Không nên dễ dãi trong đầu vào theo kiểu ban phát điểm - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Khi bạn bắt gặp những con đường nhựa gập ghềnh sống trâu hay những cây cầu dặt dẹo, thì có khả năng kiến trúc sư thiết kế hoặc kỹ sư chỉ đạo thi công nó đã từng được vinh dự vào đại học với dăm điểm cộng ưu tiên đánh bật những đồng môn phố thị không may mắn sinh ra trong gia đình "không hoàn cảnh".
Nhìn vào bảng danh sách xét tuyển vào Đại học Y Hà Nội năm nay mà giật mình. Bạn có thực điểm cao nhất tính đến ngày 11.8 là 29,75 điểm nhưng đứng thứ 9 (bạn này được ưu tiên 1 điểm, được 30,75 điểm), trong khi một bạn khác được 24,75 điểm, được cộng 6,5 điểm ưu tiên và khuyến khích đủ loại, nghiễm nhiên xếp thứ 6 trong danh sách với 31,25 điểm, tức là cao hơn cả điểm tuyệt đối. Tôi không rõ mọi người có dám để vị bác sĩ tương lai này cầm dao mổ mình hay người thân không. Tôi thì không.
Ở những trường danh giá như trường Y, chênh nhau 0,5 điểm đã là hai đẳng cấp tư duy xa tắp, những người vì vài lý do mà đỗ dù dưới điểm chuẩn chỉ 1 điểm thôi, nếu có tự trọng thì nên rút lui vì mạng người không phải cái có thể đùa.
Dễ dãi trong đầu vào theo kiểu ban phát điểm là chúng ta đang xẻo thịt đem bán rẻ nguồn nhân lực cho tương lai. Nên nhớ mục đích của đại học là đào tạo nhân lực chứ không phải từ thiện, tế bần. Tôi chấp nhận sự ưu tiên về học phí, về điều kiện sinh hoạt hay chế độ ưu đãi phi kiến thức khác đối với các đối tượng này, nhưng ưu tiên về điểm đầu vào thì không thể chấp nhận được. Dễ thấy, một người "hoàn cảnh" có tố chất kém vào đại học, thì một người "không hoàn cảnh" có tố chất tốt hơn sẽ phải đứng ngoài giảng đường. Và người tuyển dụng thì cần nhân viên giỏi chứ không cần nhân viên có hoàn cảnh khó khăn.
|
Cũng giống như một lò bánh mì vậy, bạn cần bột ngon thì bánh nướng mới ngon, bột thiu, phẩm cấp kém hơn thì bánh sẽ không thể nuốt được. Người tuyển dụng cũng như khách mua bánh, họ thấy bánh dở thì sẽ bỏ đi không mua, chứ không có thời gian quan tâm người cung cấp bột cho cửa hàng bánh có hoàn cảnh khó khăn ra sao, sống trong điều kiện thiếu thốn thế nào.
Gần 20 vạn cử nhân ra trường thất nghiệp sẽ kiếm được việc gì khi họ không có năng lực thực sự? Chúng ta luôn nói về sự quan trọng của kỹ năng sống, kỹ năng mềm, nhưng lại chấp nhận sự ưu tiên vô lý để chấp nhận tuyển sinh những người thậm chí không có đủ kỹ năng cứng tức kiến thức phổ thông, như đa số các bạn thuộc diện ưu tiên tôi gặp thì họ không có những khả năng rất cơ bản mà bất kỳ đứa trẻ thị dân nào cũng thành thục như tiếng Anh, tranh luận, thuyết trình hay tệ hơn là là gửi email. Chúng ta tốn một đống tiền để đào tạo họ trong vô vọng và rồi họ ra trường thất nghiệp gia nhập vào đội hình chợ người cuối dốc đường Bưởi, liệu đó có phải là cách làm khôn ngoan?
Trong khi đó, những học sinh thị dân có năng lực tốt hơn bị tước mất cơ hội được đào tạo đại học, thời gian trôi đi họ sẽ trở thành những người mang đầy bất mãn và căm giận xã hội. Nên nhớ, những người có học thức nhưng bất đắc chí chính là những ngòi nổ nguy hiểm cho xã hội hơn bất kỳ một loại bom mìn thời chiến nào còn sót lại.
Công bằng không phải là cào bằng. Ưu tiên cho một vài đối tượng bằng cách tước đi cơ hội của những người xứng đáng hơn sẽ vô hình trung làm hại cả hai. Với tố chất kém hơn thì khi nhập học, những người được ưu tiên sẽ khó mà bắt kịp trình độ với nhóm còn lại, mặc cảm, cô lập sẽ nảy sinh khi khoảng cách ngày càng lớn. Sau năm nhất, năm hai, sự chểnh mảng và chán chường lên đến đỉnh điểm có thể trở thành tai họa. Nhẹ thì bỏ học hoặc vật vã không ra được trường, nặng thì vướng vào tệ nạn xã hội, hay xui xẻo hơn thì có khi chỉ còn lại đôi tổ ong bên thành cầu Long Biên sau mùa bóng.
Xin đừng để tương lai của dân tộc được xây bằng từ thiện.
Chung Nguyên
• Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người làm trong lĩnh vực truyền thông tại Hà Nội
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét