5 thg 1, 2025

TÌM HIỂU Ý NGHĨA ĐỨC NHÂN TRONG LUẬN NGỮ CỔ NGHĨA CỦA ITÔ JINSAI (Bài 9)

Đức nhân trong chương 14 Hiến Vấn

Tác gỉa: Nguyễn Sơn Hùng

Phàm lệ

  • Dịch là của Nguyễn Hiến Lê.
  • Chú thích và Bàn thêm là của Jinsai.
  • Các hạng mục khác là của người dịch.

CHƯƠNG 14 HIẾN VẤN

Bài 14.1 Cả 2 trường hợp sau nhận lương bổng là điều phải hổ thẹn: 1) quốc gia có chính đạo mà bản thân không làm việc gì đáng kể, và 2) quốc gia vô đạo.

Hiến vấn sỉ. Tử viết: “Bang hữu đạo, cốc; bang vô đạo, cốc, sỉ dã”.

憲問恥。子曰:邦有道,穀;邦無道,穀,恥也。

Ghi chú:

  1. Trong sách của Nguyễn Hiến Lê, Bài 14.1 và 14.2 là Bài 14.1.

2) Trong sách Luận Ngữ Tập Chú ghi “Theo Hồ thị (là Hồ Dần, 1098~1156), chương này có lẽ do Nguyên Hiến ghi chép lại”.Trong“Lời Tựa” của Luận Ngữ Trưng, Ogyu Sorai viết: do Tử Trương và Nguyên Hiến dùng tên nên suy đoán rằng phần đầu (từ thiên Hương Đảng trở về trước) của Luận Ngữ do Tử Trương và phần cuối do Nguyên Hiến biên soạn.

Dịch

Hiến hỏi thế nào là điều xấu hổ. Khổng tử đáp: “Nước có đạo (chính trị tốt) thì có thể làm quan được; nước vô đạo (chính trị xấu) mà làm quan thì xấu hổ.”

Chú thích

“Hiến” tên của Hiến Tư (tự). “Cốc” là nhận bổng lộc (hình thức lương bổng của quan chức ngày xưa). Ý nghĩa câu này như sau. Dù là làm quan nhưng không thể nói là đã làm được công việc gì đáng kể; ở trong nhà cũng không thể gìn giữ bản thân mình được đúng, chỉ quan tâm đến việc ăn bổng lộc là việc đáng hổ thẹn.

Giải thích

Chu thị (tức Chu Hy) giải thích như sau: “Khi quốc gia thực hiện chính nghĩa, việc tốt mà bản thân mình không làm được công việc gì đáng kể , khi quốc gia không thực hiện chính nghĩa, điều tốt, xã hội xáo loạn, mà bản thân mình không thể gìn giữ bản thân mình đúng, chỉ để ý đến việc nhận bổng lộc, đối với trường hợp nào cũng phải nghĩ là điều hổ thẹn. Bởi vì ông Hiến kiên trì giữ mình, có tính cách không thỏa hiệp với người khác nên dĩ nhiên ông hiểu rõ việc nhận bổng lộc trong trường hợp quốc gia không thực hiện chính nghĩa (điều tốt cho dân) là việc phải hổ thẹn. Tuy nhiên, đối với trường hợp quốc gia thực hiện chính nghĩa và bản thân mình không làm được công việc gì đáng kể mà vẫn nhận bổng lộc cũng là điều phải hổ thẹn thì có vẻ ông Hiến còn chưa hiểu. Do đó nhân lúc ông Hiến hỏi vấn đề này, phu tử nêu ra cả 2 trường hợp để cho ông Hiến có hoài bão lớn hơn đồng thời tự ông biết rõ lý do mà khích lệ bản thân tiến bộ lên để thực hiện  thêm cấp cao hơn.”

Bản thân tôi (tức Jinsai) suy nghĩ như sau. Đối với việc người sĩ, trong việc xử thế, việc giữ bản thân cho đúng thì dễ nhưng không phải chỉ bản thân mình mà làm cho mọi người trong thiên hạ giữ được đúng là công việc rất khó. Trong 2 điều đáng hổ thẹn cái nào quan trọng hơn, tự bản thân mình hiểu là được.

Bài 14.2 Tôn chỉ của Khổng học là thực hành đức nhân không phải là diệt bỏ lòng ham muốn. Đó là một điểm khác biệt lớn giữa Khổng học với Phật giáo và Lão giáo.

“Khắc, phạt, oán, dục, bất hành yên, khả dĩ vi nhân hĩ”. Tử viết:“Khả dĩ vi nan hĩ, nhân tắc ngô bất tri dã.”

克,伐,怨,欲,不行焉,可以為仁矣?子曰:可以為難矣,仁則吾不知也。

Dịch

(Hiến lại hỏi): “Hiếu thắng, khoe khoang, oán hận, tham dục, những việc đó không làm, thì có thể gọi là nhân được chứ?” Khổng tử đáp: “Như vậy là làm được những việc khó, còn nhân hay không thì ta chưa biết.”

Chú thích

  1. Câu đầu. Không làm các việc “khắc, phạt, oán, dục” là nội dung mà Nguyên Hiến mong muốn làm như vậy nên mới hỏi phu tử có nên hay không?

Mã thị (tức Mã Dung) giải thích “Khắc là việc thích thắng người khác. Phạt là tự mình hãnh diện thành tích, công lao của mình. Oán là để lòng tức giận vì một việc nhỏ gì đó. Dục là rất ham muốn.”

Chắc chắn bởi vì ông Hiến không có 4 điều này nên ông nghĩ là ông có đức nhân, có lẽ vì vậy mà ông hỏi phu tử việc này.

  • Câu cuối. Việc kiềm chế vững chắc không cho 4 thứ “khắc, phạt, oán, dục” phát sinh chắc chắn là việc con người khó làm được. Tuy nhiên, cách suy nghĩ cho rằng việc kiềm chế 4 thứ nói trên là đức nhân thì phu tử không biết. Đó là ý nghĩa của câu này.

Tôi (tức Jinsai) nghĩ rằng cái đức của việc yêu thương có ảnh hưởng lớn đến người người, không có 1 chút nào tàn nhẫn thì mới có thể gọi là có đức nhân. Chủ yếu của đức nhân không phải là không có 4 thứ “khắc, phạt, oán, dục”.

Giải thích

Tâm là 1 khối, 1 thể. Khi tinh thần ôn hòa, từ lương (từ ái và lương thiện) là có đức nhân. Khi tinh thần có khắc, phạt, oán, dục là bất nhân. Nhân hay bất nhân chẳng qua phụ thuộc vào việc tinh thần đặt trọng tâm ở đâu. Bởi vì người hiểu rõ đức là gì thì để hết tâm sức vào việc thực hiện đức nhân không chuyên tâm vào việc phòng ngừa làm việc xấu. Trái ngược với việc xem trọng đức nhân, lòng ham muốn (dục vọng) chỉ biết rõ “không có cái gì không yêu thích”(ý nói chỉ biết cái yêu thích ham muốn, không hề nghĩ đến cái đáng ghét, không yêu thích. Lòng ham muốn làm không thấy được.)

Người không hiểu cái gì là đức, họ chán ghét việc lòng ham muốn chiếm ngự tâm hồn họ nên họ kiềm chế lòng ham muốn, gắng sức giữ tâm hồn họ ở trạng thái chính đáng. Việc làm này có thể do việc không hiểu việc sau đây.

Một khi chúng ta tu dưỡng để bản thân có được đức, tự nhiên dục vọng sẽ bị đẩy lùi đi. Trong khi đó bởi vì không muốn dục vọng làm phiền toái mình nên cố gắng một cách vô lý để không còn lòng ham muốn, nếu không khéo chúng ta có thể cắt xén hoặc tiêu diệt làm mất hết lương tri, lương năng vốn đã được trời đã bẩm sinh cho, không hồi phục lại được lần thứ hai. Người học cần phải hiểu rõ điều quan trọng này. Cách suy nghĩ loại bỏ hết lòng ham muốn để giữ tâm hồn cho được bình an, yên tĩnh v.v…là học thuyết của hư vô, tịch diệt(tức Lão giáo và Phật giáo), không phải là chủ ý của Khổng học, học thuyết lấy việc thực hiện đức nhân làm tôn chỉ.

Nhận xét

  • Nội dung giải thích của Jinsai cho bài này rất quan trọng vì làm rõ điểm khác biệt chính yếu giữa Khổng học và Phật Lão.
  • Theo Ogyu Sorai, đức lớn quan trọng nhất của Khổng học là đức nhân và chủ yếu là “an dân”, nghĩa là tạo ra, cống hiến cho xã hội con người được sống an lành, hạnh phúc chớ không phải chỉ lòng yêu thương người khác. Đây là điểm khác biệt lớn nhất giữa cách hiểu của Sorai, Jinsai và Tống Nho về Khổng học. Đây cũng là điểm khác biệt lớn nhất giữa Khổng học và Phật Lão (bổ sung: 27/12/2024).

Ngày 19/8/2024

Bài 14.5 Người có đức nhân thì lời nói của họ thật có giá trị và họ thật là người dũng cảm nhưng không phải hễ nói giỏi và cho thấy dũng cảm là người thật sự có đức nhân.

Tử viết: “Hữu đức giả tất hữu ngôn, hữu ngôn giả bất tất hữu đức. Nhân giả tất hữu dũng, dũng giả bất tất hữu nhân.”

子曰:有德者必有言,有言者不必有德。仁者必有勇,勇者不必有仁。

Ghi chú:Trong sách của Nguyễn Hiến Lê, đây là Bài 14.4.

Dịch

Khổng tử nói: “Người có đức thì tất có lời nói hay, người có lời nói hay chưa hẳn đã có đức. Người nhân tất dũng cảm, người dũng cảm chưa hẳn đã có đức nhân.”

Giải thích

Chủ đề của bài này như sau: người có được đức chắc chắn nói những lời nói có nội dung cao cả; người có đức nhân nhất định là người có đức dũng.

Tôi (tức Jinsai) nghĩ rằng người có được đức không lấy vấn đề nói ra làm quan trọng, ngay cả khi không cần nói ra nhất định họ cũng đã có điều hoặc nội dung cao cả bên trong. Người có được đức nhân không phải lúc nào họ cũng cho người ngoài thấy sự dũng cảm của họ. Ngay cả khi không cần cho bên ngoài thấy, chắc chắn họ cũng chứa sự dũng cảm bên trong.

Những người bỏ công nói để tô điểm bên ngoài ra  vẻ tốt đẹp, tất cả  chưa hẳn  là người có đức. Những người chuyên cho thấy sự dũng cảm là người xử lý sự việc bằng nhiệt huyết trong một lúc. Những người như thế không phải ai cũng là người có đức dũng. Chúng ta cần phải biết cho rõ cái nào là lời nói dũng khí thật sự, cái nào là không phải, cái nào là quan trọng, cái nào không.

Bài 14.7 Người quân tử cũng có trường hợp bất nhân nhưng chưa từng có người tiểu nhân thành người có đức nhân.

Tử viết:“Quân tử nhi bất nhân giả hữu hĩ phù! Vị hữu tiểu nhân nhi nhân giả dã”.

Câu này trong ebook nguồn không có lời dịch.

子曰:君子而不仁者有矣夫!為有小人而仁者也!

Ghi chú:Trong sách của Nguyễn Hiến Lê, đây là Bài 14.6.

Dịch (của người dịch)

Khổng tử nói: Cũng có trường hợp người quân tử không phải là người có đức nhân nhưng chưa từng có trường hợp người tiểu nhân mà lại là người có đức nhân.

Chú thích

Sự bất nhân của người quân tử là dù có lòng yêu thương người nhưng không thực hành việc yêu thương người. (Chúng ta có thể thấy Khổng học rất xem trọng thực hành chứ không phải lý thuyết.)

Ý của bài này là có trường hợp của người quân tử nhưng lại bất nhân nhưng tuyệt đối không có việc người tiểu nhân mà có nhân đức.

Giải thích

Bài này nói ra vì cho rằng có trường hợp người tiểu nhân nhưng giả bộ như người có đức nhân. Đức nhân là tấm lòng tận sức với sự yêu thương. Không cần phải nói, người quân tử vốn phải là người có đức nhân. Tuy nhiên, bởi vì dù là một lần nếu làm tổn hại đến nhân luân (quan hệ xã hội của con người) hoặc làm trở ngại cho việc quản trị quốc gia thì không tránh được lỗi bất nhân.

Do lý do Tang Văn Trọng臧文仲phế bỏ 6 địa điểm kiểm tra để cho những kẻ vô luật pháp lộng hành, Tử Sản cho khắc pháp lệnh lên trên đỉnh bằng sắt mà Không tử đánh giá 2 người này là bất nhân. Người tiểu nhân không phải là họ không yêu thương người. Tuy nhiên, khi không đem lại lợi ích cho họ thì ngay cả cha mẹ hoặc anh em, họ cũng không hết lòng yêu thương và trả ơn thì nói gì đến người không quen thuộc. Đó là lý do nói “quân tử có lúc bất nhân nhưng người tiểu nhân chắc chắn bất nhân.

Nhận xét

Ghi chú: Người dịch viết Nhận xét dưới đây trước khi dịch phần Giải thích của Jinsai.

  • Bài này cho chúng ta thấy sự khác biệt giữa người có đức nhân và người quân tử, theo Khổng tử. Chúng ta có thể suy đoán đối với Khổng học, người có đức nhân được xem cao hơn người quân tử, bời vì người có được đức nhân có thể nói là bậc thánh nhân. Theo Bài 8.7 của Tăng tử thì người sĩ là người tiếp nhận đức nhân làm nhiệm vụ do đó người sĩ cũng là hạng người rất đáng tôn quý khi họ chưa hoàn thành xong nhiệm vụ. Một khi họ hoàn thành xong họ là bậc thánh nhân.
  • Chúng ta thường xem “tiểu nhân” là người hèn mọn, tàn ác, xấu xa nhưng nên lưu ý “tiểu nhân” không phải lúc nào cũng có nghĩa như vậy mà cũng có là người bình thường không có gì đặc biệt đáng khen. Thí dụ trong Bài 13.4 Khổng tử chê Phàn Trì, đệ tử của ông là “tiểu nhân” vì hỏi ông cách làm ruộng, làm vườn. Trong Bài 13.20, mặc dù là hạng người tiểu nhân nhưng cũng cho là bậc thứ 3 của người sĩ nếu là người “ngôn tất tín, hạnh tất quả” v.v…
  • Nói như Jinsai, tuyệt đối không có việc người tiểu nhân mà có nhân đức theo người dịch là quá đáng. Như đã trình bày ở Nhận xét (2), đối với người bình thường tuy rằng không phải luôn luôn nhưng cũng có lúc có hành động yêu thương, giúp đỡ người khốn khổ hoạn nạn. Có lẽ ý của bài này và của Jinsai là từ trước đến nay chưa có ai là người tiểu nhân mà đã trở thành người có được đức nhân. Hoặc ý của phu tử muốn nhấn mạnh là đức nhân rất khó có được, ngay cả người quân tử cũng  chưa hẳn  là người có đức nhân, còn phần sau về nói về tiểu nhân cốt để nhấn mạnh mà thôi. Bởi vì phu tử cũng đã từng giảng cho Nhan Hồi rằng nếu chúng ta muốn đức nhân thì đức nhân đến ngay với chúng ta, và phu tử cũng từng nói ai cũng có thể tu tập để có được đức nhân thì lẽ nào ở đây ông lại quả quyết người tiểu nhân tuyệt đối không thể thành người có đức nhân. Người dịch tin rằng bài này cần phải hiểu như thế.
  • Các nhận xét trên của người dịch là các nhận xét trước khi đọc tác phẩm Biện Đạo và Biện Danh của Ogyu Sorai. Sau khi đọc Sorai, người dịch biết mình chưa hiểu đúng ý nghĩa đức nhân cũng như mục đích của Khổng học nên các nhận xét trên không xác đáng! (27/12/2024)

Bài 14.17 Khổng tử công nhận Quản Trọng có đức nhân vì ông có công lao đem lại đời sống hòa bình, không chiến tranh cho Trung Quốc (Trả lời cho Tử Lộ).

Tử Lộ viết: “Hoàn Công sát công tử Củ, Triệu Hốt tử chi, Quản Trọng bất tử”. Viết: Vị nhân hồ?” Tử viết: “Hoàn Công cửu hợp chư hầu, bất dĩ binh xa, Quản Trọng chi lực dã. Như kỳ nhân, như kỳ nhân?”

子路曰:桓公殺公子糾,召忽死之,管仲不死。曰未仁乎。子曰:桓公九合諸侯,不以兵車,管仲之力也。如其仁!如其仁

Ghi chú:Trong sách của Nguyễn Hiến Lê, đây là Bài 14.16.

Dịch

Tử Lộ bảo: “(Tề) Hoàn Công giết công tử Củ, Thiệu Hốt chết theo công tử Củ, Quản Trọng thì không”. Rồi lại nói: “Như vậy Quản Trọng chưa đáng gọi là nhân chăng?” Khổng tử nói: “Hoàn Công chín lần họp chư hầu mà không phải dùng võ lực uy hiếp họ, đó là tài sức của Quản Trọng. Nhân đức của ông ấy ở đó, nhân đức của ông ấy ở đó.”

Ghi chú:Lưu ý giải thích ý nghĩa “cửu”của Jinsai (giống với Chu Hy) khác với Nguyễn Hiến Lê.

Chú thích

  1. “Tử Lộ viết…Vị nhân hồ?”. Tề Tương Công (tên là Chư Nhi, Hầu thứ 14 của nước Tề, TCN 698~TCN 686) sau khi được chức Hầu thì đi sai đường. Bảo Thúc Nha (phụ trách bảo vệ Hoàn Công) nói “Điện hạ cứ làm theo ý mình, nước sẽ sinh ra loạn” và bảo vệ công tử Tiểu Bạch (Hoàn Công, em của Tương Công) ra khỏi nước Tề sang tị nạn ở nước Cử (huyện Cử thuộc tỉnh Sơn Đông ngày nay). Anh em họ của Tương Công là Công Tôn Vô Tri giết chết Tương Công.

Quản Di Ngô (tức Quảng Trọng) và Triệu Hốt bảo vệ công tử Củ (em của Tương Công và là anh của Hoàn Công) qua tị nạn ở nước Lỗ. Bởi vì Công Tôn Vô Tri giết Tương Công nên sau đó người nước Tề dự định nhờ nước Lỗ đánh nước Tề đem Tử Củ về kinh đô lên ngôi. Tuy nhiên, Tiểu Bạch về kinh đô trước và lên ngôi, đó là Hoàn Công. Do đó, Hoàn Công giết chết Tử Củ. Triệu Hốt đã chết chung với Tử Củ nhưng Quản Trọng để bị bắt giam chứ không chết theo. Sau đó Quản Trọng xin Bảo Thúc tha và Bảo Thúc chấp nhận tấu lên với Hoàn Công và để cho Quản Trọng làm quan lớn.(Bảo Thúc và Quản Trọng là bạn hữu từ lúc nhỏ nên Bảo Thúc biết rõ tài năng của Quản Trọng).

  • “Tử viết…như kỳ nhân”. Trong Xuân Thu Truyện (chương Hy Công Nhị Thập Lục Niên sách Tả Thị Truyện) viết chữ Cửu九là chữ Củ糾, có nghĩa đốc督quản lý hết tất cả. Vào lúc đương thời, khi chư hầu hội họp có 2 loại: họp binh xa (cho thấy uy lực binh sĩ nhưng không chiến đấu), họp y thường (mặc lễ phục, cử hành trong không khí hòa bình). Hình thức họp y thường, bởi vì đối với loại hội họp này, chư hầu tụ họp lại không phải do uy lực (nghĩa là do đức) nên không cần phô trương sức mạnh quân sự, “Bất dĩ binh xa”là chỉ loại họp y thường. “Như kỳ nhân” ý nói không có ai có đức nhân bằng Quản Trọng.

Giải thích

Khi Tử Củ gặp nạn, Quản Trọng không chết cùng mà kết cuộc là phục vụ cho Hoàn Công và phụ tá cho ông. Do đó, Tử Lộ nghĩ rằng phải chăng Quản Trọng là con người bất nhân. Tuy nhiên, thái độ của Quản Trọng đối với Tử Củ không phải là có 2 lòng mà bỏ đi để theo Hoàn Công để lập công. Bởi vì Quản Trọng đã 1 lần bắn trúng đai áo bằng kim loại của Hoàn Công nên ông đã làm tròn việc mà ông cần làm đối với Tử Củ. Sau khi làm tròn bổn phận này, ông không tránh né lời phê phán rằng ông tiếc mạng sống, để rồi phụ tá cho Hoàn Công để chỉnh đốn thiên hạ. Do đó, phu tử không nói đến việc Quản Trọng nên chết hay không nên chết mà chỉ nêu ra công lao ông đã thống suất được chư hầu, và ca ngợi đức nhân này.

Tại sao như vậy? Bởi vì lợi ích và ơn huệ của việc tu tập và sử dụng vương pháp (nguyên lý làm chính trị bằng đức của các vị thánh vương) để kéo phong tục về hướng đúng, ảnh hưởng xa khắp thiên hạ và cả các đời về sau nên cái đức thật là cái đức vô cùng to lớn, vĩ đại. Do đó, phu tử mới lập đi lập lại “Như kỳ nhân, như kỳ nhân?” (Có đức nhân nào bằng đức nhân đó, có đức nhân nào bằng đức nhân đó?)

Tôi (Jinsai) nghĩ rằng đức nhân là loại đức rất quan trọng. Nếu là người dù chỉ trong giây lát quên đi lòng yêu thương đối với người khác thì dĩ nhiên không thể gọi là có đức nhân. Tuy nhiên, nếu như có công lao cứu xã hội ra khỏi khó khăn, làm cho nhân dân được sống an vui, đem lại ân huệ khắp mọi nơi trong thiên hạ cho đến các đời sau thì tác dụng của công việc đó  có thể gọi là đức nhân. Nếu như Bá Di, Y Doãn, Liễu Hạ Huệ làm quân chủ của lãnh thổ có diện tích trăm dặm vuông thì các chư hầu sẽ vui vẻ đến chào hỏi, quốc gia sẽ được quản trị bình yên. Đó là lý do Mạnh tử nói tất cả những nhân vật trên là người có đức nhân. Từ cách nhìn này mà đối với các đệ tử ưu tú của ông, phu tử vẫn không công nhận họ là người có đức nhân, ngược lại đó chính là lý do mà phu tử đã công nhận Quản Trọng có được đức nhân.

Nhận xét

  • Nội dung bài này có ý nghĩa rất quan trọng bởi vì cho chúng ta thấy Khổng học rất thực tế chứ không phải chỉ có lý luận suông hoặc xem trọng đạo đức cá nhân. Đạo đức cá nhân chỉ là phương pháp giúp con người có hoạt động đem lại lợi ích lớn cho xã hội. Khổng học đánh giá giá trị con người có đức nhân, một mức độ đánh giá tối cao của Khổng học là có đem lại lợi ích cho xã hội con người sống hòa bình an lạc hay không chứ không phải như mọi người thường hiểu lầm là “trung thần không thờ 2 chúa”, v.v…

Ngoài ra, chúng ta có thể thấy Khổng học không xem việc “trung thần không thờ 2 chúa” là quan trọng bởi vì Tử Lộ không hỏi phải chăng Quản Trọng không phải là trung thần, mà hỏi chưa có đức nhân. Không phải chỉ có Tử Lộ mà trong Bài 14.18, Tử Cống cũng như vậy. Người dịch không hiểu nội dung Luận Ngữ rõ ràng như vậy mà tại sao lại có sự hiểu sai như trên? Do đâu? Một vấn đề quan trọng cần tìm hiểu để tránh những sai lầm tai hại tương tự.

  • Trong tiết mục “nhân” trong tác phẩm Biện Danh, Sorai phê phán Jinsai không hiểu rõ ý nghĩa của đức nhân là “an dân” mà cho rằng Jinsai chỉ hiểu đức nhân là lòng từ ái, yêu thương người khác. Tuy nhiên qua nội dung Giải thích trên của Jinsai cho thấy Jinsai cũng hiểu ý nghĩa “an dân” của đức nhân nhưng không  triệt để bằng Sorai. (27/12/2024)

Bài 14.18 Khổng tử công nhận Quản Trọng có đức nhân vì nhờ ông mà Trung Quốc không bị đồng hóa thành nước không văn minh (Trả lời cho Tử Cống).

Tử Cống viết: “Quản Trọng phi nhân giả dư? Hoàn Công sát công tử Củ, bất năng tử, hựu tướng chi?” Tử viết: “Quản Trọng tướng Hoàn Công, bá chư hầu, nhất khuông thiên hạ, dân đáo vu kim thụ kỳ tứ. Vi Quản Trọng, ngô kì bí phát, tả nhẫm hỹ. Khởi nhược thất phu, thất phụ chi vi lượng dã, tự kinh ư câu độc nhi mạc chi tri dã?”

子貢曰:管仲非仁者與?桓公殺公子糾,不能死,又相之。子曰:管仲相桓公,霸諸侯,一匡天下,民到于今受其賜;微管仲,吾其被髮左衽矣!豈若匹夫匹婦之為諒也,自經於溝瀆,而莫之知也

Ghi chú:Trong sách của Nguyễn Hiến Lê, đây là Bài 14.17.

Dịch

Tử Cống bảo: “Quản Trọng không phải là người nhân chăng? Hoàn Công giết công tử Củ, Quản Trọng không chết theo mà còn làm tướng quốc cho Hoàn Công”. Khổng tử nói: “Quản Trọng giúp Hoàn Công, khiến Hoàn Công làm bá (lãnh tụ) các chư hầu, thiên hạ quy về một mối, nhân dân đến nay còn mang ơn ông. Nếu không có ông thì chúng ta ngày nay phải gióc tóc, mặc áo có vạt bên trái (như Di, Địch) rồi. Ông há phải như bọn thất phu, thất phụ tầm thường, tự treo cổ nơi ngòi, rảnh mà chẳng ai biết tới ư?”

Chú thích

  1. “Tử Cống viết…hựu tướng chi?” Bởi vì Quản Trọng không chết cùng Tử Củ nên không thể gọi là có đức nhân. Hơn nữa, sau đó lại phụ tá cho Hoàn Công, nên Tử Cống nghĩ Quản Trọng là có thể nỡ lòng đối với điều khó nỡ lòng nên càng nghi ngờ ông ta là người không đó đức nhân.
  2. “Tử viết…tả nhẫm hỹ.”“Khuông” là chỉnh sửa lại cho đúng. Tôn trọng vương thất nhà Chu, dẹp đuổi dân dã man đều là cách chỉnh sửa thiên hạ lại cho đúng. “Thụ ký tứ” là nói việc không bị đồng hóa theo phong tục của dân dã man, vẫn còn giữ được đạo nghĩa giữa vua và quan chức, giữa cha mẹ và con cái như trước. “Vi” là không có. “Nhẫm” (Hán Việt Tự Điển của Thiều Chửu phiên âm là “câm” và sách Lý Mạnh Tiến viết là “nhậm”) là vạt áo. “Bí phát tả nhẫm” (để tóc rối loạn, mặc áo có vạt bên trái) là phong tục của dân dã man.
  3. “Khởi nhược….mạc chi tri dã?” “Lượng” là giữ điều tin nhỏ. Ý nói chẳng lẽ nên cố chấp giữ điều tin cậy nhỏ của hạng người bình thường mà cấm đầu vào cống rãnh chết để rồi không ai biết đến sao.

Giải thích

Trời không phải ngẫu nhiên mà sinh ra hạng người hào kiệt. Nếu không phải là nhiệm vụ chính mình phải đảm đương thì không thể nào không tiếc rẽ mạng sống của mình. Ở thời Xuân Thu, khổ đau của dân chúng đã đến mức cùng tận. Lúc đó chính nhờ có nhân vật như Quản Trọng mà dân Trung Quốc mới tiếp tục tồn tại. Nếu không có nhân vật Quản Trọng thì dân tộc này đã phải trở thành giống như dân dã man. Chính Quản Trọng là nhân vật không thiếu để giải quyết vấn đề tồn tại của dân tộc. Quản Trọng không nghĩ đến cái chết là có lẽ bởi vì trong lòng ông đã có điều muốn thực hiện. Do đó phu tử nói “Chẳng lẽ Quản Trọng nên cố chấp giữ điều tin cậy nhỏ của hạng người bình thường mà cấm đầu vào cống rãnh chết để rồi không ai biết đến sao.”

Bàn thêm

Tra cứu các sách Quản Tử (thiên Đại Khuông), Trang Chu (thiên Đạo Chích sách Trang Tử), Tuân Khanh (thiên Trọng Ni sách Tuân Tử), Hàn Phi (thiên Thuyết Lâm hạ sách Hàn Phi Tử), Việt Tuyệt Thư (Ngô Nội Truyện) đều thấy tất cả viết Tử Củ là anh và Hoàn Công là em. Lập trường của Hoàn Công đối với Tử Củ là em giết chết anh nên việc phạm đức nghĩa rất to lớn. Như vậy Quản Trọng không thể chạy tránh tội là cùng bè bạn với người bất nghĩa. Thế tại sao phu tử công nhận công lao của Quản Trọng nhưng không hề đề cập đến việc sai lầm là đã không chết cùng với Tử Củ? Tôi nghĩ rằng sách Xuân Thu giải thích về đức nghĩa (luân lý về quan hệ người và người): thân phận của người con được định đoạt bởi thân phận sang hèn của người mẹ. Do đó việc phân biệt giữa con của vợ cả hay con của vợ thứ rất nghiêm ngặt, đối với con cái của vợ thứ thì không có luận bàn về luân lý anh em (Jinsai cho rằng Tử Củ là con của vợ thứ). Hơn nữa, Quản Trọng đã hết lòng với Tử Củ. Lại thêm không được may, đã tận hết sức nhưng bị bắt giữ ở nước Lỗ. Sau đó không tránh được việc chán ghét của người đời do ông phục vụ cho thù địch,và đã phụ tá giúp Hoàn Công hoàn thành đại nghiệp. Đó là lý do phu tử đã không nêu ra khuyết điểm của Quản Trọng.

Nhận xét

  • Người dịch nghĩ Jinsai đã ca tụng Quản Trọng quá đáng trong phần Giải thích bởi vì nếu Quản Trọng là người như Jinsai nói thì không phạm lỗi quá phận như phu tử đã nói đánh giá trong Bài 3.22 (khí lượng nhỏ nhen, không biết tiết kiệm, không biết và không giữ lễ). Phu tử công nhận Quản Trọng có đức nhân là bởi vì ông đã có công lao đem lại cuộc sống hòa bình và an vui cho mọi người vào thời đại đó chứ  chưa hẳn  như Jinsai đã ca tụng.
  • Đối với giải thích bài này của Chu Hy và Jinsai, trong Luận Ngữ Trưng đại ý nội dung bình phẩm của Ogyu Sorai như sau:

“Khổng tử đánh giá Quản Trọng là vì ông có đức nhân. Lời của Trình tử mà Chu Hy trích dẫn cho rằng Hoàn Công là anh và Tử Củ là em, là sai. Tử Củ là anh và Hoàn Công là em. Tuy nhiên, việc này không liên quan đến việc đánh giá Quản Trọng.

Jinsai cho rằng trường hợp không phải là con của vợ chánh thì ai là anh không liên quan đến việc lên nối ngôi. Ngay cả hạng dân ở thôn quê cũng có vấn đề của trật tự trưởng ấu nên giải thích của Jinsai là cưỡng ép. Khổng tử không cho Hoàn Công có đức nhân, điều này cho thấy là Hoàn Công có tội. Tuy nhiên, đối với Quản Trọng, nếu ông không gặp được Hoàn Công thì không thể cứu thế an dân. Do đó, không nên trách Quản Trọng.

Trong bài trước Jinsai nói Quản Trọng không có giây phút nào quên lòng từ ái nên nói là có đức nhân. Việc này là tâm học chịu ảnh hưởng của sách Mạnh Tử. Chính do đức lớn cứu dân được sống yên vui mới là đức nhân.”

Theo người dịch nội dung nhận xét của Sorai đáng tham khảo.

Bài 14.30 Mục tiêu của việc học tập của người quân tử là không còn lo lắng (đức nhân), không còn nghi ngờ (đức trí), không còn sợ (đức dũng).

Tử viết: “Quân tử đạo giả tam, ngã vô năng yên: nhân giả bất ưu, trí giả bất hoặc, dũng giả bất cụ”. Tử Cống viết:“Phu tử tự đạo dã.”

子曰:君子道者三,我無能焉:仁者不憂,知者不惑,勇者不懼。子貢曰:夫子自道也!

Ghi chú:Trong sách của Nguyễn Hiến Lê, đây là Bài 14.28.

Dịch

Khổng tử nói: “Đạo người quân tử gồm có ba mà ta chưa làm được: người nhân không lo buồn, người trí không nghi hoặc, người dũng không sợ hãi”. Tử Cống nói: “Thầy tự nói khiêm như vậy đấy. (Thầy nói về thầy đấy).”

子曰:君子道者三,我無能焉:仁者不憂,知者不惑,勇者不懼。子貢曰:夫子自道也!

Ghi chú:Trong sách của Nguyễn Hiến Lê, đây là Bài 14.28.

Chú thích

1)“Tử viết …bất cụ”. “Quân tử đạo” là tiêu chuẩn mà người quân tử căn cứ vào đó để hành động. “Không lo”, “không nghi ngờ”, “không sợ” là mục tiêu quan trọng để đào sâu việc học, thành tựu các thứ đức như nhân, nghĩa, lễ, trí chứ không phải 3 điều nói trên. Phu tử trách mình không chưa có được, để làm rõ việc đạo rất rộng lớn vô biên, và để khích lệ mọi người nên cố gắng học tập.

2) “Tử Cống…tự đạo dã.” Câu này nói về đạo. Câu này ghi lại lời của Tử Cống, để cho thấy phu tử thật sự là bậc thánh nhân.

Ý của bài này là, đạo quân tử mà phu tử nói chính là thứ đạo mà phu tử có được ở con người của phu tử.

Giải thích

Bài này nêu ra các mục tiêu quan trọng để người quân tử thành tựu (có được) đức, mục đích là khuyến khích những người học nên xúc tiến thực hành. Trong đó lời phu tử nói “ngã vô năng yên” (ta chưa làm được) là lời có vẽ khiêm tốn nhưng thật ra cái gọi là đạo vốn càng đi càng thấy không có giới hạn, bởi vì trí tuệ của thánh nhân (tức của phu tử) càng theo học thì càng ngày càng thấy to lớn hơn.Bởi vì Tử Cống biết rõ điều này nên mới thốt ra “Đó chính là đạo của phu tử” (cụ Lê dịch“Thầy tự nói khiêm như vậy đấy”nghe văn chương nhưng có thể làm người đọc không rõ nghĩa!). Ý của lời này giống như câu “Phu tử đã là bậc thánh nhân rồi” (“Phu tử ký thánh hỹ”, Bài 2 chương 3 Công Tôn Sửu thượng, cũng của Tử Cống.)

Nguyễn Sơn Hùng, tu bổ ngày 27/12/2024


Xem thêm cùng tác giả: Những bài viết và dịch của Nguyễn Sơn Hùng

Tài liệu tham khảo

  1. Kaitsuka Shigeki (1983): Itô Jinsai, Danh Tác của Nhật Bản 13, Chuokouronsha
  2. Itô Jinsai: Luận Ngữ Cổ Nghĩa (nguyên văn)
  3. Ogyu Sorai: Luận Ngữ Trưng, Ogawa Tamaki dịch chú (1994), Heibonsha.
DIỂN ĐÀB KHAI PHÓNG

 Mời Xem Lại :TÌM HIỂU Ý NGHĨA ĐỨC NHÂN TRONG LUẬN NGỮ CỔ NGHĨA 

CỦA ITÔ JINSAI (Bài 8)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét