12 thg 4, 2013

Rèn luyện tư duy cho trẻ quá sớm có tốt không?


Book Hunter: Việc rèn luyện tư duy logic quá sớm ở trẻ không hề tốt như chúng ta tưởng. Những đứa trẻ sớm phát triển khả năng này thường được cho là “thần đồng”, đúng với tiêu chuẩn của người trưởng thành. Nhưng những nghiên cứu khoa học đã chứng minh điều ngược lại. Nhân sự kiện “Thần đồng” Đỗ Nhật Nam, chúng tôi cũng vừa “hunt” được một đoạn khá thú vị, rất mong các bạn suy ngẫm và bình luận.
* * *
Lối sống nhanh, hiện đại và nhiều áp lực hiện nay đang khiến cho tuổi thơ của trẻ em bị ngắn lại, ít được chơi đùa hơn, phải quan tâm đến việc học sớm hơn. Thế nhưng người lớn thường quên mất rằng việc vui chơi đối với trẻ em là rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển nhận thức và tính cách của trẻ. Thông qua vui chơi, chúng được tương tác nhiều hơn với xã hội, học cách giải quyết vấn đề và sáng tạo; những kỹ năng thiết yếu khi chúng trưởng thành.
Vậy việc tuổi thơ bị rút ngắn sẽ ảnh hưởng đến trẻ em thế nào? Đó chính là điều đã xảy ra với người họ hàng thân thuộc nhất với loài người hiện nay: người Neanderthal. Người Neanderthal là một chủng tộc đã tồn tại ở Châu Âu cách đây khoảng 250 nghìn năm, phát triển ra đến tận vùng Trung Đông và bị tuyệt chủng cách đây khoảng 30 nghìn năm. Cũng giống người tối cổ, tổ tiên của chúng ta, họ cũng biết làm ra những công cụ phức tạp, sống nhờ săn bắn hái lượm. Họ cũng có ngôn ngữ riêng, biết dùng lửa và có tục chôn cất người chết. Điều khác biệt lớn nhất với họ và tổ tiên chúng ta chính là về số lượng và bản chất của những đồ đạc mà họ sử dụng được tìm thấy qua những di chỉ khảo cổ.
Loài người chúng ta ngày nay sống trong một “nền văn hóa của biểu tượng”. Quần áo chúng ta mặc, ngoài những chức năng cơ bản, còn mang nhiều yếu tố thể hiện khác : tính cách, địa vị, thẩm mỹ… Chúng ta có những mối quan hệ mang tính biểu tượng cao như anh chị em rể/dâu, bố mẹ vợ/chồng hay anh em kết nghĩa… vốn chẳng có mối quan hệ về huyết thống hay sinh học gì với chúng ta. Theo những di chỉ được tìm thấy, người Neanderthal có rất ít những đồ dùng có tính chất trang trí cho thân thể như lông chim, chuỗi hạt, móng vuốt động vật hay chất nhuộm màu.
Trong khi đó, tổ tiên chúng ta, xuất phát từ Châu Phi 200 nghìn năm trước đây thì lại khác. Chỉ tập trung vào giai đoạn 50 nghìn đến 30 nghìn năm TCN, các nhà khảo cổ đã tìm thấy những đồ vật tinh xảo như sáo làm bằng xương, những bức vẽ tuyệt đẹp trong hang Chauvet tại Pháp, những đồ chạm khắc làm từ ngà voi hay các bức tượng có tình hình học rất cân đối. Chúng mang đầy óc tưởng tượng và trí sáng tạo.

Tranh vẽ trên tường hang Chauvet tại Pháp với niên đại chừng 30 nghìn năm
Khả năng tái hiện một vật thể ba chiều lên một bề mặt 2 chiều hay chạm khắc lên một chiếc ngà voi của tổ tiên chúng ta đòi hỏi một tâm trí rất khác so với người Neanderthal. Điều này được lý giải bởi những trò chơi mà trẻ con người Homo erectus (một kiểu người tối cổ – tổ tiên của chúng ta) và trẻ con người Neanderthal vẫn chơi khi còn là trẻ con.
Người Neanderthal trưởng thành nhanh hơn so với con người hiện đại ngày nay. Hệ quả của việc đó là thời thơ ấu của họ ngắn hơn chúng ta. Các nhà khảo cổ học đã tìm được bằng chứng xác thực giả thuyết này thông qua việc phân tích những xác chết trẻ em hay trẻ sơ sinh người Neantherdal được chôn cất. Năm 2010, Tanya Smith và các đồng sự tại trường Harvard thông qua việc phân tích răng của những bộ xương người Neanderthal đã tính toán được tuổi và tốc độ trưởng thành của người Neanderthal nói chung. Smith kết luận rằng người Neanderthal phát triển tương đối nhanh và nhanh chóng tự lập, xa bố mẹ nhanh hơn chúng ta.
Với thời gian phụ thuộc bố mẹ dài hơn, trẻ em các loài, bao gồm cả con người hiện đại như chúng ta có xu hướng được vui chơi nhiều hơn, tham gia vào nhiều kiểu trò chơi và tâm trí, nhận thức của trẻ em sẽ phát triển khác biệt đáng kể so với những trẻ em không có cơ hội vui chơi nhiều. Một thí nghiệm trên chuột đã chỉ ra rằng những con chuột được nuôi lớn bình thường nhưng bị cách ly với bạn bè từ bé sẽ gặp những vấn đề về não bộ giống như những con chuột bị tổn thương vùng não trước trán; là vùng tác động đến tư duy trừu tượng, khả năng lập luận và tương tác xã hội. Nói cách khác, việc vui chơi thời thơ ấu ảnh hưởng lớn đến cách chúng ta tư duy và nhận thức.
Rất dễ để nhận ra, trẻ em thường thích những trò chơi liên quan đến trí tưởng tượng, vốn là yếu tố nền tảng và cần thiết cho việc sống trong một nền văn hóa mang đầy tính biểu tượng. Việc tưởng tượng ra những giải pháp siêu thực cho những vấn đề thực tế và xem xét chúng dẫn tới đâu trước khi bắt tay vào thực hiện mang lại những lợi thế to lớn cho tổ tiên chúng ta. Trẻ em người Neanderthal, theo những gì chúng ta biết, quá bận rộn để có thời gian những trò chơi “nếu thì” đó và dẫn đến “cách người Neanderthal nhìn nhận thế giới hoàn toàn khác với cách nhìn nhận của chúng ta”.
Một nghiên cứu khác đến từ Simon Neubauer và Jean-Jaques Hublin từ Viện Nghiên cứu Max Planck về vấn đề Nhân chủng học tiến hóa đã chỉ ra rằng, việc não bộ của người Neanderthal phát triển nhanh hơn chúng ta đã khiến các yếu tố trong môi trường sống ít tác động lên họ hơn, hay nói cách khác họ ít quan tâm đến những biến đổi trong môi trường sống của họ hơn. Một ví dụ thời nay đã chỉ ra rằng, những trẻ em tự kỷ tỏ ra kém hơn trong khả năng đoán biết những dấu hiệu từ môi trường sống, từ xã hội và ít dùng trí tưởng tượng hơn.
Tôi nghĩ rằng chỉ qua vài năm “rèn luyện” trí não của mình thông qua những trò chơi đầy tính tưởng tượng thời thơ ấu như vậy cũng đủ khiến cho tổ tiên chúng ta lúc trưởng thành có thể tạo nên những công trình nghệ thuật đậm chất biểu tượng như trong hang Chauvet mà ta đã biết.
_____________________
Bài viết của tác giả April Nowell được đăng trên tạp chí New Scientist ra ngày 23 tháng 2 năm 2013.
April Nowell là một nhà khảo cổ học làm việc tại Đại học Victoria, Canada. Bà thích tìm hiểu về những vấn đề như nguồn gốc của nghệ thuật, cách con người sử dụng biểu tượng. Bài viết này là một đoạn lược trích từ một chương có tựa đề “Tuổi thơ, vui chơi và sự tiến hóa trong kỹ năng xã hội của người Neanderthal và con người hiện đại” trong cuốn sách sắp ra mắt “Bản chất của văn hóa”.
Trích từ Book Hunter

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét