Dạy
con ở Tây, hay Tại
sao Việt Nam ngày càng có nhiều
trẻ em hư?
Bài viết này tôi đã viết từ trước Tết, nay vừa được đăng trên tờ Lifestyle số Tháng 3/2013, có được biên tập lại đôi chút với tựa mới là "Chuyện dạy con bên Tây". Dưới đây là bản gốc mà tôi đã gửi đi. Những gì được kể trong câu chuyện này gần như là hoàn toàn có thật, chỉ đổi tên và hư cấu thêm vài tình tiết. Đăng lên đây để chia sẻ với các bạn.
-----------------
Tôi có một “đám” bạn
già, nữ sinh Gia Long cũ, đến mấy chục người, tất cả đã “ngoại ngũ tuần”. Ra
trường từ cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, lưu lạc bốn phương mấy chục năm
trời, tình cờ kết nối được với nhau nhờ facebook.
Cuối tuần qua bọn tôi
vừa có dịp họp mặt nhân dịp có ba người bạn định cư ở nước ngoài (Canada, Mỹ và
Úc) nay về Việt Nam nghỉ lễ Noel và năm mới. Chuyện Đông chuyện Tây, chuyện kim
chuyện cổ, nhưng cuối cùng mọi con đường đều dẫn đến La Mã: các bà lại quay về
chuyện chồng con. Và thế là chủ đề nuôi dạy con ở Tây bỗng biến thành chủ đề
chính của cuộc họp mặt, với rất nhiều khám phá mới mẻ cho phe “quốc nội”.
Trước hết là chuyện
học hành của con cái. Người Việt ở nước ngoài đa số học hành rất giỏi, và con
cái các bạn tôi cũng vậy. Trong ba người bạn về VN lần này thì cả ba đều có thể
được vinh danh về việc nuôi dạy con cái thành đạt chẳng kém Mẹ Hổ là mấy.
Phượng, bà bạn định cư
ở Canada có hai người con, một cậu 26 tuổi và một cô 18 tuổi, cả hai đều học
rất giỏi. Cậu con trai đã tốt nghiệp kỹ sư hóa dầu, đang làm việc cho một công
ty lớn với mức lương khá cao ở một vị trí tốt. Cô con gái đang học lớp 12, học
rất giỏi đang ráo riết học để chuẩn bị theo đuổi ngành Y.
Ngọc, bà bạn ở Mỹ có
hai cậu con trai 24 và 21 tuổi cũng tương tự như vậy: Cậu lớn vừa tốt nghiệp
đại học ngành Sinh học, đang được giữ lại trường để làm phụ tá nghiên cứu
(research assistant) cho thầy của mình và dự định sẽ học tiếp để đi theo con
đường nghiên cứu. Cậu thứ hai đang học năm thứ ba ngành Quản trị Kinh doanh tại
cùng trường nơi cậu anh đang làm việc. Trước tình hình kinh tế không mấy sáng
sủa trong mấy năm qua, cậu đang tính học thêm một bằng kỹ sư để ra trường dễ
kiếm việc.
Dung, người bạn ở Úc
thì vì lấy chồng trễ nên con còn nhỏ, chỉ mới đang học trung học, nhưng cũng
thường xuyên là học sinh giỏi và được đủ loại giấy khen, từ giấy khen của hiệu
trưởng nhà trường đến giấy khen của thị trưởng thành phố.
Con cái học hành giỏi
giang là thế, nhưng cả ba bà bạn của tôi lại không cho rằng con mình là thành
công mà xúm vào khen Danh, con trai của Huệ, một người bạn hiện đang sống ở
Cali (Mỹ). Cậu tốt nghiệp đại học ngành Nhân học (anthropology) nhưng ra trường
không kiếm được việc làm ngoài một loạt những công việc ngắn hạn với các tổ
chức phi chính phủ.
Đi làm lai rai như vậy
được 3 năm thì cậu quyết định thôi không theo đuổi ngành học đã chọn nữa mà tìm
một cái nghề để kiếm sống, và chọn nghề … cắt tóc. Học xong các chứng chỉ cần
thiết để hành nghề, Danh cùng một nhóm bạn cùng nhau mướn mặt bằng để mở tiệm
cắt tóc. Ban đầu chỉ là một tiệm do chính mình vừa làm chủ vừa làm thợ, vậy mà
chỉ sau 5 năm Danh đã sở hữu một chuỗi 3, 4 tiệm uốn tóc với những tay thợ lừng
lẫy do cậu thu hút và đào tạo.
“Vậy mới là đáng nể
chớ! Hiện nay, quan niệm về thành công của thế hệ trẻ ở nước ngoài thay đổi rất
nhiều so với thế hệ của mình. Thành công không phải là học giỏi, có bằng cấp
cao, việc làm ổn định. Mà thành công là biết mình là ai và muốn gì, biết tự
khẳng định giá trị của bản thân, biết tự thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh.
Đặc biệt, thành công là phải vượt qua được những khủng hoảng trong cuộc sống.”
– Ngọc, bà bạn Việt kiều Mỹ cho biết.
“Bọn trẻ ở nước ngoài
có suy nghĩ độc lập và trưởng thành quá ha! Nhưng dạy chúng chắc không dễ đâu
hả? Mấy người bà con của mình ở nước ngoài sao thấy hay than thở về việc con
cái không nghe lời cha mẹ quá.” Một bà bạn trong nước hỏi.
“Con cái không nghe lời, cái đó là tại mình. Nói không
đúng thì nó không nghe. Chỉ cần nói cho đúng, có sức thuyết phục thì nó sẽ nghe
thôi!” Dung cười đáp.
Câu trả lời của Dung làm tôi nhớ lại cuộc nói chuyện giữa
người anh họ của tôi và cô con gái lớn của anh lúc tôi đang học Úc vào cuối
thập niên 1990, cách đây đã mười lăm năm rồi. Lúc gia đình anh sang định cư ở
Úc năm 1984, cô con gái lớn của anh đã
được tám tuổi, đang học lớp hai ở Việt Nam. Không muốn cho con cái bị “mất
gốc”, gia đình anh chủ trương dùng hoàn toàn tiếng Việt ở nhà, vì vậy con cái
anh đều nói sõi tiếng Việt. Khi tôi sang Úc học, cô bé con anh cũng đang học
đại học năm thứ hai ở cùng trường với tôi. Hai dì cháu có nghe về nhau nhưng
chưa hề gặp mặt. Vì vậy, khi tôi đến nhà thì cô bé dùng tiếng Anh để nói chuyện
với tôi và bị bố rầy, bắt phải dùng tiếng Việt.
“But why do I have to
speak Vietnamese? She speaks English very well,” cô bé thắc mắc (“she” ở đây
chính là tôi).
“Vì ba muốn con nói
tiếng Việt ở nhà”, anh họ tôi đáp.
“You know I can speak
Vietnamese. But I am more comfortable with English. I am an Australian citizen
anyway.”
“Con không được cãi
ba. Ba muốn con nói tiếng Việt ở nhà vì con cần phải tập nói thường xuyên, nếu
không con sẽ quên và nói không ai hiểu,” anh trừng mắt.
Cô bé không vừa. Cô
trả lời cha bằng một tràng tiếng Việt: “Ba ơi, ở nhà lúc nào con cũng nói tiếng
Việt với mẹ, ba biết mà. Còn ba, ba đi làm mà nói tiếng Anh dở ẹt không ai
hiểu. Ba đã hứa với con là sẽ tập nói tiếng Anh với con để cho giỏi mà ba có
bao giờ chịu nói đâu?”
Thấy tình hình căng
thẳng, tôi phải can thiệp: “Anh ơi, em muốn nói tiếng Anh với cháu mà. I need
more practice.”
Sau khi cô bé đi rồi,
anh nói: “Trẻ con ở đây không phải bảo gì cũng nghe như ở Việt Nam đâu. Muốn
cho chúng nó nghe thì chính mình phải có lý. Nhà trường đã dạy chúng như thế
rồi. Mà như thế cũng phải, tại vì mình quen theo kiểu Việt Nam nên mới thế, chứ
ở đây thì làm như vậy không được đâu.”
Nghe tôi kể lại câu
chuyện trên, các bà bạn “quốc nội” chỉ biết lắc đầu: ở Việt Nam con mình mà cãi
cha nó như vậy chắc … ăn đòn quá. Mới biết trẻ con ở Việt Nam ngoan thiệt,
người lớn nói gì cũng nghe lời, không dám ho he gì hết.
“Nè, trẻ con Việt Nam
có ngoan thiệt không đó?” Phượng, bà Việt kiều Canada bỗng lên tiếng. “Sao tui
đọc báo thấy nữ sinh đánh bạn, lột áo rồi quay clip đưa lên mạng, tỉnh rụi; nam
sinh thì cãi nhau rồi rút đao đâm bạn gọn hơ, sợ quá. Có phải tại bị người lớn
xử ép, chỉ được nghe lời mà không được cãi, nên rồi sinh ra vậy không? Nếu vậy,
tui thà chấp nhận để con cái cãi lại nếu mình không đúng, để mình muốn nói gì,
yêu cầu gì cũng phải suy nghĩ kỹ. Chứ cứ phải nghe lời cha mẹ, thầy cô răm rắp
như ở Việt Nam rồi bị ức chế thì lẳng lặng làm mấy trò như báo chí vẫn đăng thì
nguy hiểm quá mấy bà ơi!”
Ờ há! Phải chăng đây
chính là câu trả lời cho câu hỏi mà lâu nay báo chí Việt Nam vẫn thường đặt ra,
là tại sao ngày càng có nhiều trẻ em hư?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét