Vào ngày khai giảng năm học, bạn liên đội trưởng sẽ thay mặt toàn thể học sinh lên đọc một bài diễn văn. Bài diễn văn đó thể nào cũng có đoạn “chúng em xin hứa sẽ trở thành những con ngoan trò giỏi, xứng đáng với công lao dậy dỗ của thầy cô và bố mẹ, bla bla…”. Đó là thời đi học của mình đó, cái thời mà một đứa trẻ phải phấn đấu thành đủ thứ, con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan bác hồ, hay đứa nào đó con nhà người ta, nghĩa là phải learn to become ai đó, chứ không phải để trở thành chính mình, learn to be.
UNESCO đã định danh mục đích của giáo dục dựa trên 4 trụ cột như sau:
• Learn to know: để cung cấp các công cụ nhận thức cần thiết để hiểu thế giới và sự phức tạp của nó và là nền tảng đầy đủ cho việc học tập trong tương lai.
• Learn to do: để có được một kỹ năng nghề nghiệp cùng với một năng lực nhất định để đối phó với các tình huống và kinh nghiệm làm việc khác nhau hoặc để cung cấp các khóa học xen kẽ giữa học tập và công việc
• Learn to live together: phát triển một nền tảng của sự thấu hiểu người khác và đánh giá cao sự phụ thuộc lẫn nhau, học cách quản lý xung đột và tôn trọng các giá trị của đa nguyên, của hiểu biết lẫn nhau và của hòa bình
• Learn to be: để cung cấp các kỹ năng tự phân tích bản thân và kỹ năng xã hội, cho phép các cá nhân phát triển đến mức tối đa tiềm năng tâm lý xã hội, cũng như ảnh hưởng của những tiềm năng này lên thể chất của họ, để tạo nên một cá nhân hoàn chỉnh ở mọi phương diện.
Mình đã chia sẻ rất nhiều trên fb về việc học hành trên mọi phương diện, nhiều đến nỗi nhiều em bảo chị gom thành sách đi. Trăng đến rằm trăng tròn, mình sẽ gom khi nào cảm thấy đủ chín, và các bạn nhớ mua sách cho mình khỏi lỗ nha. Riêng với tài liệu liên quan đến học tập và du học mình sẽ biên tập lại và gom vào thành sách điện tử share miễn phí trên fb.
Chỉ 1 năm nữa thôi con út mình sẽ bước vào cấp 3, mình sẽ theo sát con mình để lấy tư liệu cung cấp cho các ba mẹ ở nhà để các ba mẹ hình dung được khoảng cách giữa 2 nền giáo dục để giúp các con thu hẹp khoảng cách đó, thì dù có không đi du học các con cũng có thể tự trang trải được bản thân trước khi bước vào cuộc sống tự lập, thời đại công nghệ mà. Và mặc dù là mình đã chia sẻ rất nhiều về việc học thì trong bài này mình vẫn dành một phần để nói về cái chân trụ thứ 4 của giáo dục, đó là LEARN TO BE.
Chúng ta đều biết bộ não con người gồm 2 phần: não trái và não phải: Não trái (rational brain) là nơi sản sinh ra nhận thức lý tính, logic, còn não phải (emotional brain) là đưa ra những quyết định thuộc về trực giác, cảm xúc. Não trái phát triển kỹ năng kỹ thuật (technical skills), hay còn gọi là chỉ số thông minh (IQ), não phải phát triển kỹ năng mềm (soft skill), hay còn gọi là chỉ số cảm xúc (EQ).
Khi bạn phát triển não trái là hướng ra bên ngoài, tìm cách vươn xa, vươn cao bằng cách tiếp nhận thông tin và kiến thức. Chúng ta ai cũng cần tri thức thông qua con đường học hành để tồn tại, để duy trì cuộc sống, đó là nhu cầu thiết yếu và chính đáng, hẳn rồi, UNESCO cũng đã quy định như vậy rồi. Khi hướng về não phải là chúng ta đang tìm đường tới hành trình ngược lại vào bên trong chính mình, hành trình tìm về với bản ngã, là miền đất khuất lấp và dễ bị bỏ quên, để tìm được sự bình yên trong nội tâm của chúng ta, dẫn dắt chúng ta đi tới những việc làm đúng đắn và tử tế.
Suy cho cùng thì kỹ năng nào cũng quan trọng cả thôi, bởi như UNESCO đã khẳng định, đó là nền tảng để một con người phát triển hoàn chỉnh trong thế giới ngày nay, một thế giới được những người làm trong thung lũng Silicon và quân đội Mỹ tổng kết trong 4 từ viết tắt là VUCA: vulnerable (mong manh), uncertain (không chắc chắn), complex (phức tạp), và ambiguous (mơ hồ).
Các nhà tâm lý học đã chỉ ra rằng trong mỗi chúng ta luôn tồn tại những điểm mù (blind spots), đó là điểm mù về kiến thức (knowledge blindness), điểm mù về cảm xúc (emotional blindness), điểm mù về hành vi (behaviour blindness). Nhưng không phải ai cũng nhận thức được điểm mù của bản thân mình, và cũng vì không nhận thức được nên không triệt tiêu được những điểm mù đó, chỉ những ai thực sự mong muốn có một cuộc sống bình an và viên mãn mới tìm đến sự thông tuệ để giải đáp những thắc mắc, và giải mã những điều vi diệu trong tâm hồn mình.
Mình là người vô đạo, không theo một tôn giáo nào cả, không hướng tới một đấng tối cao nào cụ thể, không trọng thị hay báng bổ điều gì siêu nhiên. Nhưng mình là người sống có đức tin và quan tâm tới những lý thuyết triết học mà mình có thế hiểu được, cảm nhận được, và từ những triết lý đó xây dựng cho mình một hệ thống giá trị đạo đức, để thị phạm chính mình, để dựa vào đó làm kim chỉ nam cho công việc và cuộc sống.
Một cách bản năng mình đặc biệt quan tâm đến chánh niệm (mindfulness), theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, và một điều trùng lập thú vị là cho đến nay thế giới đã quan tâm rất nhiều đến chánh niệm, các nền giáo dục hàng đầu đã đưa chánh niệm vào các trường phổ thông với một mục đích giúp học sinh tối đa hóa hiệu quả học tập.
Khi mà cái CHUNG và cái RIÊNG (oneness and otherness) gặp nhau ở một điểm, ta sẽ có được cái VÔ NGÃ (nothingness), khi đó, sự khác biệt, cả những ưu việt và những điểm mù không còn là con dao nhọn chia cắt chúng ta nữa. chúng ta nhận ra rằng những điều vẫn làm chúng ta bận lòng quấn chân chúng ta bấy lâu nay hóa ra bé mọn đến thế.
Khi chúng ta tiêu trừ được những khúc mắc trong lòng, tách ra khỏi được dòng xô đẩy của vũ trụ, của những dòng nước vần vũ quanh mình, là khi chúng ta mở ra được cánh cửa của não phải, là nơi ngự trị của sự thiền định, và bạn có tin được không, sự thiền định của não phải sẽ quay trở lại tác động vào não trái, đem lại cho nó sự hanh thông mà trước đây mờ ảo, vì bị tâm trí rối bời bao phủ.
Bạn sẽ trở nên minh mẫn hơn, sáng suốt hơn, bình tĩnh hơn, trước mọi quyết định lớn lao hay biến cố của cuộc đời. Bạn sẽ không còn cảm thấy đau khổ, hay thất vọng khi bị thất bại, bị từ chối, hay thậm chí bị phản bội, bởi bạn hiểu rằng chuyện đó cũng giống như chuyến bay của bạn đang bay qua vùng thời tiết xấu, nhiều mây, hay bay qua những điểm mù, những hố đen của chính bạn, hoặc của người khác, cứ bình tĩnh, rồi mọi việc sẽ qua, bởi không có điểm mù nào, hố đen là không có giới hạn.
Còn một điểm nữa mà khoa học đã chỉ ra là cảm xúc, những kỹ năng xuất phát từ não phải, tham gia rất nhiều vào việc đưa ra quyết định cuối cùng, mà theo như Michael Levine thì chiếm tới 80%, nhất là khi bạn đói (Hungry), tức giận (Angry), cô đơn (Lonely), hoặc mệt mỏi (Tired), được gọi tắt là HALT, thì lên tới 100% và sẽ đưa bạn đi đến những quyết định sai hướng.
Một trong những cái bẫy mà những người tự cho mình là thông minh (não trái phát triển) hay mắc phải, đó là nhanh chóng đưa ra giải pháp và kết luận và chấm dứt tìm kiếm hay suy nghĩ sâu thêm, và đôi khi giải pháp này đến từ sự thiên kiến thông tin (information bias) và phán xét cá nhân, dựa vào những định kiến và trải nghiệm cá nhân.
Maria Konnikova, tác giả của cuốn sách “Làm chủ bộ não: làm thế nào để suy nghĩ như Sherlock Holmes” có đưa ra một hướng dẫn để giúp bạn tránh được cạm bẫy của sự phán xét: “mỗi khi bạn nhìn thấy một sự việc ngay lập tức bạn sẽ có xu thế phán xét, ngay cả khi bạn không nghĩ là mình đang phán xét và dường như mọi thứ đang rất hoàn hảo.
Bạn có thể tự rèn luyện mình tránh được điều đó bằng cách dừng mọi suy nghĩ lại, tự hỏi mình lặp đi lặp lại những câu hỏi này: điều này có phải là bất khả kháng không? Tôi có sai trong khía cạnh nào đó không? Có gì sai ở trong trường hợp đó không? Sau đó quay trở lại khôi phục sự việc lại từ đầu và suy nghĩ theo một cách khác so với lần đầu tiên, nói ra hoặc viết ra chứ không chỉ âm thầm suy nghĩ trong đầu. Nó sẽ cứu được bạn khỏi nhiều lỗi trong nhận thức lắm đấy”.
Nhà bác học Albert Einstein đã nói: “The intuitive mind is a sacred gift, and the rational mind is a faithful servant. We have created a society that honors the servant and has forgotten the gift” (Bộ não trực giác là một món quà thiêng liêng, và bộ não lý trí là một người đầy tớ trung thành. Chúng ta đã tạo ra một xã hội tôn vinh người hầu và đã quên đi món quà).
Và mình nghĩ rằng đây là một trong những điểm mù lớn nhất của nhân loại. Đời thay đổi khi ta thay đổi, nếu chúng ta ý thức được được điểm mù của mình, chúng ta sẽ kiểm soát được, dẫn đến triệt tiêu những điểm mù đó.
Mình cho rằng nền giáo dục dựa trên 4 chân trụ của UNESCO cũng là nhằm hướng con người tới sự cân bằng của tư duy lý tính và tư duy cảm xúc bởi sự cân bằng giữa hai hệ thống tư duy này là cần thiết, giống như sự phát triển hài hòa và cân bằng giữa não phải và não trái, để chúng bổ túc cho nhau, nâng đỡ nhau, nhất là vào những thời điểm khó khăn và quyết định.
Mình viết bài này cũng là để trả lời câu hỏi của em “chị đã học gì, đã làm gì để vượt qua những rào cản tâm lý ích kỷ thâm căn cố đế có trong bản thân mỗi con người”. Trong suốt 5 năm qua mình đã bền bỉ dậy lại mình theo 4 chân trụ của UNESCO, mình đã biết hơn nhiều thứ, đã làm được hơn một nghề, đã sống bình an hơn, và có ích hơn. Mọi cái “hơn” đó, mình đều chia sẻ đều đặn trên fb, không phải để “khoe”, mà để “share”. Có nhiều người họ học giỏi và học cao hơn mình nhiều lắm, nhưng họ coi cái học đó giống như một việc phải làm cho xong, xong rồi để còn làm làm việc khác nên khi học xong rồi họ bỏ lại mọi thứ sau lưng.
Nhưng với mình việc học đó là trọn đời, và những gì mình học được mình thả vào trong gió, như những bụi phấn hoa reo rắc duyên lành, nhờ gió gửi đến cho những người hữu duyên, vì chưa có điều kiện, hoặc không có điều kiện được tiếp cận những gì mà mình đã tiếp cận, như một lời nhắn nhủ yêu thương, như gieo một niềm hy vọng, như một lời động viên, cho những ai còn chần chừ, còn do dự, còn e ngại, rằng chúng ta hoàn toàn có thể làm chủ cuộc đời mình, thông qua việc khám phá bản thân, nhận thức về bản thân, và từ đó tự sáng tạo cuộc đời mình, và lựa chọn những mục tiêu cho riêng mình.
“Sông vẫn chảy đời sông. Suối vẫn trôi đời suối. Đời người cũng chỉ để sống và hãy thả trôi đi những tị hiềm”. (Trịnh Công Sơn)
Thế hệ chúng ta, và cả cha mẹ chúng ta đã sống cúi đầu trong lo âu và sợ hãi. Hãy để con cái chúng ta được sống ngẩng cao đầu trong ánh sáng của tri thức, của hiểu biết, và của những cảm xúc thiện lành, bằng cách dạy cho chúng cách tự yêu bản thân mình, tự do trở thành người như chúng muốn, hay nói cách khác, LEARN TO BE.
(FB Vui Phanle )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét