P/s : Giáo Sư Phạm Hữu Bính vừa mới nối kết Gia Đình Sư Phạm Saigon với bài viết trên..thì không bao lâu sau Thầy đã từ giả cõi tạm
Tôi chuyển từ trường Hồ Ngọc Cẩn (Gia Định) về Sư Phạm Sài Gòn năm 1967, thay thế Giáo Sư Anh Văn Đoàn Hữu Khánh được học bổng đi du học Hoa Kỳ. Tôi không biết giáo sư Khánh đã dạy ở Sư Phạm Sài-Gòn bao lâu; nhưng ông đã đặt nền tảng cho môn Anh Văn ở SPSG (và có lẽ cho nhiều trường Sư Phạm khác nữa) bằng cách soạn một tài liệu giáo khoa Anh Ngữ với chủ đề giáo dục. Các bài đọc đều có liên quan đến cách tổ chức học đường, liên hệ giữa phụ huynh và ban giảng huấn, học đường và xã hội, v…v…
Công việc của tôi do đó cũng nhẹ nhàng hơn. Phần đóng góp của tôi là thêm mục chú thích những từ ngữ, các câu hỏi để giáo sinh suy nghĩ, và các bài đọc khác có liên hệ đến chủ đề.
Lần đầu bước vào một lớp ở SPSG, tôi ngồi trên bàn giáo sư nhìn xuống và thấy đến hơn sáu mươi giáo sinh, ở cái tuổi nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò, tôi biết tôi cần có chiến thuật để giữ gìn trật tự trong lớp.
Tôi làm một bản đồ lớp học. Khi điểm danh, tôi yêu cầu các giáo sinh giơ tay lên để tôi biết rõ ai ngồi chỗ nào và ghi vào bản đồ. Trong khi giảng bài, có lúc tôi dừng lại để kiểm điểm xem các giáo sinh có thực sự hiểu bài không. Tôi kín đáo nhìn vào bản đồ trên bàn và thầm nhớ ba hay bốn tên giáo sinh ngồi rải rác trong lớp. Tôi thong thả đi tay không đến chỗ mấy giáo sinh này ngồi; rồi mỉm cười hỏi một câu để kiểm điểm và gọi đúng tên một giáo sinh để xem giáo sinh đó có thực sự hiểu bài không. Giáo sinh này thường giật mình khi thấy tôi gọi đúng tên anh ta. Tôi quay sang và gọi một giáo sinh khác ngồi gần đó. Anh ta cũng giật mình khi thấy tôi biết tên anh ta.
Tôi tiếp tục giảng bài và cũng dừng lại để kiểm điểm với những giáo sinh khác. Sau chừng nửa giờ, các giáo sinh đều im lặng thin thít, tin rằng tôi nhớ rõ tên từng người, và không ai dám phá quấy gì nữa.
Chiến thuật của tôi bị bại lộ dần dần khi tôi gặp các giáo sinh ở ngoài hành lang và không gọi đúng tên các em. Có em hỏi thẳng tôi: “Sao ở trong lớp thầy nhớ tên chúng em thế; mà ra khỏi lớp thì thày không nhận ra ai hết?” Lẽ dĩ nhiên là tôi chỉ cười mà không trả lời.
Một hôm trời nóng bức, tôi nói đùa các em: “Ngày xưa các thày đồ sung sướng lắm. Mỗi khi nắng bức như thế này là các học sinh lần lượt mang quạt lông (thứ quạt lớn bằng lông ngỗng) lên quạt cho thày. Nhiều giáo sinh giơ tay lên, nói lao sao: “Dạ, để em lên quạt cho thày.” Rồi gần như cả lớp lên đứng xếp hàng để chờ đến lượt mình lên quạt cho thày.
Có đôi khi giáo sư, sau khi có sự chấp thuận của Hiệu Trưởng, đứng ra tổ chức một chuyến du ngoạn cho lớp của mình đi thăm vườn thú, viện bảo tàng, hay một di tích lịch sử. Đây là dịp để các giáo sinh xả hơi, nói chuyện, đùa giỡn với nhau và chụp hình kỷ niệm. Tôi không nhớ hôm đó lớp tôi hướng dẫn tổ chức đi đâu. Nhưng chỗ đó có một tiệm giải khát khá lớn. Một giáo sinh nửa đùa, nửa thật nói: “Hôm nay thày bao chúng em một chầu giải khát, đi thày.” Các giáo sinh khác nhao nhao lên: “Thày bao chúng em đi thày.” Tôi mở ví xem, rồi nói: “Mà thày không đủ tiền.” Một giáo sinh đưa ra ý kiến: “Thày đưa ví cho chúng em coi.” Mọi người reo lên đồng ý. Tôi đưa ví cho một giáo sinh đứng gần chỗ tôi. Giáo sinh đó đếm lớn tiếng cho mọi người cùng nghe, rồi kết luận: “Thày không đủ tiền thật.” Một giáo sinh khác góp ý kiến: “Chúng em sẽ góp nhau lại cho thày mượn số tiền còn thiếu; rồi cuối tháng thày hoàn lại cho chúng em cũng không sao.” Thế là tôi đành gật đầu. Mọi người reo vang, rủ nhau ra gọi đồ uống.
Ngày ấy, chính quyền Mỹ đang can thiệp vào chiến tranh Việt Nam. Những người thạo tiếng Anh thường dễ dàng kiếm công ăn, việc làm hơn. Các giáo sư Anh Văn rất bận rộn. Tôi dạy ở SPSG buổi sáng. Sau đó tôi cũng dạy ở nhiều trường tư khác, như Đại Học Vạn Hạnh, Hội Việt Mỹ, Trường Huấn Luyện Nhân Viên thuộc Toà Đại Sứ Hoa Kỳ, Trường Sinh Ngữ Quân Đội. Các trường này đều là trường dành cho người lớn, khác hẳn với các giáo sinh SPSG còn đang trong tuổi vô tư, hồn nhiên.
Tôi còn nhớ mãi SPSG và các giáo sinh với những kỷ niệm rất đẹp như tôi vừa kể lại trên đây.
Phạm Hữu Bính-Gs Môn Anh Văn Trường Sư Phạm Saigon
(Bài đăng 3/11/2018 trên trang suphamsaigon.forumvi.com -
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét