17 thg 5, 2020

NHỮNG HIỂM HỌA CỦA SỰ TRỪU TƯỢNG HÓA

Christy Wampole, “The Perils of Abstractions”, https://www.nytimes.com/2019/11/12/opinion/language-power-politics.html
Hải Ngọc dịch
Christy Wampole là phó giáo sư Văn học Pháp và Italia tại Đại học Princeton (Mỹ). Chuyên luận của bà  – “Rootedness: The Ramifications of a Metaphor” (University of Chicago Press, 2016) đã được trao giải thưởng của Hiệp hội nghiên cứu Ngữ văn hiện đại (MLA) cho công trình nghiên cứu đầu tay được xuất bản xuất sắc nhất.

Hãy cho tôi biết chiến thắng trông như thế nào.”
Đấy là câu mà Thượng nghị sĩ Elzabeth Warren, trong cuộc tranh luận tìm ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ hồi tháng Chín vừa rồi, luôn muốn chất vấn “mỗi lần có một tướng lĩnh nào đó tuyên bố về chiến thắng” khi bà cố tìm hiểu theo tiêu chí nào, việc can thiệp quân sự vào Afghanistan được xem là một thành công. Thay vì một sự trừu tượng hóa – “thành công” – bà muốn một cái gì đó cụ thể. Yêu cầu của Warren, gây chú ý bởi sự đơn giản của nó, đã nhấn mạnh bản chất nguy hiểm của sự trừu tượng hóa và mời gọi chúng ta phải suy tư về những cách khác nhau, theo đó, nó có thể bị khai thác để kiểm soát, loại bỏ hay giết chóc con người.
Trong địa hạt chính trị và xã hội, sự trừu tượng hóa là một ý niệm – như tình yêu, tự do, chủ nghĩa Lenin – không có hình thức khả xúc. Khi ta nói về một cái gì đó trong tính trừu tượng, chúng ta biến những trường hợp cụ thể và trung bình hóa chúng thành những khái niệm chung chung – và do đó, đương nhiên, mang tính giản lược. Thông qua quá trình này, các sự vật, sự việc và con người mất đi tính hữu hình và tỷ trọng của mình. Thế giới trở thành một chuỗi các ký hiệu, con số thay thế cho bản thân các sự vật hiện tượng.
Trong số các nhà tư tưởng của thế kỷ vừa qua, Simone Weil, triết gia người Pháp nổi bật lên như một nhà phân tích sắc sảo về nhiều cách thức theo đó sự trừu tượng hóa có thể hủy hoại nền chính trị và tâm hồn của chúng ta.
Trong một tiểu luận viết vào năm 1936, vốn được đặt tên là “Let Us Not Start Another Trojan War” (Hãy đừng để một cuộc chiến thành Trojan khác phát sinh), nhưng được biết đến nhiều hơn với nhan đề trong bản dịch tiếng Anh, “The Power of Words” (Quyền năng của ngôn từ), Weil đã rút ra mối quan hệ giữa sự trừu tượng hóa ngày càng gia tăng của ngôn ngữ và những lý do mà người ta dùng để kích động chiến tranh. “Nhìn đâu ta cũng thấy con người đánh mất chính những thành tố của sự thông minh: những ý niệm về giới hạn, tiêu chí, tỉ lệ, quan hệ, so sánh, liên tưởng, sự liên thuộc, sự tương liên giữa phương tiện và mục đích,” bà viết. “Thế giới chính trị của chúng ta chỉ ngập tràn những huyền thoại và những con quái vật; tất cả những gì nó hàm chứa là những sự tuyệt đối và những thực thể trừu tượng.”
Weil nhìn thấy ở thời của bà sự thui chột cảm quan về tỉ lệ, sự vô nghĩa lý đáng sợ trong phán đoán và giao tiếp và cuối cùng, sự biến mất của những suy nghĩ thấu suốt. Bà quan sát cách mà các nền tảng chính trị vốn được xây dựng dựa trên những từ ngữ như “rễ”, “quê nhà” sử dụng những diễn đạt trừu tượng hơn – như “người ngoại quốc”, “kẻ nhập cư”, “kẻ thiểu số”, “dân tị nạn” – để biến những cá nhân bằng xương bằng thịt thành các mục tiêu. Cuối cùng bà rút ra nhận định về cách mà những phép trừu tượng trung tâm của thời đại có thể hợp pháp hóa những thẩm quyền tùy tiện, kích động người chống lại người, bào chữa cho những cuộc chiến phi nghĩa, những hình thức phân biệt đối xử và sự tàn bạo.
Dù Weil đang nói về châu Âu ở thời điểm ấy đang cận kề thảm họa chiến tranh, sự thấu thị của bà cũng giúp chúng ta hiểu về thực tại đang bị phi luân lý hóa ở chính trị nước Mỹ hiện thời.
Hoàn toàn có thể thấy thế giới của chúng ta, được thúc đẩy bởi sự bùng nổ của những công nghệ mới và dễ tiếp cận hơn, đã ngày càng bị trừu tượng hóa: từ sự nảy sinh và lan rộng của chiến tranh mạng, căn cứ vào những nghiên cứu về nhân khẩu học và các hoạt động giao dịch, kinh doanh trực tuyến cho đến thương mại thuật toán và động hướng tiến tới các xã hội không còn lưu thông tiền mặt. Song khuynh hướng tiến tới trừu tượng này không thuần túy chỉ hạn chế trong lĩnh vực công nghệ. Nó còn mở rộng sang đời sống xã hội, trí thức và chính trị của chúng ta – bao gồm nhiều thứ chủ nghĩa khác nhau (chủ nghĩa nữ quyền, chủ nghĩa chủng tộc, chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa dân tộc, v.v) mà chúng ta sử dụng để quy gộp các hệ thống và các hành vi của con người.
Sự trừu tượng hóa thường khởi sinh khi có quá nhiều thứ cần phải biết và quá ít thời gian để biết về chúng. Bị nhấn chìm trong sự lạm phát thông tin, những sự trừu tượng hóa – được đội lốt trong những phép thống kê hay những khuôn mẫu – dường như có giá trị như là những cách tiết kiệm thời gian hiệu quả. Nhưng khi ta tiết kiệm được thời gian thì đồng thời ta cũng mất đi nhận thức về sắc thái và sự chính xác. Và khi đó tiềm tàng một nguy hiểm lớn hơn: Khi thế giới ngày một trở nên phức tạp, như đã thấy ở thời đại kỹ trị mà ta đang sống, các chuyên gia bắt đầu độc quyền thông tin và sử dụng nó như một công cụ thống soát.
Weil đã mô tả động hướng này rất rõ trong một tiểu luận viết năm 1934, “Analysis of Opression” (Phân tích sự áp chế), trong một đoạn văn bàn về nguồn cội của tư tưởng tôn giáo. Bà lập luận rằng khi các nghi thức tôn giáo giúp con người nhận được ân sủng từ thần thánh trở nên “quá nhiều và rắc rối để ai cũng có thể biết”, chúng dần dần trở thành “bí mật và hậu quả là, thành độc quyền bởi số ít các tư tế.” Và bà kết luận, “Không có gì đáng kể được thay đổi khi độc quyền này không còn là các nghi lễ mà là cac quá trình khoa học, và người nắm giữ chúng được gọi là các nhà khoa học hay kỹ nghệ thay vì các tư tế.”
Khi những chính trị gia như Elizabeth Warren nói về các “tướng lĩnh”, ta có thể chắc chắn danh từ này chỉ quy chiếu một phần về những nhân vật có thật ngoài đời mà nhiều hơn, nó gắn với các nguyên mẫu (archetypes) – cái Chung, cái Đại thể (the Generals) – đã chồng chất trong mình nhiều nét nghĩa theo thời gian và nhiều gánh nặng văn hóa. Điều này cũng đúng với những nhóm khác như Phụ Nữ, Sinh Viên, Người Mỹ gốc Phi, Người Nga, v.v… Chúng ta cũng biết những từ ngữ khác quyền uy như thế: Chính Phủ, Doanh Nghiệp, Niềm Tin, Văn Minh, Văn Hóa, Dân Tộc. “Khi những từ rỗng được viết hoa lên, chỉ cần một lý do nhỏ nhất, người ta cũng sẽ đổ máu cho chúng, gây ra những đổ nát nhân danh chúng mà không thật sự nắm bắt được chúng quy chiếu đến cái gì,” Weil viết, “bởi đơn giản là chúng không có nghĩa gì cả.”
Đó là lý do tại sao bà chống lại tất cả các đảng phái chính trị. Bà tin rằng đảng phái đòi hỏi sự trung thành với những ý niệm mơ hồ mà không cần đến sự hiểu thấu về những dự kiện, những sự ngẫu nhiên về vật chất và những thực tại cụ thể để có thể quản trị hiệu quả. Các đảng phái chính trị là nhân tố tạo sinh các phép trừu tượng hóa, chúng được khuấy tung lên vô tận chỉ nhằm một mục đích duy nhất – để cho Đảng phái ấy có thể sống sót và lớn mạnh. Trong một câu văn rất cô đọng, Weil đã tổng kết tại sao sự hợp tác chính trị đòi hỏi tất cả chúng ta phải gạt bỏ và không cần viện đến những phép trừu tượng, dù chỉ trong chốc lát. “Số 2 được nghĩ bởi một người nào đó không thể cộng với số 2 mà một người khác nghĩ đến để ta có tổng số là 4.”
Việc chúng ta cần làm là có một cố gắng tập thể để kiểm lại những niềm tin của mình, tìm hiểu xem chúng dựa vào những phép trừu tượng đến mức độ nào và suy nghĩ xem làm thế nào để tránh khỏi cái trừu tượng và quan tâm đến cái cụ thể – có như vậy, ta mới đến gần hơn để nhận thức thấu đáo hơn, rằng chiến thắng trông thế nào.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét