14 thg 1, 2014

Những chiếc bóng - Trà Đóa

Mời các bạn xem truyện ngắn nầy, đã được đăng trong  trang " Tạp chi Da màu"'
Thật  đặc  biệt...


những chiếc bóng
Có đôi lần tôi thử cố nhớ lại mình đã thật sự lớn khi nào. Tôi muốn biết liệu có một thời điểm mong manh mà ở đó, phía bên này là sự ngây thơ, còn bên kia là tâm trí của một kẻ vừa mới nhận chân được gương mặt cuộc sống. Khi ấy, giống như anh chàng đứng ngắm bóng mình trong hồ nuôi cá cảnh và tưởng tượng những con cá đang bơi sau lớp kính là tuổi thơ của mình, còn đám rong rêu cùng hòn non bộ kia là khung trời mộng mơ mà anh ta đã đắm chìm vào và lầm tưởng đó là thế giới đích thực.
Nhưng có vẻ gì đó như một sự đốn ngộ, một ánh chớp loé lên và chẳng để lại gì. Một ánh chớp loé lên và cái thế giới cũ vụt tan biến. Không biết có bao người may mắn nhớ rõ được thời điểm toả sáng ấy trong cuộc đời. Phải chăng, trong phần lớn những cuộc đời khác, nó thường trôi qua lặng lẽ và không để lại một dấu ấn nào – đó là một cuộc chuyển hoá chậm, dày và chẳng thể nhớ gì về nó. Nhưng tôi lại mơ hồ cảm nhận rằng nếu có đủ thời gian và sự tĩnh tâm để rà xét, có khi ta sẽ lần ra khoảnh khắc ý nghĩa ấy. Nó giống như chuyện thuở nhỏ khi tôi lần mò trong đêm tối để tìm viên bi bị rơi, tôi biết chắc nó đang nằm ở một xó xỉnh nào đó, chỉ cần tay tôi vươn tới tôi sẽ bắt được…
Đó là một thời đói triền miên, đói từ làng trên đến xóm dưới. Mọi thứ đều trông tiêu điều, người sống lặng lẽ như những chiếc bóng lẩn khuất sau luỹ tre hay lang thang trên cánh đồng. Những năm ấy, tôi đâu khoảng hơn mười tuổi, cao lêu nghêu, da đen nhẻm và tóc xơ xác như rễ tre. Tôi hay lang thang một mình, lúc trên rừng, khi ngoài đống nhưng thường nhất là lặn dưới sông. Tôi không biết người lớn họ chịu đựng cái đói ra sao còn đối với tôi lúc ấy chẳng khi nào tôi để cho cái dạ dày của mình phải khốn khổ vì trống rỗng. Khi đói bụng tôi ăn đủ thứ, từ bắt ốc bươu luộc ăn, đến hái trộm dưa hay đào trộm khoai lang, rồi đi bắn chim trên rừng đem nướng lá chanh…A, mà bạn biết chim nướng lá chanh không, món thượng hạng, tôi sẽ kể rõ ngay sau đây: vặt sạch lông, mổ bỏ hết bộ lòng, rửa sạch, nhét lá chanh vào, quấn mười lớp lá chuối tươi rồi nướng cho đến khi cháy đến lớp lá cuối cùng là được. Sau đó chấm muối tiêu và nhai ngấu nghiến từ đầu đến thân, rồi 2 cẳng và sau cùng là linh hồn của nó…
Tôi khởi sự nhớ lại từ mùa đông năm ấy. Đó là một mùa đông khắc nghiệt, cái đói cùng với cái lạnh đã vùi dập hầu hết những ước mơ và dự định tốt đẹp tôi đang có trong đầu. Bởi mùa đông là khi tôi chẳng thể lang thang trên rừng hay xuống sông để tự kiếm miếng ăn. Tôi mặc bộ đồ may bằng bao cát ấp chiến lược và nằm co ro trong một góc nào đó để nghe tiếng mưa rả rích trên mái tôn. Mưa dầm dề từ ngày này qua ngày khác, có khi cả tuần chưa thấy mặt trời. Tôi nằm im lặng chịu đựng và lắng nghe cái đói cồn cào trong dạ dày. Tôi nhận thức rõ thời gian đang trôi đi từ buổi sáng qua buổi trưa rồi bò chậm chạp đến buổi tối, nhưng tôi biết chắng có gì đang được nấu dưới bếp. Cũng có khi tôi rời chỗ nằm và mò xuống bếp để nhìn. Tôi nghĩ trên đời sẽ chẳng có gì thê thảm hơn một cái bếp nguội lạnh trong mùa đông mưa dầm.
Sau này tôi mới hiểu tại sao thường mùa đông lại là mùa đói quay quắt như thế. Bởi đó là khoảng trống mùa vụ, chẳng có cây gì đang được trồng vào mùa đó ngoài ruộng. Cánh đồng lúc ấy chỉ trơ gốc rạ nằm thối rục trong mưa, một vài con chất thọc cắm mỏ vào những ổ trùn vừa mới đùn lên trên những mô đất cao.
Mùa đông còn là mùa tôi nhớ nhiều chuyện nhất. Có lẽ là do tâm trí được yên tịnh, chỉ có nằm, lắng nghe và chịu đựng. Hằng đêm tôi khó ngủ nằm trằn trọc và lắng nghe mọi thứ âm thanh. Ngoài tiếng mưa, tôi còn hay để ý đến tiếng chuột. Bọn chúng chạy và kêu rất náo nhiệt trên xà nhà làm như có điều gì vui lắm. Nhưng mẹ tôi lại nói khác, bà nói bọn chuột cũng đói và đang chạy đi tìm thức ăn, “càng đói chạy càng gấp”. Thỉnh thoảng mẹ tôi cũng đùa nói bọn chúng đang hát tập thể:
“Chút cha chút chít, 
Ỉa không chùi đít,
 
Không sợ dính quần…”
Tôi được một trận cười no nê và ngủ lúc nào không hay…
Rồi mùa đông nào cũng kết thúc khi tết đến. Tết là những ngày được tôi chờ đợi nhất dù thường tôi chẳng có gì, từ quần áo mới hay tiền lì xì. Tết như một chút dấu ấn nhắc nhở những con người cùng quẫn rằng thời gian vẫn đang trôi và họ vẫn đang sống. Hồi ấy tôi tưởng tượng nếu không có tết chắc tôi chẳng biết chờ đợi gì trên đời này nữa.
Nhưng tết không chỉ là dấu ấn của thời gian, nó còn được mong đợi hơn vì đó là những ngày sẽ được ăn no và ăn ngon. Chuỗi ngày ăn giỗ no nê được bắt đầu từ rằm tháng chạp, kế đến là đưa ông Táo về trời, rôi cứ tiếp diễn đến đầu xuân với rất nhiều lễ cúng. Nhưng khi lễ đưa ông bà được cúng vào ngày mùng ba, đó là lúc lòng tôi chớm buồn, nỗi buồn cố hữu quay lại, u ám và dai dẳng.
Rồi thời gian trôi thật nhanh khi ký ức vụt kéo tôi đến những ngày cuối xuân năm ấy khi mùa lúa đông xuân vừa gặt xong. Đó là những hình ảnh câm lặng đau buồn chẳng khi nào phai trong tâm trí tôi nhưng phải rât lâu sau này, khi đã thật sự trưởng thành, tôi mới hiểu rõ ngọn nghành. Và khi đó, bóng dáng của những ngày cùng khốn ấy lại hiện ra, tròn vành vạnh không sót một chi tiết nào…
Mọi thứ đều dồn vào buổi sáng hôm ấy, trong một khoảnh khắc thật ngắn ngủi, khi nắng vàng chiếu rạng rỡ trên những ngọn tre.
Trước khi có khoảnh khắc chấn động ấy tôi không nghĩ mình đã biết rõ về ông – ông xã Chiên, một ông già lụ khụ. Tôi không nhớ năm đó ông bao nhiêu tuổi, nhưng tôi nhớ rõ ông đã rất già, theo cái nghĩa phải đếm từng mùa đông đến.
Mùa đông, với những cơn gió bấc lạnh buốt là nỗi ám ảnh của người già. Thường là họ sẽ chết vào một mùa đông nào đó. Cái đói và lạnh sẽ lần lượt kéo những người già cả ốm yếu về âm ty. Khi chim cú báo hiệu, sẽ có người già nào đó phải chết. Vào những đêm đông, khi tiếng chim cú mổ từng âm buồn thảm, ba tôi thường lắng nghe rất chăm chú. Sáng hôm sau ông lọc ra một danh sách những người khả dĩ nhất trong xóm có tiếng chim cú đêm qua rồi ngẫm nghĩ. Tôi thấy lần nào ba tôi cũng đoán trúng và đó là điều kỳ lạ mà cho đến bây giờ tôi vẫn không thể nào hiểu được.
Ông xã Chiên chỉ sống một mình trong căn nhà tranh nhỏ, nằm ở góc một khu vườn có tre phủ kín mít tứ phía. Vườn nhà ông nằm kế những khu vườn hoang nối liền nhau. Đó là vương quốc của chim chóc và rắn rít. Những buổi chiều, khi mặt trời ngã bóng, những khu vườn hoang chợt trở nên u tối đến rợn người. Rồi chim vịt, bìm bịp,…thi nhau rền vang những âm điệu buồn đến nao lòng. Tôi cũng thường lai vãng vào đó để bắn chim. Khu vườn râm mát suốt ngày vì rất hiếm khi nắng chiếu lọt được vào trong, trừ những buổi trưa đứng bóng. Trong cái không gian tĩnh mịch ấy, tôi hay đi thơ thẩn từ đầu này tới đầu kia khu vườn, và cuối cùng dừng bước trước ngôi nhà tranh cũ nát. Trong nhà chỉ có cái chõng tre, một cái ảng nước, 3 cục gạch kê làm bếp và mấy cái nồi móp méo đen sì…
Căn nhà của ông lúc nào cũng đong đưa như răng người già nhưng không hiểu sao nó vẫn chưa sập dù năm nào cũng có bão thổi qua vài bận. Cái bí quyết đứng vững của căn nhà ấy phải sau này tôi mới biết rõ…
Hồi ấy tôi đã từng thắc mắc không biết ông ấy ăn gì để sống vì suốt căn nhà không thấy có một thứ gì có thể cho vào miệng được. Tôi có đem điều thắc mắc ấy hỏi vài người lớn nhưng chẳng ai giải thích họ chỉ cười ruồi. Chắc họ nghĩ tôi chỉ là một đứa con nít, mà con nít thì không cần phải biết những chuyện đại loại như vậy. Nhưng người lớn họ hay nhầm lẫn giữa sự hiểu biết và lòng trắc ẩn. Họ không nghĩ rằng có chút lòng xót thương đang nảy nở trong tầm hồn tôi khi nhìn cảnh cô đơn bần cùng của một ông già ốm yếu. Có lẽ, hồi ấy, cái đói, cái cùng quẫn của nợ nần đã cầm tù tâm trí họ. Còn lòng tốt ư, nó phải vượt qua được cái dạ dày sôi réo, phải thắng được cái tâm trí bấn loạn, trước khi lọt ra ngoài qua vài câu xuýt xoa tội nghiệp.
Trở lại buổi sáng cuối xuân năm ấy. Đó là một buổi sáng hứa hẹn một ngày nắng nóng gay gắt. Bởi từ sáng, mặt trời đã lên chói chang. Nhưng đó không phải là thời điểm tâm trí của những người lớn còn có thể nghĩ về thời tiết, họ đang lo lắng tụ tập về sân đội với nỗi ám ảnh hằn lên trên từng gương mặt khốn quẫn.
Sáng hôm ấy đội truy thu nợ của công an huyện về làm việc với những hộ còn nợ lúa hợp tác xã.
Ba tôi từ sáng sớm đã lên sân đội. Khoảng 3 hay 4 người mặc đồng phục màu vàng đang ngồi ở dãy bàn phía trên. Tôi chẳng biết họ nói gì, nhưng bên dưới tất cả đều im thin thít.
Phải sau này tôi mới biết câu chuyện sáng hôm ấy. Đó là họ bắt những người thiếu nợ phải bằng mọi cách trả thuế cho hợp tác xã. Họ hăm doạ rât nhiều khiến ai cũng lo sợ thất thần. Sau này ba tôi kể họ đập bàn, quát vào mặt ông, họ đe sẽ bắt nhốt nếu không trả nợ.
Hồi đó hình như nhà ai cũng nợ lúa nhà nước. Ba tôi giải thích, một mảnh ruộng được nhà nước quy định năng suất và người dân khi sử dụng phải đóng thuế 70% trên cái năng suất lý thuyết ấy. Vì năng suất được quy định quá cao, gần như chẳng khi nào đạt đến trong thực tế nên mùa nào cũng chẳng đủ lúa để đóng thuế. Đâm ra ai cũng nợ nhà nước đầm đìa.
Chuyện nợ nần ấy luôn làm tôi liên tưởng đến những chuyện khác, khủng khiếp hơn, xảy ra thường xuyên nhưng chẳng ai đặt câu hỏi vì sao. Có lẽ do nó xảy ra thường quá nên nhàm chăng, còn bọn con nít coi chúng chỉ như những trò hấp dẫn. Đó là các vụ tự tử bằng thuốc rầy. Tôi còn nhớ, cứ dăm bữa nữa tháng lại nghe một vụ uống thuốc rầy tự tử. Thường những chuyện như vậy tôi sẽ chẳng khi nào bỏ qua. Khi nghe tiếng la khóc từ phía trạm xá vọng lại, tôi sẽ ba chân bốn cẳng phóng đi. Khi ra tới nơi tôi cố chen lấn để luồn vào trong. Trên nền xi măng, kẻ tự tử nằm quặt quẹo ở đó, từ người họ mùi thuốc trừ sâu bay ra nồng nặc làm ngộp thở cả căn phòng. Một người dùng ống đút vào miệng rồi đổ nước vào, còn một người khác sẽ leo lên bụng đạp. Họ đạp cho đến khi nước trào ra lại đằng miệng. Họ làm như vậy nhiều lần cho đến khi nước súc không còn mùi thuốc nữa mới thôi…
Có điều, tất cả những thứ kinh khiếp ấy chưa bao giờ khiến tôi sợ hãi. Hồi ấy tôi chỉ coi nó như những chuyện bình thường khác vẫn xảy ra hằng ngày xung quanh, đơn giản như cãi lộn hay chửi bới của mấy bà bán cá. Có lẽ đó là lý do tại sao người ta gọi là trẻ thơ. Cũng như thời gian, nhận thức là quá trình một chiều và không thể đảo ngược, một khi bạn đã “biết” rồi thì chẳng có cách nào để bạn trở lại “không biết”. Nghĩa là, khi bạn nhận ra sự khổ đau thì đó cũng là lúc bạn đã bước vào một thế giới khác – thế giới người lớn. Và nó cũng khởi đầu cho sự trượt dài không lối thoát trong cõi nhân sinh, cho đến khi bạn hoàn toàn biến mất.
Và đã có một sự thay đổi lớn lao trong tâm hồn tôi kể từ buổi sáng hôm ấy…
Đó là khi không khí của buổi họp được dồn đến căng thẳng tột độ, bất thình lình ông xã Chiên xuất hiện. Tôi nhớ mới hôm qua ông còn bịnh nằm liệt giường, sao hôm nay ông lại đến đây. Ông đi lừ đừ từ ngoài cổng vào. Lúc ấy nắng đã lên cao, chiếu bóng ông in hình đậm nét trên nền gạch. Chiếc bóng đen thẫm, nhấp nhô như trong phim hoạt hình, hết nghiêng bên này lại ngã bên kia và tiến về phía dãy bàn phía trên, nơi những vị mặc sắc phục màu vàng đang ngồi.
Tôi nhớ là cả sân người ngồi dưới và mấy vị quan chức đều im lặng dõi theo từng bước ông đi. Ông ngật ngưỡng đến đứng trước mặt họ. Hình như ông nói gì đó, và có vị đã cười. Tôi nghĩ họ đã nói chuyện không đến nỗi căng thẳng cho lắm. Nhưng bất ngờ, ông xã Chiên mở nắp cái chai mang theo và đưa lên miệng. Rồi tôi thấy ông ngã lăn ra sân. Chiếc bóng mất hút. Những tiếng la hét, gào thét bắt đầu vang lên cuồng loạn. Những người đang ngồi dưới bật đứng dậy và lao lên trước. Cho đến khi mùi thuốc rầy nồng nặc bắt đầu lan đến chỗ tôi đứng, tôi mới bừng tỉnh và hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Sau đó hình như người ta có đưa ông đi cấp cứu, nhưng chỉ được một quãng thì ông đã chết. Họ nói ông đã uống hết cả nửa chai thuốc rầy nên chẳng Trời Phật nào cứu nỗi…
Sau này ba tôi kể, trước hôm ấy vài ngày, ông xã Chiên được tuyên dương trước đội như một mẫu mực vì đã bán cây cột sơn để trả nợ. Đó là cây cột gỗ sơn lớn và đen bóng, nó là chỗ dựa duy nhất cho căn nhà tranh của ông.
Sau đó vài tháng, một cơn bão nhẹ thổi qua làm căn nhà đổ tan nát và vườn nhà ông trở thành vườn hoang. Chiều chiều, tiếng bìm bịp vọng ra từ đó nghe như tiếng gọi hồn buồn thảm. Thỉnh thoảng tôi có đi ngang qua, nhưng chẳng khi nào còn dám bước chân vào nơi ấy nữa.
 ảnh:Google

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét