Đến lượt đũa Trung Quốc… có độc
(Toquoc)-Dư luận đang
lo lắng về việc trà Ô Long nhiễm thuốc trừ sâu, cam nhuộm màu độc hại, thuốc
nhuộm tóc, vở thậm chí cả đồng phục học sinh chứa chất gây ung thư… lại thêm
bức xúc khi thông tin đũa sử dụng một lần của Trung Quốc cũng chứa chất độc hại.
Đôi đũa đóng một vai trò quan trọng trong truyền thống văn hóa của người Á Đông nói chung và người Trung Quốc nói riêng. Là quà tặng thiêng liêng cho các cặp vợ chồng mới cưới với hy vọng hạnh phúc, may mắn, sớm sinh con. Thói quen sử dụng đũa đã trở thành nét văn hóa đặc sắc trong nghệ thuật ẩm thực. Trong xã hội hiện đại ngày nay, những đôi đũa giá rẻ, sử dụng một lần được dùng khá phổ biến tại các nhà hàng, quán ăn. Theo ước tính của một cơ quan thuộc chính phủ Trung Quốc, mỗi năm nước này tiêu thụ khoảng gần 60 tỉ đôi đũa dùng một lần.
Với lượng tiêu thụ đũa một lần khổng lồ như vậy, thông tin đũa
chứa chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe khiến dư luận dậy sóng.
Sự việc được biết đến hôm 18/3 khi nam diễn viên Trung Quốc
Huang Bo đăng một bài viết lên blog cá nhân về loại đũa chứa chất độc hại.
Huang cho biết, khi ông cố gắng rửa đôi đũa dùng một lần của mình tại một nhà
hàng, ông đã sửng sốt khi thấy nước chuyển màu vàng và đôi đũa bốc mùi rất khó
chịu.
Công nhân tại một nhà máy
sản xuất đũa đang đánh bóng những đôi đũa dùng một lần bằng sáp parafin độc hại
tại Liễu Châu, khu tự trị Quảng Tây, Trung Quốc
"Hãy ngừng sử dụng đũa (loại dùng một lần), đó không phải
vì bảo vệ môi trường, mà chính là cứu lấy cuộc sống của chính bạn", ông
Huang chia sẻ.
Thông điệp này đã được 125.000 lượt chia sẻ của cư dân mạng. Các
thành viên vô cùng phẫn nỗ trước sự việc trên và yêu cầu ông Huang tiết lộ tên
của nhà hàng. Tuy nhiên, Huang cho biết, loại đũa chứa chất độc hại không chỉ
được dùng trong một nhà hàng, mà nó được sử dụng phổ biến khắp Trung Quốc.
Tổng thư ký Hiệp hội Bao bì thực phẩm quốc tế Dong Jinshi cho
biết màu sắc và mùi hôi của đôi đũa cho thấy chúng đã được ngâm qua lưu huỳnh
và nhiều hóa chất độc hại khác.
"Lưu huỳnh, hydrogen peroxide, sodium sulfite và chất chống
nấm mốc là những hóa chất thường dùng để làm đũa (loại dùng một lần, mặc dù
thực tế những chất này rất độc và cấm dùng”, ông Dong Jinshi nói.
Trung Quốc ban hành một tiêu chuẩn quốc gia về đũa (loại dùng
một lần) vào năm 2010. Quy định gồm các tiêu chí cụ thể về các loại chất hóa
học bổ sung và lượng chất được phép dùng để sản xuất đũa.
"Chẳng hạn như tiêu chuẩn chỉ cho phép dùng loại lưu huỳnh
không độc hại (được cấp riêng dùng cho thực phẩm) để sản xuất đũa tre; và dư
lượng sulfur dioxide nên được kiểm soát dưới 600 mg trong một kg đũa. Tuy
nhiên, lưu huỳnh không được phép sử dụng làm đũa gỗ”, Dong cho biết.
Tuy nhiên, tiêu chuẩn này chưa bao giờ được thực hiện, ông Dong
cho biết. "Thậm chí Trung Quốc còn chẳng có một cơ quan chuyên trách quản
lý nào chịu trách nhiệm kiểm soát chất lượng đũa”, ông nói.
Theo ông Dong, hầu hết loại đũa dùng một lần này thường được sản
xuất ở các cơ sở nhỏ lẻ vùng núi không có giấy phép sản xuất, sau đó được
chuyển lên thành phố để đóng gói.
Ví như ở quận Daxing, Bắc Kinh, có tới 7-8 cơ sở sản xuất đũa,
nhưng tất cả chỉ đảm nhận công đoạn đóng gói. Những đôi đũa thậm chí đã qua tay
rất nhiều thương nhân, chính những cơ sở này cũng không thể biết đích xác nguồn
gốc những đôi đũa đó, ông Dong cho biết thêm.
Năm 2010, các phương tiện truyền thông đã phản ánh tình trạng
sản xuất đũa hỗn loạn ở Trung Quốc. Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm nước này
đã ban hành thông báo yêu cầu chính quyền địa phương tăng cường quản lý chất
lượng đũa.
Tuy nhiên, kết quả điều tra lúc đó không được đăng lên các trang
mạng của chính quyền, chất lượng đũa vẫn chưa được xác minh chính xác.
"Các tiêu chuẩn về đũa chỉ là mặt lý thuyết. Nó chưa bao
giờ được áp dụng trong thực tế", ông Dong nói.
Fan Zhihong, một chuyên gia an toàn thực phẩm tại Đại học Nông
nghiệp Trung Quốc, cho biết, việc đánh giá những rủi ro từ việc sử dụng đũa
(loại dùng một lần) vẫn còn rất khó khăn.
"Không có dữ liệu nào cho thấy dư lượng hóa chất hay số
lượng các hóa chất trong những đôi đũa có thể được chuyển hóa sang người sử
dụng. Mặt khác, cũng chưa cá nhân nào báo cáo về việc bị đầu độc bởi đũa, vì
vậy, rất khó để xác định ảnh hưởng của những đôi đũa rẻ tiền đối với sức khỏe
của con người”, Fan nói.
Hơn nữa, chính người tiêu dùng cũng không đủ kiên nhẫn để tìm
hiểu xem các loại đũa có gây nguy hại hay không.
Trên trang mạng bán hàng trực tuyến khá phổ biến ở Trung Quốc là
Taobao, những đôi đũa dùng một lần đang mặt hàng bán rất chạy.
“Công việc kinh doanh đũa của chúng tôi nói chung là tốt, trong
hai ngày qua, doanh số bán hàng thực sự vẫn tốt”, chủ nhân một gian hàng trực
tuyến trên Taobao, người đã bán được 1.880 đôi đũa dùng một lần trong tháng
trước, chia sẻ. Trên trang đầu của gian hàng chúng tôi đã chia sẻ rất nhiều
thông tin nói với mọi người rằng đũa dùng một lần không tốt, nhưng không có ai
quan tâm. Vì thế, tôi hy vọng những ngôi sao điện ảnh như Huang Bo có thể có
tầm ảnh hưởng lớn đến những người khác”, vị này chia sẻ.
Một giáo sư Singapore năm năm trước từng cảnh báo người dân quốc
đảo sư tử không nên sử dụng loại đũa được nhập từ Trung Quốc bởi chúng chứa rất
nhiều hóa chất độc hại gây mầm bệnh ung thư. Bản than ông không bao giờ quên
mang theo đôi đũa của riêng mình mỗi khi đến ăn tại các nhà hàng Trung Quốc ở
Singapore.
Người Trung Quốc từng tự hào khi ca ngợi “sức mạnh mềm của đôi
đũa cứng” ý nói văn hóa, những đôi đũa gỗ tuy khô khốc nhưng có sức quảng bá
văn hóa ẩm thực một cách lặng lẽ mà kỳ thực rất hiệu quả.
Tuy nhiên, văn hóa kinh doanh vì lợi nhuận bất chấp an toàn sức
khỏe người tiêu dùng của nhiều người Trung Quốc mới, đang bị chính người Trung
Quốc lên án, tẩy chay, ảnh hưởng đến hình ảnh, sức mạnh mềm của quốc gia./.
(nguồn: báo Tổ quốc.VN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét