24 thg 8, 2018

Trào lưu mới - Đào Anh Dũng

Tạp chí Văn Hoá Việt Nam
Số 80, Mùa Xuân 2018


Lần đầu tiên theo cha mẹ về Việt Nam, thằng nhóc 15 tuổi thấy gì cũng lạ, chuyện gì cũng hỏi. Cũng dễ hiểu thôi, nó sanh ra ở Mỹ, miệng nói tai nghe được tiếng Việt, nhưng đầu óc thì suy nghĩ như người Mỹ với chút văn hoá, phong tục Việt nó học hỏi từ cha mẹ.

Gần nhà bà nội thằng nhóc có một đám tang. Suốt ngày họ phát loa kinh kệ inh ỏi rồi đến đêm cuối họ ca hát rùm trời. Thằng nhóc hỏi cha nó tại sao tang gia không buồn, không khóc mà vui nhộn như vậy. Cha nó cũng không hiểu nổi thì làm sao mà trả lời. Chợt nhớ đến câu 'Celebration of life' thường nghe đề cập đến trong các tang lễ bên Mỹ, anh ta dùng nó để giải thích cùng thằng con. Văn hoá Đông Tây 'đồng sàng' trong chuyện này, chỉ 'dị mộng' một chút là bên này ồn ào, bên kia trầm lặng mà thôi. Nó gật đầu tạm hiểu.

Hôm sau là ngày đưa tang, có ban nhạc sống, kèn trống rập rình. May thay, thằng nhóc không hỏi. Tuy nhiên, khi đám tang đi ngang qua nhà, có người cầm thúng rải tiền vàng bạc toàn là giấy 100 đô la. Thằng nhóc lượm một tờ xem, lắc đầu tỏ vẻ không hiểu, trố mắt hỏi cha nó rằng, tiền giả, in ra bất hợp pháp không sợ bị cảnh sát bắt à? Xài không được lại xả rác trên đường để làm gì? Cha nó phải giải thích dài dòng đó là tiền âm phủ, phong tục của xứ Trung Hoa, tang gia rải trên đường để nạp mãi lộ cho ma quỷ v.v...

Gương mặt thằng nhóc vẫn còn ngơ ngác, chứng tỏ nó chưa hiểu lắm. Nhưng nó lại hỏi về một khía cạnh khác:
"Ba ơi, nhưng sao họ không in tiền Việt mà tiền Mỹ?"
Cha thằng nhóc ngẫm nghĩ, tiền giả thì dù là đô Mỹ, đô Úc, đô Canada hay Euro cũng toàn là giả, rồi anh ta bật cười, trả lời thằng con:
"Đô la Mỹ phổ thông nhất thế giới, giá trị không trồi sụt bất ngờ, dưới âm phủ chắc cũng vậy thôi. Ma quỷ thích hơn, ăn xài thoải mái, để dành thì tiện lợi, an toàn."
Thằng nhóc cười xoà, chắc là nó hiểu ẩn ý của cha nó.

Mấy hôm sau cha thằng nhóc có dịp đi uống cà phê với vài người bạn, kể cho bạn nghe những thắc mắc của thằng con. Một bạn cười và nói:
"May cho mầy đó! Nếu mầy đưa nó đi viếng núi Sam, thấy thiên hạ không mua mà mướn heo quay để cúng trả lễ bà Chúa Xứ, nó hỏi thì mầy bó tay luôn!"
Bạn khác tiếp lời:
"Hôm ông già vợ của tao mất, ban tụng niệm đến hỏi  lúc sinh tiền ổng có ăn chay không. Nếu có thì mỗi tháng được mấy ngày, 'thành thật khai báo' để họ tuỳ trường hợp mà đọc kinh cầu siêu."
"Cũng đúng thôi! Nếu mình sống trong tội lỗi, không lo ăn chay sám hối thì lúc chết cần quý tín hữu đọc kinh cầu nguyện cho mình nhiều hơn, phải không?
"Sai bét! Ăn chay nhiều ngày thì được đọc kinh cầu siêu nhiều hơn đó mầy!"

Ngồi bên kia bàn, cha thằng nhóc lắc đầu ngao ngán,  hy vọng hai chuyện này không có thật. Đành rằng văn hoá thay đổi theo thời gian nhưng với cái đà này văn hoá Việt Nam sẽ đi về đâu? Mong sao những gì trái với đạo lý không sớm thì chày cũng sẽ bị đào thải, không tồn tại trong lòng người Việt chân chính.


đào anh dũng 

Tháng Giêng 2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét