Không ăn, mà đi “xem” học
Tôi gặp anh Quan do sự giới thiệu của dịch
giả Nguyễn Trọng Nguyên, người rất “thạo Mỹ” vì anh có nhiều năm học tập và làm
việc ở đây. Anh Quan từng là kỹ sư điện tử, là giám đốc một công ty, có trong
tay một tài sản lớn, quản lý trên 200 người làm. Nay thì… thất nghiệp. Ở đây
sao mà lắm người thất nghiệp thế! Lại nhớ hôm trước đi Arizona gặp anh Quang,
cũng là một kỹ sư điện tử lâu năm, cũng do đang thất nghiệp mà đưa tôi đi thăm
chơi được nhiều nơi.
Quan bảo tôi: “Anh thích đi đâu cũng được,
xa thì đi bằng máy bay, gần thì bằng ô-tô, anh muốn ăn gì ở Mỹ tôi chiêu đãi
thỏa thích…”. Theo Quan, sang Mỹ mà không ăn thịt bò bít-tết do chính nhà hàng
Mỹ, người Mỹ làm, uống vang Mỹ (anh nhấn mạnh: “Phải là vang Mỹ kia, vang sản
xuất ở vùng nho San Francisco mới thật là ngon và đã!”), thì không ổn.
Tôi phải thú thật, cái khoản ẩm thực của
tôi rất “vớ vẩn”, ăn gì cũng thấy ngon, lại thêm thấy ăn những món nấu nướng
cầu kỳ quá không hợp, nên ra sức từ chối. Quan bảo tôi, anh không ép. Ăn cũng
phải có hứng thú, có tình yêu, ngoài thói quen ra. Có đủ ba thứ ấy mới là ăn.
“Thôi, vậy ăn mà không thích thì bác muốn gì?”- Quan lại bảo. Muốn gì ư? Tôi
sang đây để đi, để xem, để gặp gỡ vui vẻ, chả có mục đích gì, cũng chả nghĩ ra
xem mình đang có ý định gì. Thế mới chán!
Rồi sau khoảng lặng của mấy cú đi chơi,
tôi bèn bày tỏ nguyện vọng được đi “xem” mấy trường đại học. Xem và tìm hiểu,
vì thú thực, tôi cũng có cậu con út năm nay vừa vào học trường Đại học Ngoại
ngữ Hà Nội, khoa tiếng Anh. Xem xem thế nào, may ra “vớ” được mối nào
giới thiệu cho con qua học cũng hay hay. Quan bảo giáo dục của Mỹ khác nhiều
với ở ta.
Anh cũng có nhiều năm “theo đòi” lĩnh vực
này vì anh có hai cậu con trai hiện đang học ở hai trường “xịn”. Tôi rất mừng.
Quả thật, tôi cũng tò mò, muốn xem hai cậu con nhà anh Quan ăn ở học hành ra
sao. Anh Quan bảo, hai con anh vì là người Mỹ nên học hành được miễn phí, chứ
như con tôi sang học, một năm cũng phải lo chừng 50-60.000 USD. Nghe đã khiếp!
Xe đón chúng xịch vào lề đường. Chúng lên
xe, sững lại khi thấy tôi giây lát. Anh Quan bảo: “ạ” bác đi các con. Hai cậu
chàng ngoài hai mươi tuổi khoanh tay nhìn tôi, “ạ” một phát rồi kéo theo một
tràng tiếng Anh rất rộn ràng với nhau, khiến tôi phì cười vì cái tiếng chào “ạ”
ngộ nghĩnh. Quan bảo, bọn trẻ con Việt Nam ở San Francisco thì không cần biết
tiếng Anh vì ở đó người Việt đông, đi đâu, làm gì cũng đụng. Còn ở
đây (Wasington DC) thì không nói được tiếng Anh, giống như tôi đó, được
xếp vào hàng những “người khuyết tật”.
Mà quả thật, nửa câm nửa điếc, nửa ngô
nghê như cái thằng tôi thì đích thị là thế rồi, chứ cãi sao đặng! Nếu không tin
mình là “người khuyết tật”, sang Mỹ, đi một mình ra sân bay, bạn chỉ cần nhờ
người thông báo với nhân viên hàng không là bạn không biết tiếng Anh, họ sẽ cho
xe đẩy đến, rước bạn, bạn ngồi đấy, người ta sẽ đưa bạn đi, lo các thủ tục cho
bạn đến nơi đến chốn, không phải nói lời nào!
Anh Quang vốn là một dịch giả cao tay,
từng dịch “Đêm trắng” của Dostoievsky, rồi dịch sách sử thi Ấn Độ. Anh đã dịch
tuyển tập Edgar Poe (nhà văn viết truyện trinh thám lừng danh người Mỹ) cách
nay khoảng 25 năm kia. Vậy mà Quang bảo, dao sắc không gọt được chuôi. Anh chịu
thua cô con gái hoàn toàn. Nó thấy nó không cần thiết học tiếng Việt.
Rồi anh quay sang tôi, kể: “Cũng như
anh vậy. Anh cũng thấy mình không cần học tiếng Anh nên anh không thèm học!”.
Ôi, lạy thánh mớ bái, cái nhà anh Quang này, xỏ tôi vừa vừa thôi! Tôi thì thấy
cần ghê gớm, cần đến mức bức xúc, nhưng vì cái đầu hũ nút mang dáng hình bã đậu
của tôi nó không chịu nạp thôi. Quang bảo, ở Mỹ, chuyện học tiếng Anh quan
trọng ghê gớm lắm, chứ không lơ mơ như ở Việt Nam.
Anh làm cuộc thống kê nho nhỏ: Du học sinh
Việt Nam sang Mỹ học với chi phí thấp, thì cũng mất khoảng 10-12.000/USD/năm,
gồm học phí và sách vở. Đây là mức phí dành cho người có thẻ Xanh hay quốc tịch
Mỹ, đã cư trú tại tiểu bang có trường đại học muốn theo học, lâu hơn 1 năm tính
đến ngày nhập học.
Và loại “giá cao”, thì tốn khoảng
20-25.000/USD/năm, dành cho du học sinh nước ngoài hay người dân Mỹ chưa sống
đủ 1 năm tại tiểu bang theo học. Lý do của sự chênh lệch giá là vì trường đại
học được hỗ trợ một phần từ tiền thuế của tiểu bang thu từ người dân sống tại đó,
nên ưu tiên hơn cho chính con cái của dân sống lâu năm!
Ở Mỹ người ta tuân thủ pháp luật rất
nghiêm, bản thân pháp luật cũng rất nghiêm. Và nội quy, quy định của nhà trường
cũng vậy, không có chuyện mua điểm, hoặc thầy cô thiên vị hay trù úm. Càng
không có chuyện báo cáo thành tích học tập nống lên, không có chuyện quay cóp,
học hộ, học thêm với xin xỏ. Lại càng không có chuyện ưu tiên, ưu đãi.
Ở đây người ta đề cao sự thể hiện bản
thân, em nào có sáng kiến gì hay thì lập tức được thầy cô phát hiện, tạo điều
kiện tối đa cho phát huy ngay. Những năng khiếu hay hoạt động văn hóa nghệ
thuật cũng luôn luôn được khích lệ. Người Mỹ không thích nói dối. Nói thẳng,
nói thật, nói như làm, làm như nói, không có chuyện lắt léo “vòng vo tam
quốc”. Ở Mỹ học ra học, chơi ra chơi, thi cử thì nghiêm ngặt, bài bản.
Rồi đi “ngắm” nề nếp
Và nói chung từ đi đứng đến ăn ở, cái gì
cũng thấy nề nếp. Mỗi người là một lái xe, tôi để ý thấy ai cũng như ai. Mỗi
khi dừng xe, đậu xe, ai ai cũng có ý thức nghiêm ngặt trong việc chấp hành luật
lệ đi đường. Nghiêm ngặt cho những đồng xu chuẩn bị sẵn vào cây cột trả tiền lệ
phí mà ngân hàng đã đặt sẵn. Đó là tập quán. Tập quán chấp hành nghiêm luật lệ
giao thông. Và xếp hàng cũng thế.
Ở Mỹ, đi đến đâu cũng thấy người ta xếp
hàng, chỉ cần có hai ba người cùng làm một việc, thế là họ đứng vào hàng. Trẻ
em được học điều này từ nhỏ. Từ nhỏ các em đã biết xếp hàng, biết vứt rác ở
đâu… thậm chí biết lúc nào cần nói to hay nhỏ, cười lớn hay cười bé, đến cả… cú
ngáp cũng đều “thuộc bài” làu làu.
Việc lo giữ gìn chăm sóc môi trường trong
trường học cũng như ở ngoài đường, nhất là ở nơi công cộng thì thật là đáng nể
phục và phải nói là tươm tất, gọn ghẽ, chu đáo vô cùng. Trường học của các con
anh Quan mà tôi được đi “xem” có đầy đủ các phòng thí nghiệm, các khu vui
chơi giải trí, khu ký túc xá, phòng học, phòng hội thảo, sân vận động. khu nhà
vệ sinh…
Tất cả đều thơm tho, êm nhẹ, đều trật tự
gọn gàng. Bước vào không gian này là tự dưng cảm thấy mình nghiêm ngắn,
lịch duyệt, thấy mình phải đi nhẹ, nói khẽ. Tôi không thấy có lớp có
trường nào mặc đồng phục, nhưng các cháu đều ăn mặc rất tươm tất gọn gàng.
Cả tháng đi chơi ở Mỹ, tôi thường tới
những nơi công cộng đông người, như chợ, bến cảng, bảo tàng, phòng triển lãm,
hay trường học. Vậy mà tôi toàn thấy cái hay, cái đẹp, cái sạch sẽ nề nếp
gọn gàng đến hoàn hảo. Cái gốc ở đây là gì? Tôi tự hỏi và tự cảm thấy, đó có lẽ
là do luật pháp, rồi đến ý thức của người dân.
Luật pháp và ý thức, ý thức và luật pháp
đan xen nhau. Tôi đã thấy mấy bà dắt chó đi chơi phố, họ có đem theo một
cái túi nilon. Nếu một khi chó yêu nhà mình có “vô ý thức” ị bậy thì bà
chủ đã vui vẻ sẵn sàng lượm cho vào túi, đem về xử lý. Ở đây không có chuyện
chó thả rông. Nước Mỹ rộng lớn và ngăn nắp. Người Mỹ nhanh nhẹn, hoạt bát và
lịch duyệt. Đi đâu làm gì cũng cảm thấy yên tâm.
Người khắp nơi trên thế giới đổ về đây, ai
cũng thấy Mỹ hay, nhưng không phải ai cũng chịu ngay từ đầu. Thời gian đầu tiếp
xúc với người Mỹ người ta thường khó chịu vì họ nguyên tắc cứng nhắc và lề luật
thái quá.
Năm thứ hai thấy quen nếp sống với người
Mỹ thì hòa nhập một cách vui vẻ, thấy được cái hay, cái tốt nên thích thú và
cảm thấy dễ chịu, cảm thấy yêu. Năm thứ ba trở đi thì không ai là không cảm
phục và nhận ra rằng, con người văn minh thì phải sống và làm việc thế này mới
đúng.
Tôi nói thật, tôi qua Mỹ để đi chơi.
Nhà văn Trung Trung Đỉnh
(Trung Trung Đỉnh là nhà văn QĐNDVN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét