Viết ngoại biên
Lưu Tâm Vũ (Hội nhà văn Trung Quốc)
Trần Đình Sử trích dịch
Lời người dịch.
Đây là quan điểm của nhà văn
Lưu Tâm Vũ, sinh năm 1942, tác giả truyện ngắn Chủ nhiệm lớp, mở đầu khuynh hướng văn học “vết thương” của văn học đương đại
Trung Quốc. Xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo
về trạng thái tư tưởng hiện nay của nhà văn Trung Quốc.
Sáng tác lẽ ra bắt đầu từ yêu thích cá
nhân. Đem tác phẩm viết xong đi công bố lẽ ra cũng là do nhu cầu cá nhân.
Nhưng ở Trung Quốc thế kỉ XX, sự viết
lách của cá nhân bị chính trị can thiệp dữ dội. Có nhà văn tự giác đồng nhất
mình với chính trị và thể hiện mình trong sáng tác. Có nhà văn bị động viết
theo khuôn khổ chính trị, nhưng trong sáng tác có ý thức thể hiện khuynh hướng
thẩm mĩ và cá tính của mình. Có nhà văn không đồng nhất mình với chính trị,
nhưng lợi dụng chính trị để viết một cách đầu cơ trục lợi. Có người lại ở bên
lề tránh xa chính trị, lách qua khe hở của chính trị mà nở ra những bông hoa
thơm ngát của mình.
Sự can thiệp của chính trị đối với văn
học trong thời kì Cách mạng văn học có thể nói đạt đến cực điểm, văn học đại
lục, xét về nhà văn hầu như toàn quân đã bị tiêu diệt, mặc dù vào các năm 1973
– 1976 có xuất hiện “tác phẩm mới”, song đều là tác phẩm ngoài văn học.
Thế là bắt đầu từ cuối năm 1977 đến năm
1979 xuất hiện cao trào “văn học vết thương”, coi như văn học đại lục thế kỉ XX
bắt đầu chập chững.
Như đứa bé mới lọt lòng, ra ngoài cơ
thể mẹ bèn khóc oe oe. Sau đó mới tập đi (tương tự như bắt đầu tập viết các tác
phẩm văn học đích thực), tập nói (tương tự như bắt đầu tiếp nối cái truyền
thống văn học lâu đời bị cắt ngang)…
Văn học sau cách mạng văn hóa phát
triển rất nhanh. Đến những năm 80, cũng do nhà nước đã mở cửa, không khí tươi
mát ùa vào, các nhà văn trẻ Trung Quốc như kẻ đói khát lâu ngày hấp thu các
trường phái hiện đại, hậu hiện đại phương Tây, có vẻ như dinh dưỡng quá thừa,
sinh trưởng có phần dị dạng. Tuy nhiên vẫn tốt, nói chung là lành mạnh, tỏ ra
là có tính độc lập của kẻ trưởng thành, bước những bước dài trên con đường mà
mình ưa thích. Sau những năm 90 do kinh tế phát triển mạnh mẽ, văn học cũng
theo sự đa nguyên của kinh tế mà đa nguyên, đó trước hết là một việc tốt, song
vẫn chưa có văn học thật sự chín muồi, nó giống như đứa bé ương bướng
chìm lấp sau chỗ khuất của ngọn sóng kinh tế thị trường.
Bước sang thế kỉ XXI nhà vănTrung Quốc
chọn lập trường cá nhân trong thời đại, có những khả năng to lớn chưa từng có.
Nên cổ vũ sự phân luồng văn học trên cơ
sở do phân vai mà thành từ việc lựa chọn lí tưởng chính trị, thị hiếu thẩm mĩ,
tính cách. khí chất và thói quen viết lách của từng cá nhân.
Có nhà văn có thể viết cái mà phía quan
phương đề xướng như “giai điệu chính”, có nhà văn sáng tác theo lối “đa dạng
hóa” mà quan phương quy định rồi được thưởng, có người say mê đi tìm ảnh hưởng
tự bên ngoài biên giới, có người hoàn toàn thoát li cơ cấu và khuôn khổ của
quan phương mà sáng tác, giành được thành công trên thương trường và được phần
thưởng và sùng bái của son phấn. Có người chọn bên lề và sáng tác bên lề. Có
người chuyên viết vi phạm vùng cấm, có người đóng hai vai trở lên.
Bản chất của văn học là sự phát huy cá
tính. Giá trị của văn học là phơi bày tính người, cá tính của con người là vô
cùng phong phú, mà tính người là cái rất khó xác định. Do đó chân trời văn học
là không có giới hạn.
Chính trị không được can thiệp văn học.
Văn học cũng không cần can thiệp chính trị. Nhà chính trị có thẻ kiêm nhà văn,
nhà yêu chuộng nghệ thuật. Nhưng nhà chính trị chỉ nên can thiệp bản thân chính
trị của anh ta. Nhất là cái chính trị đối lập với anh ta. Nhà văn có thể kiêm
nhà chính trị, có thể lấy văn nghệ làm vũ khí để hoạt động chính trị, nhưng anh
ta nên hiểu đó chỉ là ý thich và lựa chọn của cá nhân anh ta, không liên can gì
đến các nhà văn khác. Nếu khi anh ta thấy các nhà văn khác không sẵn sàng đi
làm liệt sĩ, chưa sẵn sàng làm tổng thống, bèn đi công kích họ, lúc đó anh ta quả
thật là điên rồ.
Tóm lại phúc tổ của văn học Trung Quốc
thế kỉ XXI phải coi là nhà văn và nhà chính trị ai đi đường nấy.
Vậy thì trong khuôn khổ đa nguyên hóa
của văn học đại lục, là một nhà văn, tôi sẽ chọn một vị trí như thế nào?
Cái tôi chọn là chỗ đứng viết ngoại
biên.
Tôi tôn trọng lựa chọn của các nhà văn
khác, song tôi cũng mong các nhà văn có thể hiểu, hay ít nhất là có thái độ
khoan dung đối với lựa chọn của tôi. Tôi cảm thấy có người đồng điệu với tôi,
họ chọn cách biểu đạt khác tôi, hoặc không hoàn toàn giống tôi, song đối với
tôi, họ đều là người viết ngoại biên. Viết ngoại biên không nên chỉ là lựa chọn
cá nhân, nhưng lựa chọn này không phải là bè đảng, cho nên không có chuyện sát
phát kẻ khác.
Về viết ngoại biên, tôi xác định và
miêu tả như sau.
1. Viết ngoại biên là một chỗ đứng, một
trạng thái viết tương đối với chỗ đứng trung tâm, trạng thái trung tâm. Có nhà
văn ở trung tâm tiến hành viết trung tâm, tạo thành những tác phẩm trung tâm
của một thời kì. Xã hội đã đa nguyên thì xã hội nên có một vùng ngoại biên rộng
rãi, thoáng đãng, cách xa tring tâm, gần với biên khu. Ở vùng biên có người
chọn lối sống ngoại biên, viết ngoại biên.
2. Viết ngoại biên không phải là viết
đối kháng trung tâm, sáng tác li tâm. Trung tâm nên chấp nhận ngoại biên, ngoại
biên không đả kích trung tâm, một xã hội hài hòa nên phải đa nguyên cộng sinh
như thế. Đồng thời cũng là cái sinh thái tự nhiên không cố ý xung đột nhau. Một
biểu hiện của xã hội sáng suốt là biết tôn trọng ngoại biên.
3. Đặc điểm thứ nhất của viết ngoại
biên là nhà văn rút khỏi vùng trung tâm của xã hội, không ở chốn náo nhiệt, ở
yên vào một góc. Chuyên viết không theo sứ mệnh.
4. Đặc điểm thứ hai của viết ngoại biên
là người viết không quan tâm chính trị. Vẫn có tình cảm, khuynh hướng chính
trị, nhưng không làm chính trị, không nói thay lời nhà chính trị cũng không làm
kẻ bất đồng chính kiến. Cái mà anh ta theo đuổi là quan tâm nhân loại và tìm
tòi tính người, vượt lên trên chính trị.
5. Đặc điểm thứ ba của viết ngoại biên
là người viết quan tâm xã hội, yêu thương nhóm người yếu thế, quan tâm tiến bộ
xã hội, nhưng không lên mặt đấng cứu thế, không bắt mình đi viết cái mình không
quen và không thích, như lối viết “sử thi” hay “phản ánh một thời đại”. Anh ta
chỉ nghe theo thể nghiệm của mình và viết cái mình thích thú.
6. Đặc điểm thứ tư của viết ngoại biên
là về kinh tế, không có màu sắc đặc quyền, để mặc cho thị trường lựa chọn và
trở thành cơ sở vật chất để duy trì tính độc lập của nhân cách. Nếu thất bại
trên thị trường thì cam chịu nghèo nàn, vui với đạo của chính mình như mình vốn
thế.
7. Mẫu mực lịch sử
của viết ngoại biên là, xa thì như Hồng Lâu mộng của
Tào Tuyết Cần, gần thì như sang tác của Thẩm Tòng Văn, Trương Ái Linh. Tất
nhiên không phải mọi người viết ngoại biên đều có thể tạo ra tác phẩm sáng giá
như thế. Bất luận tác phẩm trung tâm hay ngoại biên lịch sử đều đòi hỏi khắt
khe như nhau, muốn được lưu truyền thì đều phải là kiệt tác của nhân loại, đối
với thời kì mà nó sản sinh thì mẫu số phải rất lớn mà tử số thì rất bé.
8. Viết trung tâm hay viết ngoại biên
khái niệm đều rất mơ hồ, không thể xét theo định lượng. Cái tâm của trung tâm
to bằng nào, rất khó xác định. Từ ngoại biên của trung tâm cho đến chỗ tận cùng
của ngoại biên rộng bằng nào, cũng không thể xác định. Giữa hai cái ấy còn có
cả một khu vực trung gian rộng lớn.
9. Tình cảm nhân văn của con người thế
kỉ XXI tôi cho rằng đó là trung tâm cần phải dung nạp, đối xử tử tế đối
với ngoại biên, không được hễ động một cái là gây sự với người ngoại
biên, văn ngoại biên. Mà ngoại biên cũng không cần li tâm. Người trung tâm dùng
diễn ngôn trung tâm viết văn chương trung tâm, người ngoại biên dùng diễn ngôn
ngoại biên viết văn tự ngoại biên, không tranh nhau, không xung đột, không đi
lại, nhưng vẫn có thể tiếp đãi nhau lịch sự, tiếp xúc lịch lãm.
10. Người chiếm vị thế trung tâm được
hưởng nhiều quyền lợi, khi muốn gây áp lực đối với thế lực ngoài ngoại biên thì
dùng lời ngoại biên nói để lấy lòng; cũng vậy người ngoại biên nói lời ngoại
biên mà mưu cầu lợi ích trung tâm thì đều phải bị khinh bỉ.
11. Tình cảm nhân văn của con người thế
kỉ XXI, theo tôi, ở Trung Quốc, vô luận là trung tâm hay ngoại biên, phải có
một điểm chung, đó là ra sức mở rộng bán kính đời sống vật chất và tinh thần,
nhất là tinh thần của dân tộc. Đối với người đứng ở vị trí trung tâm, mở của
khai phóng và khoan dung là trách nhiệm hàng đầu. Đối với người ở ngoại biên mà
nói, cam chịu tịch mịch để sáng tác là mục tiêu hàng đầu của tồn tại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét