Chữ nghĩa làng văn
“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phi Ngọc Hùng.
***
Chữ nghĩa làng văn
Có người cho rằng, từ cầy có lẽ xuất phát từ chữ cẩu nhưng được đọc âm khác đi vì kiêng cữ.
Nguời Việt chỉ biết chó qua văn chương Hán học. Chữ “cẩu” đầu tiên xuất hiện trong bài thơ tả cảnh hai ông quan chửi nhau của Cao Bá Quát làm vào thời Tự Đức (1847-1883).
Các từ về chó có trong thơ văn như khuyễn mã (Kiều – Nguyễn Du). Ngòai ra Nguyễn Du có riêng bài thơ về ăn thịt chó.
(Thịt chó là món ăn truyền thống của người Việt? - Tôn Thất Thọ)
Chữ nghĩa làng văn
Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc
Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn hà thời nhàn
Trước Nguyễn Công Trứ đã có câu của Nguyễn Trãi:
Biết đủ dù không gì cũng đủ
Nên lui nếu có dịp thì lui
Chữ là nghĩa
Ở Quảng Bình có động Phong Nha, tôi nghĩ nó không phải “răng” của gió hay “gió” có răng...
Mà nó phiên âm từ tiếng Chàm: Phong = Phnom; Nha = ya,ea:
(Tự điển dân gian - Chân Diện Mục *)
* tên thật Phan Huy Viên, Gs trường Phan Thanh Giản, Cần Thơ.
Bút hiệu Chân Diện Mục, tự Tây Đô cuồng sĩ
Đại hạ
Một ông phú hộ làm ngôi nhà mới, mở tiệc ăn mừng. Yên Đổ cho hai chữ Đại hạ. Đại hạ là nhà to. Nhưng thay vì viết hạ là nhà, cụ lại viết chữ hạ là mùa hè, mùa hè to là nghĩa gì?
Sau cụ mới giải thích cho người thân:
Đại hạ là hè to, hè to lái là tò he: tò he tí hỏi, là tiếng kèn đám ma
Hỏi ra thì ông phú hộ này xưa kia quả có làm
nghề thổi kèn đám ma...
(Chơi chữ - Lãng Nhân Phùng Tất Đắc)
Chơi chữ
Chơi chữ là dùng phương thức diễn đạt sao cho hai lựơng ngữ nghĩa khác hẳn nhau đựơc biểu đạt bởi cùng một hình thức ngôn ngữ, nhằm tạo nên sự thú vị mang tính chất chữ nghĩa. Càng làm phong phú thêm ngôn ngữ, văn chương Việt Nam.
Giả dụ như:
- Phất phất phóng phong phan, pháp phái phi phù,
phù phụng Phật
- Căng căng canh cổ kệ, ca cao kỉ cứu, cứu cùng kinh .
(Phất phất cờ phứơng bay trứơc gió, đạo pháp làm phép đốt bùa, bùa thờ Phật - Oanh oanh hòa giọng đọc kệ cổ, cất cao tiếng nghiền ngẩm kinh, nghiền ngẩm đến cùng)
Đây là câu đố chọc ghẹo ông sư móm và chú tiểu ngọng của cụ Nguyễn Khuyến.
Câu đối chữ
"Ruồi đậu mâm xôi, mâm xôi đậu"
"Kiến bò đĩa thịt, đĩa thịt bò"
Chân dung Văn học Nghệ thuật & Văn hóa
Trong số 18 chân dung, chỉ hai người thuộc thế hệ người viết sau 1975 được đề cập, nhà văn Cao Xuân Huy và nhà văn Phùng Nguyễn. Tuy vậy, dù trước hay sau, tất cả đều kinh qua thời đoạn lịch sử khốc liệt của dân tộc vào nửa sau thế kỉ XX. Bởi thế, dù muốn hay không, lịch sử hiện hữu khắp nơi và bám chặt lên đời sống mọi người. Sự hiện hữu của con người và thế giới xung quanh liên kết, thắt buộc vào nhau như con ốc sên đeo dính cái vỏ của nó. Thế giới là một chiều kích bất khả cách li của con người, biến đổi, cái hiện tiền oan khiên cũng biến đổi theo. Thế giới chúng ta đang hiện hữu có bản chất lịch sử, đời sống của tất cả chúng ta mở ra theo chiều thời gian đánh dấu bằng những cột mốc biến cố và ngày tháng (30/4/1975 chẳng hạn).
Lịch sử ở đây hiện lên với bản di chúc viết tay của Nhất Linh kèm theo câu nói ngắn gọn “Nhờ Vinh giữ, khi cần Vinh đưa lại” giữa hai người sinh viên trước cửa cư xá đại học.
Lịch sử hiện lên trong cuộc chia tay cảm động giữa cơn đại hồng thủy của nhà báo Như Phong Lê Văn Tiến với gia đình Đỗ Thúc Vịnh trên đường Tự Đức. Lịch sử hiện lên “sau khi lệnh đầu hàng được phát đi, có thể thấy từ mấy tầng lầu cao là một cơn mưa confetti, chỉ một màu trắng của những mảnh vụn giấy tờ tùy thân của quân cán chính cần được xé hủy trước khi cộng quân hoàn toàn kiểm soát Sài Gòn.” Lịch sử hiện lên “những giày nón quân phục được cởi bỏ vội vàng vứt tả tơi trên đường phố.”
(Trịnh Y Thư)
Từ điển chính tả sai lỗi…chính tả
“lền: lền trời → không viết: nền”. (Gs Nguyễn Văn Khang)
Không rõ “lền trời” đây nghĩa là gì. Nếu “lền” là cái được trải rộng ra và làm nổi lên những gì trên đó, thì phải viết là “nền” = nền trời.
Nếu “lền” có nghĩa là nhiều, đông; “lền trời” = đầy trời, thì phải có phụ chú để người dùng không bị nhầm lẫn (đây chỉ là phỏng đoán, vì không thấy bất cứ cuốn từ điển nào ghi nhận “lền trời”).
(Hòang Tuấn Công)
Hôm trước có giới thiệu cuốn Sử Việt, đọc vài cuốn. Hôm nay cuối tuần đọc thêm một tác phẩm khác của Tạ Chí Đại Trường, cuốn Thần, Người Và Đất Việt. Sách đã được xuất bản tại Việt Nam từ năm 1989, và vừa được nxb Trí Thức tái bản lần thứ 3 năm rồi.
Trong tác phẩm này tác giả khảo sát thần linh của người Việt từ xưa đến nay. Bằng những kiến giải lí thú nhưng rất logic và thuyết phục, tác giả đã lột bỏ đi lớp áo mão rực rỡ của nhiều vị thần, hiện nguyên hình là những ông đá, ông cây ..
Khảo sát những vị nhân thần sơ khai đến các nhân thần chính danh thời cận đại, tác giả cũng chứng tỏ trong tâm thức người Việt luôn tồn tại một ông thần, dù đôi lúc bị ngụy trang ko dễ thấy, từ đó dự báo chiều hướng phát sinh các vị thần mới trong tương lai - “Người ta chỉ có thể thay đổi chứ không thể hủy thần linh…”
Trên mạng có bài viết khá thú vị của TS Nguyễn Thị Hậu viết về tác giả và cả cuốn Thần, người và đất Việt. Cop về đây mọi người đọc cho vui, thay lời giới thiệu.
***
Lần đầu tiên tôi “gặp” bác Tạ Chí Đại Trường là vào năm 1992, tại nhà thầy Trần Quốc Vượng (1). Năm ấy thầy mới đi Mỹ về. Tôi từ Sài Gòn ra ghé thăm thầy. Ngắm nghía những giá sách đầy chật nhà thầy, tôi nhận ra ngay những cuốn sách mới.
Có một cuốn mà vừa nhìn thấy tôi đã cầm lấy xem ngay bởi cái tựa sách và cả tên tác giả đều lạ. Đó là cuốn “Thần, người và đất Việt” – cuốn sách mà cho đến giờ tôi vẫn nhớ nhầm tựa sách, luôn đảo thứ tự 3 thành phần trên như “Người, đất và thần Việt” hay “Đất, thần và người Việt”… vì tôi thấy để kiểu gì cũng hay và… có lý.
Tất nhiên sau đó tôi xin phép thầy Vượng photo lại, và nó trở thành một trong số ít những cuốn sách nghiên cứu tôi rất thích.
(Nguyễn Thị Hậu)
(1) Kể từ cuối thập niên 2000, sách của Tạ Chí Đại Trường mới được chính thức in và phát hành tại Việt Nam. Giáo sư Nguyễn Huệ Chi viết: Với tôi, ông ấy là người luôn người ngẩng cao đầu.
Từ điển chính tả sai lỗi…chính tả
“lợn: lợn nòi, lợn nái, lợn rừng…”. (Gs Nguyễn Văn Khang)
- Nếu viết “lợn nòi” thay vì “lợn lòi” là sai. Vì “lòi” trong “lợn lòi” nghĩa là thòi, lòi ra, chỉ giống lợn nanh lòi, chìa ra ngoài.
(Hòang Tuấn Công)
Tạ Chí Đại Trường quê gốc Bình Định. Tên của ông, Đại Trường, được ghép từ hai địa danh của tỉnh Khánh Hòa là Đại Lãnh và Trường Giang (sông Cái). Năm 1964, ông tốt nghiệp cao học Sử tại Đại Học Sài Gòn rồi nhập ngũ, cấp bực cuối cùng là Đại úy.
Sau năm 1975, ông bị đi cải tạo 6 năm đến năm 1981. Từ 1994, ông đi định cư tại Hoa Kỳ. Sau khi nhắm không qua khỏi căn bệnh nan y, ông đã từ Mỹ về lại Việt Nam ở với người anh vào ngày 4 tháng 10 năm 2015 với ý nguyện sẽ “gửi nắm thân tàn” lại nơi quê hương.
Tác phẩm: Thần, Người và Đất Việt, Những bài văn sử
Những bài dã sử Việt, Việt Nam nhìn từ bên trong, Một khoảng Việt Nam Cộng hòa nối dài Lịch sử nội chiến Việt Nam
Trò chuyện cùng nhà văn Vũ Thư Hiên
Nhà văn Vũ Thư Hiên vừa từ nước Pháp đi một vòng nước Mỹ để thăm các bạn văn và các độc giả đã từng yêu mến ông qua nhiều tác phẩm, đặc biệt là tập hồi ký “Đêm giữa ban ngày”. Khi ghé Washington tuần này, ông đã dành do đài TNHK một buổi trao đổi thân tình liên quan đến vấn đề văn chương. Mời quý vị theo dõi.
VOA: Thính giả bên trong Việt Nam muốn biết cuộc sống hiện nay của những nhà văn như ông. Xin cho biết qua một vài điều về sinh hoat hằng ngày của ông bây giờ và các nhà văn Việt Nam ở Pháp, Mỹ hay ở hải ngoại nói chung.
VTH: Tôi nghĩ rằng lớp nhà văn già, có bao nhiêu người tôi không tính được, nhưng những người lớp tuổi trên 60, 65 thì chắc là giống tôi, vì bên này có chương tình cấp dưỡng cho người già. Còn anh em nhà văn trẻ hơn vẫn có công ăn việc làm. Có lẽ cũng là cái tốt cho họ vì môi trường hoạt động của họ sẽ rộng hơn, họ có dịp đi nước này nước khác nhiều hơn, gặp gỡ các nhà văn nước này nước khác nhiều hơn.
VOA: Tuy sống tại Pháp nhưng chắc là ông vẫn có dịp theo dõi tình hình văn học bên trong Việt Nam. Vậy thì ông có những nhận xét gì về tình hình văn học bên trong Việt Nam hiện nay, điển hình là “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, các bài thơ của Nhóm “Mở Miệng”, tập thơ “Dự báo phi thời tiết” của Nhóm 5 Con Ngựa Trời v.v…
VTH: Tôi cũng chăm chú theo dõi tình hình văn học trong nước, tôi thấy nó tiến chậm chạp so với các nước khác. Văn học ở các nước khác không có những điều cấm kỵ, người đọc đủ trưởng thành để tự chọn món ăn tinh thần cho mình, không cần sự khuyên nhủ của một cơ quan nào. Những hiện tượng có tiếng ồn trong văn học, thì tôi nghĩ “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” không thể coi là một tác phẩm văn học được. Đó là một tư liệu về tinh thần dấn thân của một thanh niên (1) đi theo một lý tưởng, nhưng nếu nói đó là một tác phẩm văn học thì chắc là không thể nói được.
Còn nhóm Mở Miệng thì tôi cũng đọc thỉnh thoảng, bắt gặp những nét của những anh em trẻ. Tôi nghĩ rằng nhóm Mở Miệng còn tồn tại được vì họ nói những điều không đụng chạm lắm. 5 Con Ngựa Trời cũng thế, nó cũng chỉ phi ở những con đường không có rào cản, nếu có rào cản chắc là không phi được..
(1) Ghi chú của người sưu tầm: Đặng Thùy Trâm là một cô gái.
Từ điển chính tả sai lỗi…chính tả
“rắn: rắn dọc dừa”. - “rắn: rắn dọc dưa”. (Gs Nguyễn Văn Khang)
Không có loại rắn nào gọi là “dọc dừa”, hay “dọc dưa”, mà chỉ có “rắn sọc dưa”, còn gọi rắn rồng hay rắn hổ ngựa.
Sở dĩ gọi là “rắn sọc dưa” vì rắn có sọc chạy dọc theo thân mình, giống như sọc của quả dưa
(Hòang Tuấn Công)
232 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Đến đây, bạn đọc hẳn thắc mắc : tại sao một tập thơ (Chân dung nhà văn) với nội dung như thế lại được phép xuất bản? Tại sao tác giả lại chép tay rồi phóng ảnh, thay vì đánh máy, xếp chữ như thường lệ? Tại sao in tại nhà in bộ Nội Vụ, tức là bộ Công An ngày nay? Câu trả lời : đây là mưu lược của nhà xuất bản Văn Học, do Lữ Huy Nguyên điều hành và Hoàng Lại Giang đại diện phía Nam. 99 bài thơ được đánh số, không ghi rõ tên chân dung của nhà văn nào, buộc người đọc phải đoán, như một câu đố.
Được tướng Trần Độ ghi âm tại Vũng Tàu, nơi Xuân Sách cư ngụ. Lữ Huy Nguyên và Hoàng Lại Giang nghe được, bằng lòng xuất bản, chịu trách nhiệm và hậu quả. Nhưng để tránh khâu in ấn, đánh máy, xếp chữ, chữa bản vỗ dễ bị công an PA25 (sic – A25?) theo dõi và ngăn chặn, tác giả phải chép tay rồi chụp phim. Cuối cùng đưa cho nhà in bộ Nội Vụ là nơi ít bị công an theo dõi nhất. Thế là sách in ra và phát hành.
***
Thêm chuyện nhỏ về Huy Cận: chính anh đã đọc cho tôi (?) nghe bài về Hoài Thanh, một cách thích thú. Anh đọc chệch nửa câu :
Thi nhân còn một chút duyên
Chẳng gìn cho vững, lại lèn cho đau.
Thay vì: lại vò cho nát lại lèn cho đau. Huy Cận nhớ sai, có lẽ vì anh liên kết với câu Kiều, đã làm nền cho thơ Xuân Sách :
Chữ trinh còn một chút này
Chẳng cầm cho vững lại giày cho tan
Anh cũng có mách việc Xuân Sách vào viện thăm Hoài Thanh, do Từ Sơn con trai Hoài Thanh kể lại. Chuyện nhỏ này chứng tỏ những tác giả quyền thế, dù bị công kích, cũng có người tán thưởng những bài thơ đúng đắn và nghệ thuật.
Dù bài vịnh Huy Cận có lời ác :
Tôi hát chiến tranh như trẩy hội
Đừng nên xấu hổ khi nói dối
Hiện nay, văn giới đang bàn tán nhiều về hồi ký Đi tìm cái tôi đã mất của Nguyễn Khải, rồi nhắc lại Di Cảo của Chế Lan Viên. Tôi không mấy quan tâm đến những tâm cảnh, quan cảnh chiếu hậu này, vì không biết đâu là phần chân thành đâu là phần biện minh. vớt vát. Nhưng tôi trân trọng Xuân Sách vì đã sáng tác tại chỗ và đúng lúc. Nó là một tài liệu văn nghệ sống đã đành, mà còn là tiếng nói của lương tri thời đại, như chữ ông đã dùng.
(Chân Dung Xuân Sách - Đặng Tiến)
Tình dục trong làng văn xóm chữ
Hà Hương phong nguyệt truyện
(quyển tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên của miền Nam)
Trong quá trình nghiên cứu văn học quốc ngữ miền Nam giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, có một ý kiến của nhà nghiên cứu Bằng Giang trong công trình Văn học quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865 – 1930 khiến chúng tôi đặc biệt lưu ý: “Còn tiểu thuyết chỉ bắt đầu với Hà Hương phong nguyệt của Lê Hoằng Mưu đăng báo năm 1912 và in thành sách năm 1915”.
Nhà văn miền Nam Bình Nguyên Lộc trong cuộc phỏng vấn trên The Vietnam Forum số 13/1990 lúc sang Mỹ định cư cũng cho biết: "Cuốn tiểu thuyết Việt Nam đầu tiên tôi đọc là một cuốn sách mà thoạt đầu cha tôi cấm không cho đọc vì cho là dâm thư, đó là cuốn Hà Hương phong nguyệt truyện của Lê Hoằng Mưu. Cuốn này được xuất bản vào khoảng năm 1917, và tôi tin đó cũng là cuốn tiểu thuyết được xuất bản đầu tiên của Việt Nam”.
Thái Bạch trong “Truyền thống bất khuất của văn nghệ miền Nam” in trên Tin Văn số 12 ngày 9.6.1967 vẫn còn nhớ đến cuộc bút chiến quanh tác phẩm này. Ông Vũ Anh Tuấn, Chủ nhiệm Sách Xưa & Nay trong Hồi ký 60 năm chơi sách cho biết có người đã từng yêu cầu ông “làm bất cứ cách nào” và mua hộ “bằng bất cứ giá nào” quyển sách này của Lê Hoằng Mưu.
(Chuyên san Tạp chí Nghiên cứu văn học – Võ Văn Nhơn)
Từ điển chính tả sai lỗi…chính tả
“rắt//đái rắt. → không viết: dắt”. (Gs Nguyễn Văn Khang)
Viết “đái dắt” mới chuẩn: “đái dắt [bệnh] đái liên tục nhiều lần, nhưng mỗi lần đều đái rất ít”.
(Hòang Tuấn Công)
Một mảng văn học bị bỏ quên, bỏ qua
Kết luận của Gs Nguyễn Văn Trung
“Chuyện nêu lên là chuyện văn học, nhưng những vấn đề thực sự đặt ra lại không phải văn học vì đụng đến chuyện Nam Bắc. Chuyện Nam Bắc bắt nguồn từ sự kiện khác biệt giữa các miền, địa phương. Câu chuyện Nam Bắc thời nào cũng thấy, có điều khi nặng khi nhẹ, lúc công khai lúc âm ỉ thôi. Kẻ phản ứng, bị nghi ngờ là kỳ thị mà kỳ thị là một điều không tốt, nên đành phải nhẫn nhục, chịu đựng, mặc dầu vẫn ấm ức, bực bội...
Nếu như hai bên đi đến chỗ hiểu được điều nấy: một bên nhận thức được chính mình là kẻ kỳ thị đấy, một bên hiểu rằng người gây ra kỳ thị không biết mình kỳ thị, không cố ý cố tình gì đâu, vì đây là một thái độ vô thức do những yếu tố địa lý của một hoàn cảnh sống quy định thì có thể coi như bắt đầu hiểu nhau rồi, cũng là người Việt Nam cả, nhưng sống ở Bắc thì nghĩ thế này, và sống ở Nam thì nghĩ thế kia; nếu người miền Bắc vào ở lâu trong này cũng sẽ nghĩ như người vẫn sống ở miền Nam và ngược lại. Nếu một lối nhìn do những yếu tố địa lý của mỗi vùng quy định, do tính khách quan thì có thể tìm hiểu được một cách khoa học và rút ra những quy luật. Vấn đề quan hệ giữa con người và vùng đất mới tạo ra một lối nhìn, thái độ sống có những đặc điểm khác với lối nhìn, thái độ sống của con người ở vùng đất cũ không phải là một trường hợp cá biệt chỉ thấy ở Việt Nam, mà còn ở nhiều nơi khác như Mỹ châu và Âu châu, Anh và Úc, Tân Tây Lan, v…v...
Chẳng hạn, người Âu châu thường chê người Mỹ văn hóa ấu trĩ. Người Anh chê giọng Mỹ, Úc, Tân Tây Lan, chỉ giọng Luân Đôn mới là tiếng Anh chính cống mà thôi v.v…”
(Lê Tấn Tài giới thiệu và trích dẫn)
Bánh đúc lạc
Để nấu được bánh đúc ngon quan trọng nhất vẫn là khâu quấy bánh. Người ta dùng một chiếc nồi lớn được tráng mỡ, đoạn đổ bột vào rồi bắc lên bếp, lấy đũa cả quấy liên tục sao cho bột không vón, không khê, không sát nồi, phải quấy thật đều tay, nếu không sẽ bị vón cục. Lửa nấu bánh phải nhỏ và đều thì bánh mới chín và không bị khê, lúc đánh lên thả xuống bánh phải chảy như tơ và róc đũa mới được.
Tới lúc gần xong thì phải khoanh lửa lại, om tro một lúc. Khi bánh gần đổ ra khuôn mới đánh lạc đã được rang chín, sau đó đổ bánh ra mẹt lót lá chuối tươi hoặc đổ vào bát.
(Tuệ Phong)
Khâm Thiên
Ở Hà Nội còn một đường phố mang tên Khâm Thiên, sau có một thời là nơi chốn hát ả đào, cô đầu mà Tản Đà, Trần Tế Xương thường lui tới để vào văn học sử.
Thời Hậu Lê, đó là cơ quan Khâm Thiên Giám làm việc, tức các quan văn xem…thiên văn cho nhà nông cầy cấy.
Chữ nghĩa làng văn
Cái Hay cái Dở ở thơ Bùi Giáng - 1
Nguyễn Hưng Quốc đã bình giá thơ Bùi Giáng về vụ nhàm lặp: bất nhất: "Tôi cho đây là đặc điểm nổi bật nhất trong phong cách thơ Bùi Giáng".
(tự họa mà chơi, vẽ vời cho đẹp - Bùi Giáng)
Thụy Khuê tiếc cho "ngôi nhà Bùi Giáng", tác phẩm cùng con người: "Cho nên biết bao lần người đọc tiếc, giá Bùi Giáng đừng ham chơi, chịu khó dừng lại ở chỗ đáng dừng để những câu thơ sáng giá (...) khỏi bị lọt vào khu rừng hoang, ôm đồm những lời thơ vội vàng, mọc lên như cỏ dại".
(Đỗ Quyên)
Vài nét cổ truyền nghề gốm Bát Tràng
Dụng cụ sản xuất chính của lò gốm cổ là cái bàn xoay. Bàn xoay được chôn xuống đất, người thợ ngồi, chân đạp bàn xoay, tay buông bắt từng thỏi đất, chuốt lên thành các sản phẩm.
Gốm Bát Tràng từ xa xưa đã nổi tiếng về chất men phủ, phổ biến là men màu búp dong, loại men này sắc độ trắng hơi ngả xanh hoặc xám. Đặc biệt là Bát Tràng đã có men lý, men nho, men này màu gần như màu ngọc thạch, nên được gọi là men ngọc. Riêng hai loại men rạn là rạn xương đất đen và rạn xương đất trắng có giá trị từ xưa, ngày nay đã được các nghệ nhân chế tác.
Cuối cùng là khâu nung lò. Có nhiều kiểu lò nung khác nhau phù hợp với từng loại sản phẩm: từ kiểu lò cổ truyền là lò ếch, tới lò dàn, lò bầu, lò hộp...Nguyên liệu để nung lò cũng được thay đổi theo từng giai đoạn: từ việc đốt lò bằng cỏ khô, rồi tiến tới củi. Các nghệ nhân, có người tinh tế về men, có người chuyên sâu về tạo dáng, có người lại có tài về vẽ... Những sáng tạo của lớp nghệ nhân già cùng sức trẻ của Bát Tràng đã làm nên một thế giới đa dạng, lấp lánh sắc màu từ nắm đất quê hương.
(Phạm Phương)
Miền đông Nam bộ
Địa danh của vùng đất phương Nam qua các thời kỳ
Trước đây tòan thể Miên Nam là phủ Gia Định do chúa Nguyễn Phúc Chu đặt tên. Năm 1802, Gia Long lên ngôi, đổi thành trấn Gia Định gồm 5 trấn: Phiên An trấn (Gia Định), Biên Hòa trấn, Vĩnh Thanh trấn (Vĩnh Long, An Giang), Vĩnh Tường trấn (Định Tường), và Hà Tiên trấn. Trấn Gia Định sau cải là Gia Định thành.
Năm 1832, Minh Mạng theo nhà Thanh, chia 5 trấn thành 6 tỉnh: Gia Định, Biên Hòa, Định Tường, An Giang và Hà Tiên (1). Từ đó miền Nam có tên: Nam kỳ lục tỉnh
(Nam kỳ lục tỉnh)
Năm 1867, Phan Thanh Giản thay mặt triều đình Huế ký hiệp ước thừa nhận quyên cai trị của Pháp ba tỉnh miền đông: Gia Định, Biên Hòa, Định Tường (Mỹ Tho) và Côn Lôn. Năm 1867, Pháp đánh ba tỉnh miền tây: Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Cụ Phan Thanh Giản tuẫn tiết. Từ đó Nam kỳ lục tỉnh thành lãnh địa của Pháp. Và Pháp chia 3 miền Bắc, Trung, Nam thành: Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ (2)
(Trần Văn Miêng)
(1) Minh Mạng đặt tên theo câu thơ: khóai mã gia biên vĩnh định an hà (phóng nựa ra roi giữ gìn non nước). Từ đó miền Nam có tên: Nam kỳ lục tỉnh.
(2) Khi Nhật vào Việt Nam tháng 3 năm 1945, thống sứ Nhật là Nashimura đổi Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ (tên của người Pháp gọi) thành Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ.
Võ Kỳ Điền với thảo mộc
Cây bo-bo
Sau khi Mã Viện tiến đánh Giao Chỉ tiêu diệt Hai Bà và ổn định công cuộc trị an địa phương thì có chiếu vua triệu về. Mã Viện ham ở Giao Chỉ, lấy cớ tuổi già sức yếu nên chần chờ, lần lữa... Mãi đến khi chiếu triệu lần thứ hai, Mã Viện mới đành tuân chỉ ban sư, quy hồi cố thổ. Trong đoàn quân rầm rộ về kinh, ngoài quân nhu quân dụng, có chở thêm ba cỗ xe chở đầy, nặng, được đậy đệm kín mít. Sau khi về triều, Mã Viện tâu trình và đệ nạp tất cả ngọc ngà châu báu, của cải chiếm được lên vua. Tưởng là yên chuyện nhè đâu có người tố cáo với Hán Vũ Đế là trong danh sách đệ nạp các chiến lợi phẩm, sao không thấy ba xe chở đầy ngọc trai mà Mã Viện bắt dân Giao Chỉ mò tìm ở biển đông ?
Mã Viện sợ hãi tâu trình - xứ Giao Chỉ nhiều sơn lam chướng khí, hạ thần khi qua đó bất hạp thủy thổ, phong thấp thương hàn, may nhờ thầy thuốc giỏi, điều trị bằng ý dĩ, hạ thần mới được bình an. Ba xe đó không phải ngọc trai mà là ba xe ý dĩ, thần có ý lo xa, khi về tới nước nhà rồi, làm sao có được nữa, mong bệ hạ xét lại !.
Hán Vũ Đế ngẫm nghĩ hồi lâu, biết bị qua mặt, tức giận vì không tìm ra bằng chứng, bèn ra lịnh cách hết chức tước, không tịch thu gia sản mà cho về hưu. Mã Viện cũng còn may giữ được cái mạng già nhờ mấy hột bo bo Giao Chỉ.
Tiểu sử Võ Kỳ Điền tên thật: Võ Tấn Phước. Sinh ngày 31.10.1941 tại Dương Đông, Phú Quốc. Từ nhỏ đến lớn sống ở Bình Dương. Hiện ngụ cư tại Gia Nã Đại.
Tác phẩm Kẻ đưa đường, Pulau Bidong, Miền Đất Lạ.
Để nhớ lại một thời
Xích lô một thủa
Ký giả Charles Sidilaire nhắc đến Pierre Coupeaus, người đầu tiên thành lập hãng Pedi-Cab ở Phnom-Penh vào cuối thập niên 30 và khoảng cuối thập niên 40, ông thành lập hãng Pedi-Cab ở số 6 đường Marne Wharf (Bến Vân Ðồn ngày nay).
Chính tại đây, làm ra những chiếc xe xích lô đạp với phụ tùng sên líp nhập từ Pháp quốc; và đầu thập niên 50, nơi đây cũng là đầu mối nhập cảng cả ngàn chiếc xích lô máy cùng với xe taxi Renault chạy khắp Sài Gòn-Chợ Lớn. Theo bài báo, thời điểm 1952, Sài Gòn có đến 1,800 chiếc xích lô máy. Một cạnh tranh thương trường trong ngành giao thông bùng phát vì chiếc xe không còn dùng sức đôi chân, lại chạy nhanh, giá cả bình dân so với xe taxi chỉ dành cho giới thượng lưu đương thời.
Xích lô máy giữa năm 1955
có vè to bản hơn chạy trên
đường Trần Hưng Đạo có xe
điện Sài Gòn-Chợ Lớn
(TN baotreonline)
Lịch sử người Hoa ở Sài Gòn
Nói một cách khác, người ta có thể đặt giả thuyết là, có một con kinh hay con rạch lúc đó, đột nhiên trở nên một sinh mạch quan trọng, và cần sửa sang lại hai bên bờ đê của nó. Có thể vào khoảng thời gian này người ta đã cho đắp đê cao lên hai bờ con kênh, họ nhân đó đặt luôn tên theo âm Hán Việt là “Đề Ngạn”, đọc theo giọng Quảng Đông là “Thầy Ngồn” (Tài Ngọn) để phiên âm hai chữ Sài Gòn. Tên “Đề Ngạn” vì “đề” là “bờ đê, đắp đê phòng nước tràn vào và “ngạn” là “bờ”.
Lý do tại sao lại có tên Sài Gòn thì giả thuyết đưa ra bởi Trương Vĩnh Ký được nhiều người cho là hợp lý, vì theo ngôn ngữ học, Prei Nokor (hay Brai Nagara theo tiếng Phạn mà người Miên mượn), có nghĩa là “Thị trấn ở trong rừng”, “Prei” hay “Brai” là “rừng”, “Nokor” hay “Nagara” là “thị trấn”. Theo tiến trình của ngôn ngữ, Prei hay Brai biến thành Rai, thành “Sài”, Nokor bị bỏ “no” thành “kor”, và từ “kor” thành “gòn”. Người Miên bình dân đọc tắt Prei Nokor là Rai kor, người Việt nghe thành nghe Sài Gòn)
***
Riêng với con kênh Tàu Hũ, sau khi được đào xong năm 1819, nó mau chóng trở thành con đường huyết mạch giúp cho Chợ Lớn (lúc đó còn mang tên Sài Gòn) sau này phát triển thêm nhiều.
Trong “Ký ức lịch sử về Sài Gòn và vùng phụ cận (năm 1885)”, Trương Vĩnh Ký viết : “Hai bên bờ rạch Chợ Lớn là hai dãy nhà phố lớn bằng gạch gọi là Tàu Khậu để cho người Hoa từ Trung Quốc hàng năm đi ghe biển tới thuê. Họ đem hàng hoá chứa trong các phố đó, hoặc để bán sỉ, bán lẻ khi lưu trú tại Sài Gòn”.
Theo Huỳnh Tịnh Của thì Tàu Khậu là giọng người Triều Châu phát âm từ Thổ khố, tức là khu nhà lớn bằng gạch để chứa hàng hoá, sau đọc trại ra thành Tàu Hũ. Đến đây, có lẽ chúng ta đã phân biệt được hai chữ gốc Minh Hương và gốc Hoa Kiều.
Tuy đều từ Tàu qua, nhưng đợt di dân lớn nhất do hai tổng binh Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên vào năm 1679. Theo như đã chứng minh, họ chính là những người đã đặt nền móng xây nên Chợ Lớn mà ngày đó mang tên Sài Gòn.
(Đình Minh Hương ở Trân Hưng Đạo)
Đó là lý do giải thích việc đình Minh Hương tại Chợ Lớn ngày nay lại thờ thống suất Nguyễn Hữu Cảnh, đô đốc tướng quân Trần Thượng Xuyên, và hai ông quan thượng thư gốc Minh Hương Trịnh Hoài Đức và Ngô Nhân Tịnh.
Những ngôi chùa Bắc
Chùa Trăm Gian
Chùa Trăm Gian ở Sơn Tây nằm trong địa phận của làng Tiên Lữ, huyện Hoài Đức, tỉnh Sơn Tây, còn có tên là Quảng Nghiêm Tự. Chùa được xây cất trên lưng chừng đỉnh núi Bối Kê, mang nhiều sắc thái của thời đại Lý Trần. Có nhiều huyền thoại chung quanh ngôi chùa nầy; trong đó có chuyện đức Thánh Bối (Bối tức là làng Bối Kê).
Tương truyền Hoà thượng Đức Minh có nhiều phép lạ. Nhiều truyền thuyết về nhân vật chân tu nầy được sách sử ghi lại như trong Lĩnh Nam Chích Quái có đoạn chép lại rằng Đức Thánh Bối có thể làm mưa gọi gió những khi cần đến. Những truyền thuyết còn ghi lại là vào khi quân Minh sang xâm lăng nước ta, nghe nói đến ngôi chùa Tiên Lữ có vị Thánh Bối rất linh thiêng, nên đã sai quân linh phóng hoả đốt cháy ngôi chùa nầy.
Sau khi yên định, quanh cảnh như cũ thì trên trời hiện nay một đám mây ngũ sắc, dân chúng khắp nơi lại trở vềTiên Lữ và ngôi chùa vẫn nguyên vẹn như xưa. Từ đó trở đi, dân chúng trong làng và những xã lân cậnthường đến chùa Tiên Lữ để cúng lễ, cầu nguyện. Mỗi năm đến ngày rằm tháng ba, lễ hội chùa Tiên Lữ rất trang nghiêm, đông đúc, kéo dài đến ba ngày.
Dù ai nương náu xa gần
Tháng ba ngày rằm trẩy hội Thánh tăng.
Ngôi chùa Tiên Lữ đã có từ mấy thế kỷ trước, nhưng chỉ là thảo am nhỏ, được dựng lên từ năm 1185 vào thời vua Lý Cao Tông (theo Nguyễn Văn Tố). Chùa được dựng lên trên đỉnh núi Mã có cao độ 56 thước. Chung quanh chùa có nhiều cây cổ thụ, cành lá sum suê khiến cho cảnh chùa càng thêm trang nghiêm u tịch.
(Kiêm Thêm)
Chữ là nghĩa
Nghe các sử gia Pháp phụ họa theo các sử gia Tàu nói rằng thuở ấy ta còn theo chế độ mẫu hệ, các nhà học giả ta giãy nảy lên và phủ nhận, viện bằng chứng rằng ta đã có vua đàn ông là Hùng Vương. Nhưng Hùng Vương không chắc lắm là đàn ông, hơn thế một dân tộc theo chế độ mẫu hệ vẫn có vua đàn ông như thường, bằng chứng là dân tộc Chàm. Nếu vua họ là đàn bà thì ai cưới Huyền Trân Công chúa của ta?
Chứng tích "Vua đàn ông" hãy xem danh từ Cha.
Ta có thể nào tân tạo danh từ Cha, sau khi tiếp xúc với nhà Hán hay chăng? Có thể, nhưng lại không.
Thường thì khi một dân tộc vay mượn một món đồ, một ý niệm, họ vay mượn luôn danh từ trong ngôn ngữ của dân tộc cho vay. Thí dụ ta vay mượn cái xà rông của dân Mã Lai thì vay luôn danh từ xà rông.
Người miền Nam vay mượn một thứ bánh của người Chàm thì họ vay mượn luôn tên bánh, chỉ có một chút thay đổi là thay vì dùng tiếng Chàm, họ dịch sát nghĩa ra tiếng ta. Người Chàm gọi bánh đó là bánh Gan con Tây (tức con Tê ngưu), ta cũng dịch y nguyên là bánh Gan con Tây. (Sau này, vì luật lười biếng, người miền Nam nói tắt là Bánh Gan.)
Sự tân tạo chỉ để dành cho sáng tạo, cho phát minh riêng của dân tộc. Người Trung Hoa thường tránh mượn tiếng nước khác, nhưng vẫn phải phiên âm nhiều món như Cà- phê, Quan-thoại đọc là Khá fi, Quảng đông đọc là Cafế.
(Gương mặt dân Lạc Việt qua ngôn ngữ Việt – Bình Nguyên Lộc)
Sinh phần
Người xưa nói rằng:
"Nhất mệnh, nhì vận, tam âm công, tứ phong thổ, ngũ độc thư".
Ý là số phận con người còn phụ thuộc rất nhiều vào mồ mả và phước đức ông bà, tổ tiên để lại, còn chuyện học hành, cố cho lắm mà không gặp thời vận thì cũng chỉ là tên cuồng nho, mọt sách mà thôi. Xưa nay, có biết bao người dốt mà làm nên sự nghiệp. Vì vậy cac cụ ta xừ xây sẵn một sinh phần (huyệt mộ).
Thành ngữ tục ngữ…sai
Những giải thích sai, hoặc không giải thích nghĩa đen, ghi sai, ghi nhầm, hiểu sai hoàn toàn ý nghĩa thành ngữ tục ngữ trong “Tự điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam ” của Nguyễn Lân.
Điệu hổ ly sơn
Nghĩa đen: Đưa hổ xa núi. Tìm cách đưa kẻ ác đi xa mình để nó không thể quấy rầy mình được.
Giải thích chưa đúng, chưa đủ nghĩa. Hổ được mệnh danh là chúa sơn lâm. Rừng núi là lãnh địa của chúng. Do đó, muốn tiêu diệt được hổ phải tìm cách dụ chúng ra khỏi hang ổ hoặc nơi nó phát huy được thế mạnh. Đây là một mưu kế làm suy yếu đối phương trong “Tam thập lục kế”. Ví như dụ giặc ra khỏi thành trì kiên cố để dễ bề tiêu diệt, chính là kế “điệu hổ ly sơn”.
(Hoàng Tuấn Công)
Văn hóa dân gian
Rồi diện mạo của nó thế nào?
Một chàng trai hỏỉ:
“Cô kia, cô kỉa, cô kìa
Người cô thế ấy,…cái kia thế nào”
Đã được phía bên kia trả lời:
“Nó xình, nó xỉnh, nó xinh
Nó cũng như mình, nó đã có…ria”
Tết Mậu Thân bốn mươi năm sau (1968-2008)
Bốn mươi năm sau, có gì mới?
Đảng Cộng sản Việt Nam “Kỷ niệm 40 năm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Cũng như những thập niên trước năm trước, đúng 40 năm sau Tết Mậu Thân, Cộng sản Việt Nam mở chiến dịch “Kỷ niệm” cuộc tổng tấn công 1968 bằng một loạt bài viết tuyên truyền, ca ngợi chiến thắng và dĩ nhiên không thể thiếu phần tuyên dương “công trạng” Hồ Chí Minh.
Vai trò của Hồ Chí Minh trong chiến dịch “Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân – 1968” được xác định rõ rệt, trong bài “Nhớ về Tết Mậu Thân năm 1968” (32),
(32) Nhớ về Tết Mậu Thân năm 1968,
Trần Viết Hoàn, Vietnam.Net, 31/01/2008. Online: http://snipurl.com/21hse [vietnamnet_vn],
February 15, 2008.
đăng trên VietnamNnet, ngày 31/01/2008, tác giả TS Trần Viết Hoàn viết:
Kỷ niệm 40 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân – 1968 – một lần nữa khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Đảng và Bác Hồ, …
Ngày 28/12/1967, tại căn phòng ở khu nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Hồ Chí Minh đã cùng Bộ Chính trị (Khóa III) quyết định một chủ trương hết sức quan trọng: Mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Tết Mậu Thân 1968 nhằm giáng đòn quyết liệt vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ.
Đại tá Bùi Tín, trong phỏng vấn với BBC Tiếng Việt ngày Thứ Năm 24/01/2008, trả lời câu hỏi của phóng viên Nguyễn Hùng, “Khi đó chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam vẫn còn, và có lẽ cũng có bàn bạc về những diễn biến của suốt một năm 1968; phải không ạ?” như sau:
Lúc ấy ông Hồ Chí Minh vẫn còn, nhưng sức ông ấy cũng đã yếu lắm rồi; lúc xẩy ra những cuộc tiến công, ông ấy đang ở Quảng Châu, và ông ấy nghỉ ở Bắc Kinh; ông ấy đau phổi cũng kha khá, nằng nặng, ông ấy phải sang dưỡng bệnh ở bên ấy.
Có thể nói ông ấy làm bài thơ, mấy câu thơ về Tết Mậu Thân, … xong một cái là ông ấy đi dưỡng bệnh đấy.
(Trần Giao Thủy)
Đám ma Lý Toét
Tuy vậy, họ biết thừa là ông Lý sắp chết. Lang Băm đã bảo ông Lý khó qua được đêm nay. Chiều nào Băm cũng cả quyết như vậy mà ông Lý vẫn dai dẳng sống hơn một tuần lễ rồi. Có người độc miệng mỉa mai: “Đã chết được kia à? Còn là khổ! Lúc giữ triện đồng, đục khóet lắm, bây giờ khó lòng mà nhắm được mắt.”
Họ đã sửa soạn cả. Nhiêu Còm đã mở chiếc hòm mục lấy cái áo the cũ bạc vai, vá khuỷu tay, sắp sửa để đi đưa ma ông Lý và đánh chén. Bọn trẻ con cũng vui vẻ; chúng thấy trong xóm có sự lạ, và như chúng ngửi thấy mùi xôi thịt. Bác Ngọ, bán hàng sũ ở đầu xóm, đã sắp sẵn một cỗ ván tốt, và nhấm nháy Xã Xệ, để ông Xã khỏi mua hàng của bác Mùi, dưới cuối xóm. Xã Xệ ngắm nghía cỗ ván, vuốt chiếc tóc trên đầu, hoặc gãi vào cái bướu gần thái dương, trả lời viển vông: “Được, để tôi hỏi bà Lý xem”. Rồi đến lượt Khán Thân làm hàng mã, Nhiêu Tuất bán hàng vải. Xã Xệ thấy ai cũng tử tế, cũng có ý ngầm mời đánh chén. Mọi khi bọn này, mỗi khi chàng đi qua, thường chỉ lên đầu cười rúc rích, hoặc nói cạnh đến cái tóc. Mấy hôm nay, mỗi lần về nhà, Xã Xệ thường phàn nàn với vợ: “Bác Lý ốm, thành mình cũng vất vả lây”. Bác Xã gái an ủi chồng, giục sang nhà Lý Toét. Vợ Xã Xệ muốn tống chồng đi cho khỏi tốn rượu. Mà Xã Xệ cũng chẳng muốn ở nhà.
(Đỗ Đức Thu)
Tuyệt cú mèo
Tại sao lại nói “tuyệt cú mèo”
Xin thưa khi muốn diền tả một chuyệ hay thật hay, ta thường nói hay…“tuyệt cú mèo”.
Đầu tiên chỉ là tuyệt. Nhưng tuyệt không thôi nghe cụt lủn. Sằn có thể thơ 4 câu, 3 vần xuất sứ từ Trung Hoa là “tuyệt cú”, người ta cho chữ…“cú” đi sau.
Nhưng sau cú là gì, cú thì có dăm ba giống: cú vọ, cú đốm, cú mèo. Hai giống trước dùng tới hai âm trắc. Thôi thì bỏ con mèo vào thành hay “tuyệt cú mèo” vậy.
(Chữ nghĩa chúng ta – Bùi Bảo Trúc)
Nhà thơ Trần Đăng Khoa lên tiếng về bài của Nguyễn Vỹ
Dưới đây là trích đoạn bài viết bênh vực Lưu Trọng Lư của nhà thơ Trần Đăng Khoa:
[Trích đoạn]
Thật là oan cho Lưu Trọng Lư. Ông đã mất lâu rồi, nên không thể thanh minh được.
…
Cái hay của Tiếng thu, tôi đã bàn trong bài viết Lưu Trọng Lư và bài thơ Tiếng thu rồi. Ở đây, xin phép không nói lại. Ta chỉ lưu tâm đến cái nghi án của bài thơ này thôi. Có thật Lưu Trọng Lư sao chép bài thơ đó của Nhật Bản không?
Người đầu tiên vu cho Lưu Trọng Lư cái việc làm rất không lấy gì làm đẹp này là ông Nguyễn Vỹ trong cuốn Văn thi sĩ tiền chiến.
Cứ như ông Nguyễn Vỹ thì Tiếng thu chính là bài Tanka của thi sĩ Nhật Bản nổi tiếng Sarumaru ở thế kỉ VIII. Nguyên văn bài Tanka thế này:
Oku yama ni
Monoji fumi wake
Naku shika no
Koe kiku zo
Aki wa kanashiki
(Trần Đăng Khoa)
Tiểu sử : Trần Đăng Khoa sinh ngày 28.4.1958 tại Nam Sách, Hải Dương – Hiện ở Hà Nội.
Tác phẩm: Chân dung và đối thoại (ký: Bình luận văn chương) - Đảo chìm (truyện dài) - Thơ: Từ góc sân nhà em - Biển và em - Góc sân và khoảng trời – Bên cửa sổ máy bay
Hồn Sài Gòn trong từng món đồ cũ
Và như thế, tôi đã trở thành một “tín đồ” của những món đồ cũ ấy. Trong những lần lang thang qua các cửa hàng đồ cổ, tôi luôn dừng lại rất lâu trước những bình gốm Cây Mai men xanh với những họa tiết đắp nổi hình cành hoa, chim thú; trước những sản phẩm gốm Lái Thiêu với men màu da lươn độc đáo và những bình, tượng Phật Quan Âm với kỹ thuật rót khuôn bằng thạch cao, một kỹ thuật gốm học được từ trường phái gốm Pháp rất hòan hảo. Trong một lần như thế, bất ngờ tôi bắt gặp một tượng gốm thuộc dòng Lái Thiêu già (cách gọi để phân loại tuổi gốm của dân chơi gốm), nó có hình con ốc sên, đang nằm phơi nắng trên vỉa hè phố Lê Công Kiều. Tôi thích quá nhưng không mua nổi với giá người bán đưa ra.
Tôi bỏ đi nhưng không đi xa đươc, đành phải quay lai để ôm được nó về nhà bằng tất cả số tiền còn trong túi. Về đến nhà, tôi đặt con ốc sên ấy trên bàn viết bên cửa sổ phòng khách và hạnh phúc ngắm nó. Nó như cũng nhìn tôi, hơi chút bùi ngùi như gặp lại bạn cũ lâu ngày. Và buổi chiều hôm đó, tôi đã cao hứng dành cho nó một bài thơ…
(Trịnh Cung)
***
Phụ đính I
40 Năm hải ngoại - Một nén hương - Cho những nhà văn
nhà thơ đã khuất núi
(Danh sách cập nhật tới tháng 6/2017 – Nhật Tiến biên soạn
Tổng hợp từ nhiều nguồn)
Cao Xuân Huy
(1947-2010)
Cao Xuân Huy sinh tháng 9 năm 1947, quê nội ở Bắc Ninh, quê ngoại ở Hà Nam. Sau hiệp định Geneve 1954 chia đôi đất nước, gia đình ông cũng bị chia ly. Thân phụ ông theo kháng chiến, trở về Hà Nội, chị ông không vô Nam, ở lại với bố. Còn ông thì theo mẹ di cư vào Nam.
Ông nhập ngũ năm 1968, là cựu Trung úy Ðại Ðội Phó ÐÐ 4 thuộc Tiểu đoàn 4 Thủy quân Lục chiến. Tại mặt trận Quảng Trị vào tháng 3, 1975, ông bị bắt làm tù binh và bị cầm tù 5 năm. Năm 1982 ông vượt biên và đến Mỹ một năm sau đó.
Năm 1985, ông in cuốn hồi ký “Tháng Ba Gãy Súng”, là cuốn hồi ký được viết năm 1985, ghi chép lại những diễn biến của mặt trận Thừa Thiên- Huế cho đến khi tác giả bị bắt làm tù binh. Cuốn sách đã được tái bản đến 10 lần.
Năm 2005, nhà văn Cao Xuân Huy làm chủ biên tạp chí Văn Học (kế tục vai trò của nhà văn Nguyễn Mộng Giác) đến tháng 4 năm 2008 Văn Học phát hành số 236 thì đình bản vì lý do ông bị ung thư mắt, sức khỏe suy yếu nên không thể chăm lo cho tờ báo.
Ngày 12-11-2010 nhà văn Cao Xuân Huy từ trần sau một thời gian dài bệnh nặng. Bốn tháng trước khi qua đời, ông cho ra mắt cuốn “Vài mẩu chuyện” do tạp chí Văn Học xuất bản.
***
Phụ đính II
Chữ nghĩa làng văn
Hữu Loan với bài Màu tím hoa sim - 1
Tôi muốn nói về bài Màu tím hoa sim và những hệ lụy của bài thơ này, tôi muốn nói về cuộc sống cơ hàn và những âm mưu ám sát, chế ngự của đảng đối với tôi và gia đình tôi từ năm 1956. Dù gian khổ, tôi nhất định không chịu quỵ lụy. Hồi ấy, ra làm ở ngoài trung ương thì bắt phải theo cộng sản nên tôi bỏ tôi về. Tôi bỏ về nó không cho về… Nó làm tôi tam tình, tứ tội, làm đủ cách đễ thủ tiêu nhưng mà tôi vẫn tin là tôi có sự che chở của Trời – Phật cho nên nó không thủ tiêu nổi… Đó là cái thời 1955-1956 khi phong trào Văn nghệ sĩ chống đảng bắt đầu bùng lên với sự xuất hiện của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm chống chính sách độc tài, và đồng thời chống những văn nghệ sĩ bồi bút lừa thầy phản bạn, dốc tâm ca tụng đảng để kiếm chút cơm thừa canh cặn của chế độ.
Mà kiếm chác ở cái chiến tranh ấy thì khó kiểm tra lắm. Mà tôi thì tôi thấy cái đấy là cái khổ dân nhất nên tôi chống hết sức. Lúc giờ người ta đang một tí là đề cao Hồ Chí Minh, hai tí là đề cao Hồ Chí Minh… Trong khi tôi lại khóc người vợ tử tế với mình, người bạn đời hiếm có của mình. Lúc đó khóc như vậy, nó cho là khóc cái tình cảm riêng: Tôi lấy vợ rồi đi bộ đội, mới lấy nhau được có hơn tháng, ở nhà người vợ trẻ của tôi đi giặt rồi chết đuối ở sông… Tôi thấy đau xót, tôi làm bài thơ Màu Tím Hoa Sim ấy tôi khóc. Bài thơ ấy lúc bấy giờ nó cho là phản động, làm thơ là phải làm về cộng sản, làm về ông Hồ Chí Minh chứ không được khóc cái đau riêng của mình…
(Hồi ức Nguyễn Hữu Loan)
Chữ nghĩa làng văn
Hữu Loan với bài Màu tím hoa sim - 2
Bọn nó xúc phạm đến tình cảm thiêng liêng của người vợ mà tôi hằng yêu quý, cho nên vào năm 1956, tôi bỏ đảng, bỏ cơ quan về thẳng nhà để đi cày. Bọn ấy không cho bỏ, bắt tôi phải viết đơn xin. Tôi không xin… Tôi có cái tự do của tôi, cái chuyện bỏ đảng, tôi muốn bỏ là tôi bỏ không ai bắt được! Tôi bỏ tôi về, tôi phải đi cày, đi bừa, đi thồ, đi đốn củi đưa về, đi xe đá để bán, bọn nó phá tôi đủ cách, bắt giữ xe đến nỗi tôi phải đi xe cút kít, loại xe đóng bằng gỗ, có một bánh xe cũng bằng gỗ phía trước, có hai càng phìa sau thùng gỗ để đủn hay kéo đi. Xe cút kít nó cũng không cho, cấm không ai được bán bánh xe cho tôi nữa. Có lần tôi phải gánh bộ, gánh bằng vai tôi cũng cứ nhận. Tôi cứ gánh tôi làm, không bao giờ tôi chịu khuất phục.
Thế mà chúng nó cũng theo dõi, ngăn cản, đi đến đâu cũng có công an mật theo dõi, cho người theo hại tôi… Nhưng mà lúc nào cũng như có người cứu tôi. Có một cái lạ là chính thơ của tôi đã có lần cứu sống tôi. Lần đó tên công an nói thật với tôi là được giao lệnh giết tôi nhưng nó là cái thằng rất yêu quê hương, nhớ quê nhà. Nó thường đem bài Yên Mô của tôi nói về tỉnh Ninh Bình của nó ra đọc cho đỡ nhớ, vì vậy không nỡ giết tôi.
(Hồi ức Nguyễn Hữu Loan)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét