Trong tác phẩm NHỮNG ĐIỀU NÊN GHI NHỚ ĐỂ SỐNG của K. Matsushita.
(Điều 4 Sống theo thiên phận (2) )
(3)
MATSUSHITA Kônosuke (*)
Dịch: Nguyễn Sơn Hùng
***
Hãy phát huy trọn vẹn thiên phận trời đã ban cho bạn. Đó là cách sống đúng đắn có thể thỏa mãn bản thân và người khác, đồng thời thành công của việc làm người cũng có trong đó (4).
Tôi nghĩ là con người ai cũng mong muốn cuộc đời mình thành công. Từ ấu thơ đã được dạy thành công trong đời người là quan trọng nên đa số chúng ta nghĩ rằng bản thân mình cũng phải làm thế nào để thành công.
Tuy nhiên chúng ta hãy suy nghĩ lại từ đầu thế nào là gọi là thành công trong đời người?
Hiện nay nói tổng quát, người được gọi là thành công là người có địa vị danh dự cao trong xã hội hoặc là người tạo lập ra nhiều tài sản, và được tôn kính. Trong giới thương mại việc phát triển cửa hàng to lớn, nâng cao lợi nhuận, tích trữ tài sản và được danh tiếng được xem là thành công.
Những thành quả nói trên đúng là một hình dạng của cái gọi là thành công. Tuy nhiên thành công của con người, của làm người nhất định không phải chỉ có thế, tôi cảm giác phải chăng còn có nhiều hình dạng khác của thành công.
Lý do mà tôi suy nghĩ như trên là bởi vì như từ xưa có câu nói “10 người 10 sắc”, con người được sinh ra có cá tính, hương vị, đặc tính khác nhau, không ai giống ai. Đối với tính cách, năng khiếu, tài năng trên quả đất này không ai giống ai. Nói cách khác chúng ta có thể nghĩ là con người được vận mệnh an bài có công việc nghề nghiệp khác nhau, có cách sống khác nhau. Có người được trời ban phú cho thiên phận, sứ mệnh làm nhà chính trị, có người được ban phú thiên phận, sứ mệnh làm học giả. Mỗi người được trời ban phú thiên phận, sứ mệnh phù hợp với các công việc nghề nghiệp khác nhau như y sĩ, nhà kỹ thuật, họa sĩ, ca sĩ, kiến trúc sư....
Tôi nghĩ một hình dạng của thành công là tự mình phát huy hữu hiệu thiên phận mà trời ban cho mình và hoàn thành sứ mệnh trời ban phú này. Đó phải chăng là cách sống đúng để làm người, chính cách sống như vậy là thành công chăng?
Do đó hình dạng thành công của mỗi người mỗi khác nhau. Đối với người này, sự thành công là trở thành Bộ trưởng và hoàn thành nhiệm vụ của chức vụ này. Đối với một người khác, việc có niềm vui trong công việc giúp ích người chung quanh như thợ đóng giày là thành công. Nghĩa là tiêu chuẩn của thành công không phải là tài sản, địa vị hoặc danh dự trong xã hội mà là có theo thiên phận, sứ mệnh mà trời ban phú cho và có phát huy hữu hiệu đúng mức không.
Nếu như mọi người chỉ nghĩ rằng việc đạt được địa vị, danh dự trong xã hội và tài sản là hình dạng duy nhất của thành công, và bất cứ thế nào cũng phải đạt được thì mọi người sẽ phải cố gắng nỗ lực một cách phi lý và làm tổn thương không ít thiên phận, đặc tính con người mà trời đã ban phú cho. Ngoài ra, nếu khó lòng đạt được thành công sẽ sinh ra rất thoái chí, chán nản và mang mặc cảm kém cỏi bất tài và mất đi lẽ sống.
Dù cho nỗ lực cố gắng thế nào, tất cả mọi người không thể đều trở thành Bộ trưởng, Tổng giám đốc công ty. Ngay cả tất cả việc mọi người đều trở thành nhà đầu tư cũng đã là rất khó khăn.
Ngược lại, tôi nghĩ rằng việc sống với thiên phận mà trời ban phú cho mỗi người, và tùy theo cách suy nghĩ mà tất cả mọi người có thể thực hiện được. Hơn nữa tôi nghĩ rằng những người tự sống theo thiên phận như nói trên, dù họ có hoặc không có địa vị trong xã hội, tiền tài họ lúc nào cũng sống động, cũng có tự tín và tự hào rằng họ có niềm vui bên họ và có thể sống một đời người viên mãn như họ mong muốn. Ngoài ra, phải chăng nếu số người này đông đảo thì cuộc sống cộng đồng sẽ có sinh lực phong phú hơn và đem lại sự phát triển mạnh mẽ.
Gần đây thường có ý kiến “Mặc dù sinh hoạt phong phú hơn khi xưa nhưng số người bất bình, bất mãn hoặc bất an đã tăng nhiều lên”. Điều này làm tôi không tránh được cảm giác rằng một trong các nguyên nhân chính của việc này liên quan về quan niệm thành công của việc làm người. Bởi vì trường học, đoàn thể, xã hội có khuynh hướng quá xem nặng tiêu chuẩn địa vị, danh dự, tài sản mà bỏ quên việc phát huy thiên phận cá biệt của bản thân và việc sống với sứ mệnh của mình, phải chăng sự việc này đưa đến việc làm tăng số người bất mãn, bất an?
Tôi nghĩ việc suy nghĩ rằng thành công trong đời người, thành công của làm người là mỗi người sống phát huy thiên phận của bản thân và theo đuổi mục đích này đương nhiên sẽ xóa được bất mãn hoặc bất an đồng thời cảm thấy được niềm vui cá nhân của sự sống, và trình độ phát triển của toàn xã hội cùng với phồn vinh của xã hội cũng sẽ tăng cao lên.
Nguyễn Sơn Hùng
18/9/2022
(*) Nguồn: MATSUSHITA Kônosuke: NHÂN SINH TÂM ĐẮC THIỆP (人生心得帖), Viện Nghiên Cứu PHP xuất bản 1984 khổ A5, xuất bản 2001 khổ A6.
Nhận xét của người dịch
Cần hiểu “thiên phận” là thiên tư, là năng khiếu trời phú cho mỗi cá nhân. Có hiểu nghĩa thiên phận như vậy mới thấy chủ trương “sống theo thiên phận” rất khoa học chớ không phải mê tín hay duy tâm. Bởi vì có sống hợp với tính chất con người thì về lâu dài con người mới có thể sống vui vẻ, hạnh phúc và phát huy được tài năng, sở trường của mình. Lời người xưa “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh” cũng xuất phát từ chân lý này.
Tiếc thay, có nhiều người sai lầm, mong muốn và bắt ép con cháu mình bất cứ giá nào phải là bác sĩ, luật sư không chịu xem xét để phát triển thiên tư của chúng đưa tới nhiều thảm kịch bất hạnh cho con cháu họ.
“Sống theo thiên phận” ngoài việc đem lại hạnh phúc thật sự cho cá nhân của người sống mà trên phương diện năng suất kinh tế cũng đem tới lợi ích cho xã hội vì phát huy được năng khiếu sẵn có. Do đó xã hội cũng cần có nhận thức đúng đắn để tạo điều kiện cho mọi người có thể sống với thiên tư của mình. Thí dụ mọi người trong xã hội đều khinh rẻ coi thường những người có sở trường hoặc yêu thích công việc lao động chân tay thì ai sẽ sản xuất gạo lúa, thực phẩm cho người trong xã hội tiêu dùng đây? Ý thức này có thể nói là một góc cạnh quan trọng của dân trí hay trình độ văn minh. Chúng ta có thể thấy trong một xã hội văn minh nghề nghiệp nào cũng được tôn trọng. Người trong xã hội có ý thức được như vậy thì xã hội “sống theo thiên phận”, cách sống đem lại niềm vui và năng suất cao cho nhân loại, mới được thực hiện rộng rãi. Có lẽ đó là lý do mà Matsushita đã đưa hạng mục này vào vị trí thứ 4 của 28 hạng mục ông đã chọn lọc.
Một điều thiết nghĩ nên nhấn mạnh ở đây “sống theo thiên mệnh” không có nghĩa là sống phó thác cho tự nhiên mà cần phải biết biết đúng chính xác thiên mệnh của mình và phát huy hữu hiệu, nghĩa là đem hào quan cho thiên mệnh của bản thân như bài 2 trước đã đề cập. Nếu hiểu sai ý nghĩa “sống theo thiên mệnh”, cuộc đời của chúng ta sẽ khác đi một trời một vực.
Như tác giả có đề cập ngắn và gián tiếp trong bài viết, quan niệm “thế nào là thành công của đời người” rất quan trọng trong việc giáo dục con cái trong gia đình, giáo dục con người và đào tạo nhân tài ở học đường, ảnh hưởng đến cả phồn vinh và tiến bộ của quốc gia! Mong rằng các giới hữu trách nên quan tâm xem xét, nghiên cứu đầy đủ để thực hiện hữu hiệu.
Ghi chú
- Để biết chi tiết hơn về cùng đề tài này, quý độc giả có thể tham khảo thêm
Bài “THÀNH CÔNG CỦA LÀM NGƯỜI LÀ GÌ?” của cùng tác giả trong trang web dưới đây:
Thành công của làm người là gì? « Diễn Đàn Khai Phóng (diendankhaiphong.org)
- Thiên phận. Trong tiếng Nhật có 2 nghĩa: 1) Tính chất, tài năng được trời ban phú cho; 2) Thân phận (địa vị và giai cấp hoặc cảnh ngộ) hoặc chức phận (bổn phận của chức vụ) được trời ban phú cho. Từ Điển Hán Việt của Đào Duy Anh: cái thiên tư của trời phú cho. Trong bài này, tác giả dùng nghĩa 1).
- Tựa bài dịch theo nguyên bản. Tựa phụ trong ( ) do người dịch đặt thêm để quý độc giả dễ nhớ và tổng kết các điều trọng yếu mà tác giả đề xuất để chúng ta có cuộc sống tốt đẹp hơn.
- Đại ý của bài viết. Trong nguyên tác, đại ý được viết ở đầu của mỗi bài.
- Chữ nhỏ viết trong ( ) để giải thích nghĩa hoặc từ đồng nghĩa.
Mời Xem Bài 3 :
BẢN CHẤT CON NGƯỜI: CÀNG MÀI DŨA CÀNG SÁNG CHÓI (Điều 3 Rèn luyện mài dũa thiên phận của mình) (1)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét