25 thg 4, 2013

Tư Mã Thiên với điển cố:"Cửu ngưu nhất mao"


Mã Thiên với điển cố “Cửu ngưu nhất mao”
Tư Mã Thiên là nhà sử học, nhà văn kiệt xuất của Trung Quốc cổ đại. Ông người đất Long Môn, Thiểm Tây, là con trai Tư Mã Đàm một thái sử công uyên bác. Hồi nhỏ Tư Mã Thiên học với cha trong ý thức truyền nghề, học rất thông minh.  Mười tuổi ông đã thông cổ văn. Hai mươi tuổi đã đi khắp miền Đông Bắc Trung Quốc. Từ 23 tuổi đến 38 tuổi nhân đi công cán cho triều đình, Tư Mã Thiên đã làm những cuộc công du khắp mọi miền đất nước từ những danh thắng cổ tích, danh nhân kim cổ, ghi chép kỹ lưỡng. Có thể nói ông là nhà du lịch lớn nhất thời cổ. Suốt ba mươi năm ông đã tích lũy được kho tư liệu đồ sộ với quyết tâm xây dựng một bộ thông sử cho dân tộc. Sau khi cha mất, ông thừa hưởng chức Thái sử lệnh của cha, Tư Mã Thiên bắt tay khởi thảo bộ Sử ký. Viết được 5 năm thì mắc phải vạ Lý Lăng, bị cung hình tuyệt đường sinh  sản.
Chuyện xẩy ra như thế này: Theo lệnh vua, Lý Quảng Lợi và Lý Lăng xuất chinh ra biên cương diệt Hung Nô. Lý Quảng Lợi kém cỏi, dốt nát, chẳng hiểu  mô tê cách dụng binh, chỉ dựa vào thế hoàng thân quốc thích, tính tình lại ngạo mạn. Hắn sai Lý Lăng tiến quân vào đất hiểm hậu phương quân địch mà không cho quân tiếp ứng. Kết quả cánh quân rơi vào vòng vây, bị đối phương diệt sạch, Lý Lăng bị bắt sống, rồi đầu hàng. Tin dữ cáo cấp về triều, Hán Võ đế buồn rầu muốn làm cỏ nhà nhà Lý Lăng. Thái sứ công Tư Mã Thiên vì muốn bảo vệ công lý, đã tâu:
-  Lý Lăng dẫn năm nghìn binh mã tiến sâu vào đất giặc, cự với vạn hùng binh của chúng luôn mười ngày, giết được vô số. Vua tôi Vu Thuyền hoảng sợ dốc hết kỵ mã cả nước bao vây. Lăng một mình chiến đấu ở ngoài nghìn dặm, cứu binh của Lý Quảng không tới, thất bại là hiển nhiên. Lý Lăng dù can trường nhưng đơn thương độc mã tác chiến thì quả bất địch chúng. Tên đạn hết, lương thảo kiệt, đường về bị cắt, người chết và người bị thương chất chồng, nhưng khi nghe lời hô hào của Lý Lăng, đều phấn chấn, vuốt máu mặt, giơ nắm tay không xông vào huyết chiến. Thần cho rằng Lý Lăng rất xứng danh với các dũng tướng thời xưa. Tuy thân bại nhưng ông ta vẫn nuôi chí có dịp báo đền ơn nước.
Trước mặt Hán Võ đế, là chị ruột của Lý Quảng Lợi, ái cơ Lý phu nhân nũng nịu bênh che  em, yêu cầu nhà vua trị tội kẻ sàm báng. Hán Võ đế vốn tin yêu nàng, liền hạ lệnh tống ngục Tư Mã Thiên, khép vào tội khi quân, giao cho Đỗ Chu xét xử, phạt cung hình (thiến).
Đau đớn về thể xác, bại hoại về tinh thần, Tư Mã Thiên vô cùng khổ nhục muốn tự kết liễu đời mình. Nhưng chết giữa lúc bộ Sử ký mới viết được một nửa thì uổng quá, bao nhiêu tâm huyết gửi vào trong đó, mất toi đi sao ? Ta có chết thì chỉ là “cửu ngưu nhất mao” (chín con trâu chỉ mất một sợi lông). Ta mà chết thì chẳng ai khen là tử tiết, người đời sẽ chê cười vì xấu hổ mà tự sát ? Nghĩ vậy, ông tĩnh tâm, tĩnh trí, phấn đấu trở lại, ngày đêm nuốt hận suốt 10 năm trời quyết hoàn thành bộ Sử ký.
Tư Mã Thiên kể lại chuyển biến trong nhận thức của mình với người bạn Nhâm Thiểu Khanh. Hậu thế đã căn cứ vào câu nói đó Cửu ngưu nhất mao, biến nó thành một thành ngữ điển cố hay để răn đời về nghị lực, về hy sinh cái nhỏ để lấy cái lớn.
Sử ký dài 526.000 chữ, chia làm ba mươi chương. Nó không những là pho sử chính trị, xã hội, kinh tế mà còn là lịch sử đầy đủ về học thuật, văn hóa, các gương mặt danh nhân đất nước từ vua chúa, triết gia, chính trị gia, nhà văn, thương gia, hiệp khách… Nó là một kho tư liệu vô giá và chính xác được làm bởi một năng lực tổng hợp cao những tư tưởng vĩ đại, những hình tượng chân thật và sống động, những tâm sự đau đáu mang sức mạnh thi ca. Tư Mã Thiên là người tổng kết văn hóa Trung Quốc lần thứ hai sau Khổng Tử với công lao không kém gì vị sư biểu này. Tác phẩm không nhằm viết ra để cầu lợi cầu danh. Nó được công bố sau khi ông qua đời khá lâu, do người cháu ngoại Dương Vận thời Tuyên đế thực hiện.
Sử ký là một kiệt tác về lịch sử, đồng thời là một kiệt tác về văn học cổ điển mang tầm nhân loại, một tập “Ly tao không vần” ( Lỗ Tấn). Về sau, suốt 2.000 năm các sử gia khác của Trung Quốc đã theo gương ông để viết Nhị thập tứ sử (24 bộ chính sử).

Nghị lực sống chiến thắng tất cả, Tư Mã Thiên đã nêu cho đời một tấm gương sáng: hy sinh cái nhỏ để phụng sự mục đích lớn.
 http://trannhuong.com/tin-tuc-15449/tu-ma-thien-voi-dien-co-%E2%80%9Ccuu-nguu-nhat-mao%E2%80%9D.vhtm
(tranh vẽ Tư Mã Thiên : sinh 145 TCN,mất  86 TCN)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét