 12.250 euro. Khoản chi phí này sẽ được chia cho 6 bên như theo quyết định của cuộc họp lần trước.
Tôi thật sự bất ngờ về kết quả của cuộc họp và rụt rè lấy từ trong ví của mình ra 250 euro và khẽ nói: Xin cho cá nhân tôi được đóng góp một phần nhỏ của mình. Tôi thật sự ấn tượng về quyết định của các vị. Mọi người đều ngỡ ngàng về việc làm của tôi và lần lượt bắt tay tôi, ôm lấy tôi và cám ơn.
Chuyện này có lẽ sẽ mãi mãi nằm yên trong ký ức của tôi và một vài người bạn Đức, nếu không xảy ra chuyện chặt hàng loạt cây ở Hà Nội, thủ đô thân yêu của tôi và của chúng ta.
Theo Hoàng Thao/Vietnamnet (từ Berlin)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét