17 thg 4, 2016

Có 18 đời vua Hùng, vậy 10/3 là giỗ vị vua nào? Không phải ai cũng biết


By Inspired Staff

Chúng ta hãy thử lội ngược dòng lịch sử để tìm hiểu kĩ hơn về sự kiện trọng đại này nhé!

Trong dân gian Việt Nam có câu lục bát lưu truyền từ xa xưa tới nay:
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”
Dỗ tổ Hùng Vương. (Ảnh: internet)
Dỗ tổ Hùng Vương. (Ảnh: internet)
Tuy vậy, không phải tất cả mọi người đều biết ngày giỗ tổ Hùng Vương được ấn định và bắt đầu từ cách đây hơn 100 năm.
Ngược dòng lịch sử
Theo truyền thuyết thì Lạc Long Quân Âu Cơ được xem như là Thủy Tổ người Việt, cha mẹ của các vua Hùng. Lễ hội diễn ra vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch tại Đền Hùng, Việt Trì, Phú Thọ.
Tuy nhiên, lễ hội thực chất đã diễn ra từ hàng tuần trước đó với những phong tục như đâm đuống (đánh trống đồng) của dân tộc Mường, hành hương tưởng niệm các vua Hùng và kết thúc vào ngày 10 tháng 3 âm lịch với Lễ rước kiệu và dâng hương trên Đền Thượng.
(Ảnh: tgvn)
Lễ rước kiệu và dâng hương trên Đền Thượng. (Ảnh: tgvn)
Theo bản ngọc phả viết thời Trần, năm 1470 đời vua Lê Thánh Tông và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, nói rằng: “…Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà , nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất sưu thuế từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi…
Như vậy, có thể hiểu từ thời Hậu Lê trở về trước các triều đại đều quản lí Đền Hùng theo cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái. Bù lại họ được miễn nộp thuế 500 mẫu ruộng, miễn đóng sưu, miễn đi phu đi lính.
Tại sao lại là 10/3?
Thế liệu ngày 10/3 có phải là ngày mất của tất cả các vị vua Hùng? Đương nhiên là không thể nào.
(Ảnh: internet)
(Ảnh: internet)
Trước đây, người dân không có tục đi lễ vào ngày 10/3, họ thường tự chọn ngày tốt theo bản mệnh của từng người và nô nức đến lễ bái các vua Hùng suốt năm. Thời điểm đông nhất thường rơi vào các tháng xuân – thu chứ không định rõ ngày nào.
Lễ cúng Tổ ở địa phương thì lại được cử hành vào ngày 12/3 âm lịch kết hợp với thờ Thổ kỳ.
Thường khi con cháu ở xa về sẽ làm giỗ trước một ngày chứ không mở hội lớn với quy mô toàn quốc.
Như vậy thời gian lễ bái thường kéo dài liên miên, vừa tốn kém tiền của lại không bày tỏ được rõ lòng thành kính, không tập hợp được lòng dân.
(Ảnh: blogtinnhanh)
Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc đã trình bộ Lễ định ngày mùng Mười tháng Ba âm lịch hàng năm làm ngày Quốc tế . (Ảnh: blogtinnhanh)
Nhận thấy điều này, đến đời nhà Nguyễn vào năm Khải Định thứ 2 (1917), Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc đã trình bộ Lễ định ngày mùng Mười tháng Ba âm lịch hàng năm làm ngày Quốc tế (Quốc lễ, Quốc giỗ).
Điều này được tấm bia Hùng Vương từ khảo do Tham tri Bùi Ngọc Hoàn, Tuần phủ tỉnh Phú Thọ, lập năm Bảo Đại thứ 15 (1940) cũng đang đặt ở Đền Thượng trên núi Hùng, xác nhận: “Trước đây, ngày Quốc tế lấy vào mùa thu làm định kì. Đến năm Khải Định thứ hai (dương lịch là năm 1917), Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc có công văn xin bộ Lễ ấn định ngày mồng Mười tháng Ba hằng năm làm ngày Quốc tế, tức trước ngày giỗ tổ Hùng Vương đời thứ 18 một ngày. Còn ngày giỗ (11 tháng Ba) do dân sở tại làm lễ”.
Kể từ đây, ngày giỗ tổ Hùng Vương 10 tháng 3 âm lịch hàng năm được chính thức hóa bằng luật pháp.
Giỗ tổ Hùng Vương: nhưng cụ thể là giỗ ai?
(Ảnh: vietnamplus)
Tượng Vua Hùng ở Gia Lai. (Ảnh: vietnamplus)
Rõ ràng giỗ tổ Hùng Vương chỉ có một ngày, nhưng có đến 18 đời vua Hùng, vậy 10/3 là giỗ vua nào? Đây là một câu hỏi nhiều người vẫn đang thắc mắc.
Đầu tiên phải nói đến nguồn gốc của dân tộc Việt Nam. Truyền thuyết kể rằng Kinh Dương Vương lấy Long Nữ sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân sau đó kết duyên cùng Âu Cơ sinh ra Hùng Vương.
Hùng Vương như vậy là cháu đích tôn của Kinh Dương Vương, là niên hiệu được dùng cho hàng chục triều vua tiếp sau đó. Giỗ tổ vì vậy theo logic thì phải là giỗ tổ Kinh Dương Vương, để tưởng nhớ vị Tổ phụ đã khai sinh ra đất nước?
(Ảnhh: cadaotucngu)
10/3 có phải là ngày giỗ tổ Kinh Dương Vương? (Ảnhh: cadaotucngu)
Trên thực tế theo một số tài liệu lịch sử ghi lại, ngày giỗ tổ đã có từ cách đây 2.000 năm. Dưới thời Thục Phán – An Dương Vương, cột đá thề đã được dựng trên núi Nghĩa Lĩnh, ghi rõ: “Nguyện có đất trời lồng lộng chứng giám, nước Nam được trường tồn lưu ở miếu Tổ Hùng Vương, xin đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và gìn giữ giang sơn mà Hùng Vương trao lại; nếu thất hẹn, sai thề sẽ bị gió giăng, búa dập“.
Các đời vua khác sau này cũng luôn ghi nhớ, khẳng định vai trò của thời đại các vua  Hùng đã xây dựng giang sơn. Chính vì thế mà hàng năm luôn để một ngày để tưởng nhớ những người đã xác lập và xây dựng lên đất nước – các vua Hùng nói chung.
Ý nghĩa của núi Hùng trong lễ hội đền Hùng?
Trong lễ hội Đền Hùng – Giỗ Tổ Hùng Vương thì Núi Hùng là ngọn núi cao nhất trong ba ngọn núi thuộc thôn Cổ Tích xã Hy Cương, tạo nên vùng đất thiêng “Tam Sơn cấm địa”, “Núi Cấm”, “Núi thiêng”… Đó là nơi người dân nơi đây đã thờ tự theo tín ngưỡng nguyên thủy trong buổi bình minh của lịch sử với tục thờ Thần Núi.
(Ảnh: qpdesign)
Vùng đất thiêng “Tam Sơn cấm địa”, “Núi Cấm”, “Núi thiêng”. (Ảnh: qpdesign)
Ba ngọn Tổ Sơn ở khu vực Đền Hùng đã được thần thánh hóa thành các vị Thần Núi, sau này còn có tên là “Đột ngột cao sơn” (Núi Nghĩa Lĩnh), “Ất Sơn…” (Núi Vặn) và “Viễn Sơn….” (Núi Nỏn).
Tuy là tên gọi của các đời sau, nhưng đó là phản xạ của những tên gọi thuộc tín ngưỡng cổ truyền mang tính chất nguyên thủy của thời sơ sử.
Thần Núi và tục thờ Thần Núi là lớp văn hóa tín ngưỡng ban đầu trên Núi Hùng (còn gọi là Núi Cả). Đó là một loại hành trình văn hóa tín ngưỡng đầu tiên thờ Thần tự Nhiên trong buổi đầu hình thành các tín ngưỡng dân gian của dân tộc Việt Nam.
Chính vì vậy, trước khi thờ tự các Vua Hùng là những người có công dựng nước, trên núi Nghĩa Lĩnh có đền thờ ‘Trời‘ theo tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước để cầu cho “mưa thuận gió hòa”, hóa giải cầu cho cây cối mùa màng quanh năm xanh tốt bội thu.
Vì vậy, ngôi đền Thượng trên núi Nghĩa Lĩnh có tên “Kính Thiên lĩnh điện” (Điện thờ Trời trên núi Nghĩa Lĩnh).
Làm giỗ tổ tại nhà?
(Ảnh: internet)
Hiện nay ở nước ta có đến hơn 1600 di tích thờ đền Hùng, ai ở gần những địa điểm đó thì có thể đến. (Ảnh: internet)
Điều đặc biệt mà rất ít người chú ý là việc giỗ tổ Hùng Vương vẫn có thể làm tại nhà. Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh, hiện nay ở nước ta có đến hơn 1600 di tích thờ đền Hùng, ai ở gần những địa điểm đó thì có thể đến.
Nếu không có điều kiện đi lễ thì mọi người cũng có thể làm cơm cúng tại nhà và thắp nhang lên bàn thờ gia tiên. Trước là nhớ đến tổ tiên, hướng về nguồn cội, sau là hướng đến ngày giỗ Quốc tổ. Đây cũng chính là điều đáng quý và đáng trân trọng trong nét văn hóa của dân tộc Việt Nam ta.
ÁNH TRĂNG Tổng Hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét