20 thg 5, 2020

Vũ Thị Phương Anh - Giáo dục cộng đồng ở bậc tiểu học thời VNCH

Dẫn: Trong post trước tôi đã nhắc đến các Trung tâm học tập cộng đồng mà hiện nay chúng ta có thể thấy nhan nhản khắp nơi, mặc dù không rõ những trung tâm này hoạt động như thế nào và có tác động ra sao. Thậm chí, khái niệm giáo dục cộng đồng dường như cũng là một khái niệm được xem là mới đối với nhiều người VN hiện nay, đi đôi với phong trào giáo dục thường xuyên và các khái niệm học tập suốt đời (lifelong learning) và xã hội học tập (learning society).

x0mqVyDGIHWGE2L4xBANKU4jzoIdmYBBFQBKfuOUBlWswgcjGC9RrP7hL-BPYS9dQxWqdDMKZBawDaqBMGmrOe79sA9OFqMfmgRx_h6bqHcfdNDlnum1kCjSYfgyJmiF7ixV9RsPTi6GI1BVVQ
Giáo dục cộng đồng ở bậc tiểu học thời VNCH
Nhưng có thật đây là khái niệm mới trong giáo dục không? Các bạn sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng từ trước năm 1975, khái niệm giáo dục cộng đồng đã được viết thành sách giáo khoa, còn thực tế thì đã áp dụng từ giữa thập niên 1950 (chính xác là sau năm 1954) tại miền Nam ngay từ thời tiểu học. Tôi vẫn còn nhớ những cuốn sách giáo khoa thời VNCH mà tôi được học từ tiểu học, sách do USAID tài trợ, trên có in logo 2 bàn tay nắm vào nhau. Những cuốn sách giáo dục công dân và vệ sinh thường thức rất gần gũi đời thường, mà tôi còn nhớ như in bài đầu tiên nói về mấy anh chị em sáng ra ngủ dậy đánh răng rửa mặt trước khi đi học. Thậm chí còn nhớ cả những câu văn trong bài học ấy: "Lan ngồi dậy vươn vai. (? không nhớ rõ tên gì) ngồi dậy dụi mắt. Cường còn ngủ."

Hóa ra, có những việc chúng ta đã từng làm rất sớm, thậm chí bắt nhịp được với thế giới, mà rồi do các biến cố thời cuộc đã bị bỏ mất và bây giờ cần phải mày mò làm lại. Buồn, nhưng buồn thì cũng chẳng làm được gì. Thôi thì chúng ta hãy làm những gì mình có thể làm, và với tôi, đó là đi tìm lại những tài liệu cũ để đưa về đây phổ biến cho mọi người cùng biết.

Bài dưới đây chính là lời giới thiệu được chép từ trong cuốn tài liệu giáo khoa có tựa là Giáo dục cộng đồng, Ban Giáo dục cộng đồng, thuộc Tiểu học và Giáo dục cộng đồng biên soạn, và Trung tâm học liệu thuộc Bộ Giáo dục (VNCH), xuất bản năm 1971 tại Sài Gòn. Xin mời các bạn.
---------------
"Giáo dục cộng đồng", những tiếng ấy hôm nay không còn lạ tai đối với quảng đại quần chúng như 10 năm trước nữa.

Thực vậy, phương thức giáo dục cộng đồng được chính thức áp dụng tại nước nhà vào năm 1956. Số trường cộng đồng lúc sơ khởi là 18, lên đến 852 trong niên khóa 1966-1967, rồi 1336 trong niên khóa qua (1968-1969). Đến nay thì giáo dục cộng đồng đã nghiễm nhiên đóng một vai trò chính yếu của bậc tiểu học do nghị định số 2463/GD/PC/NĐ ngày 25/11/1969 của Bộ Giáo dục, nhất loạt cộng đồng hóa tất cả các trường của bậc tiểu học trên toàn quốc, bắt đầu từ niên khóa 1969-1970.

Để đáp ứng nhu cầu đang lên ấy, nhiều khóa hội thảo, tu nghiệp, huấn luyện đã được tổ chức và nhiều tài liệu về chủ trương, đường lối và phương pháp của giáo dục cộng đồng đã được phổ biến đến các Ty, Sở để các giáo chức có phương tiện tham khảo và nghiên cứu.

Sau một thời gian áp dụng , thử thách, rút kinh nghiệm, các tài liệu trên được tu chỉnh và được Bộ Giáo dục xuất bản với nhan đề Giáo dục cộng đồng vào năm 1966.

Giáo dục là một công tác linh động, biến chuyển, mà giáo dục cộng đồng lại càng linh động hơn, luôn chuyển mình theo cuộc sống của từng địa phương, phù hợp với hoàn cảnh, với tâm tình, với cảm nghĩ của người dân mới mong đem lại một thành quả đúng với ý nghĩa cao cả của nó. Thưc hiện sứ mệnh giáo dục cộng đồng, giáo chức phải đặt mình trọn vẹn trong cộng đồng sinh hoạt, ở thành thị cũng như ở nông thôn.

Giáo chức sẽ tìm thấy trong tập Giáo dục Cộng đồng được tu chỉnh và bổ túc này những gì cần thiết cho chính mình, những hành trang vô cùng thiết yếu để vững bước trên con đường Giáo dục cộng đồng.

Tôi hết lòng ca ngợi những tác giả đã đóng góp cho tập tài liệu này được dồi dào, những nhân viên Ban Giáo dục Cộng đồng Nha, những người bạn trẻ yêu nghề, hăng hái hoạt động, tận tụy đóng góp thiện chí và kinh nghiệm cho nền giáo dục cộng đồng.

Tôi cũng hết lòng tin tưởng vào hàng hàng lớp lớp giáo chức trên mọi nẻo đường đất nước đã và đang âm thầm đào tạo một thế hệ tương lai cho xứ sở, trong sự điêu tàn đổ nát từ vật chất đến tâm linh, mà chiến tranh dằng dai đang tàn phá quê hương nhỏ bé này.

Với niềm tin sắt đá vào thiên chức của nhà giáo, tôi hân hoan giới thiệu tập "Giáo dục cộng đồng" này là kim chỉ nam của đường lối giáo dục mới trong giáo dục tiểu học.

Sài Gòn ngày 10 tháng 12 năm 1969

Giáo dục cộng đồng và học tập cộng đồng (1)


Dẫn: Có thể các bạn đã từng nhìn thấy nhưng không chú ý các bảng hiệu mang tên "Trung tâm Giáo dục cộng đồng" ở nhiều nơi nhiều địa phương ngay trong thành phố này. Học tập cộng đồng là một phần của phong trào giáo dục cộng đồng đã được UNESCO phát động từ thập niên 1960 của thế kỷ trước. Nhưng giáo dục cộng đồng hoặc học tập cộng đồng có nghĩa là gì vậy? Xin đọc bài viết dưới đây.
-------

A. Định nghĩa Giáo dục Cộng đồng


Nhiều nhà giáo dục và xã hội học đã định nghĩa khác nhau hai từ ngữ giáo-dục và cộng-động. Nhưng thông thường, chúng ta có thể nhiểu:

1. Giáo dục: (giáo: dạy bảo, làm thay đổi về phương diện tinh thần; dục: nuôi nấng, làm thay đổi về phương diện vật chất là dẫn dắt, đem con người từ tình trạng hiện hữu đến một tình trạng khả quan hơn, bằng những phương tiện thích hợp.

2. Cộng đồng: (cộng: chung; đồng: cùng) một nhóm người (trẻ con và người lớn) cùng ở chung một địa phương rộng hay thu hẹp (khối cộng đồng) cùng có chung một truyền thống văn hóa và những nhu cầu, nguyện vọng giống nhau.

3. Giáo dục cộng đồng: trong phạm vi nền giáo dục quốc gia, giáo dục cộng đồng có thể hiểu là một đường lối giáo dục thực tiển, linh động, phù hợp với thực trạng xã hội nước nhà, ở mọi địa phương, nhằm dạy dỗ trẻ con và hướng dẫn dân chúng thu thập một số kiến thức tối thiểu và khả năng chuyên môn để có thể nâng cao mức sống và góp phần vào việc xây dựng xã hội.

B. Mục đích của Giáo dục Cộng đồng

Một nền giáo dục song phương như giáo dục cộng đồng nhằm các mục đích sau đây:


1. Tạo sự thăng bằng cho mức tiến bộ giữa dân chúng: Giáo dục Cộng đồng nhằm vào sự cải thiện cộng đồng nông thôn và các khu xóm lao động ở thành thị, bởi vì chính những vùng đó mới không được hưởng thụ, hay nếu có, thì cũng rất ít ỏi, ánh sáng của văn minh tiến bộ về kỹ thuật.
Sự thăng bằng nói trên là thiết yếu vì đường lối của Chính phủ luôn luôn là giúp cho mọi tầng lớp dân chúng tiến bộ đồng loạt.

2. Giáo dục thành phần tráng niên để giúp cho việc giáo dục trẻ em đạt được kết quả tốt đẹp:

Công cuộc giáo dục của học đường chỉ có thể đạt được kết quả tốt đẹp, nếu học sinh khi bước chân ra khỏi trường không thấy những điều trái ngược với lời thầy dạy bảo. Cho nên, sự giáo huấn của thầy, cô phải đi đôi với việc cải tạo hoàn cảnh bên ngoài.

Một nhà giáo dục đã nói rằng: "Nhà trường dạy cho trẻ em thi đậu, nhưng chúng tập sống bằng cách nhìn người khác sống. Và nếu ở nhà trường người ta dạy cho chúng một điều gì mà trong gia đình dạy cho chúng một điều trái lại, thì kinh nghiệm lúc nào cũng chiếm phần ưu thế".

Do đó, cần có một công cuộc giáo dục song phương để giúp cho tất cả thành phần trong cộng đồng có thể tiến bộ.

3. Giúp cho trẻ em hiểu biết địa phương của chúng để có thể khai thác những tài nguyên sẵn có nơi đó và yêu mến địa phương của chúng.
Theo nguyên tắc sư phạm là dạy trẻ em từ gần đến xa, từ những điều đã biết đến những điều chưa biết, giáo dục cộng đồng dùng ngay cảnh vực địa phương làm nguồn tài liệu giáo dục và dùng giáo dục làm phương tiện cải thiện lần lần hoàn cảnh địa phương, nâng cao điều kiện sinh hoạt của dân chúng. Đối với những học sinh không có điều kiện tiếp tục việc học cho đến bậc Trung học, Đại học, chúng sẽ ở lại với địa phương và trở thành những phần tử tiến bộ biết khai thác những nguồn lợi của địa phương và yêu mến địa phương mình.

C. Hoạt động Giáo dục Cộng đồng

1. Trong học đường: Dạy cho học sinh đọc, viết, tính toán và những kiến thức phổ thông, theo một phương pháp hoàn toàn cải thiện, mục đích đào tạo trẻ em sau này thành những công dân tốt, yêu mến địa phương và phục vụ hữu hiệu cho đời sống cộng đồng.

2. Ngoài học đường: Phổ biến trong dân chúng những kiến thức khoa học, những kỹ thuật tiến bộ để cải thiện đời sống xã hội về các phương diện văn hóa, xã hội, kinh tế... Phương pháp áp dụng rất mềm dẻo, linh động cho sát với thực trạng địa phương và với tâm lý, nguyện vọng khả năng của dân chúng.

Trích trong sách giáo khoa GIÁO DỤC CỘNG ĐỒNG của bậc Tiểu học trên toàn miền Nam trước 1975. Bộ sách này được sự bảo trợ kỹ thuật của UNESCO được áp dụng từ những năm đầu 1960.

Vũ Thị Phương Anh

Nguồn : https://ncgdvn.blogspot.com


Xem Thêm Về TS.Vũ Thị Phương Anh tại :https://www.britishcouncil.vn/new-directions/plenary-speakers/dr-vu-thi-phuong-anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét