4 thg 5, 2020

Covid-19 thay đổi cách chúng ta làm việc như thế nào

Đại dịch sẽ khiến văn phòng vắng vẻ hơn, đồng nghiệp thân thiết với nhau hơn, họp trực tuyến tăng lên và robot dần phổ biến.
1. Làm việc tại văn phòng sẽ chỉ còn mang tính tượng trưng
Brent Capron – Giám đốc thiết kế tại Perkins and Will cho biết sau đại dịch, ngày càng nhiều người Mỹ sẽ phân chia lại thời gian giữa làm việc tại công ty và ở nhà. "Mọi người sẽ vẫn đến công ty. Nhưng thời gian bạn ở đó và tuần làm việc bình thường sẽ thay đổi rất lớn", ông nói.
Văn phòng làm việc của công ty Fuze (Boston, Mỹ) vắng vẻ trong đại dịch. Ảnh: Boston Globe
Văn phòng làm việc của công ty Fuze (Boston, Mỹ) vắng vẻ trong đại dịch. Ảnh: Boston Globe
Khi ngày càng nhiều người làm việc từ xa, các công ty có thể mở thêm văn phòng tại địa phương, hoặc cho phép nhân viên đến các không gian làm việc chung. Vì thế, trụ sở công ty có thể chỉ mang tính biểu tượng, để tuyển dụng hoặc dành cho các công ty vẫn có ngân sách hoặc lực lượng lao động lớn giúp họ đủ trụ lại các thành phố đắt đỏ.
2. Việc họp sẽ thay thế bằng email và phần mềm nhắn tin
Nadjia Yousif – một lãnh đạo tại Boston Consulting Group cho rằng sau đại dịch, số cuộc họp sẽ ít đi. Việc làm từ xa vì dịch bệnh đã khiến nhiều người phải học cách sử dụng công nghệ. Trong một số trường hợp, việc này đã giúp lao động làm việc năng suất hơn. "Tôi cho rằng tất cả chúng ta đã học được kỹ năng mới để làm việc từ xa", bà nói.
Trong tương lai, các cuộc họp có thể sẽ chuyển thành email, và rồi dần thành tin nhắn. Còn với những người không cùng làm trong một văn phòng nữa, những cuộc điện thoại và cuộc họp có thể chuyển sang dạng họp video.
3. Các chuyến công tác sẽ khác trước đây
Trong đại dịch, tất cả các chuyến công tác bị ngừng lại, họp trực tuyến tăng lên và các công ty tìm đủ cách cắt giảm chi phí, cân bằng ngân sách. Nhiều chuyên gia cho rằng các chuyến công tác như trước đây sẽ trở thành quá khứ.
Gary Leff – một chuyên gia về du lịch dự báo các công ty sẽ sớm nhận ra đi công tác là không cần thiết và việc này có thể thực hiện qua họp trực tuyến. Bên cạnh đó, những công ty muốn lấy lại phần thiệt hại sau đại dịch cũng có thể cắt giảm ngân sách cho việc này.
4. Thiết kế văn phòng sẽ thay đổi
Nếu văn phòng chỉ còn mang tính biểu tượng, và mục đích chính là nơi gặp gỡ của mọi người, số tường ngăn sẽ giảm đi. Nhiều không gian chung sẽ được tạo ra.
Bàn làm việc có thể sẽ kê cách xa nhau và các sản phẩm vệ sinh như dung dịch sát khuẩn hay giấy diệt khuẩn sẽ trở nên phổ biến. Kiến trúc sư cũng có thể sử dụng các vật liệu bền và chọn loại bề mặt có thể chịu được sát khuẩn thường xuyên.
5. Đồng nghiệp sẽ thân thiết với nhau hơn
Nếu có một điểm sáng về tác động của đại dịch với công sở, đó là cải thiện mối quan hệ giữa các đồng nghiệp. "Suốt một thời gian dài, chúng ta coi việc gặp đồng nghiệp hàng ngày là điều hiển nhiên và không nhận ra điều đó quý giá đến mức nào", Lakshmi Rengarajan – chuyên viên tư vấn tại WeWork và Match.com cho biết, "Tôi nghĩ rằng các nhóm sẽ thân thiết với nhau hơn khi quay lại làm việc".
6. Khẩu trang sẽ trở thành món đồ thiết yếu trong tủ đồ
Ngoài quần áo công sở, hai loại thời trang khác sẽ xuất hiện sau đại dịch là đồ công sở để mặc khi làm việc từ xa và khẩu trang. Ví dụ, khi họp trực tuyến, bạn sẽ phải bổ sung nhiều đồ thân thiện với camera hơn, như đồ màu tối, họa tiết lớn hay đường kẻ rõ ràng. Đeo khẩu trang đến công sở cũng có thể trở thành điều bình thường, đặc biệt tại các công ty lớn với nhiều nhân viên.
7. Công ty có tiền trợ cấp để làm việc từ xa
Khi Twitter và Shopify buộc nhân viên làm việc từ xa hồi tháng 3, cả hai đều có hỗ trợ để việc chuyển tiếp này diễn ra suôn sẻ. Ở Shopify, các nhân viên được cấp 1.000 USD để mua thiết bị làm việc. Còn tại Twitter, tất cả nhân viên được cấp tiền mua bàn ghế và cả gối tựa. Vì thế, nếu làm việc từ xa trở nên phổ biến, khoản trợ cấp này có thể sẽ được bổ sung.
8. Tự động hóa sẽ tăng tốc
Nhiều người từ lâu đã lo ngại "robot lấy mất việc làm của con người". Đại dịch sẽ càng khiến mối lo này lớn hơn. Vì giãn cách xã hội, nhiều tổ chức – từ nhà hàng đến hãng bán lẻ - đã phải tìm cách tự động hóa nhiều nhất có thể. Việc này giảm khả năng tiếp xúc giữa người với người. Bên cạnh đó, robot và máy móc thì không thể bị ốm.
Những công việc lặp đi lặp lại có thể thay thế bằng thuật toán. Robot có thể tham gia dây chuyền sản xuất và thiết bị bay không người lái có thể giao hàng. Các nhà phân tích cũng cho biết tự động hóa sẽ được tăng tốc trong thời kỳ kinh tế đi xuống.
Hà Thu (theo CNBC)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét