Ngày nay, các trường học và học
sinh Việt Nam đều quen thuộc với hai từ ‘Khai giảng’ mỗi khi bắt đầu một
năm học mới. Tuy nhiên, ngay từ cái tên gọi này đã có thể thấy được tư
duy giáo dục ở nước ta, hơn nữa cũng thấy được chữ nghĩa đã được người
thời nay sử dụng biến đổi như thế nào.
Ý nghĩa của từ ‘Khai giảng’
‘Khai
giảng’, như cách dùng từ, cách hiểu của đa số chúng ta hiện nay, thì có
nghĩa là bắt đầu học tập giảng dạy cho một năm học hay khóa học, lớp học
đặc thù. Ngày khai giảng chính là ngày đầu tiên cho một năm học hay
khóa học, lớp học đặc thù nào đó. Tuy nhiên, xét về chữ nghĩa thì từ
‘Khai giảng’ lại không có nghĩa là như vậy, chẳng qua là chúng ta đã áp
đặt nên nó các ngữ nghĩa mới, tách rời khỏi nghĩa mặt chữ. Dần dà, khi
dùng theo nghĩa biến đổi đã lâu, đã quá quen thuộc thì mọi người đều mặc
nhiên coi nó là đúng, còn các từ có nghĩa đúng xưa, thì không dùng,
hoặc ít dùng, thậm chí coi chúng là sai.
‘Khai giảng’ mặc dù là từ Hán Việt, nhưng nó cũng ra đời vài chục năm lại đây, thời xưa không có từ này.
Trong từ ‘Khai giảng’ thì chữ ‘Khai’ (開) có nghĩa là mở, chữ Hán gồm bộ Môn (門 – cánh cửa) và bên trong vẽ hai cánh tay mở hai cánh cửa (幵).
Vì thế, ‘Khai’ có nghĩa là mở, mở ra, mở đầu, bắt đầu, ví dụ các từ:
khai hội, khai mạc, khai sinh, khai tử, khai hỏa, khai xuân, khai
nghiệp, khai trương…
Còn chữ ‘Giảng’ (講), có nghĩa là giảng giải, chữ Hán gồm bộ Ngôn (言 – lời nói) và chữ Cấu (冓
– trong cung kín, trong phòng kín). Như vậy, chữ Giảng có nghĩa là
giảng giải, giảng nghĩa, diễn giảng, giảng sách, giảng kinh…, rồi mở
rộng ra nghĩa giảng bài, giảng dạy.
Vậy nên,
Ngày khai giảng có nghĩa là ngày bắt đầu giảng bài, giảng dạy. Qua cái
tên này cũng có thể dễ dàng thấy được tư tưởng giáo dục ở nước ta, tư
duy giáo dục phổ biến vẫn là thầy giảng trò nghe, thầy giảng trò ghi
chép, nền giáo dục hoàn toàn lấy thầy làm trung tâm, và một chiều từ
trên xuống.
Giáo dục
lấy thầy làm trung tâm, nên thầy nói sao trò nghe vậy, bảo sao thì làm
vậy, học sinh nào có ý tưởng, tư duy độc lập sáng tạo, thì có thể bị coi
là kẻ phá bĩnh, bị điểm kém.
Chẳng
thế mà có câu chuyện sau, con trai nhà văn Nguyễn Khải có đem đề văn “Em
hãy phân tích tác phẩm Mùa lạc của Nguyễn Khải”, đưa cho bố, nhờ bố làm
giúp. Nhà văn Nguyễn Khải lúc đó đang rỗi rãi, nên dụng công nghiêm túc
làm đề văn. Tuần sau, trả bài, bài văn nhận được lời phê “Em hoàn toàn
không hiểu được ý tưởng của tác giả”.
Giáo dục
một chiều từ trên xuống nên thầy cô chỉ giảng, trò chỉ nghe, ghi chép,
làm theo, không chấp nhận tranh luận, biện luận, không có môi trường mở
cho không gian sáng tạo, tư duy, tư tưởng bị đóng khung.
Thầy
không nhận được ý kiến chất vấn, nên lại nghĩ rằng mình nói, giảng là
hoàn toàn đúng, cũng dẫn đến thầy cố chấp, bảo thủ và tự cao. Trò chỉ
biết tuân theo, làm theo, cho nên thiếu sức sáng tạo, máy móc, học tập,
làm bài như một cái máy, như rô bốt. Đặc biệt, kiến thức trong trường so
với đời sống, xã hội, lịch sử, văn hóa còn có khoảng cách rất lớn, học
sinh lại chỉ máy móc theo thầy giảng, nên vốn sống, vốn hiểu biết xã hội
rất kém, nhất là đối với lịch sử, văn minh, văn hóa truyền thống thì
hầu như trống rỗng.
Trước “khai giảng”, cha ông ta đã dùng từ nào?
Mấy chục
năm trước, từ ‘Khai giảng’ cũng có dùng, nhưng ít hơn, phổ biến là
những từ như ‘Khai trường’, ‘Tựu trường’, vậy nên, Ngày khai giảng được
gọi là Ngày khai trường, Ngày tựu trường.
Khai
trường là mở đầu, bắt đầu hoạt động của trường học. Ngày khai trường là
ngày trường học bắt đầu mở cửa lại sau kỳ nghỉ dài, bắt đầu công việc
học tập, giảng dạy.
Tựu
trường thì chữ Tựu có nghĩa là đến, tới, tề tựu, nên tựu trường nghĩa là
đến trường, tới trường. Ngày tựu trường có nghĩa là ngày tề tựu đến
trường để trở lại công việc học tập giảng dạy sau kỳ nghỉ dài.
Còn thời
gian trước đó nữa, từ cổ xưa thì vẫn dùng từ ‘Khai học’, từ này trước
kia còn dùng, còn thời nay thì hầu như không thấy sử dụng.
‘Khai
học’ thì chữ ‘Khai’ như nói ở trên là mở ra, mở đầu, bắt đầu; còn chữ
‘Học’ có nghĩa là học tập, nó còn có nghĩa là Học hiệu, nghĩa là trường
học. Vậy nên ‘Khai học’ có nghĩa là bắt đầu học tập sau kỳ nghỉ, và cũng
có nghĩa là Khai trường, bắt đầu mở cửa trường học hoạt động trở lại
sau kỳ nghỉ dài.
Như vậy
từ ‘Khai học’ là lâu đời nhất, có ý nghĩa rộng và bao quát nhất, chính
xác nhất diễn tả “Bắt đầu công việc giảng dạy, học tập, bắt đầu công
việc của trường học”, và Ngày khai học là ngày đầu tiên nhà trường hoạt
động trở lại.
Hiện nay
các nước còn dùng chữ Hán như Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, họ vẫn
dùng từ ‘Khai học’ và ‘Khai học nhật’ (Ngày khai học).
Các nước ảnh hưởng văn hóa Hán thì Hàn Quốc cũng vẫn dùng từ ‘Khai học’개학 (開學) (Gaehag). Còn Nhật Bản dùng từ ‘Thủy Nghiệp’ Shigyō (始業), có nghĩa là Khai thủy Học nghiệp: bắt đầu sự nghiệp học tập, cũng hoàn toàn tương đương với từ Khai học.
Khai học
thì có nghĩa trọng tâm đặt vào việc học, tức là lấy học sinh làm trung
tâm. Giáo dục các nước tiên tiến phương Tây hiện nay đều lấy học sinh
làm trung tâm, chú trọng phát triển các kỹ năng, sở trường, những khuynh
hướng thiên bẩm riêng của từng học sinh, chứ không đối xử như nhau như
cá mè một lứa.
Giáo
viên không nhồi nhét kiến thức, không ép học sinh học, mà hướng dẫn,
khơi dậy niềm vui trong học tập cho các em. Nhà trường chú trọng giáo
dục toàn diện, đạo đức, ứng xử văn minh trong nhà trường, gia đình và
ngoài xã hội, tri thức văn hóa, xã hội, lịch sử, kiến thức khoa học và
các khả năng nghệ thuật, mỹ thuật, thể thao…
Lấy học
sinh làm trung tâm, giáo viên là người hướng dẫn, gợi mở, khơi dậy niềm
đam mê, khả năng thiên bẩm riêng của từng học sinh, nên đã phát huy tối
đa khả năng của mỗi cá nhân.
Những
đặc điểm trên của nền giáo dục hiện đại tiên tiến phương Tây, lại chính
là những gì các nước văn minh Á Đông đã thực hiện cách đây 2.500 năm.
Lấy học sinh làm trung tâm, dạy học tùy theo cá nhân khác nhau mà có
phương pháp, nội dung khác nhau, và giáo dục không chú trọng vào truyền
thụ mà là gợi mở, để học trò tư duy, tìm tòi sáng tạo, đã được Khổng Tử
là người đầu tiên sử dụng, được ghi chép trong Luận ngữ như sau:
Tử Lộ hỏi: “Nghe rồi thì nên thực hành ngay phải không?”.
Khổng Tử nói: “Có mặt cha ngươi, làm sao nghe rồi thực hành ngay?”.
Nhiễm Hữu hỏi: “Nghe rồi thì nên thực hành ngay phải không?”.
Khổng Tử lại bảo: “Nghe được thì thực hành ngay”.
Công Tây Hoa lại nói: “Sao hai câu hỏi giống nhau mà thầy trả lời mỗi người một khác vậy?”.
Khổng Tử
giải thích: Nhiễm Hữu làm việc gì cũng nhút nhát rụt rè nên ta cổ vũ
trò ấy. Còn Tử Lộ dũng khí hơn người, hăng hái dám làm nên ta kìm bớt
trò ấy một chút.
Đối
thoại gợi mở là phương pháp Khổng Tử sử dụng xuyên suốt trong cuộc đời
dạy học của mình. Khổng Tử không hề viết sách để cho học trò đọc. Ông
chỉ giảng những gì trò hỏi, và đặt câu hỏi kiểm tra sự hiểu biết của
trò. Đôi khi, ông cũng dùng những câu hỏi gợi mở để trò hiểu vấn đề.
Phương pháp này rất tốt trong việc phát huy tính năng động, sáng tạo và
khả năng tư duy của trò. Ông nhấn mạnh: “Kẻ nào chưa uất ức vì chưa hiểu
được thì ta không gợi mở cho. Kẻ nào không hậm hực vì chưa thể nói ra
được thì ta chẳng hướng dẫn cho. Kẻ đã được ta chỉ cho một góc vuông mà
chẳng biết tự xét ba góc kia thì ta chẳng dạy nữa”.
***
Chữ gắn
liền với nghĩa, từ ngữ đều có nội hàm sâu xa đằng sau, cho nên không
dùng từ ngữ bừa bãi, tự “sáng tạo” ra từ ngữ mới mang nội hàm biến đổi,
nông cạn. Chỉ riêng từ ‘Khai giảng’ và ‘Khai trường’, ‘Khai học’ đã cho
thấy rõ cái tinh tế, uyên thâm của Đạo học thời xưa. Chúng ta muốn sáng
tạo, phát triển, cải cách nền giáo dục hiện đại, bước cùng nhịp bước với
thế giới văn minh thì không chỉ cứ nhìn các nước phát triển rồi máy móc
bắt chước, áp dụng.
Trong
Binh pháp Tôn Tử có câu: “Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng”.
Do đó, trước khi học người ta, thì hãy xem lại mình, xem lại tinh hoa
văn hóa truyền thống dân tộc, rồi từ đó gạn đục khơi trong, như vậy mới
có nền tảng để chúng ta xây dựng công trình đồ sộ được. Không có nền
tảng văn hóa truyền thống, thì lâu đài to đẹp đến mấy, cũng chỉ là lâu
đài trên cát mà thôi.
\Nam Phương (daikynguyen/tv)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét