Từng tràng pháo tay nổi lên vang dội cả căn phòng hội chen lẫn tiếng reo vui của quan khách khi Giáo Sư Nhà Văn Doãn Quốc Sỹ bước vào cửa. Căn phòng hội hình như sáng hẳn lên bởi những khôn mặt rạng rỡ, nụ cười nở hoa trên môi mọi người để đón chào một vị Thầy khả kính. Nhạc phẩm Trèo Lên Quán Dốc vang lên từ một góc phòng phía bên trái và rồi mọi người cùng hát vì đây là nhạc phẩm mà ông yêu mến…
Trèo lên quan dốc ngồi gốc ối a câу đa
Rằng tôi lý ối a câу đa
Ai xui ôi à tính tang tình rằng
Ϲho cô mình gặp xem hội cái đêm trăng rằm
Rằng tôi lý ối a câу đa
Ϲhẻ tre đan nón kìa nón ơi ba tầm
Rằng tôi lý ối tầm ba tầm
Ai đem ôi à tính tang tình rằng
Ϲho cô mình đội xem hội cái đêm trăng rằm
Rằng tôi lý ối a sáng trăng….
Kính chúc GS Thượng ThượngThọ An Khang
GS Doãn Quốc Sỹ với nụ cười luôn nở trên môi, khuôn mặt tươi sáng để lộ một sự ngạc nhiên, hân hoan và hạnh phúc. Ông đi từng bước chậm chạp, thong thả với sự giúp đỡ của Giáo Sư Tiến Sĩ Trần Huy Bích. GS Trần Huy Bích dìu GS Doãn Quốc Sỹ tiến thẳng đến chiếc bàn đặt giữa phòng, một vị trí đặc biệt dành riêng cho ông. Trên bàn, một chiếc bánh mừng thọ với hàng chữ:
LỄ MỪNG THỌ 100 TUỔI VÀ VINH DANH GIÁO SƯ DOÃN QUỐC SỸ
Giáo Sư Doãn Quốc Sỹ ngồi xuống nghế, mắt nhìn thẳng về phía quan khách trong lúc Giáo Sư Tiến Sĩ Phạm Thị Huê đứng bên cạnh ông, khai mạc cho buổi họp mặt.
GS Phạm Thị Huê mở đầu với hai câu thơ của Nhà Thơ Xuân Diệu trong bài Mùa Thu Tới:
“Đây mùa thu tới, mùa thu tới,
Với áo mơ phai dệt lá vàng…”
GS cho biết là GS Doãn Quốc Sỹ có sức khỏe tốt và sống lâu là nhờ vào THIỀN sau khi bà chúc GS Doãn Quốc Sỹ “Thượng Thọ An Khang” và để kết thúc phần nói chuyện, bà đọc câu thơ của Đại Văn Hào Nguyễn Du:
“Trời còn để có hôm nay….
GS Huê nói tiếp:
“Câu thơ tiếp theo tôi xin để trống để mọi người tự điền vào.”
Sau khi nghe Giáo Sư Tiến Sĩ Phạm Thị Huê đọc câu thơ của thi hào Thanh Hiên Tố Như khiến Khánh Lan liên tưởng như sau:
“Trời còn để có hôm nay,
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời.
Hoa tàn mà lại thêm tươi,
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa.”
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Ngẫm nghĩ về câu “Trời còn để có hôm nay”,… Trời ở đây có nghĩa như không gian (sky, le ciel) hay khung trời cho chúng ta hôm nay được gặp lại nhau, nhìn nhau, và người đối diện vẫn mạnh khoẻ để chuyện trò, hàn huyên với nhau. Sau bao năm vật đổi sao dời, “Hoa tàn mà lại thêm tươi, Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa.”,… và rồi không gian, thời gian đã chuyển hóa để chúng ta quán được, ngộ được, và nhận chân ra rằng “Trời còn để có hôm nay“, vì nay chúng ta đã không có gì mất cả, mà ngược lại, hoa cũ vẫn còn tươi, trăng cũ còn sáng hơn xưa. Xin hãy hiểu Giáo Sư Nhà Văn Doãn Quốc Sỹ dù cao tuổi, nhưng nay ông vẫn mạnh khỏe, bình an, minh mẫn. Có lẽ người thọ bách niên không có thay đổi nhiều… Lời chúc phúc của Giáo Sư Huê mang đầy ý nghĩa, mang giá trị tích cực của ý tưởng chúc thọ.
Tiếp tục chương trình là Giáo Sư Đỗ Quý Toàn nói về nói về tiểu sử của GS Doãn Quốc Sỹ, ông nói ngắn gọn nhưng rất đầy đủ và bao gồm tất cả những gì cần thiết…
và đứng bên cạnh là Cô Doãn Liên (con gái của GS)
Đến phần phát biểu của Giáo Sư Doãn Quốc Sỹ, ông nhắc đến Nhà Thơ Tú Mỡ và đọc rõ ràng tên từng đứa con của Nhà Thơ Tú Mỡ và của ông qua một mẫu chuyện vui rất dí dỏm, hóm hỉnh và tự nhiên. Với giọng nói tinh anh, minh mẫn Giáo Sư Doãn Quốc Sỹ kể: “Ông Tú Mỡ (nhà thơ trào phúng Hồ Trọng Hiếu), nhạc phụ của tôi, viết về tám người con của ông với hai câu: “Năm trai, ba gái, tám tên/Trung, Hiền, Thảo, Dũng, Hùng, Chuyên, Vỹ, Cường.” Còn tôi thì cũng bắt chước ông nhưng “cân đối” hơn nên… “Bốn trai, bốn gái, tám tên/ Thanh, Khánh, Liên, Thái, Vinh (liền), Hưng, Hiển, Hương.”… Có lẽ, lúc này, ông chẳng còn màng đến sự việc đời thường, chẳng còn thiết tha với văn thơ, mà chỉ còn nghĩ đến cái hạnh phúc của riêng mình, là những đứa con hiếu nghĩa đang ở bên cạnh ông mà thôi.
Căn phòng chìm trong yên lặng khi trên màn hình, chiếu lên một slideshow về cuộc đời của GS Doãn Quốc Sỹ với lời tựa “BỐ – DOÃN QUỐC SỸ” do con trai của ông là anh Vinh thực hiện. (Theo lời của người con rể của ông là anh Nguyễn Đình Hiếu.) Mở đầu slideshow với giọng ca ngọt ngào, cao vút của cố Ca Sĩ Thái Thanh, đã làm rung động và xao xuyến tâm tư của những đứa con Việt Nam xa xứ…
“Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời người ơi!
Mẹ hiền ru những câu xa vời.
À à ơi! Tiếng ru muôn đời…”
Sau phần slideshow, Giáo Sư Nguyễn Đình Cường cất tiếng ngâm bài thơ “Tóc Trắng và Con Đường Mùa Thu” của Nhà Thơ Trần Mộng Tú, rồi đến bài thơ “Tiễn Thầy” vô cùng cảm động của Thi Sĩ Nguyễn Dức Vĩnh và sau cùng là một bài thơ nổi tiếng mà GS Cường đặt tên là “Bài Thơ Vô Đề của Nhà Thơ Khuyết Danh”. Bài thơ này trích trong thi phẩm Doãn Quốc Sĩ qua bài viết của Nhà Văn Nguyễn Mạnh Chi.
Sau bữa ăn trưa là những phát biểu và chúc thọ từ các đoàn thể như: Hội Ái Hữu Đại Học Vạn Hạnh, Đại Học Sư Phạm, Trường Chu Văn An, Trung Học Nguyễn Khuyến, Trường Việt Ngữ, Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt, Viện Việt Học, Biên Khảo Lịch Sử và sau cùng là Liên Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian.
GS Dương Ngọc Sum, NV Phạm Gia Đại
Các Hội Đoàn phát biểu và chúc mừng GS Doãn Quốc Sỹ
Tuy Nhà Văn Việt Hải bận việc gia đình không đến được, nhưng anh đã ủy thác cho Nhà Văn Khánh Lan đọc bài thơ thất ngôn tứ tuyệt để chúc thọ GS Doãn Quốc Sỹ như sau:
Một trăm năm hữu sở ân sư
Một thế kỷ đời vi học giả
Thọ tựa tùng mộc ngàn năm sáng
Đức như bách mộc bao thanh cao.
Mạnh Bổng, NV Khánh Lan, GS Trần Huy Bích, GS Dương Ngọc Sum
Trong quá khứ khi nhóm văn học, nhóm Văn Đàn Đồng Tâm được thành lập bời ba nhân vật: Tạ Xuân Thạc (Chủ Nhiệm), Trần Việt Hải (Chủ Bút) và GS Doãn Quốc Sỹ (Cố vấn văn hoc), GS Doãn Quốc Sỹ và Văn Đàn Đồng Tâm để lại một dấu ấn thời gian như nhà văn Doãn Quốc Sỹ vẫn quan tâm, khuyến khích giới hậu duệ đi sau hãy tiếp tục dòng sông văn học luân lưu.
Chúng tôi (Liên nhóm Nhân Văn Nghệ Thuât & Tiếng Thời Gian) được biết GS NV Doãn Quốc Sỹ có những tác phẩm nổi tiếng như Người Việt Đáng Yêu, Người Đàn Bà Bên Kia Vĩ Tuyến, Gìn Vàng Giữ Ngọc, Dòng Sông Định Mệnh, Ba Sinh Hương Lửa, Dấu Chân Cát Xóa, v.v… Ngoài ra, trước năm 1975, GS Doãn Quốc Sỹ còn là một trong những nhà văn thành lập nhóm văn Sáng Tạo gồm Doãn Quốc Sỹ, Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp, Mai Thảo và Nguyễn Sĩ Tế, …
Tình bạn cố tri giữa 2 nhà văn Doãn Quốc Sỹ và Thanh Tâm Tuyền sâu đậm như khi Thanh Tâm Tuyền sáng tác bài thơ mang tên “Nhịp Ba” thay cho Lời Bạt dành cho tập truyện cổ tích “Sợ Lửa” của Doãn Quốc Sỹ xuất bản năm 1956, Thanh Tâm Tuyền viết:
“Ngực anh thủng lỗ đạn tròn
Lưỡi lê thấu phổi
Tim còn nhảy đập
Nhịp ba nhịp ba nhịp ba
Tình yêu, tự do mãi mãi
Anh về ngồi dưới vườn nhà
Cây liền kết trái
Hoa rụng tơi tơi ủ xác
Anh chạy nhịp hai qua cách trở
Mắt bừng
Thống nhất, tự do
Ngoài xa thành phố
Bánh xe lăn nhịp ba
Áo màu xanh hớn hở
Nhát búa gõ
Long máy quay
Cửa nhà thi nhau lớn
Nhịp ba, nhịp ba, nhịp ba
Tình yêu, tự do, mãi mãi”.
Bài thơ này được chính Doãn Quốc Sỹ coi như là “đã nêu lên lòng ước muốn thường xuyên nóng bỏng trong tâm tư thầm kín của tôi [DQS]: đó là ước muốn sao cho đất nước sớm được thống nhất tự do.”
Thế nhưng sau tháng Tư, 1975, người ta nói là “đất nước thống nhất tự do”, cả Doãn Quốc Sỹ và Thanh Tâm Tuyền – cũng như bao nhiêu nhà báo và văn nghệ sĩ khác của Miền Nam đã phải vào trại tù cải tạo…
Đồng hồ chỉ 2:30 giờ chiều, GS Doãn Quốc Sỹ đã thấm mệt, ông ra về trong sự luyến lưu của mọi người. Buổi họp mặt mừng tuổi thọ của GS Doãn Quốc Sỹ chấm dứt lúc 3:00 giờ chiều.
Khánh Lan, California Dec. 10, 2022
Khánh Lan (trong nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật &Tiếng Thời gian
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét