GÃ THIỀN GIÀ
Cuối tuần này có mưa gió nhì nhằng, gã “nằm” liêu xiêu ở nhà, căng mắt quán chiếu lên trần nhà để thiền. Thấy lạ quá chừng, tôi hỏi gã…”nằm” thiền làm gì mà khổ vậy, hết ngồi lại…nằm, chẳng thiền có chết ai đâu. Thế là gã lên đồng với chữa nghĩa, nhập hồn nhập vía vào thiền qua khuôn mặt thiền tính, thiền quán, gã…thiền nhập môn cho tôi.
Khi Mã Tổ còn là tăng và ngồi thiền.
Bạn là Nam Nhạc hỏi:
- Ông ngồi thiền để làm gì vậy?
- Để làm Phật.
Nam Nhạc vặn vẹo Mã Tổ:
- Thiền không ăn nhằm đến nằm hay ngồi,
học Phật như vậy là giết Phật. Phật vốn vô hình, vô tướng. Chấp tướng pháp vào
ngồi thì không đạt được cái lý của thiền học.
Thiền sư Gazan được thiền sư Hakuin mời
tới thiền viện, thay vì hầu trà như mọi khi, thiền sư Hakuin rót rượu vào mấy
cái chén thố và bày ra một đĩa thịt chó.
Thiền sư Gazan hỏi:
- Tại sao ông uống rượu, ăn thịt chó.
Thiền sư Hakuin đáp:
- Tại tôi là người
Thiền sư Gazan nổi cáu:
- Ông là người còn tôi là gì.
Thiền sư Hakuin chăm chăm nhìn vào mặt thiền sư Gazan:
- Ngài là ông Phật vì ngài
không uống rượu, ăn thịt chó.
Tôi trộm nghĩ vụng hai ông thiền sư Nhật rõ rối chuyện, vặc nhau như mổ bò vì…đĩa thịt chó. Trong khi với chuyện thịt chó của ta có Phật tính hơn nhiều. Vì cụ Nguyễn Tuân kể chuyện từng được một ông sư đãi một bữa thịt chó độc đáo. Thịt chó ướp gia vị, đặt vào giữa bông sen, bó lại, đem đồ cho chín dừ. Món ăn vừa tục vừa thanh, vừa có vị chát của nhựa sen vừa có hương thơm hoa sen của nhà Phật.
Đại nghi đại ngộ, tiểu nghi tiểu ngộ,
bất nghi bất ngộ.
Nói cho ngay nào tôi có khác gì con ếch,
con bướm của Trang Tử. Vì con ếch ngồi trong đáy giếng, làm sao nói được chuyện
biển cả. Con bướm chẳng sống qua mùa hè làm sao nói được chuyện tuyết rơi. Thấy
mặt tôi bè ra như cái bướm, mắt trố ra như mắt ếch. Gã khai mê phá ngộ cho tôi
qua cái ngã của gã:
Nghi lớn ngộ lớn, nghi nhỏ ngộ nhỏ,
không nghi không ngộ.
Gã tha ma mộ địa: Theo nhà Phật, mọi thứ trước khi giác ngộ đều mê lầm.
Con người ta bị chấp trước mê lầm. Chỉ khi nào tống khứ được chấp mới có thể
đạt ngộ. Từ đạt ngộ, gã vắt qua “ngộ không” là cảnh giới cao nhất. Khi con
người ta tìm tới thanh tịnh, người đó có thể chống lại những cám dỗ chuyện đời
thường và rất gần với chân nguyên. Hay nói khác đi. Ngộ không là giác ngộ với chữ Không.
Bố khỉ, thà gã nói quách Ngộ Không
là…’’không ngộ’’ cho tôi đỡ rối trí.
Một ngày với bất nghi bất ngộ, gã đi tìm ấn chứng của gã qua ông thiền sư Bồ Đề Đạt Ma. Ông thiền sư đứng trên thuyền lau không có mái chèo, chẳng ai hay ông từ đâu đến và sẽ đi về đâu. Gã như ông chả biết gã từ đâu đến và mai này sẽ về đâu? Gã lọ mọ theo ông vào hang hốc thấy ông diện bích trong núi 9 năm, không nói một tiếng, mà nếu có nói ông nói tiếng Ấn Độ nên gã chả hay gã là ai. Gã chỉ thấy hình tướng gã qua bức tranh vác trên vai cây gậy quảy…một chiếc dép.
Thấy tôi chưa ngộ nên láo ngáo về thiền,
gã dậy: Công án của thiền, không nên luận
giải hay phân tích. Công án vô nghĩa đến đâu nhưng vẫn có những ẩn tàng một
cái gì sâu xa đằng sau câu trả lời. Nếu chú mày có căn tu, một ngày nào đó trái
nắng trở trời, chú mày sẽ…ngộ ra thôi. Thảng như công án với khúc cây Bonsai vô
ngôn hảo diệu, nụ non mãn khai nói lên một chuyện tình cùng những hệ lụy lây
dây với thiền nằm ở…khúc sau (xem tr 5). Chuyện tu có sư ngay dưới đây, nhưng
ở…chợ.
Cậu trai tóc chải ngôi giữa, mới đầu tôi
nghĩ là họ hàng chi đây, hóa ra là bạn cùng xóm của gã và bà ấy khi còn trẻ. Bà
ta thì thầm sụt sùi như ấm ức, cớ sự vậy nên tôi càng lắng tai với tiếng còn
tiếng mất, nhưng nghe xong, tôi muốn bá thở.
Giê-su-ma lạy Chúa tôi, cô con gái của
bà là: Con của một…ông sư.
Mắt ngó chừng hai con ruồi,
gã nhìn tôi ra ý dò hỏi ắt là một cái, một đực chăng? Gã và tôi, thấy mỗi lần con cái vo ve, con đực như bực bội
và loi ngoi muốn bò ra khỏi cổ chai. Khi không gã nhỏm dậy đi lấy cái kéo, đồ
nghề Bonsai. Tôi chắc mẩm gã ngứa mắt vì ba cái cành mọc ra lạc lõng nên muốn
tỉa tiếc chi đây. Vì mỗi lần hòan tất xong một tác phẩm nghệ thuật…cây. Gã lỳ
một lam, tôi làm một ly, rồi gã đổ vấy cho cụ Cao Bá Quát đọan tống nhất
sinh duy hữu tửu và buồn tình ngâm nga khỏang trời đất
cổ kim, kim cổ, mảnh hình hài không có, có không.
Con gái nhà ai tắm vệ sông
Vú vê để hở váy quai cồng
Ước gì ta được mà ta để…
Ta để mà ta lại…để chung
Hôm sau, mới sáng tinh mơ gã và tôi rời khỏi nhà. Ngồi trong xe, tôi lẫm đẫm chuyện hai con ruồi, làm như không đúng bài bản. Cuối cùng chịu hết nổi, tôi há họng hỏi. Gã cơm niêu nước lọ chả thiền tính chút nào: Hữu hình tất hữu họai…Mồi điếu thuốc lá, giọng khào khào: Âm động của vô thức, âm thanh không âm thanh. Nghe hãi quá thể, tôi nghĩ dại, thôi rồi cứ như Tiếng vỗ của một bàn tay. Mà giời ạ, tay chân con ruồi bị gã cắt béng đi còn đâu mà vỗ. Tôi chưa kịp “ngộ”, gã luận thêm công án thiền của riêng gã, nghe tức như bò đá: Khi con ruồi không còn chân tay. Nó sẽ bị…điếc. Khỉ thật, tôi đã hư cấu, gã còn hiện thực giả hư cấu thật hơn tôi nữa! Số là tôi dựa dẫm theo gã, tôi hư cấu gã chỉ là sư mõ...gõ mõ nên chưa đạt tới sắc-không, nghĩa là gã không thể uống rượu mà đạt tới cõi...chưa hề uống. Vì phái Tào Động có câu: ‘’Người ta say vì uống rượu’’, đến trần ai khoai củ này, thấy người ta trồng khoai cũng vác mai đi đào, cách đây mươi năm, tôi…đào thêm truyện Sư sở cuồng và người kỹ nữ.
Trong chuyện này, tôi nhồi nhét gã là sư ông theo tăng tịch Nhật với tên
Seikichi, sống cuộc sống đời thường, sư ông mặc quần “ka-ki”, áo “sơ-mi” trắng
giản dị như bất cứ ai khác. Nên chẳng mấy ai hay sư là…sư. Ít nữa sư có lấy vợ,
cũng chỉ là chuyện đời thường. Một ngày sư ông Seikichi xâm thân thể cho một kỹ
nữ. Bà bị lãnh cảm nên tới sư ông Seikichi chữa bệnh bằng cách xâm mình bằng
kim xâm với mực tàu.
Khúc kết tôi lấp lửng với nhân quả:
“…Và sư đắm chìm trong tình cuồng, trong
gieo duyên giải nghiệp. Trong sư đang tách bến phàm trần nhập vào thể tánh. Trong
một chớp mắt, tay sư vung bút kim lên: Chấm…một dấu chấm li ti như…hạt bụi. Sau một
ngày xâm mình xâm mẩy, sư vật người ra, không hẹn mà gặp, bà và sư đều lăn ra
chiếu. Ánh trăng chui qua khung cửa sổ bò lên manh chiếu, leo lên tấm lưng bà
loang loáng những vệt mờ ảo vàng ong ong. Dấu chấm rún rẩy như vừa thoát ra cái
kiếp lai sinh và đang ngọ nguậy để tồn sinh…
Ở góc phòng, mảnh tăng bào của sư nằm
phủ lên áo kimono của người kỹ nữ… Giữa xáo động và tĩnh lặng…cảnh nói thay
người, người chẳng có gì để nói. Chuyện xẩy ra là lẽ tất nhiên của đất trời với xuân hạ thu đông có bốn mùa..”
Chuyện trên tôi vay mượn cảm hứng từ phim của Đại Hàn, tên Xuân, Hạ, Thu, Đông và Xuân. Cốt truyện có một tiểu tăng bỏ cổ tự, bỏ thầy lên đường không một lời chào. Hắn đi theo tiếng gọi của dục tính. Ngày hắn trở về sư phụ không còn nữa, hắn thay sư phụ trụ trì chùa. Trên đường bỏ chùa mà đi với có nhân có quả, một buổi sáng, hắn nghe tiếng trẻ con khóc ngoài cổng chùa. Bài Bát nhã tâm kinh qua giọng của người con gái nào đó của ngày nào đấy như về từ cõi mộng với từng câu chữ: Xá lợi tử! Sắc bất dị không. Không bất dị sắc. Hắn ở lại cổ am, một mùa xuân mới lại bắt đầu với cậu bé vừa nhập môn kia. Cậu bé là “phân thân” của hắn, hình ảnh hắn mươi năm trước. Mọi thứ lại bắt đầu. Ngoài kia nắng đã lên giữa một mùa xuân có rừng phong và núi đá xanh rêu. Trong cổ am, con rắn già chậm rãi bò ngang bàn Phật, lặng lẽ, và thành kính
Giống cuốn phim câm quay chậm…Rằng bằng vào
cách đây không lâu tôi nghe bát nháo gã có một ông bạn nối khố du học ở Nhật,
đang học nửa chừng bỏ đi tu theo phái Tào Động, không câu nệ hình thức như sư,
thày, đại đức đều là người cả. Sư giống như người, có gì ăn nấy, có rượu saké
càng vui, có vợ lại càng tốt.
Gã và sư gặp nhau, ở ngòai sân chắp tay
thủ lễ bạch thầy với thí chủ. Bước vào trai phòng, họ mày, tao chi tớ đâu ra
đấy. Bởi mới nhập môn với gã, tôi chân trong chân ngòai cửa thiền, nên rất ngại
hầu chuyện sư. Nhưng gặp rồi tôi ngờ ngợ thấy sư có nét hao hao giống ai đấy
hiện ra trong chốc lát ở đâu đó, tôi nặn óc nghĩ không ra. Khi sư chỉ cây Bonsai
và chuyện trò với gã rằng một ngày như mọi ngày: Tối sư bê ra ngòai hứng sương đêm,
sáng sư khiêng vào đặt trên bệ cửa sổ. Mà cây Bonsai nào có đẹp gì cho cam, chỉ
là gốc mai rừng trơ trụi, với dăm chiếc lá èo uột, vật vờ trên khúc cây già cỗi
chẳng có đến một cái nụ non mãn khai. Tôi hỏi tên chậu Bonsai, sư xa vắng…
Gió thông đưa kệ tan niềm tục
Hồn bướm mơ tiên lẫn sự đời
(Trần Nhân Tôn)
Gã viết về gã tòan công án thiền, đại
thể: “Thiền là gì?”. Trả lời: “Thiền là một cái gì đó tròn và lăn…”. Nếu người
học thiền ngớ ra không hiểu. Bèn tiếp: “Một cái gì không diễn tả được…”. Tôi đồ
là cái mũi trước mắt gã…gã còn không nhìn thấy nữa là…là tôi. Vì vậy với tạp
bút Gã thiền giả này, tôi thấy sao
rót tồ tồ vào giấy. Tôi viết về gã khó hiểu một cách vừa phải về đàn ông và đàn
bà qua…con ruồi đực, con ruồi cái. Tôi chả triết Đông, triết Tây gì sất, tôi chỉ
dựa vào nguồn gốc con ngươi từ thời cổ đại La-Hy. Một cái gì đó tròn và lăn từ
đỉnh núi xuống tách ra làm hai cục thịt: Một cái gì không diễn tả được chỉ là…cục
thịt đàn ông và cục thịt đàn bà đi tìm nhau.
- Ấy là Chứng bệnh Ferma ở phương
Tây: ngẫu sự là cái đầu hiện thực giả, hư cấu thật của bạn tạo ra nhân vật thứ
hai để nói chuyện. Cái xứ vật chất này đã nuốt chửng cái thằng người thực của
bạn và khạc ra một thằng người khác là gã.
Trúc gia trang
Canh Dần 2010
Ngộ Không Phi Ngọc
Hùng
(thêm bớt 2017, 2024)
Nguồn: Ngô Ngọc Trang, Nguyễn
Hoài Phương
Tọai Khanh, Laiquangnam,
Nguyễn Đại Thuật
Mời Xem Lại :
Chữ nghĩa làng văn Kỳ 15/11/2024 - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét