2 thg 12, 2024

CÁNH DIỀU MÙA XUÂN TRÊN ĐỒNG CHÓ NGÁP

CÁNH DIỀU MÙA XUÂN TRÊN ĐỒNG CHÓ NGÁP


Trời cuối năm gió nghiêng nghiêng thổi qua hàng cây sua đủa bông nở trắng xóa. Vài cánh hoa bị gió cuốn, giần giật bay về phía bờ ao xanh những nhánh rau nhúc bập bềnh. Phía xa là cánh đồng lầy đầy cỏ, cây tạp và những dề lục bình tím ngắt như một điểm nhấn u buồn trên bức tranh màu lạnh.

Mẹ tôi đang ngồi vo gạo bên lu nước mưa hứng từ tháng tám chợt ngừng tay rồi nhìn về phía cánh đồng. Hình như mẹ muốn nói điều gì? Tôi lên tiếng trước: “Sao người ta lại gọi cánh đồng nầy là đồng Chó Ngáp, hở mẹ?”. Lúc đó tôi chỉ là một đứa bé mới bảy tám tuổi với rất nhiều thắc mắc về cánh đồng hoang dại nầy. Ở đây chỉ lác đác mươi ngôi nhà tre mái lá cách xa nhau chừng một tiếng hú. Chủ nhân của những ngôi nhà xiêu vẹo ấy là dân tứ xứ trôi dạt về đây sống hẩm hút bên mép bờ dãi đất cao lúp xúp những cây trâm bầu, sua đũa chùm lé gai. Về đêm, nhất là vào những đêm cuối năm khi trời trở mùa gió Bấc, gió vụt qua cánh đồng lầy chợt hú lên. Tôi rất sợ tiếng hú đó. Mẹ hiểu ý nên thường ôm choàng lấy tôi và nói thì thầm: “Đừng sợ, có mẹ đây. Đó chỉ là tiếng gió thế thôi”.


“Mẹ ơi, sao người ta lại gọi cánh đồng nầy là đồng Chó Ngáp, hở mẹ?”, tôi lập lại câu hỏi. Mẹ tôi nhìn tôi ngập ngừng một lát rồi lại nhìn ra cánh đồng mông quạnh, nén một tiếng thở: “Người ta nói cánh đồng nầy rộng lắm, một con chó săn giỏi lắm chỉ chạy chưa đến nửa cánh đồng là đã thè lưỡi ngáp dài rồi. Nói thế để thấy rằng cánh đồng này xa lắm, xa đến tận chân trời…”.

Tôi tự nghĩ trong lòng: sẽ có hôm tôi đi phiêu lưu mạo hiểm qua ngang cánh đồng bao la bát ngát nầy xem thử coi nó rộng đến đâu? Nó không thể nào cứ xa mãi, xa mãi được. Phải có một chỗ nào đó nó dừng lại, chỗ có xóm làng, nhà cửa và người ta. Lẽ nào cánh đồng lầy nầy sẽ đi vào nơi vô tận cho dù người ta có đi hàng tháng hàng năm trời vẫn còn thấy cái mênh mông còn mãi mênh mông trước mặt? Lẽ nào? Tôi nói với mẹ tôi khi hai mẹ con ngồi bên bếp lửa chiều: “Sẽ có một ngày con đi băng ngang qua cánh đồng nầy, chắc chắn ở cuối đường chân trời ấy phải có một thành phố nào đó đông vui”, Mẹ tôi ngưng tay đẩy mấy thanh củi vào cái bếp lò đang cháy mắt trợn lên kinh hãi: “Con nói gì, con sẽ đi qua cánh đồng Chó Ngáp à? Trời ạ, đừng

đừng, chỗ ấy có đi mà không có về đâu con trai của mẹ”.

Sao thế nhỉ? Cái gì có đi mà không có về? Nơi ấy có hùm beo, rắn rít hay yêu quái ăn thịt người? Tôi chẳng mấy tin. Mẹ âu yếm vuốt tóc tôi nói như muốn khóc: “Ngày xưa, lâu rồi lúc mẹ sắp sinh con thì có một hôm cha con cũng nói như thế. Ông ấy bảo phải đi qua được cánh đồng nầy mới có cuộc sống

tốt hơn. Cha con nói cuộc sống là phải sống ở giữa nhiều người, có nhà cửa, có đường phố, có ánh đèn, có quán xá. Ở giữa cánh đồng cằn cõi nầy không thể được coi là cuộc sống. Và con ơi, cha con đã đi qua cánh đồng đến nay quá tám năm mà vẫn chưa thấy trở về…”.Cha tôi là ai nhỉ? Ông ấy ra sao, cao gầy mà nghiêm nghị hay đẩm thấp mà vui tính? Tôi thử hình dung ra một khuôn mặt của người nhưng trong tâm trí non nớt của tôi những hình ảnh ấy chỉ mơ hồ, tản mạn như những lớp mây xốp biến ảo trôi bềnh bồng trên cánh đồng xanh hoang vắng nầy.

Trời đang rủ dần màu tối trên cái cỏi mênh mông nầy. Gió cuối tháng Chạp thổi vù qua ngang cánh liếp đưa chút giá lạnh vào chỗ hai mẹ con tôi ngồi. Ngọn lửa bếp cơm chiều cháy lay lắt. Trên nền trời thẳm đen nhú ra vài ngôi sao sáng xanh như màu sáng của những con đom đóm. Ánh lửa hắt lên khuôn mặt mẹ tạo ra những mảng tối sáng sống động. Tội nghiệp mẹ, nét mặt mẹ hiện ra vẻ khắc khổ và một sự chịu đựng thật khó tả. Tôi nắm tay mẹ: “Lớn lên chút nữa con sẽ đi tìm cha và chắc chắn là con sẽ trở về với mẹ. Con ghét cánh đồng nầy, nó không thể dài mãi để không có người nào có thể vượt qua. Con thích nhà cửa, phố xá, xe ngựa đông vui. Ở đây buồn quá, sao chỉ có hai mẹ con mình?”. Mẹ tôi chỉ tay về phía những đóm sáng nho nhỏ hiện ra trong những chòm cây lúp xúp: “Đâu chỉ có hai mẹ con mình. Con quên rằng còn có những căn chòi lá kia sao? Ở đó người ta cũng đang nấu những bữa cơm chiều”.

Tôi nhớ ra rồi, cái đóm sáng leo lét nằm dưới ngôi sao Hôm là nhà của một cặp vợ chồng già, ông chồng chuyên đi bắt rắn bắt lươn. Xa hơn một chút mái nhà nằm dưới ngôi sao Vua là mấy căn chòi tả tơi nơi có mấy gia đình sống bằng nghề đi câu cá, câu ếch trong các ao hồ, đầm lầy giữa đồng Chó Ngáp. Một đóm sáng chập chờn phía cuối sao Lưỡi Cày là mái lều tả tơi của một lão trung niên đầu trọc tuếch chuyên đi lặn móc củ sen, củ súng. Người đàn ông nầy sống một mình mà năm nào đến mùa xuân tôi cũng thấy từ ngôi nhà nát ấy một con diều sáo màu đỏ thắm cũng vi vút bay lên giữa bầu trời xanh lồng lộng gió.

Năm nào cũng vậy vào ba ngày tết tôi cứ ngồi bên hàng hiên ngắm con diều giấy màu đỏ bay lơ lững giữa trời và nghe tiếng sáo vi vu của nó phát ra giữa thinh không. Có lúc tôi nghe tiếng sáo vui tai như một khúc nhạc xuân, song cũng có khi tiếng sáo diều lại tự dưng trở nên buồn bã, âm điệu nỉ non lan tỏa giữa cánh đồng mông quạnh. Có khi mẹ tôi cũng ra ngồi cạnh tôi cùng ngắm cánh diều và lắng nghe tiếng sáo của nó bay theo tiếng gió lúc gần lúc xa. Hồi đó cha con cũng biết làm diều, năm nào ông ấy cũng làm một con diều rõ to và thả bay ngày nầy qua ngày khác trên cánh đồng nầy”, mẹ nói chầm chậm giọng trầm trầm. Tôi mơ ước có được con diều ấy. Giá như cha tôi còn ở đây có phải giờ nầy tôi cũng có được một con diều màu đỏ thắm như thế bay lượn và ngân nga điệu sáo giữa trời xanh? Tôi biết cha tôi có thể làm mọi điều cho tôi nếu như có còn ông ấy.

Một buổi trưa tôi lén mẹ đi ra cánh đồng. Men theo những lối mòn uốn lượn giữa những lùm cây lúp xúp, những bụi cỏ cao quá đầu người tôi đi về phía nhà người đàn ông có một con diều sáo màu đỏ sáng như một điểm nhấn rất sinh động giữa màu trời xanh miên man oải chán. Lạ thật, ở xa trông thấy mái lều ấy cũng chỉ gần thôi nhưng đi rồi thì lại thấy hình như nó cứ lùi xa mãi, xa mãi ở đâu đó tận cuối chân trời. Có phải vì điều bí ẩn của một không gian không đơn điệu mà con mắt người ta dễ bị đánh lừa? Vì thế mà cánh đồng Chó Ngáp dường như vô tận, như thể nó luôn luôn chờ chực để đùa nghịch, để bẩy những bước chân của ai muốn đi qua nó, muốn chinh phục nó.

Nhưng cuối cùng tôi cũng đến được dưới chân cái điểm nhấn màu đỏ đang ve vẩy chiếc đuôi dài tha thướt trên khoảng trời cao. Có tiếng sủa của một con chó từ chiếc lều lá rách tơi tả phát ra. Một cái đầu trọc tuếch với một bộ mặt lừ đừ men rượu thò ra từ một lỗ thủng: “Ai đó? Vô đi”. “Dạ cháu, cháu đến thăm chú đây”, tôi nói nhỏ nhẻ ngập ngừng.

Người đàn ông nạt con chó cho tôi bước vào. Ông ấy ngồi trên một tấm chiếu trước một mâm rượu thịt ê hề. Như đoán được tôi sẽ nghĩ gì về chuyện nhậu nhẹt một mình với mâm cao cổ đầy nầy người đàn ông nhếch môi: “Gia tài có hai con chó mà một con tự dưng ngã đùng ra. Và ta đã làm thịt nó, miếng đem hon, miếng ướp muối xả nướng. Đúng là cao lương mỹ vị cho mấy ngày xuân sang. Sao, làm một miếng chớ nhỏ?”. Tôi lắc đầu, ông ta có vẻ không hài lòng: “Rượu ngon, thịt béo không dùng, vậy mày đến đây làm chi?”. Tôi nói tôi thích con diều sáo của ông ấy và năn nỉ ông nếu có thể thì làm cho tôi một con như thế.

Người đàn ông đầu trọc vói hai con mắt đỏ vì men rượu nhìn tôi chầm chậm từ đầu đến chân rồi hỏi có phải cái chòi lá của tôi nằm dưới mấy hàng cây sua đũa ở phía đông cánh đồng. Tôi nói phải, chính đó là nhà của mẹ tôi. Tự nhiên ông ta nhăn mặt: “Sao mẹ mày không có chồng để mày có người làm diều cho chơi? Mày thích con diều à, chuyện dễ như trở bàn tay. Nhưng mày chiều lòng tao đi, là ăn một miếng thịt chó mới được. Ăn đi con, trông mày còm cỏi quá, đâu phải dễ gì để có một bữa rượu thịt như tao.

Muốn có diều thì phải ăn một miếng với thằng Tư cô đơn nầy”.

Bất đắc dĩ tôi phải ngồi xuống tấm chiếu rách bươm của lão Tư cô đơn. Ông ta gắp cho vào chén tôi một miếng thịt cầy. Tôi ăn thử, xem ra cũng ngon. Nhìn tôi ăn với nét mặt khó khăn ông Tư cô đơn cười hà hà: “Ngon mà nhỏ. Ta là một tay thợ nấu ăn có tiếng đấy nhóc ạ, chẳng phải đụng ai ta cũng mời ăn nhậu đâu”.

Sau buổi ăn ông ta dắt tôi ra sân đến dưới gốc cây trứng cá kéo con diều xuống. Con diều lớn dần, lớn dần, và cuối cùng nó nằm gọn trên tay ông Tư: “Đây, chú cho cháu. Về hãy thả lên trời, nhớ cột một đầu dây vào mấy cây sua đũa cho chắc. Nhớ thả cho hết dây, ta ở đây vẫn muốn nghe tiếng nhạc của sáo diều vi vu trên cánh đồng Chó Ngáp nầy không có diều sao có thể là mùa xuân? Thôi về đi, nhớ cẩn thận đừng đi lạc vào các đầm lầy đấy”.

Tôi mang con diều về thấy mẹ tôi mặt xanh tái. Mẹ bảo đã chạy khắp nơi tìm tôi. Thế nhưng khi bà nhìn thấy con diều giấy to đùng mà tôi đang khệ nệ vác trên vai thì bà mắng: “Ai cho con đi qua nhà ông Tư ấy? Con xin con diều của ông ấy phải không? Lần sau còn sang bên ấy chắc chắn mẹ sẽ cho con một trận đòn”. Nói thì nói vậy rồi mẹ cũng phụ với tôi để thả con diều giấy từ từ lên cao. Ở đâu thiếu gió chớ trên đồng Chó Ngáp nầy gió rất hào phóng, và thổi lộng suốt ngày đêm. Vì thế con diều sáo của tôi sẽ bay mãi, bay mãi cho đến khi nào giấy bọc cánh diều bung ra khỏi cái khung tre thì sẽ chấm dứt đời diều và nó sẽ rơi xuống.

Buổi trưa ngày ba mươi tết tôi nằm ngoài mé hiên nhà gối đầu lên chân mẹ để ngắm con diều tung bay trên khoảng trời xanh lồng lộng gió. Tiếng sáo diều vi vút lúc bỗng lúc trầm ngân nga loang xa trên cánh đồng ngập ánh nắng xuân. Giờ nầy chắc ông Tư cô đơn bỏ cơn say và nằm ngữa trước hiên nhà ngước lên ngắm cánh diều quảy lộn giữa thing không. Mắt tôi và mắt ông ấy gặp nhau trên một điểm duy nhất là cánh diều đỏ thắm lay động giữa khoảng trời xanh. “Cám ơn ông nhé, ông Tư!”.

Mùa xuân năm tôi mười tám tuổi mẹ tôi đi thêm bước nữa với người chồng mới: ông Tư cô đơn. Tôi buồn nhưng không phản đối mẹ. Chính từ khi tôi xin ông ấy con diều đầu tiên thì cứ mỗi lần đến mùa xuân đến ông Tư lại mang tặng cho tôi một con diều mới. Tuổi thơ của tôi lớn dần theo từng con diều giấy và cũng từng năm tháng ấy mẹ tôi đã quen và phải lòng người đàn ông cũng sống một mình đơn chiếc như bà.

Bấy giờ tôi đã đủ lớn và đủ hiểu được rằng, không có người đàn bà nào sống thiếu một người đàn ông. Và ngược lại cũng không có người đàn ông nào sống được khi thiếu một người đàn bà bên cạnh.

Tôi cũng đủ lớn rồi, tôi cũng đã nghe trong tôi có tiếng gọi của một người con gái nào ấy, tiếng đó xa vắng và ngọt ngào giống như tiếng sáo diều vi vu trên cánh đồng Chó Ngáp. Buổi trưa trước khi ông Tư cô đơn dọn về đây mẹ ngồi ngoài hiên vuốt ve tóc tôi, giọng mẹ nghèn nghẹn: “Mẹ là đàn bà nên cũng cần phải có một người đàn ông phụ giúp mẹ để nuôi con. Hơn mười năm ông Tư đã thay cha làm cho con những con diều giấy, mẹ mang hơn mười lần cái ơn của ông ấy. Và nhà ta sẽ thêm một người để bớt cảnh quạnh hiu…”.

Tôi thấy mắt mẹ rưng rưng vì xúc cảm. Vâng, mẹ vẫn còn quá trẻ, mới bốn mươi thôi mà đã mười bảy mười tám năm thiếu vắng một người đàn ông bầu bạn.

Mai mốt đây thôi, tôi cũng sẽ như cha tôi, tôi sẽ đi băng qua cánh đồng nầy. Tôi sẽ đi về phía nơi có một thành phố nào đó, tôi sẽ thay tiếng sáo diều bằng tiếng nói êm đềm của một người con gái, thay cái nắng cái gió bằng ánh sáng của kinh thành, phố xá ngựa xe. Tôi yên lặng giấu mẹ chuyện nầy. Vâng tôi sẽ lên đường, tôi sẽ để lại nơi đồng Chó Ngáp nầy cuộc sống mới với mùa xuân và hạnh phúc cho mẹ. Tôi sẽ là một con diều thật, bay đi, bay đi…

Vẫn nằm trên chân mẹ ngắm cánh diều vi vu hay lượn trên bầu trời mùa xuân sao tự dưng có một giọt nước mắt nóng hổi lăn dài trên má tôi…


Trương Đạm Thủy

Nguồn: Văn Học Nghệ Thuật

Tứ trang DĐQGHCUC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét