23 thg 12, 2022

Giáng Sinh và cô bạn thời tuổi nhỏ - Như Nguyệt


Ngôi trường đầu tiên trong đời mà tôi đi học ở trong một cái miễu. Trong đó có một phòng lớn kê bàn ghế dài cho học trò ngồi, bên trái của lớp học là một phòng có bàn thờ, được chắn bởi những song sắt, nhìn vào tối tối, âm u thấy sợ sợ, ghê ghê!!! Thầy tôi để dành, hể có đứa nào hư là bắt phải vô trong đó. Hồi còn nhỏ, tôi rất sợ phải bị phạt vào căn phòng tối om đó nên tôi không dám làm điều gì hư đốn, chả bao giờ dám nghịch ngợm, phá phách gì cả, rất là ngoan!
<!>
Tôi còn nhớ hoài cái ngày đầu bị bắt buộc phải đi học. Không biết tại sao tôi lại sợ hãi quá chừng, sợ quá là sợ?! Chắc còn bé bỏng mà, tự nhiên bị đẩy vào một môi trường xa lạ, không hiểu đi học là đi đâu?!! Tự nhiên bị lìa xa căn nhà quen thuộc, đầy tình thương yêu ấm áp để đến một nơi xa lạ không biết bao nhiêu lâu (lúc đó chắc không có khái niệm gì về thời gian). Tôi vừa khóc, vừa gào, vừa kháng cự, giẫy dụa dữ dội! Lúc đó không biết sức ở đâu ra mà tôi mạnh mẻ đến như thế?! Ba người lớn phải khiêng tôi đến trường mới nỗi. Mẹ tôi cầm theo 1 trái táo và một túi nhỏ thức ăn, chị người làm thì cầm sách vở, bút mực mang theo. Mấy ông anh phải vác, khiêng tôi đi. Rõ ràng là tôi có máu lười từ bé, không biết, không hiểu một tí tị gì về học hành, chả biết “đi học” là thế nào, là ra sao… mà đã quá ngán sợ, không
thích, không thích một chút nào rồi!

Tôi học Mẫu Giáo với một ông thầy tuổi trung niên, lúc nào cũng nghiêm trang, trịnh trọng; đến giờ này mà tôi vẫn còn nhớ đến khuôn mặt, dáng dấp cao ráo của thầy. Lỗi nhẹ thì mấy đứa nhóc học trò bị “đầy” vào căn phòng âm u, tăm tối; bị tách biệt ra khỏi thế giới sáng láng, đầy sức sống trong lớp học. Lỗi nặng mà là con trai thì bị thầy bắt nằm ra đét vào mông không thương tiếc! Tôi ngoan và học giỏi nên thầy
thương tôi nhất lớp. (số tôi may mắn lắm, hể đi học mà gặp thầy là kể như xong rồi, hì hì… y như rằng sẽ được ông thầy thương nhất nhì trong lớp đó, thiệt đó mờ!)

Qua đến lớp Một, bố mẹ của tôi quyết định chuyển trường, ghi danh cho tôi vào học trường Phúc Âm. Ngôi trường này lớn, đẹp, “ngon lành” hơn cái trường “miễu” rất nhiều! Trường có từ lớp Mẫu Giáo đến lớp Nhất. Phòng ốc rộng rãi, phía bên trái của trường là một sân cỏ rộng lớn xanh ngăn ngắt, có vườn hoa tươi thắm nằm ngay trước một nhà thờ (Chapel) thật nguy nga, tráng lệ. Trường này do người Mỹ cất lên thì phải nên rất là khang trang, khá giả. Ngày nào họ cũng phát cho học sinh nghèo 1 ổ bánh mì lớn, học sinh khá hơn thì mua có $2.00 đồng một ổ. Thỉnh thoảng họ còn cho những thỏi kẹo chocolate hoăc kẹo đường có đậu phộng (camarel and nuts). Chưa bao giờ trong đời tôi ăn kẹo thấy ngon như vậy. Chao ơi! Ăn xong vẫn còn thèm ( ngoài lúc đó không thấy bán nên có tiền cũng không mua được vì không biết mua ở đâu?).

Thỉnh thoảng, có vài người Mỹ đến trường, giảng đạo cho chúng tôi nghe bằng tiếng Việt. Các mục sư Hoa Kỳ nói tiếng Việt sỏi lắm, văn phạm đúng còn hơn người Việt chính gốc mình nói nữa. Mỗi tháng (hay cách 2 tuần, tôi không nhớ rõ nữa), chúng tôi đều phải vào Chapel để nghe giảng đạo. Tôi nhớ nhất chuyện Chúa chỉ có một khúc bánh mì mà phát cho biết bao nhiêu là người đói

 Tôi nhớ hoài thầy Trường (tổng giám thị kiêm mục sư) nói trên đầu của mỗi một người có bao nhiêu sợi tóc, Chúa đều biết hết; cho nên khi mình làm điều gì xấu, những người chung quanh có thể không biết, nhưng Chúa biết. Khi đó tôi nghe thầy giảng ấn tượng (impress) lắm, in sâu trong đầu, có lẽ vì thế nên tôi rất sợ tội, chẳng dám làm điều gì gian ác hết!! (Ngoan mờ, hihi… nhưng, nhưng... khi “nhớn” lên, thì cũng phạm tội như điên 😊 Tội “loãng moạn” quá đáng, hehe)

Cứ mỗi lần mùa Giáng Sinh về, ngôi trường của chúng tôi lại náo nhiệt, tưng bừng, rực rỡ. Đèn thắp sáng cả một vùng. Trên đỉnh nhà thờ nhỏ có gắn một ngôi sao thật lớn, đèn lấp lánh. Ở dưới, có dẫy chữ: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm.” Họ luôn luôn trang hoàng cây Noel cao ngất, có hang đá làm thật chi tiết, đẹp ơi là đẹp ! Chúa Hài

Đồng rất dễ thương, baby thật “cute” được đặt nằm trên máng cỏ. Chúng tôi khi đi học vào mùa Noel, đứa nào lòng cũng rất rộn ràng vì mỗi ngày đều được nhìn thấy baby Jesus trong hang đá. Có nhiều đứa thích quá còn quay lại trường vào buổi tối nữa đó, để được nhìn thấy đèn sáng choang, nhìn cây Noel trong trời đêm, đèn nhấp nha nhấp nháy, chớp chớp sáng rực cả một vùng.

Tất cả thầy cô vào mùa lễ Giáng Sinh đều có vẻ hoan hỉ, dễ chịu hơn. Chúng tôi học hành thoải mái hơn. Vào tối Noel, mỗi đứa học sinh chúng tôi đều được phát quà. Gia đình của tôi theo đạo thờ ông bà, đạo Phật; nên nếu không có trường Phúc Âm, chắc tôi cũng không có kỷ niệm gì đáng nhớ thuở còn thơ dại… trong những mùa lễ Giáng Sinh tại quê nhà.

Cũng nhờ ngôi trường đạo Tin Lành này mà tôi biết được Thục, cô bạn thân nhất thời tuổi nhỏ của tôi. Ngày đầu tiên nhập học, lần đầu gặp nhau, hai đứa đã thấy hợp với nhau ngay. Cô bé tên là Tô thị Trinh Thục, có nụ cười răng khểnh, có cả má lúm đồng tiền, con nhỏ quá ư là “cute”, quá ư là dễ thương đi. Thục mảnh khảnh, gầy gầy, cao cao. Khuôn mặt Thục trái soan, da ngâm ngâm mầu nâu hồng (chứ không trắng bốc như tôi thuở đó). Thục có cặp mắt mầu nâu nhạt, cái mũi cao hơi gồ lên một chút trên sóng mũi. Điểm đặc biệt nhất của Thục… dĩ nhiên là cái má lún đồng tiền, chỉ có một cái mà thôi! Nó tròn trịa, nằm ngay ở ngay má bên phải của nhỏ Thục, mỗi khi Thục mím môi hoặc chỉ nhếch mép lên thôi chứ chưa cần cười là nó đã lồ lộ hiện ra, tròn zo à, dễ thương ơi là dễ thương! Mỗi lần T. cười thì khỏi nói, cộng với cái răng khểnh của nó nữa, tôi còn bé xíu và tôi là con gái mà tôi còn thấy mê nữa, huống chi là bọn con trai…. Tôi còn nhớ là mình “ngất ngư con tầu đi” vì cái đồng tiền đó của Thục lắm và thỉnh thoảng tôi cũng thường nghe mấy ông anh họ của Thục mang cái lúm đồng tiền xinh xinh, tròn que của Thục ra để chọc: “Thục nó có đồng Đô La trên má kìa, cho anh xin đi” hoặc “Cho anh đồng Đô La của Thục đi” hay “Ô hay, sao Thục có 1 đồng à? Người ta có hai đồng, sao con bé này chỉ có 1 đồng thôi”…v..v… (Thục có ông anh họ dậy học ở Khôi Nguyên, một trường tư chuyên môn dậy Anh Văn)

Chúng tôi phải mặc đồng phục đi học, nguyên một bộ quần áo trắng. Mẹ Thục ở nhà không bao giờ phải đi làm, là một bà nội trợ đảm đang nên bà tự may lấy quần aó cho Thục mặc. Lúc nào bà cũng thêu thêm trên ngực áo hoặc trên túi áo trái của Thục một nhành hoa cộng với tên của Thục bằng chữ kiểu. Chắc tại Thục ốm yếu nên ngày nào tôi thấy “con bé” cũng phải “nốc” một ly nước cam vắt và uống thuốc bổ. Bố Thục là giáo sư dậy ở trường Hưng Đạo. Gia đình Thục có bà nội ở chung, anh Hoành là anh cả, em kế Thục là Thiên Trang, bằng tuổi và là bạn của Hảo (em của N) và thằng em út tên Trường.

Lúc đầu, hai chị em của tôi có người làm đưa đi học và đón về, khi lên lớp Tư, bố mẹ cho phép tôi và nhỏ em tự đi bộ lấy, không cần có người đưa rước nữa. Ngày nào, Hảo và tôi cũng ghé ngang qua nhà Thục, chúng tôi đi học chung với nhau. Từ nhà Thục, chúng tôi đi xuyên qua 1 khu nhà toàn là biệt thự rất là giàu, khu biệt thự Lê Quốc Hưng thì phải. Trên đường đi học rất là vui. Thục, Trang, Hảo, Trường và tôi vừa đi vừa nói nói cười cười, nhí nha nhí nhô vui vẻ lắm. Trên đường đi vào khu biệt thự, có 1 hàng cây hoa dâm bụt trồng sát cạnh tường, chúng tôi hái những lá non hãy còn nhựa nên dễ dính, cắm vào cằm làm râu, trên cằm mỗi đứa có 4, 5 cái lá, được 1 chút thì lá rơi xuống mất! Chúng tôi đứa này nhìn đứa kia, “râu lá” cặm vào cằm lủng la lủng lẳng, thấy tức cười quá, ôm bụng cười rũ rượi với nhau.

Khi tan học, tôi thường ở lại nhà Thục chơi chứ ít khi chịu về nhà. (Thục cũng thế, nếu tôi không lại nhà Thục thì nó qua nhà tôi). Nhiều khi tôi mê chơi quá, ở mãi đến chiều tối. Có hôm nào mãi chơi mà về trễ quá, sợ bị đòn, tôi lo lắng lắm, đã thầm khấn: “Nam mô A Di Đà Phật. Nam mô bổn sư Thích Ca Mô Ni Phật, Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát. Xin các đức Phật thương con, cho con qua khỏi, cho không ai để ý đến con, không biết con về trễ, xin cho con khỏi bị mắng, bị đòn”. Mà hay thật, khi nào tôi nhớ, lâm râm cầu khẩn trong lòng như thế, tôi đều thoát khỏi (lâu lâu, thỉnh thoảng lắm tôi mới về trễ thôi mà). Vì thế cho nên tuy còn nhỏ lắm, ngây thơ lắm, tôi đã rất tin vào Đức Phật từ bi. Một Đức Từ Phụ có tình thương to lớn, bao la hơn vũ trụ, luôn rộng lượng và quãng đại; một đức Quán Thế Âm cứu khổ, cưú nạn, tình thương của ngài dạt dào vô bờ bến, lúc nào cũng sẵn sàng lắng tai nghe để hiểu và thương, để cảm thông hết tất cả nỗi đớn đau, phiền muộn, khổ sở của loài người.

Ngày một lớn khôn, tôi thấy Đức Phật nói rất đúng: “Đời là bể khổ!” Ôi! đời sống thật vô thường!

Thục học rất giỏi, tháng nào cũng đứng đầu lớp. Thục hạng nhất, tôi hạng nhì. Họa huần lắm, có vài tháng trong năm học, tôi mới được hạng nhất, lúc nào tôi cũng chỉ là “second best” trong lớp mà thôi! Tuy học giỏi nhưng Thục tính tình hiền hậu, không ta đây, rất đỗi nhu mì, khiêm nhượng.

Tôi ‘thản nhiên ăn dầm ở dề’, hầu như ngày nào đi học về, tôi cũng mê mãi ở lì nhà Thục mà không thấy người nào trong nhà Thục tỏ vẻ khó chịu, chỉ thỉnh thoảng mới nhắc nhở tôi là đã trễ giờ, tối quá rồi…

***Trước nhà thờ nhỏ của trường Phúc Âm là một khu vườn trồng hoa thật đẹp.

Có một giàn bông giấy đủ mầu đỏ, cam, hồng, trắng. Thục và tôi vào giờ chơi hay ra ngồi dưới bóng mát của cây tâm sự. Chúng tôi mơ mộng, vẽ vời ra một tương lai thơ mộng. Chúng tôi đã nói với nhau khi lớn lên sẽ không lấy chồng (lúc đó có biết “lấy chồng” là gì đâu nà, ahahah..), sẽ ở chung với nhau, sẽ về quê sống và mua một ngôi nhà lớn. Ngôi nhà sẽ rất là đẹp, giống như toà lâu đài trong một chuyện cổ tích thần tiên. Chúng tôi sẽ có hai khu vườn riêng biệt. Một khu vườn trồng toàn cây ăn trái. Một khu vườn trồng toàn những loài hoa dị thảo. Vườn ăn trái sẽ có một hồ lớn nuôi cá kiểng, có hòn non bộ. Vườn trồng hoa sẽ có hồ lớn đầy ắp hoa sen, hoa súng đủ loại, đủ mầu... Đó, giấc mơ đầu đời của chúng tôi như thế đó, rất giản dị, rất nhẹ nhàng, dễ thương, giấc mơ mà tôi đã dệt, đã vẽ lên với Tô Thị Trinh
Thục, cô bạn thân nhất thuở đầu đời.

Lên lớp Nhất thì tôi bớt thân -bớt đi một chút xíu thôi- với Thục. Năm đó, tôi có cô bạn mới tên là Đoàn thị Ba, nhỏ Ba này nhà nghèo lắm, ở miền Trung mới về. Nhỏ có một khuôn mặt thật đều đặn và xinh xắn, tóc lúc nào cũng cột đuôi ngựa cao đằng sau gáy. Tuy mới vào học mà nhỏ Ba “trội” quá nên được bầu làm trưởng lớp lớp tôi năm đó. Nhỏ Ba hơn tôi 2 tuổi và học giỏi suýt soát tôi. Tôi về nhà nói với bố tôi về gia cảnh của nhỏ. Bố tôi liền cho tôi tiền, sách vở, viết, mực để tôi đưa cho nó. Lúc đó, tôi thấy Ba gọi bố của nó bằng “cha”, nghe thấy lạ tai lắm. Giọng nói của Ba không quá nặng, tính tình điềm đạm, ít nói, già trước tuổi vì hoàn cảnh (?). Năm đó, tôi cũng thân thêm với hai dì cháu học cùng lớp người Nam, dì tên là Bích Vân và cháu là Thanh Thuỷ. Nhà Vân và Thủy ở cạnh nhau. Mẹ của Thuỷ làm bánh ít, bánh ú, bánh qui (bánh làm bằng bột nếp, bên trong có nhân dừa và đậu phộng,
tròn tròn, có chấm một chấm đỏ trên mặt bánh) mang ra chợ bán. Vân và Thủy nhà ở xa nên đi học phải đi bằng xe ngựa. À, lớp Nhất của chúng tôi còn có một nhỏ bạn được lên truyền hình trình diễn ảo thuật. Còn nhỏ mà nó đã biết làm “magic” rất hay rồi! (Nghe nói nó là cháu của nhà ảo thuật tài ba Bảo Thu thì phải)

Xong lớp Nhất, tôi thi đệ thất vào trường Trưng Vương, bị thi rớt năm đầu, tôi phải học lớp luyện thi vào Đệ Thất. Ở lớp này, tôi rất ngưỡng mộ Bích Hường. Hường rất đẹp, nhìn thắng cũng đẹp mà nhìn nghiêng cũng đẹp! Tôi ngồi cùng một bàn với Hường (bàn rất dài!), ngồi xa xa, tôi thích ngắm nhìn nửa khuôn mặt trái (left side profile) của nó. Hường học giỏi lắm nhưng không hiểu sao thi vào trường Gia Long bị rớt đến 2 lần nên Hường hơn tôi 2 tuổi. Chữ của Hường tròn trịa nhưng lại khá bay bướm, rất đẹp! Tôi thích

Trần Thị Bích Hường nhưng cả năm học bao nhiêu tháng, chưa bao giờ tôi nói chuyện với Hường, chả hiểu tại sao nữa, chỉ “âm thầm” thích mà thôi (có lẽ tôi nhát quá, hổng dám làm quen mí người đẹp và học giỏi chăng?). Da mặt của Hường trắng hồng, không có đến một cái mụn; lông mày thật đẹp làm nổi bật khuôn mặt thanh tú của Hường. Sóng mũi Hường cao, miệng bằng, môi đỏ, răng trắng đều. Vài năm sau đó, Việt Nam cho chiếu phim Romeo & Juliet.

Ngoài cặp mắt Á châu hai mí của Hường khác với cô tài tử chính, tôi thấy Hường nhìn hao hao giống Olivia Hussey, nhưng có phần sắc sảo hơn.

Năm đó, tôi được học Toán, học viết Văn với thầy Thành. Thầy hay đọc hoặc cho học sinh đọc những bài luận văn hay, cho chép lại. Tôi nghĩ nhờ thầy, tôi mới viết Luận khá hơn. Năm Đệ Lục ở Trưng Vương, bài viết của tôi thường được điểm cao và được cô Tường Vân bảo đọc cho cả lớp nghe, oai ghê hé 😊.

Thục học trường Hưng Đạo để bố Thục chở đi cho tiện. Mỗi đứa mỗi hoàn cảnh, học hai trường khác nhau nên tình bạn xa cách, vơi dần. Thỉnh thoảng, Thục có ghé nhà tôi chơi. Thỉnh thoảng, chúng tôi có đi chơi chung, nhưng tình thân thương đậm đà thuở còn bé bỏng đã không còn nữa. Rồi cuộc rồi hai đứa cũng bị đời sống cuốn trôi đi. Tôi xây đắp thêm kỷ niệm đời với bạn mới, ngôi trường thân yêu mới. Tôi nói đùa với mấy đứa bạn là tôi có số đào… bạn (thay vì đào hoa, hihi…), vì giàu nghèo, học giỏi, học dở, xấu đẹp, cao lùn, ta đây phách lối, dễ thương ngoan hiền…v.v ; tôi đều chơi được hết.

Có nhiều đứa còn… ái mộ, xem tui đây là…thần tượng của tụi nó nữa, mới là chiện lạ đời chứ, hihi….

Kỷ niệm giữa hai đứa -Trinh Thục và tôi- có với nhau nhiều lắm! Mới học lớp nhì mà đã có thằng Sơn học chung lớp, khi tan trường, ngày nào Sơn cũng lẻo đẻo đi theo sau hai đứa chúng tôi. Sơn còn bé tí mà đã biết ga lăng, (hay … dại gái nhỉ, hihi…), Sơn hay vác, ôm hộ cặp táp cho 2 đứa tụi tôi. Sơn đẹp trai lắm, lông mày rậm rõ nét, mắt to đen hai mí với hàng lông mi dài cong vút, nó đẹp trai kiểu Tây Phương rắn rỏi, mũi cao, có nụ cười thật đep! Sơn lại học giỏi nhất trong đám con trai. Còn thằng Thành nữa, mặt mũi sáng sủa, thông minh; tuy học cùng lớp chắc là bằng tuổi nhau nhưng Thành cao hơn tất cả chúng tôi, cao nhất lớp, cao nghều nghệu! Nhà Thành ở trong khu nhà giầu có nhiều biệt thự gần nhà Thục. Biệt thự nào cũng đồ sộ, rộng rãi, có cổng cao và khu vườn ở sân trước thật xanh tươi. Thằng “nhóc” Sơn chỉ đi theo tụi tôi 1 quãng đường, còn Thành, nó đưa 2 đứa tụi tôi về đến tận nhà của Thục, hay lấy cớ đến nhà Thục để nói chuyện, ngồi hoài chẳng muốn về. Đến giờ này tôi cũng không biết là Thành, Sơn thích Thục hay thích tôi hơn, thích một trong hai chúng tôi hay thích cả hai, thích nhiều hay thích ít?!!

***Năm 1975, năm đổi đời của tất cả người Việt Nam chúng ta, ngày 29 tháng Tư;  tôi rời xa quê hương yêu dấu. 
Năm 94, khi trở về thăm Việt Nam lần đầu tiên, tôi có ý định đến tìm Thục ở ngôi nhà cũ. Nếu Thục còn ở đó thì hay quá, may cho tôi quá; còn nếu lỡ Thục đi rồi, tôi sẽ hỏi hàng xóm để biết Thục đi đâu? Nhưng không hiểu sao muốn lắm mà rốt cuộc tôi lại không làm. Có lẽ vì thời gian ở Việt Nam không bao lâu mà tôi lại đi với cả gia đình tôi, đi với gia đình bà chị, cô em nữa...

Bao nhiêu năm qua rồi, thế mà thỉnh thoảng, cho dù thời gian đâu có tha một ai, rất tàn nhẫn, vô tình trôi qua với bao nhiêu là biến cố, đổi thay; tôi vẫn nhớ đến Thục. Tôi đã ước, đã mơ có một ngày gặp lại cô bạn mà tôi rất đỗi mến thương hồi còn bé. Tôi đã nghĩ đến việc đăng báo để tìm, nghĩ ra nếu đăng thì sẽ đăng như thế nào, viết làm sao?…v..v…

Sâu thẩm tận đáy lòng, lẩn khuất đâu đó trong trái tim tôi, Thục vẫn hiện diện, vẫn sáng ngời tình bạn, mà tình bạn thì giống như những bông hoa đẹp trong khu vườn đầy mầu sắc của cuộc đời. Họa hoằn, thỉnh thoảng, tôi vẫn nằm chiêm bao thấy Thục. Bởi thế, cho dù đã lâu thật lâu, đã mấy chục năm sau, đêm hôm qua, sau khi nằm mơ thấy Thục, ôi chao ơi, tôi nhớ nó quá chừng chừng, nhớ ơi là nhớ! Nhớ Trinh Thục và nhớ đến thời tuổi nhỏ ngây thơ, rất thân ái, đẹp như mơ và ươm đầy hoa mộng của mình.

Hôm nay là Christmas Eve. Hình như càng già thì lại càng nhớ về quá khứ hơn thì phải ?!!. Tôi chịu khó thiền nhiều hơn. Hai đứa con lớn hết, cậu cả đã dọn ra ở riêng từ lâu, cô con gái đi chơi xa nên hôm nay ở nhà tôi không khí trống vắng, lặng lẽ, êm đềm. Cũng nhờ thiền nên tôi không thấy cô đơn mà cảm thấy an bình và yên ổn lắm. Bạn tôi có gọi rủ đi chơi nhưng tôi chả muốn đi đâu cả. Đã khá lâu rồi, tôi không còn phải mua quà cho ai, không phải shopping cho mùa Noel gì cả, đúng là “stress free” holiday. Tuy thế, thỉnh thoảng, tôi vẫn nhớ đến những mùa Noel xưa cũ (đã quá xa xưa rồi!). Nhớ đến cái thời phải mua quà, gói quà, rộn ràng trang hoàng cho cây

Noel, trang hoàng nhà cửa. Cái thời bận rộn, phải mua quà để vào vớ cho con, mua quà để bên ngoài riêng cho tụi nó, cho mấy đứa cháu, cho bạn của con, cho con của bạn… Đã hết hẵn rồi cái thời ngồi viết card Christmas gửi đi cho bè bạn. Khi viết, tôi nhớ đến những người bạn của tôi, bao nhiêu kỷ niệm đẹp từ quá khứ được dịp trở về làm cho tôi cảm thấy rất hạnh phúc mỗi năm.

Mùa Giáng Sinh nào cũng là mùa “keep in touch” với những người bạn cũ. Mùa của thân ái tình bằng hữu, tình yêu.. nhắc cho tôi nhớ đến những người của thuở nào xa lắc…

Tôi định đi dự khoá thiền nhưng rồi lại thôi, đổi ý. Ngày hôm nay, đại đa số các bạn chắc quay quần, tụ họp, bận bịu với gia đình vui vẻ lắm.

Chúc tất cả các bạn, chúc cả những người bạn mà đã rất lâu rồi tôi không gặp, một Giáng Sinh tràn đầy ơn phước nhé

Noel 2009,
Như Nguyệt
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét