Truyện Lê Công Tư
Truyện ngắn mới nhứt của Lê Công Tư gợi lên những liên tưởng về sự tình cờ đầy ám ảnh. Những phận người dạt trôi như một sự tình cờ. Những hội ngộ thoáng qua, những suy tưởng lướt qua lại không giống sự tình cờ. Những mất mát cũng có vẻ chẳng tình cờ. Vậy mà những lịch sử riêng và chung, lớn và nhỏ, rốt cuộc lại như thể tình cờ mà đến mà đi.
Liệu có phải vậy không?
Văn Việt
Trong số những người quen biết đang sống tha hương đây đó, có lẽ Trịnh là một Việt kiều nghèo nhất mà anh biết. Hắn hội đủ những yếu tố để được đứng trong hàng ngũ những con người này: một tính khí thất thường nằm ẩn sau cái nhìn trong sáng; lòng tự trọng của một kẻ có học với thói ăn chơi bạt mạng; và cái mà những người Mỹ có đầy đủ nhất xem ra lại thiếu thốn trầm trọng ở con người này: tính thực dụng, đủ để xã hội Mỹ dành hẳn cho hắn một chỗ đứng ở bên lề.
Trịnh sống lêu bêu đó đây bên Mỹ như một cọng lá, ăn bờ ngủ bụi như một tên du thủ du thực. Trịnh lại chăm chỉ, siêng năng về Việt Nam. Điều này cũng giúp cho hắn nghèo thêm chút nữa. Trông Trịnh khá giống một thiên thần đội lốt bụi đời, một ông hoàng thường xuyên sống bấp bênh giữa nghèo nàn và túng thiếu.
Một chuỗi dài thời gian mấy chục năm sống ở xứ Mỹ xa xôi kia rút cuộc chỉ là một chuỗi dài những thất bại. Thất bại trong cách kiếm tiền lẫn cách xài tiền. Thất bại trong tình yêu lẫn hôn nhân. Và nếu cuộc sống đó có một chút cơ may thành công, có lẽ đó là một ít hoa trái phù du hái lượm lặt đâu đó giữa cõi đời này.
Để giải thích cho cái tình trạng Việt Kiều nghèo nàn của mình, Trịnh nói: “Tao sinh ra là để làm việc rồi rong chơi. Nếu làm giàu cũng là một thứ mục đích của cuộc sống, thì cái mục đích này là của mấy thằng khác chứ không phải của tao”.
Trịnh vừa mới từ Mỹ về. Trên tay hắn cầm một cái vợt chơi tennis: “Về chuyến này tao chỉ mang đúng cây vợt này cho mày, và nếu mày có một giấc mơ nhỏ bé, vừa tầm mà chưa thực hiện được, tao sẽ giúp mày thực hiện giấc mơ đó”.
Mấy năm trước, trong một chuyến đi dài anh có ghé lại Hội An. Một thị xã nhỏ bé nằm bên một con sông. Những con phố hẹp với những mái nhà cổ rong rêu. Lần đó anh đang loay hoay tìm chỗ gởi xe thì một phụ nữ bán nước dưới một tán lá mỉm cười với anh: “Anh cứ để xe ở đây em coi giùm cho”. Đứa con trai nhỏ của chị sốt sắng đưa chiếc xe của anh vào bóng mát. Anh đi cho đến chiều mới quay lại. Trước khi rời khỏi Hội An, anh gửi chị một ít tiền trả công coi xe. Chị mỉm cười thật tươi: “Em không làm nghề coi xe, chỉ coi giùm thôi”. Anh ngồi lại uống nước, nói chuyện với thằng bé. Đứa bé có đôi mắt trong veo.
Cuộc sống đã đưa anh đến nhiều nơi. Có những nơi chỉ đến một lần rồi chẳng bao giờ muốn quay lại. Có nơi anh muốn quay lại đôi ba lần để nhìn. Đôi khi chỉ để nhìn lại một ghềnh đá chơ vơ giữa biển trời. Anh muốn quay lại Hội An một lần nữa để xem nụ cười đó vẫn còn hay đã mất. Đã mấy năm rồi, anh vẫn còn nhớ mãi nụ cười đó. Nó gợi anh nhớ đến những mùa lúa chín trên cánh đồng đầy nắng, mùi thơm của rơm rạ trong những thôn ổ xa xưa.
Nhắc đến Hội An, Trịnh chợt nhớ: “Mày còn nhớ cô Nguyễn Khoa N. không? Quê cô nàng ở Hội An”. Cô Khoa N. là cô giáo dạy vẽ. Đi dạy, cô hay mặc một chiếc áo dài đen với đôi mắt to lặng lẽ u hoài. Khi đi chơi với mấy đứa học trò, cô mặc quần jean bạc màu với sơ mi trắng rộng thùng thình, khá giống một lãng tử giang hồ với một chút khói sương lãng đãng. Cả anh lẫn Trịnh đều thích giờ vẽ. Không phải thích môn vẽ mà chỉ vì thích tính cách của cô giáo trẻ.
Có một lần, cô kéo mấy đứa học trò về nhà cô chơi. Đó là một căn phòng nhỏ xinh xắn, trải thảm, trang trí theo kiểu Nhật. Hôm đó mấy đứa học trò con trai vừa chớm lớn cảm thấy lúng túng với mấy cái quần áo lót của phụ nữ phơi đây đó trong phòng, rải rác trên tường là mấy bức tranh sơn dầu. Tất cả ngồi trên thảm, nói chuyện trên trời dưới đất. Lúc này trông cô giống hệt một đứa con trai. Khi ra về, mấy đứa bắt đầu nói tới nói lui về mấy độ đồ lót treo trong phòng. Bảo – một thằng lúc nào cũng muốn chứng tỏ cái đầu có khả năng nhận xét, đánh giá – nói: “Một căn phòng phải như vậy mới tràn đầy tính cách hội họa”.
Mười mấy năm sau, khi có dịp đi sâu vào thế giới của hội họa, anh vẫn chưa nhận ra được mối liên hệ đầy tính hội họa giữa mấy bức tranh sơn dầu cùng những bộ đồ lót của phụ nữ.
Trịnh nói: “Năm 1975 cô Khoa N. cũng di tản sang Mỹ. Đến Mỹ cô vào tu trong một ngôi chùa rồi mất ở đó”. Trịnh kết luận: “Có thể đây cũng là một tính cách Hội An chăng? Vậy thì mình đi Hội An, sau đó ghé Huế chơi”. Trịnh gốc Huế, nhưng hình như hắn chưa ra Huế lần nào.
Nghe cô Khoa N. chết trong một ngôi chùa nào đó bên Mỹ, ban đầu anh ngạc nhiên: “Đẹp như cô N. làm sao đi tu được. Nguyên cái chuyện bị trầm trồ, chọc phá đã khó khăn cho cô rồi”. Sau đó suy nghĩ lại, anh thấy có những vẻ đẹp tiếp tục sống một cuộc sống dài hơn chính nó rất nhiều vì được nâng đỡ bởi một giá trị khác cao hơn.
Anh nhớ lại một buổi chiều, nhìn thấy một ni cô đang đứng lơ ngơ giữa phố, trên tay bế một con chim bồ câu. Người nữ tu này hỏi anh đường đi đến phòng khám của một bác sĩ. Anh hỏi cô đang bệnh gì, bởi anh muốn chỉ cô đến một bác sĩ chuyên khoa. Cô nói là cô cần đến bác sĩ để chữa bệnh cho con chim. Nhìn con chim nhỏ đang nằm im trong tay người nữ tu, nhìn sâu vào đôi mắt nó, anh tin chắc rằng nếu lần đó anh hiểu được những gì đang nằm sâu trong đôi mắt con chim, hẳn anh đã hiểu ra toàn thể thế gian này.
***
Cái thị xã nhỏ bé đang còn ngổn ngang bề bộn với những đổi thay. Mọi thứ như choàng tỉnh sau giấc ngủ dài sau khi nhận ra mình cũng có chút giá trị nào đó. Sự nhỏ hẹp của những con phố khiến cho sinh hoạt nơi đây trở nên chật chội. Mấy năm trước, cũng với sự chật hẹp này, nó gợi đến sự yên tĩnh mơ hồ tựa một tiếng guốc gỗ, tiếng rao chè của người bán hàng rong. Trong tiến trình lột xác, khúc sông trôi ngang qua thị xã trông có vẻ mệt mỏi nhất. Một phần bên kia sông đang bị lấp để làm đường, trông nhếch nhác, lôi thôi, như một người đàn bà vừa mới sẩy thai chưakịp phục hồi sức.
Người phụ nữ bán nước năm nào vẫn còn đó. Chỉ gầy và già hơn xưa một chút. Chị không nhận ra người khách năm cũ. Cái mà chị quan tâm không phải là anh mà là mấy du khách da trắng. Chị nhìn chúng như nhìn những con mồi. Cho đến khi những con mồi đi mất hút, chị mới lơ đãng hỏi anh uống gì. Kêu nước xong, anh hỏi chuyện bâng quơ: “Khách đông như vậy có bán được không?”. Chị nói: “Được hơn trước nhưng cực lắm. Tụi Tây lại thức khuya, chúng ăn nhậu, tán chuyện cho đến khuya mới ngủ. Mình cũng phải thức với chúng. Ăn được một đồng của tụi này không phải dễ”. Đôi mắt của chị trông xa xăm. Nó gợi cho anh nghĩ đến sự chờ đợi vô hình nào đó mà người ta vẫn bắt gặp thường xuyên ở những kẻ đong đếm cuộc sống bằng những đồng tiền. Những đồng tiền mà người xưa đã nhận ra là càng đếm nó càng thiếu. Anh cay đắng hiểu rằng con người đã chưa hẳn hạnh phúc hơn khi cuộc sống trở nên tiện nghi hơn một chút.
Trịnh hỏi: “Đã gặp lại nụ cười xưa chưa?”. Anh nói: “Nó trôi đi đâu mất rồi”. Nhìn lơ đãng ra con sông, con sông mùa này cạn nước, tù túng, mệt mỏi, biếng lười, không còn đủ sức để nghe ra tiếng gọi âm thầm nhưng tha thiết của trùng khơi.
Trịnh đảo mắt nhìn quanh con phố hẹp đầy người mua bán rồi trầm ngâm nói: “Suốt mấy mươi năm trời sống ở phương Tây, tao cảm thấy tiếc cho những dân tộc châu Á. Họ từ bỏ những giá trị rất cao, nhất là những triết lý sống mà họ đã có để chung sống với những ảo ảnh phù hoa mà sắc màu của chúng vốn chưa từng rõ nét”.
Tối đến, anh với Trịnh ngồi uống bia trước cửa khách sạn. Một tay chạy xe ôm đến ngồi bên cạnh lân la nói chuyện:
- Tối đến mấy anh không đi chơi ở đâu à?
- Theo chú mày thì tụi tao đi đâu bây giờ nữa ở cái xứ này?
Tay xe ôm tỏ vẻ thất vọng giùm cho anh và Trịnh:
- Mấy anh có tiền mà đi chơi kiểu vậy chán quá.
- Vậy tụi tao phải làm cái gì cho bớt chán?
- Có biết bao nhiêu thứ. Bởi mấy anh không biết đó thôi.
- Biết cái gì nữa ngoại trừ mấy cái nhà cổ.
- Hai anh lầm rồi, phải có người chỉ thì mấy anh mới biết được hết ngõ ngách của nó. Ai đến đây mà chỉ nhìn ba cái nhà cổ là mới đi được nửa đoạn đường.
Trịnh nói:
-Thôi được, chú mày hãy đưa tụi này đi tiếp nửa đoạn còn lại. Để coi chú mày đưa tụi tao đi đến đâu cho biết.
Tay lái xe ôm trở lên phấn khởi:
-Hai anh yên tâm, thằng em này sẽ đưa hai anh đến cửa thiên đường.
Hai tay xe ôm chở anh và Trịnh đến một cái quán karaoke ôm. Quán nằm trong một hẻm nhỏ, đèn đuốc lù mù. Những ngọn đèn lù mù gợi cho anh đến một thứ sinh hoạt lén lút.
Hai phụ nữ đã có tuổi nhưng vẫn còn mặn mà đưa anh và Trịnh vào một căn phòng khá rộng, vắng tanh. Hình như quán ế ẩm. Một lúc sau, có người mang ra một mâm đầy trái cây, kẹo cao su, bia, khăn lau mặt. Nhìn cái mâm đầy ắp,Trịnh hỏi:
- Cái mâm này để cúng ai đây?
Cả hai cười :
-Đâu có, để mấy anh dùng đó chớ.
Trịnh nói:
-Làm ơn dẹp hết mấy cái thứ thổ tả này đi, chỉ để lại bia thôi.
Một cô, có vẻ phát hiện ra Trịnh là Việt Kiều:
- Chắc anh mới từ xa về?
Trịnh giả giọng Nam:
-Ừ. Tụi này mới từ Mỹ Tho lên. Mới trúng một vụ sầu riêng trái mùa, cũng khá, đi học ăn chơi một chuyến cho biết mùi đời với thiên hạ.
Người phụ nữ cười tiếng trong vắt:
-Em không tin. Thôi mấy anh ngồi uống bia đi. Để em kêu mấy em lên nói chuyện với hai anh.
Nhìn người đàn bà có đôi mắt khá to, anh nói:
- Cả cái thị xã này, tôi chỉ thích một mình cô thôi. Cô ngồi đây nói chuyện được rồi, khỏi phải kêu ai nữa – Cả cô kia nữa.
- Dạ không được. Tụi em là chủ.
- Vậy à. Vậy thì để tụi này ngồi một mình.
Anh thấy lờ mờ trong bóng tối cặp mắt của hai người đàn bà ánh lên những niềm vui nhỏ.
- Vậy thì tụi em ngồi lại nói chuyện với hai anh.
Cả hai đều nói chuyện khá có duyên. Anh thầm nghĩ: Nếu ở trên giường mà cũng có duyên như thế này thì tuyệt quá. Ngồi nói chuyện một hồi, anh hỏi bâng quơ:
- Còn cái gì khác nữa không? Hay chỉ nói chuyện khan với nhau như thế này?
- Dạ, còn hát karaoke nữa.
- Tụi này đến đây không phải để hát. Hai tay xe ôm nói ở đây có thể mở ra những cánh cửa để tới thiên đường.
Tối hôm đó có hai thằng đàn ông hì hục cày trên cánh đồng xanh Hội An, gieo vào đó những hạt mầm có dấu vết chủng loại. Sáng hôm sau khi anh thức dậy, người đàn bà vẫn còn ngủ. Đôi má bầu bĩnh, ngây thơ như đôi má trẻ con. Qua khung cửa kính, anh thấy đất trời đang hừng sáng, bèn rủ Trịnh đi bộ vô phố cổ uống cà phê.
Ngồi trong một góc phố, Trịnh nói:
-Tụi mình rủ hai cô này ra Huế chơi. Ít nhất thì họ cũng hơn hẳn mấy con da trắng mà tao đụng ở bên Mỹ. Cái đám con gái làm tiền ở Mỹ chỉ cho tao đúng một cảm giác: Đó là cái nơi để trút đi những tấm tức bị dồn nén lâu ngày. Ở đây tao có thể nhận ra mình cho đi một cái gì đó, và rồi cũng được nhận lại một cái gì đó.
Khi quay về lại khách sạn, anh hỏi hai người phụ nữ:
- Này hai cô, tụi này muốn mời cả hai đi Huế chơi. Mấy cô có đi được không?
Cả hai cô đều reo lên:
- Ô! Thích quá.
- Đóng cửa quán à?
- Ồ, có làm hoài thì cũng vậy thôi. Đôi khi cũng phải cho phép mình hưởng thụ chớ. Nhưng mấy anh đừng có tưởng ai mời tụi này cũng đi đâu nghe.
- Dạ, tụi này biết quý bà vốn là dòng dõi quý tộc
***
Dạ thưa xứ Huế bây giờ/ Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương
(Bùi Giáng).
Đây không phải là lần đầu tiên anh đến Huế. Trong những nơi chốn anh đã đi qua, có lẽ đây là nơi ít thay đổi nhất. Hình như nó dị ứng với những đổi thay, phát triển. Đất trời cỏ lá nơi đây vẫn y như thuở nào anh đến. Con sông nối nhịp cầu nằm thanh thản dưới bầu trời mùa hạ. Đất đai nơi đây có bề dày truyền thống. Trong rêu cỏ có dấu vết những cuộc can qua. Có thể ngửi được trong không khí cái phong nhiên của lớp lớp thời đại, cái mặn nồng của bồi lấp bể dâu.
Nhớ lại lần đầu tiên đến Huế, một đứa bé trai trạc mươi tuổi dẫn anh đến chân một ngọn núi, nơi có những nấm mộ. Đứa trẻ chỉ vào một nấm mộ đất đai đã bạc màu nằm giữa đám cỏ xanh rồi nói: “Đây là mộ ông cụ tổ của anh”. Ngôi mộ nằm im dưới nắng trưa, buồn thiu, tội nghiệp. Anh thấy bên dưới là cái hộp sọ của tổ tiên mình, đôi mắt vẫn còn mở trừng, nhìn xuyên suốt một chuỗi dài các bước đi của dòng họ. Nó đủ để anh nhận ra rằng lịch sử loài người, lịch sử của dân tộc, của một dòng họ là lịch sử của một chuỗi dài phát tán, trôi dạt xuống những chân trời góc bể, nở ra những định mệnh bát ngát, những nỗi u hoài với những bước đi cường liệt của con người giữa những cơn lốc trời phiêu dạt. Những chuyến trôi dạt đó đã mở ra những nỗi thăng trầm. Và ở giữa những nỗi thăng trầm này đã hắt một ánh lửa, sáng lên cái lớn lao của từng số phận.
Về Huế lần này, anh không nhớ thêm được một điều gì ngoài cái thân thể mềm mại của một người đàn bà cùng tiếng ve kêu rền rã trong thành nội. Chưa ở nơi đâu có nhiều tiếng ve đến vậy.
Trịnh rủ cả bọn đi về quê của anh ta, một ngôi làng buồn thiu nằm gần biển. Chẳng còn ai biết anh ta. Anh ta nhắc tên người cha và ông nội. Những người đã từng sống nơi đây, có người nhớ, có kẻ quên. Chỉ mới năm mươi năm, giữa cái dòng chảy mịt mù của thời gian, đủ biến mọi người thành những kẻ xa lạ, những Từ Thức.
Trịnh đã trở về Mỹ sau gần một tháng trời ở Việt Nam. Anh trở lại với công việc cũ của mình. Mùa hè vẫn trôi qua chưa hết. Nó vẫn âm thầm chảy đâu đó ngang trời. Mọi thứ đâu đó vẫn từng ngày từng giờ trôi tuột khỏi tầm tay. Trên cái dòng trôi lũ biệt này, đôi khi anh thấy thoáng hiện trên đó một nụ cười đã mất. Nó trôi đi mất hút giữa cái trong đục của áo cơm, cái đúng sai của cuộc sống.
Anh nhớ lại hồi còn trẻ có đọc đâu đó một truyện ngắn của Mỹ. Câu chuyện kể về một thị trấn nhỏ hiền hòa, yên tĩnh, đầy nắng cùng cỏ dại nằm trên lưng một ngọn đồi, với những ngôi nhà có những ô cửa sổ sơn màu trắng và những con chim bồ câu. Dân chúng nơi đây không giàu cũng chẳng nghèo. Không có tỷ phú cũng chẳng có ăn xin.
Người ta quyết định xây ở đó một sòng bạc. Dân tứ chiếng bắt đầu tụ về. Những kẻ lắm của nhiều tiền, có máu đỏ đen đổ về đây với những cuộc vui thâu đêm suốt sáng. Ánh đèn khuya cùng tiếng cười sặc sụa của các cô gái giang hồ ngả nghiêng trên những con phố khuya, nửa đêm về sáng. Những kẻ cháy túi thất thểu trên những buổi sáng tinh mơ, cúi xuống nhặt lên điếu thuốc hút dở của ai đó quăng vội bên lề đường. Bập cho nó một mồi lửa, hút cho qua cơn nghiền và cũng để an ủi niềm tuyệt vọng.
Nhờ những dịch vụ quanh sòng bạc, thu nhập của dân chúng cao hẳn lên. Từ khi những đồng xu đầy lên trong túi của dân thị trấn, nó cũng đã lấy đi của họ nhiều thứ. Họ bỗng nghèo đi thấy rõ, nghèo đi từ những nếp nhăn trên trán cho tới những toan tính đời thường.
Có những đêm trăng về lạnh lẽo, thờ ơ trên lưng ngọn đồi rồi vội vã biến mất. Hình như trăng cũng hổ thẹn vì chẳng còn ai muốn nhìn mình.
Cho đến một hôm, bỗng nhiên người ta thấy trên đường phố xuất hiện những kẻ ăn xin. Giữa cơn bụi lốc mịt mù này, đôi khi người ta chợt nhớ đã từng có thời kỳ, thị trấn này luôn đầy nắng. Những tia nắng ấy thường hay về rất muộn, tràn trề tuôn trên những bãi cỏ xanh
Lê Công Tư
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét