9 thg 3, 2015

Giáo dục gây tổn thương để đi tới - Nguyên Ngọc



  • Ngày mà ông cùng với một số nhà văn khác mở trường Nguyễn Du, lúc đó các ông đã nghĩ: làm sao mà dạy viết văn được?
    Không thể dạy một người thành nhà văn, nhưng cần giúp các nhà văn trẻ có thể đi xa. Muốn vậy, cần cố gắng tạo cho họ gặp được những người giỏi nhất trong tất cả các lĩnh vực và nghe những người đó nói chuyện.
    Các ông thầy lên lớp, hầu như chỉ làm mỗi một việc là kể chuyện, chuyện mình, chuyện người. Từ các câu chuyện ấy, các học viên về tự kể lại và mỗi người, bằng tài năng của mình, kể câu chuyện của chính mình nhận thức được với cuộc đời, vạn vật theo cách của mình thể hiện qua ngôn ngữ, bút pháp và tinh thần.
    Ba mươi năm sau, ông quay trở lại với giáo dục, lần này, ông quản trị một trường đại học với mục tiêu của những con người đã đi vào lịch sử bằng sự khai sáng như Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu… Và cũng như sở học của mình, giờ thì ông hiểu mục tiêu của giáo dục chính là sự giải phóng cho con người, đúng hơn, giúp cho mỗi người tự giải phóng. Câu chuyện mà ông dẫn dắt chúng ta dưới đây sẽ đem lại cho các bạn, dù chỉ là một suy nghĩ mới hay nhận ra mình, cũng chính là điều ông muốn nói.
    Xây dựng ý chí muốn học
    Tôi thuộc loại người không có bằng cấp, không học xong phổ thông. Học đến nửa tú tài thì chiến tranh, đi đánh nhau. Nhìn lại đời mình, chỉ riêng về giáo dục, tôi nhớ và nghĩ rất nhiều về nền giáo dục Pháp ngày xưa, họ đã dạy thế nào đó để một người chưa xong tú tài như tôi vẫn thấy mình được học nhiều thứ rất cơ bản. Sau đó là quá trình tự học. Có lần tôi đã nói: “Tôi biết ơn nền văn hoá và văn học Pháp. Hạnh phúc cho ai được chịu ảnh hưởng tốt đẹp của nó”.
    Tôi ra miền Bắc, tám năm sau lại trở vào chiến trường miền Nam cùng anh Nguyễn Thi. Những năm ấy tôi thấy mình học được nhiều và thay đổi nhiều. Tôi nhận ra chính là nhờ tôi được gặp được quen những người thật giỏi và… nghe họ nói. Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân…, những Đặng Thai Mai, Vũ Ngọc Phan… Chắc họ không biết họ đều là thầy của tôi. Có lẽ tôi học được nhiều nhất là cách họ suy nghĩ, cảm nhận cuộc sống.
    Hầu hết thế hệ tôi là như thế, đám nhà văn ở tuổi tôi ngoài Bắc chỉ duy nhất có một người được đi học đại học là ông Phan Tứ. Còn tất cả chúng tôi chỉ dở dang ở phổ thông.
    Tới giờ tôi vẫn tự học. Cái gì cũng muốn học. Tôi rất say mê đọc vật lý. Tôi được bạn bè “khai phóng” và hiểu rằng vật lý hiện đại rất gần với triết học. Tôi hơi buồn thấy các nhà văn trẻ rất ít quan tâm đến vật lý. Người ta bảo sức tưởng tượng của vật lý còn hơn cả nghệ thuật. Nó động đến những vấn đề vô cùng sâu xa của triết học, của sự tồn tại, của con người giữa khôn cùng…
    Hình như có một thời khá dài ta từng có một nền văn học không có triết học. Thật kỳ lạ và đáng sợ!
    Khai phóng và thực học, giáo dục nền tảng của năm 2015
    Hiện nay tôi rất sợ ta hiểu thực học đơn thuần là học kỹ thuật, kinh tế, tin học. Tôi muốn nhắc lại về Fukuzawa Yukichi và Nguyễn Trường Tộ. Vì sao Nguyễn Trường Tộ, người yêu nước vô cùng như thế lại thất bại với các bản điều trần của mình? Đương nhiên có lý do từ cơ sở xã hội nhưng nếu nói đến hai nhân vật này thì còn có sự khác biệt về con người. Nguyễn Trường Tộ chủ yếu vẫn thấy phương Tây hơn ta ở kỹ thuật, Yukichi khác, ông nhận rõ Nhật Bản thua phương Tây cả một nền văn minh. Học phương Tây là học nền văn minh đó, chứ không phải chỉ học kỹ thuật. Đến Phan Châu Trinh thì đã nói được: “Mình thua là tất yếu vì mình thấp hơn họ cả một thời đại”.
    Hiện nay tôi đang có một trường đại học, mới có mấy khoá, và tôi nhận thấy rất ít các em sinh viên của chúng tôi ra đời có thể làm đúng với nghề mà các em học. Vậy nếu chỉ tập trung học kỹ thuật thì sẽ rất lúng túng vì không có nền tảng để xoay chuyển trong biến động. Tôi vừa mới đọc câu này và thấy nếu nghĩ như thế thì thật đáng lo: “Bây giờ người ta chi hàng tỉ đôla để một người đi lên mặt trăng trong khi vẫn còn có hàng tỉ người lại không có ăn”. Nghĩ về thực học như thế thì nguy hiểm lắm. Tôi nhớ tôi đã báo cho tất cả mọi người trong trường biết cái đêm tàu vũ trụ Rosetta của châu Âu lần đầu tiên thả một robot xuống sao chổi, để tìm thử nguồn gốc của sự sống trên trái đất có phải bắt đầu từ sao chổi không? Điều đó là vô cùng thực. Ham được biết điều đó cũng là thực học.
    Tôi có lần nói với bà Nguyễn Thị Bình, nguyên bộ trưởng bộ Giáo dục, nguyên phó Chủ tịch nước, năm nay đã 89 tuổi: “Phải thật sự nghĩ lại về giáo dục miền Nam trước 1975, có lẽ cải cách giáo dục mình bây giờ cứ làm đúng như giáo dục miền Nam trước 1975 là được, hoặc ít nhất phải xem cho kỹ nền giáo dục đó để tham khảo”. Nền giáo dục nào tạo cho con người có cái quyền của mình, đấy là thực học. Người thực học là người có nền tảng để thúc đẩy ý chí tự mình dám đi tìm chân lý.
    Giáo dục khai phóng đã có từ thời cổ đại. Người ta tin rằng tạo hoá sinh ra con người ai cũng có tiềm năng và đã thấy cần học những môn gì để có thể giúp cho con người tự giải phóng mình ra khỏi sự dốt nát, giải phóng những tiềm năng có sẵn của mình để giúp mình sống có hạnh phúc và có ích cho xã hội.
    Tôi cũng tin và đã từng nói rằng giáo dục phải bắt đầu bằng niềm tin vào con người. Bởi ai cũng có những tiềm năng cần được giải phóng. Không có niềm tin đó thì thà đừng làm giáo dục.
    Sau khi đọc một bài viết của tôi về điều đó, bạn tôi là anh Bảy Nhị, trước đây là chủ tịch tỉnh An Giang, viết thư kể với tôi: sau năm 1975 anh mới lấy vợ, hôm đó anh dẫn vợ đi chụp ảnh. Ông thợ ảnh bảo: “Tôi sẽ chụp chị rất đẹp vì tôi tin người phụ nữ nào cũng có nét đẹp của họ, ăn thua là mình biết nhìn ra vẻ đẹp đó chứ không phải cái máy ảnh này chụp đẹp hơn máy ảnh kia”. Anh Bảy Nhị nói: “Cái tay nhiếp ảnh này ngộ quá nhưng giờ tôi đọc bài của anh, tôi nhận ra ông nhiếp ảnh đó nói đúng”.
    Chìa khoá để mở cửa tâm hồn
    Tôi có đọc một bài viết của một nhà nữ triết học Mỹ nói về tính dễ bị tổn thương của con người. Giáo dục làm cho con người bị tổn thương. Vì sao? Vì việc đem lại tri thức làm cho con người thấy hoá ra còn bao nhiêu cái mình chưa biết, càng học càng thấy cái mình biết, cái mới vừa được biết thêm càng vô cùng nhỏ bé trước cái chưa biết, không biết còn lại mênh mông, vô tận. Cảm giác tổn thương đó là một cảm giác lành mạnh. Nó khiến con người thiết tha đi tới trên đường tự khai phóng.
    Một cô sinh viên của trường tôi, gia đình rất nghèo, mẹ cô có 13 con bò, cô đi học bốn năm thì bà phải bán hết 12 con bò, chỉ còn mỗi một con. Hôm đi học tiếp ở một nơi khác, em đến thăm tôi và nói: Trước đây em đã từng nghĩ, khi em ra trường sẽ cố gắng kiếm việc làm có đồng lương nào đó để sống được, rồi trả nợ dần cho mẹ, rồi sẽ dẫn mẹ đi chơi một tua, rồi lấy chồng và sẽ có một cuộc sống yên ổn. Em nghĩ, nếu không gặp thầy, em sẽ sống một cuộc sống như thế đó nhưng giờ em giật mình và sợ hãi với suy nghĩ đó. Chỉ chút nữa thôi thì mình đã để cuộc đời mình chìm trong một hạnh phúc chật hẹp biết bao nhiêu… mà không hề hay biết!” Nghe lời em nói, tôi cũng giật mình nhìn lại mấy năm qua, hoá ra tôi đã khiến em bị tổn thương khi nhận ra: “Trời ơi, đời mình chỉ có chừng này thôi à?” và sau đó em đã khao khát biết những điều khác nữa lớn lao hơn ở thế giới.
    Tôi nói với sinh viên, mình càng tìm biết, mình càng thấy còn có những cái biết lớn lao hơn nữa. Càng biết nhiều bao nhiêu thì càng nhận ra sự vô tận của cuộc sống và nhận ra sự dốt nát của mình. Rồi khi cô sinh viên vào Sài Gòn, đến những môi trường giáo dục khác, gặp những người cũng trẻ tuổi mà thành danh, cô đã oà khóc vì bị tổn thương. Từ đó cô quyết tâm tiếp tục tìm mọi cách học. Cô nhận ra rằng thế giới thật là mênh mông bể sở và cô khao khát được tiếp cận nó.
    Tôi nói với các thầy và sinh viên ở trường rằng tôi không tin có học trò kém. Mỗi con người đều có thể giỏi một cái gì đấy. Sở dĩ mình thấy sinh viên kém là vì mình muốn mọi người đều giỏi cái mà mình muốn. Trong khi xã hội thì vô cùng đa dạng. Ví dụ mình muốn mọi người đều phải giỏi toán, nhưng nếu sinh viên đó không giỏi toán thì ngay lập tức mình nói: “Thằng này dốt!” Hay mình muốn sinh viên đều phải giỏi văn, nếu không giỏi thì mình bảo nó dốt. Vậy cái giỏi của người thầy chính là giúp cho sinh viên nhận ra cái giỏi thật sự của họ và từ đó họ tự khai phóng họ ở lĩnh vực đó. Phát triển bao giờ cũng là tự phát triển, không thể nào mình nắm đầu người ta kéo lên được cũng như cái cây nó mọc tự nhiên, sao bạn có thể nắm nó kéo lên cho cao được.
    Trường đại học Phan Châu Trinh ở Hội An cũng đang chủ trương theo con đường này. Tạo nên một không gian tự do, không gian văn hoá, không gian học thuật để bốn năm đại học là bốn năm hạnh phúc nhất của con người. Đào tạo cho các em không chỉ để ngày mai có việc làm mà cho các em có thể tự sống cuộc đời mình hay nhất, đẹp nhất. Hội An cũng là một thành phố rất đặc biệt, chúng tôi muốn tìm mọi cách để thành phố văn hoá độc đáo này thật sự là “khu nội trú” của trường chúng tôi.
     Nguyên Ngọc
  • Thế Giới tiếp thị)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét