22 thg 8, 2015

Nghề Y Chua Chát - FB Dr.Nikonian


T. là một cô gái trẻ chừng 20 tuổi. Hiền lành, lễ phép, đẹp thùy mị và trong trẻo. Em nhập viện vì một chứng cảm cúm thông thường. Chuyện tưởng chừng như không thể đơn giản hơn: hạ sốt, giảm đau, chút vitamin… nâng đỡ chờ ngày hết sốt và ra viện.

Chiều hôm ấy, T. kêu nhức đầu. Điều dưỡng vừa cho uống một viên giảm đau thì T. đổ vật ra giường, ngưng thở và hoàn toàn mê man, đồng tử giãn rộng, mất phản xạ ánh sáng một bên. Thời đó chưa có CT, nhưng chẩn đoán thì không gì dễ hơn: chứng xuất huyết do vỡ mạch máu não, gây ngập máu chèn ép các mô não, làm tê liệt các trung tâm hô hấp, vận mạch ở thân não.
Cách duy nhất để duy trì sự sống thực vật cho T. là cho thở máy, duy trì những chức năng hô hấp- tuần hoàn tối thiểu để chờ người nhà đến nhìn mặt lần cuối.

Xuất huyết não không chừa ai cả. Đã có ít nhất hai người thầy dạy dỗ tôi, một người đổ gục xuống bàn siêu âm khi đang khám bệnh, một người quị xuống khi đang phát biểu trong một hội thảo tiêu hóa. Họ đột quị giữa rất nhiều đồng nghiệp, chắc chắn không thiếu sự cứu chữa khẩn trương. Và họ cũng không thắng nổi cái giới hạn của y khoa trong chứng xuất huyết não ngặt nghèo này.
Năm ấy tôi 30 tuổi, mà đến giờ này vẫn không quên được cái cảm giác bàng hoàng khi cắt máy thở, chấm dứt các biện pháp hồi sức cho một thiếu nữ đang xuân, tóc đen, môi hồng như đang ngủ. Nên tôi hiểu lắm cảm giác sốc nặng rất kinh khủng của người nhà trước sự ra đi đột ngột của một thành viên rất trẻ như thế.

Trường hợp thiếu nữ vừa qua đời ở bệnh viện Đà nẵng mà báo chí đưa tin trong những ngày qua cũng không nằm ngoài kịch bản quen thuộc và bi thảm của xuất huyết não. Khi máu đã chảy thành hồ trong nhu mô não, khi não thất đã lụt vì máu, khi những trung tâm hô hấp – tim mạch đã bị chèn ép và tê liệt, thì khả năng sống sót dù được cứu chữa tích cực bằng những biện pháp y khoa tối tân nhất gần như không có. Nói theo từ của dân trong nghề là “tiên lượng rất xấu” hay “không qua khỏi”.

Mà làm gì thì làm, trước mọi ca bệnh nặng, dân trong nghề cũng phải “giữ vững sinh hiệu”, bảo tồn những chức năng tối quan trọng để duy trì sự sống như mạch, huyết áp, hô hấp… rồi mới tính đến những biện pháp đặc hiệu khác. Theo tường trình của đồng nghiệp tôi từ bệnh viện Đà nẵng, như một thầy thuốc đã làm nghề hồi sức trong nhiều năm, tôi có thể hình dung ngay được tính khẩn trương khi cấp cứu ca bệnh này. Chỉ trong vòng một giờ, người bệnh được chuyển ngay từ khoa cấp cứu lên khoa hồi sức để thở máy, nâng đỡ hô hấp. Trong khoảng thời gian đó, các đồng nghiệp tôi đã cho chụp CT để xác định chẩn đoán xuất huyết não. Không bỏ lỡ một nỗ lực nào, họ còn cho chụp thêm một phim CT mạch máu khác để tìm thêm khả năng cứu sống bệnh nhân dù rất nhỏ nhoi là vỡ dị dạng mạch máu não, một bệnh lý có thể phẫu thuật được, dù khả năng thành công rất thấp. (các phim CT này được chụp với dấu ghi nợ, trước khi người nhà đóng tiền, với ngày giờ còn ghi rành rành trên bệnh án và trên bản in phim)
Nhưng các thầy thuốc phẫu thuật thần kinh đã lắc đầu bó tay…

Rõ ràng, không một tòa án y khoa nghiêm túc nào có thể buộc tội hay lên án một qui trình cấp cứu chuẩn mực, nhanh chóng và đúng bài bản như thế. Có trách thì chỉ nên trách trời già cay nghiệt, bắt đi một sinh mạng còn rất trẻ như thế.
Nhưng cũng rõ ràng không kém, là cảm giác ngao ngán khi đọc những thông tin ác ý từ báo chí, những bình luận đầy hỗn xược, mạ lị dành cho những đồng nghiệp của tôi ở Đà Nẵng. Những “bình luận gia” này không phải là dân y khoa, hẳn rồi, nên mới phê phán gay gắt, mau mắn như đúng rồi như thế.
Nhưng từ đâu ra, xã hội chúng ta mang sẵn những định kiến đầy thù nghịch giữa công chúng và y giới như thế?

Câu trả lời chẳng đâu xa, nếu biết rằng trước năm 1975, Sài gòn có 3 triệu dân. Sau 40 năm “xây dựng và phát triển”, dân số Sài gòn đã vượt quá 10 triệu mà không hề có thêm một bệnh viện công lập nào khả dĩ to đẹp, đàng hoàng như bệnh viện Chợ Rẫy. Lại phải gánh thêm bệnh nhân các tỉnh đổ về.
Nên quá tải là phải! Nên phận người khi vào bệnh viện công phải chen chúc nằm đôi, nằm ba, nằm ngoài hành lanh, dưới gầm giường… Thật không bút mực nào tả xiết những thảm cảnh của người dân trong các bệnh viện thời nay, thật chẳng khác chi những trại tị nạn. Cả đôi bên, người nhà, bệnh nhân và nhân viên y tế, không ai không cảm thấy ngột ngạt, bức bối.

Đó là chưa kể những nhũng nhiễu, hạch sách của không ít thầy thuốc, làm cho bức tranh đã đen tối lại càng thê thảm hơn nữa.
Trong khung cảnh bức bối đó, và trên nền tảng của một xã hội đang mục nát về đạo đức, người ta không còn tin nhau nữa. Lòng trắc ẩn, tình đồng loại, sự chia sẻ, biết ơn… dễ dàng biến mất, nhường chỗ cho bạo lực, nghi hoặc, hung hãn. Nên mới có việc mẹ bệnh nhi tát vào mặt bác sĩ của con mình, nên mới có việc nhân viên y tế bị đâm chết, hay bị đổ xăng thiêu sống…

Chuyện kinh khủng như vậy, quả tình “xưa nay hiếm” dưới gầm trời nước Nam này!
Ở một thái cực khác, các quảng cáo theo kiểu “bệnh viện là khách sạn” cũng dẫn đến rất nhiều ngộ nhận: người ta đòi hỏi nhân viên y tế phải hầu hạ thay vì chăm sóc, phục dịch thay vì phục vụ, và tự cho mình cái quyền “muốn gì được nấy” ở bệnh viện. Người ta quên y khoa là một khoa học đòi hỏi sự chuyên nghiệp, và nhân viên y tế là những người chuyên nghiệp. Họ làm việc vì sự sống và sức khoẻ làm đầu, chứ không phải vì sự thoả mãn hay hài lòng của một vài cá nhân quá quắt.Dưới nhãn quan của công chúng, việc cột tay chân bệnh nhân vào giường là vô nhân đạo, phản cảm. Nhưng có ai hiểu cho nếu không làm vậy, con người sảng rượu kia sẽ bứt ngay dây oxy, dịch truyền, quậy phá tưng bừng…

Một ví dụ nhỏ vậy thôi, để thấy rằng đã đến lúc phải xây dựng lại nền tảng cốt lõi của y khoa là sự thấu cảm và tôn trọng nhau từ cả hai phía: bệnh nhân và thầy thuốc. Người ta có thể ban hành những qui chế máy móc và nực cười để dạy thầy thuốc chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi bệnh nhân. Thì cũng nên ấn định những thái độ ứng xử đúng mực từ phía bệnh nhân và người nhà của họ. Vì sẽ không bao giờ có một nền y khoa nhân bản nào được hình thành từ thái độ du côn hay thù nghịch.

Xin thôi cho thói dậu đổ bìm leo, mắng nhiếc nhân viên y tế như một trào lưu.
Xin đừng hằn học với thầy thuốc vì những qui định hành chính về y tế. Họ không đẻ ra nó, mà là một hệ thống thừa ngàn tỷ để xây tượng đài nhưng không đủ tiền để chụp một tấm phim CT miễn phí hay ký nợ cho công dân của mình đang lâm trọng bệnh. Hệ thống đó thừa thì giờ, công sức để đẻ ra đủ thứ qui định răn dạy nhân viên của mình, nhưng chưa bao giờ đề cập đến một hỗ trợ tài chính, luật pháp để bảo vệ người thầy thuốc trước những tai nạn nghề nghiệp như đã xảy ra với đồng nghiệp tôi ở Đà nẵng.

Và xin cho chúng tôi, những người thầy thuốc, được hành nghề trong niềm vui và vinh dự của nghề nghiệp. Không vì hai điều ấy, y khoa là nghề nghiệp bạc bẽo và nhọc nhằn biết chừng nào!
GĐ Phan Lê chuyển


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét