14 thg 5, 2014

1 truyện dịch từ tác giã Đài Loan của Trang Hạ


Đây là truyện ngắn của một tác giả người Đài Loan do Trang Hạ dịch. Trang Hạ là một tên tuổi không lạ gì trong giới văn chương Việt Nam trong nước hiện nay, là người từng gây chấn động với quyển truyện "Xin Lỗi Em Chỉ Là Con Đĩ" mà Trang Hạ dịch từ một tác phẩm Hoa ngữ của Tào Đình và quyển "Lỡ Tay Chạm Ngực Con Gái" dịch từ một tác phẩm Hoa ngữ khác của Đài Loan.
 nhà văn nữ/dịch giả Trang Hạ và 3 con

Ngày lễ của mẹ.....với cuộc đời tôi
Tôi sợ ngày Lễ của Mẹ, Mother's Day, từ khi tôi còn nhỏ, vì tôi chào đời chưa bao lâu đã bị mẹ tôi vứt bỏ.
Mỗi năm tới Mother's Day, tôi lại thấy ngại ngần. Trước và sau dịp Lễ của Mẹ, ti vi thường chỉ phát những ca khúc ca ngợi tình yêu thương của mẹ. Đài phát thanh cũng thế, có quảng cáo bánh quy đi chăng nữa, thì cũng cố lồng vào khúc nhạc ca ngợi tình mẹ, mà đối với tôi, mỗi khúc ca lại gợi nỗi buồn.
Tôi đầy tháng thì bị người ta bỏ rơi ở ga xe lửa Tân Trúc. Các bác cảnh sát trong đồn cạnh ga túm lại lo cho tôi. Những người đàn ông này tìm ra được một bà đang nuôi con bú, giá mà không tìm được bà, có phải tôi đã khóc tới mức phát bệnh không. Đợi tôi bú no rồi ngủ ngon lành, các bác cảnh sát này mới nhẹ nhàng ẵm tôi tới Trung tâm nuôi dưỡng trẻ Đức Lan ở thôn Bảo Sơn, huyện Tân Trúc (Đài Loan). Tôi được trao cho các bà sơ hay cười ở đó.
Tôi chưa từng gặp mặt mẹ tôi, hồi nhỏ tôi chỉ biết có các sơ nuôi tôi lớn. Mỗi tối, khi các anh các chị ngồi học bài, tôi chả có việc gì làm bèn túm lấy các sơ. Họ vào giáo đường đọc lễ tối, tôi cũng vào theo. Có lúc chui xuống gầm bàn lễ chơi đùa, có lúc làm mặt quỷ doạ các sơ đang hành lễ, thường xuyên nhất là tôi dựa vào một sơ nào đó ngủ gục, và bà sơ tốt bụng không đợi xong buổi lễ, khẽ bế tôi về đưa lên lầu đi ngủ. Tôi cứ cho rằng các bà sơ yêu tôi là bởi tôi giúp họ có cớ trốn sớm ra khỏi các buổi lễ.
Những đứa trẻ như tôi đều là con của những gia đình không may mắn, nhưng đa số họ đều còn gia đình. Tết đến, chú bác đều tới đón họ, chỉ có mỗi mình tôi, tôi không gia đình, nhà ở đâu tôi không biết.
[lecuame_01]
Cũng vì thế, các nữ tu đối xử với đứa trẻ vô thừa nhận như tôi rất tốt, họ không bao giờ để cho ai bắt nạt tôi. Tôi học giỏi, các sơ vẫn tìm thêm người đến tình nguyện dạy tôi thêm.
Bấm đốt ngón tay, đã rất nhiều người làm gia sư cho tôi, đều là những nghiên cứu sinh, thậm chí giáo viên đại học các trường Thanh Hoa, Giao Thông quanh vùng, cả các kiến trúc sư, nên tôi từ nhỏ cũng rất giỏi tiếng Anh.
Các nữ tu ép tôi học đàn, năm lớp bốn tôi đã chơi phong cầm trong nhà thờ. Tôi tham gia các cuộc thi hùng biện, được làm đại diện học sinh của trường, nhưng từ nhỏ tôi không muốn tham gia bất kỳ chương trình nào kỷ niệm ngày Lễ Của Mẹ.
Tôi yêu đàn, nhưng tôi kỵ phải chơi những bài hát tặng mẹ. Có những lúc tôi cũng nghĩ, mẹ mình là ai? Tôi đọc tiểu thuyết, tôi đoán tôi chính là một đứa con hoang. Cha tôi chơi bời chán thì bỏ rơi mẹ, và mẹ tôi còn quá trẻ chỉ còn biết mang tôi đi vứt bỏ.
Tôi đỗ vào cấp Ba trường Tân Trúc, rồi vào đại học, tôi đỗ khoa Xây Dựng của Đại học Thành Công (Đài Nam).
Thời sinh viên, tôi vừa học vừa làm. Đôi khi bà Tôn, người nữ tu nuôi tôi lớn cũng đến thăm tôi. Những cậu bạn cùng phòng thô lỗ của tôi vừa trông thấy bà đã vội trở nên lịch thiệp nhã nhặn. Rất nhiều bạn bè sau khi biết câu chuyện cuộc đời tôi đều an ủi, nói rằng, nhờ được các bà sơ nuôi dạy, tôi mới lịch lãm, bặt thiệp và giỏi giang như bây giờ. Ngày tốt nghiệp, bạn bè ai cũng có cha mẹ tới mừng. Tôi chỉ có một người thân duy nhất là bà sơ họ Tôn, chủ nhiệm khoa, vì thế đến chụp ảnh chung với bà.
Khi tôi đi lính nghĩa vụ, tôi tranh thủ về thăm trung tâm Đức Lan. Lần này bà Tôn bỗng đột ngột trở nên nghiêm trang, bà gọi tôi ra, lấy từ ngăn kéo một phong bì, bảo tôi hãy xem bên trong có gì.
Trong phong bì có hai chiếc vé. Bà Tôn cho tôi biết, khi cảnh sát ẵm tôi đến, trong áo tôi nhét hai tấm vé tàu này. Rõ ràng mẹ tôi đã dùng hai chiếc vé này để đi từ nhà tới ga Tân Trúc, một vé là đi từ phía Nam lên Bình Đông, tấm vé tàu còn lại là đi từ Bình Đông lên Tân Trúc. Đó là một tấm vé tàu chợ, tôi bỗng hiểu ra mẹ tôi là một phụ nữ nghèo.
Bà Tôn cho tôi biết, các bà sơ thường không thích đi dò hỏi tìm hiểu về gia cảnh những em bé sơ sinh bị vứt bỏ, vì thế họ cứ giữ hai tấm vé này, chờ bao giờ tôi lớn sẽ tính. Họ đã quan sát tôi rất lâu, cuối cùng kết luận tôi là người lý tính, đã có đủ năng lực để xử lý việc này. Họ đã từng đi qua thị trấn ấy, thấy nơi đó rất nhỏ, nếu thực lòng tôi muốn tìm người thân, có lẽ sẽ không khó khăn.
Tôi luôn mơ ước được gặp cha mẹ tôi một lần, nhưng giờ đây cầm hai tấm vé, tôi lại do dự. Giờ đây tôi đang sống rất tốt, có bằng đại học, có một cô người yêu sắp tính chuyện trăm năm, vì sao tôi lại phải đi ngược về quá khứ,đi tìm kiếm một quá khứ hoàn toàn xa lạ ? Hơn nữa tới tám chín phần là sẽ tìm được một sự thật không vui vẻ gì.
Bà Tôn ngược lại đã khích lệ tôi. Bà cho rằng tôi đã có một tiền đồ xán lạn, không lẽ nào để bí ẩn về cuộc đời tôi trở thành một bóng đen u tối phủ lên tâm hồn. Bà khuyên tôi nên chuẩn bị sẵn cho tình huống xấu nhất, cho dù phát hiện ra sự thật là những gì tồi tệ, cũng nên giữ lấy niềm tin vào bản thân mình trong cuộc đời phía trước.
Và tôi đã lên đường.
Đó là một thị trấn bé xíu trên vùng núi, tôi chưa từng nghe qua tên gọi. Từ Bình Đông còn phải ngồi ô tô hơn một tiếng mới tới. Dù là phương Nam nhưng vì đang mùa đông, nơi đây lạnh lẽo. Thị trấn đúng là rất nhỏ, chỉ có một con đường nhựa, một đôi cửa hàng tạp hoá, một đồn cảnh sát, một văn phòng của chính quyền thị trấn, một trường tiểu học, một trường trung học, ngoài ra không có gì nữa.
Tôi chạy đi chạy lại giữa đồn cảnh sát và văn phòng chính quyền. Rốt cuộc cũng tìm thấy hai thông tin có vẻ liên quan, một là dữ liệu của một đứa trẻ sơ sinh, một là thông tin gia đình báo mất tích con trai, thời gian mất tích là ngày thứ hai sau khi tôi bị bỏ rơi, đứa bé ra đời trước đó một tháng. Theo ghi chép của các sơ, khi tôi được phát hiện tại ga Tân Trúc, tôi cũng chỉ khoảng đầy tháng tuổi. Xem ra đây có vẻ là thông tin về tôi.
Vấn đề là : Bố tôi đã chết rồi, bố tôi qua đời sáu năm trước, mẹ tôi cũng chết cách đây mấy tháng. Tôi có một anh trai, anh đã bỏ thị trấn, không biết đi đâu.
Dù sao cũng là thị trấn nhỏ, ai cũng quen biết nhau. Một cảnh sát trong đồn bảo tôi, mẹ tôi làm nhân viên trong trường tiểu học, rồi ông dẫn tôi tới gặp hiệu trưởng.
Hiệu trưởng là một người đàn bà vô cùng nhiệt tình. Bà nói, đúng là mẹ tôi đã phục vụ lâu năm tại trường, là một người đàn bà vô cùng tốt bụng, còn bố tôi thì vô cùng lười biếng. Tất cả đàn ông trong thị trấn đều ra ngoài kiếm việc làm, bố tôi không chịu đi xa, chỉ quanh quẩn trong thị trấn làm thuê công nhật, mà thị trấn nhỏ lấy đâu ra việc mà thuê người làm, vì thế cả đời bố tôi chỉ ăn bám vào tiền mẹ tôi làm nhân viên tạp vụ. Vì không chịu làm việc, tâm trạng ủ rũ, ông đành mượn rượu giải sầu, say rồi có lúc đánh đập mẹ tôi, đánh anh tôi. Tỉnh rượu thì cũng hối hận đấy, nhưng thói xấu quen rồi, mẹ tôi và anh tôi khổ sở cả đời vì ông. Anh trai tôi lúc học lớp bảy đã phẫn chí bỏ nhà ra đi, từ đó không bao giờ quay trở lại đây.

Người đàn bà này rõ ràng có đẻ đứa con trai thứ hai, nhưng được một tháng tuổi thì đã mất tích bí ẩn.
Bà hiệu trưởng hỏi tôi mọi chuyện, tôi tình thực kể hết. Khi bà biết tôi được lớn lên trong một cô nhi viện ở miền Bắc, bà bỗng xúc động lấy từ ngăn kéo ra một phong bì. Đây là phong bì bà tìm thấy sau khi mẹ tôi mất, giấu dưới gối mẹ tôi. Bà cho rằng những thứ trong đó chắc chắn phải có ý nghĩa rất quan trọng, nên bà quyết định giữ lại, đợi người thân của mẹ tôi tới nhận.
Tôi run rẩy mở ra, thấy bên trong có rất nhiều vé tàu, từng tập vé tàu khứ hồi đi từ thị trấn miền Nam này tới Tân Trúc, tất cả được giữ gìn cẩn thận.
Bà hiệu trưởng cho tôi biết, nửa năm một lần mẹ tôi xin nghỉ đi miền Bắc thăm họ hàng, chả ai biết họ hàng nào, chỉ thấy mỗi khi về bà vui lắm. Cuối đời mẹ tôi theo đạo Phật, điều bà hạnh phúc nhất là đã quyên góp các tín đồ Phật giáo được một triệu Đài tệ để tặng cho cô nhi viện của đạo Thiên Chúa. Ngày trao tiền bà cũng đích thân đi.
Tôi nhớ lại, có lần một chiếc xe bus lớn đưa một đoàn thiện nam tín nữ từ phía Nam lên cô nhi viện. Họ trao tấm séc trị giá một triệu Đài tệ, quyên góp cho Trung tâm Đức Lan chúng tôi. Các bà sơ cảm động vô cùng, bắt tất cả bọn trẻ mồ côi phải đứng vào chụp ảnh kỷ niệm, tôi đang đánh bóng rổ cũng bị gọi vào chụp với mọi người một tấm ảnh. Giờ đây tôi bỗng dưng tìm thấy tấm ảnh ấy trong chiếc phong bì của mẹ. Tôi hỏi mọi người mẹ tôi là ai, họ chỉ vào người đứng cách tôi không xa.
Nhưng làm tôi cảm động hơn là cuốn sổ lưu niệm ngày tốt nghiệp của lớp tôi, có một trang được photocopy lưu lại trong phong bì này. Đó là trang chúng tôi đội mũ áo tốt nghiệp, có hình tôi ở trong đó.
Mẹ tôi, người mẹ đã vứt bỏ tôi, đã vẫn cứ đến thăm tôi, thậm chí có thể bà đã từng tham dự lễ tốt nghiệp của tôi.
Giọng hiệu trưởng nhẹ nhàng: " Anh nên cảm ơn mẹ anh, bà đã vứt bỏ anh, là để anh được sống một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nếu anh vẫn ở đây, cùng lắm là hết phổ thông anh lên thành phố làm thuê, ở đây hầu như rất ít người đỗ được vào Trung học. Mà nếu không may, không chịu nổi đòn roi của người cha, biết đâu anh cũng đã sớm bỏ nhà đi phiêu bạt như người anh trai, ra đi mãi mãi chả biết lưu lạc phương nào nữa."
Những giáo viên khác trong trường cũng đến, đều chúc mừng tôi đã tốt nghiệp đại học Quốc lập. Họ nói thị trấn này từ xưa tới nay chưa từng có học sinh nào thi đỗ được vào trường đại học Quốc lập.
Tôi bỗng nhiên rưng rưng, tôi hỏi bà hiệu trưởng ở đây có cây đàn nào không. Bà nói, có đàn piano nhưng không tốt lắm, chỉ có đàn phong cầm thì mới mua.
Tôi mở nắp cây đàn, tôi hướng ra vừng mặt trời mùa đông ngoài cửa sổ, tôi chơi bản nhạc dành tặng mẹ trong những dịp Lễ Của Mẹ. Tôi muốn mọi người biết rằng, tôi tuy là một đứa trẻ mồ côi lớn lên trong trại mồ côi, nhưng tôi không mồ côi, vì tôi có những bà sơ tốt bụng nuôi dưỡng tôi như mẹ, vì tôi có một người mẹ đẻ ra tôi luôn thương tôi. Bà quyết đoán và bà hy sinh để tôi có môi trường tốt lớn lên, để tôi có tiền đồ sáng sủa.
Những thầy cô trong trường hát theo tôi. Tiếng đàn lan toả trong không trung, trong thị trấn vùng núi lạnh lẽo, trong ánh mặt trời chiều. Những cư dân trong thị trấn nhất định sẽ ngạc nhiên hỏi, vì sao hôm nay lại có giai điệu ngợi ca người mẹ?
Vì hôm nay với tôi là ngày Lễ Của Mẹ. Chiếc phong bì đựng những tấm vé tàu cũ này làm tôi từ hôm nay không còn là một đứa trẻ mồ côi sợ hãi ngày Lễ Của Mẹ nữa.
Theo tác giả Cohangxom Cali - Ngày 11/03/2014


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét