27 thg 5, 2014

Những bức ảnh chưa từng được công bố về VN cách nay 100 năm


Sau gần 120 năm được lưu giữ bởi những thành viên trong dòng tộc Rousseau, lần đầu tiên, gần 300 tư liệu ảnh được nhà Toàn quyền Armand Rousseau chụp lại trong thời gian ông thực hiện nhiệm vụ ở Đông Dương 
Vừa qua, khi bộ sưu tập ảnh 'Ký ức về Việt Nam 1895-1896' của nhà sưu tầm Armand Rousseau lần đầu tiên được giới thiệu tới công chúng, Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Lịch sử Việt Nam đã khẳng định, bên cạnh giá trị tương đối về nghệ thuật, bộ ảnh còn có giá trị tư liệu rất lớn, là nguồn sử liệu quý báu để nhận diện nước Việt Nam vào những năm cuối cùng của thế kỉ 19.
 Sau gần 120 năm được lưu giữ bởi những thành viên trong dòng tộc Rousseau, lần đầu tiên, gần 300 tư liệu ảnh được nhà Toàn quyền Armand Rousseau chụp lại trong thời gian ông thực hiện nhiệm vụ ở Đông Dương đã đến với đông đảo công chúng Việt Nam. Với rất nhiều địa danh như Hà Nội, Hạ Long, Hải Phòng, Tuyên Quang, Huế, Touranne (Đà Nẵng), Nha Trang, Phan Thiết, Sài Gòn - Chợ Lớn, Mỹ Tho, Tây Ninh, Bà Rịa - Cap Saint Jacques... chúng ta có cơ hội chiêm ngưỡng những sinh hoạt văn hóa cũng như đời sống cộng đồng của người An Nam bản xứ  giai đoạn cuối thế kỷ XIX trên khắp ba miền đất nước. 
a1.jpg
Kiến trúc Thành Hà Nội còn khá nguyên vẹn và công cuộc quy hoạch mới đang được triển khai thể hiện qua việc trồng cây xanh quanh khu vực Cột Cờ.

Qua các bức ảnh, độc giả bắt gặp những địa danh, thắng cảnh, sinh hoạt vùng miền trên những bước đường mà A.Rousseau đã đi khảo sát thực địa. Đó là Thành Hà Nội với những hình ảnh cuối cùng trước khi bị phá gần như toàn bộ kiến trúc, chỉ giữ lại duy nhất thành Cửa Bắc và Cột Cờ để quy hoạch lại theo quy thức một thành phố hiện đại phương Tây; phiên bản tượng Nữ thần Tự Do của nhà điêu khắc Pháp August Bertholdi trên nóc Tháp Rùa giữa Hồ Hoàn Kiếm; bức tượng đồng Thánh Trấn Vũ không ở vị trí kín đáo và lùi vào sâu như ngày nay. 

Chúng ta có thể quan sát thấy vào cuối thế kỷ XIX, người Pháp đã không phá bỏ những phố phường vốn có từ xa xưa của Thăng Long Hà Nội. Ở những mức độ khác nhau, họ đầu tư cải tạo hạ tầng nhưng vẫn giữ những yếu tố truyền thống. Phố Chợ Gạo vẫn giữ vẻ sơ sài trong việc mua bán gạo và các sản phẩm thôn quê; phố Hàng Mắm với đoàn người gánh các thùng gỗ đựng mắm từ bến sông vào các cửa hàng; phố Hàng Điếu rộng rãi, sang trọng hơn vì bán thức hút cho những khách là thị dân; phố Hàng Bông cho thấy nhà cửa bằng gạch khang trang hơn hẳn lại đang được chỉnh trang hạ tầng nhờ công sức của những người tù lao động khổ sai bằng việc kéo những chiếc lu lăn đường rất nặng...
 
Bên cạnh đó, chúng ta có cơ hội được thưởng lãm một Hà Nội mà dân gian gọi là Kẻ Chợ với các hoạt động mua bán sầm uất, với khu bán rau quả tại Chợ Đồng Xuân kéo dài ra gần sông Hồng, các bến bãi tre nứa được thả bè từ thượng du về xuôi, và có cả một Hà Nội của những người bán rong.
a2.jpg
Trước thời thuộc địa, Biên Hòa được coi là trung tâm của toàn bộ phương Nam

 
Ảnh chụp thời toàn quyền Rousseau cho thấy vai trò của giao thông đường thủy bằng những thuyền gỗ hay bè mảng truyền thống; vào mùa nước cạn, những chiếc cầu phao sẽ bổ sung  cho việc đi lại qua sông bằng những chiếc đò ngang. Và khác với cư dân người Âu, vào cuối thế kỷ XIX, người bản xứ vẫn duy trì các trò chơi mang tính dân gian hay bản địa vào những dịp lễ tết. Ở Hà Nội, dân chúng vẫn thích chơi trên những chiếc đu bằng tre hay dân Cần Thơ lại thi bơi thuyền trên sông nước. Trò múa Lân cũng rất được ưa chuộng, còn việc kết bè làm sân khấu trên mặt hồ Hoàn Kiếm hay các trò vui gắn với tài điều khiển voi cũng khá phổ biến. 

Vốn là phố của thợ vẽ và thợ làm trống, Jules Ferry - một đường phố phía Tây của Hồ Hoàn Kiếm, gần với Nhà Thờ Lớn mọc lên rất nhiều khách sạn, các tòa báo và cửa hàng. Một bức ảnh chụp từ phía bờ Nam của hồ nhìn về Nhà Thờ Lớn và  một bức khác chụp khách sạn Hà Nội với dãy xe kéo "pouspous" - thứ phương tiện giao thông chủ yếu trong thành phố đã thể hiện điều đó.
Các bức ảnh chụp Nhà thờ cho thấy, Thiên Chúa giáo có cơ hội phát triển vào cuối thế kỷ XIX khi nước Pháp xác lập được quyền lực ở thuộc địa. Kẻ Sở (Hà Nam) hay Phát Diệm (Ninh Bình) là những trung tâm lớn mà các kiến trúc hay các nghi thức hành lễ đều chứa đựng cả hai yếu tố: văn hóa catholique của châu Âu và văn hóa bản địa của dân tộc Việt. Thể hiện qua các chi tiết: những mái cong của phương Đông và những vòm Gothique của phương Tây, những chiếc lọng rất điển hình trong lễ rước.
a3.jpg
Bức ảnh "Mỹ Tho và những biến đổi"  

 
Chúng ta cũng bắt gặp rất nhiều lần hình ảnh của chiếc xe bò trong các tư liệu ảnh của A.Rousseau. Dường như phía Bắc Việt Nam thuở xa xưa không có loại xe có hai bánh xếp ngang. Bằng chứng là trên những đường cái quan, huyết mạch của quốc gia, đường xá rất hẹp phù hợp với việc gồng gánh hay sử dụng loại xe có một bánh phía trước (Kutkit). Giai đoạn này, người Pháp đã rất ưu tiên và chú trọng vào khai thác than ở Quảng Ninh. Những tấm ảnh đã nói lên sự đầu tư không nhỏ với những thiết bị mà vào thời điểm ấy có thể coi là hiện đại.
Một bức ảnh về Nam Giao ghi lại khoảnh khắc cuối thế kỉ 19 (năm 1895 hoặc 1896). Rõ ràng, khi xem ở đây, ta thấy người xưa ăn mặc như thế nào, các đoàn rước như thế nào…, cả về lễ hội và di tích được ghi lại ở thời điểm cuối thế kỉ 19, mà cho đến bây giờ, có những cái đã biến đổi, thậm chí không còn nữa. Và Sài Gòn năm 1895, cảnh vật trên sông chính là bến tàu của Hãng Messagerie Maritime, những chiếc tàu cỡ lỡn và những lá cờ tam tài của nước Pháp, với ngôi nhà sau này được định danh là "Nhà Rồng".
a4.jpg
Bức ảnh "Trà Vinh và văn hóa Khmer"

 
Trong quãng thời gian những bức ảnh được chụp, có thể khẳng định hoàn toàn không thấy dấu ấn của một "China Town" ở Chợ Lớn. Kiến trúc nhà cửa vẫn là của người phương Nam, giếng nước hình vuông là kế thừa của người Chăm. Những người Hoa ở Chợ Lớn với những phong tục của Nhà Thanh như róc tóc kết đuôi sam là lớp người di dân đến * muộn, và dường như lớp người di dân đầu tiên thuộc triều Minh đã hòa nhập với người Việt bản địa.
Như vậy, giá trị tư liệu của bộ ảnh này là vô cùng quý giá bởi nó gợi lại cả một giai đoạn lịch sử của dân tộc giai đoạn cuối thế kỷ XIX. Đó là những địa danh nổi tiếng, những tập quán sinh hoạt, những hoạt động cộng đồng của dân tộc ở thời kỳ cách đây gần 120 năm, từ đua ngựa, hòa nhạc ở Hà Nội tới khai thác than ở Quảng Ninh, từ kiến trúc lăng tẩm Huế tới kiến trúc thành miền thượng du Tuyên Quang, từ Thành Nam với Phủ Thiên Trường tới Sài Gòn - Chợ Lớn... Điều đó giúp chúng ta có thêm những phát hiện mới mới về lịch sử văn hóa dân tộc Việt Nam.
a6.jpg
Người An Nam xưa
a5.jpg
Trước năm 1899, Trà Vinh chưa phải là một tỉnh ở * mà chỉ là một tiểu khu thuộc tỉnh Vĩnh Long với cư dân người Việt chiếm số đông, nhưng cộng đồng người Khmer cư ngụ lâu hơn. Vì thế, các ngôi chùa theo phong cách của Phật giáo Tiểu thừa và những vị sư người Khmer với sắc áo màu sáng là rất đặc trưng trong đời sống tôn giáo tại đây.      
a7.jpg
Phố Chợ Gạo (Hà Nội) vẫn giữ vẻ sơ sài, phản ảnh những hoạt động mua bán gạo và các sản phẩm của thôn quê.
a9.jpg
Cư dân vùng bản địa
a10.jpg
Kiến trúc hiện đại của thành thị
a11.jpg
Vào cuối thế kỷ XIX, người bản xứ vẫn duy trì các trò chơi mang tính dân gian hay bản địa vào những dịp lễ, Tết. Ở Hà Nội, dân chúng vẫn thích chơi trên những chiếc đu bằng tre
a12.jpg
Một cuộc đua thuyền trên sông Cần Thơ
a14.jpg
Vào mùa nước cạn, những chiếc cầu phao sẽ bổ sung cho đi lại qua sông bằng những chiếc đò ngang.
a15.jpg
Đặc trưng của lối kiến trúc cổ là hình mái vòm
a16.jpg
Chùa Láng, ngôi chùa được xây dựng từ thế kỷ XVII
a17.jpg
Với người Pháp, Hồ Hoàn Kiếm được gọi ngắn gọn là Hồ Nhỏ (Petit Lac)
a18.jpg
Những chiếc xe 1 bánh (kutkit) rất phổ biến
a20.jpg
Thành phố ven sông
a23.jpg
Dân chúng chơi trên những cái đu kết bằng tre
a24.jpg
Phố Hàng Mắm với đoàn người gánh các thùng gỗ đựng mắm từ bến sông vào các cửa hàng
a25.jpg
Những con đường mới mở 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét