AI THỰC SỰ TÌM RA CHỮ QUỐC NGỮ
Đỗ Xuân Đạm: Đã đóng lại bài viết về hai cụ Hàn Thuyên và Alexandre De Rhodes mà trong lòng cứ mãi lấn cấn vì vẫn chưa làm rõ được chữ Quốc ngữ ra đời ở đâu, năm nào và còn những ai thực sự đã có công với chữ Quốc ngữ?
Để thoát khỏi tình trạng bế tắc đó, đành bỏ thời gian lục tìm tứ tung để thoả mãn cái tật gàn dở của mình.
Và đây là điều tôi tìm ra,
Chữ Quốc ngữ ra đời năm 1622 trong thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, do công của người giáo sĩ Bồ Đào Nha Francisco De Pina (1585-1625), tại xứ Đàng Trong của chúa Nguyễn.
Francisci De Pina là giáo sĩ tiên phong đến Đàng Trong năm 1617, nhờ thông thạo tiếng Nhật và chữ Hán, ông dễ dàng học nói tiếng Việt, học đọc chữ Nôm, nhưng thấy các giáo sĩ khác gặp khó khăn trong việc học chữ Nôm nên đã dựa vào bảng mẫu tự La Tinh, ông Nguyễn Đình Đảng thời cho rằng là dựa vào từ mẫu tự Rô-Măng, tôi thiển nghĩ mẫu tự Roman cũng từ nguồn gốc Latin mà ra, để ghi âm tiếng bản xứ.
Năm 1624, sau khi đã xếp đặt thành hệ thống, có cả phần tóm lược về văn phạm, ông mở lớp dạy tiếng Việt cho các giáo sĩ muốn đến truyền giáo tại Việt nam, ông cũng tự viết bài giảng bằng thứ chữ này để trực tiếp truyền đạo, nhưng không may, tháng 12 năm 1625 ông bị chết đuối ở cảng Đà nẵng.
Sau cái chết của Pina những giáo sĩ đã học tiếng Việt với Pina tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống chữ viết nầy là giáo sĩ Gaspar De Amaral (1549-1646) – tác giả tự điển Việt-Bồ, giáo sĩ Antonio Barbosa (1594-1647) – tác giả tự điển Bồ-Việt,giáo sĩ Alexandre De Rhodes (1591-1660) – tác giả tự điển Việt-Bồ-La tinh.
Trong đó chỉ có một mình A.D.Rhodes là người Pháp (ông sinh ở vùng Avignon)
Đúng như TS. Nguyễn Tường Bách đã nhận định:
“Mục đích ban đầu của chữ quốc ngữ là để cho các nhà truyền giáo nói được tiếng Việt và giao tiếp với cộng đồng tôn giáo của mình bằng chữ viết. Về sau, khi các nhà cai trị người Pháp đến Việt Nam, họ cũng không kham nổi chữ Hán lẫn chữ Nôm. Giải pháp thuận tiện của người Pháp là buộc mọi người Việt Nam phải sử dụng chữ quốc ngữ và có lẽ đó cũng là lý do tại sao vai trò của Alexandre de Rhodes được nêu bật.”
Vì là sản phẩm của bọn Tây di, nên chữ quốc ngữ bị giới sĩ phu tẩy chay.Chữ nôm còn bị chê là nôm na mách qué, thời cái thứ chữ do bon Bạch quỉ chế ra này các cụ có mà thèm để mắt!
Sau đó nó còn là công cụ của thực dân Pháp trong việc cai trị.
Lại vì nó mà cả một nền Nho học với bao công lao dùi mài kinh sử trở thành vô dụng nên thứ chữ này càng bị khinh ghét.
Nhưng sự tiện dụng và sức sống mãnh liệt của chữ quốc ngữ càng ngày càng lộ rõ, càng thắng thế.
Năm 1915 vua Duy Tân bãi bỏ chế độ thi cử cũ ở Bắc kỳ.
Năm 1918 vua Khải Định bãi bỏ thi cử cũ ở Trung kỳ.
Năm 1919 vua Khải Định chính thức đóng cửa các trường dạy chữ Nho.
Ngày 18-9-1924 Merlin, Toàn quyền Đông dương ký nghị định đưa chữ quốc ngữ vào dạy trong 3 năm đầu bậc Tiểu học.
Nền Nho học cáo chung, chữ Quốc ngữ lên ngôi.
Nào có gì lạ cái chữ nho
Ông nghè, ông cống cũng nằm co
Sao bằng đi học làm ông Phán.
Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò
(Chữ Nho) – Tú Xương
Người Bồ Đào Nha khai sinh ra chữ Quốc ngữ, người Pháp ép dân ta dùng chữ Quốc ngữ.Nhưng truyền bá và trau chuốt cho chữ Quốc ngữ được như ngay hôm nay công lớn nhất phải thuộc về những người tiên phong tiêu biểu như: Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh… cùng với họ một đội ngũ tân học ngày càng đông, nhiều tài năng, đầy nhiệt huyết và dũng cảm.
Những người con ưu tú đó đã được nhớ ơn, được tôn vinh bằng những tên đường trong đô thị.
Vậy mà trong những người đi đầu ấy, có một người hình như bị bỏ quên.
Một người có tư cách sáng chói, có trí thông minh và chí tự học siêu việt, từ thân phận một thằng nhỏ 8 tuổi chưa biết chữ kéo quạt tại trường Thông ngôn Yên phụ-Hà nội, năm 14 tuổi đã đỗ thủ khoa lớp thông ngôn của chính trường này, là người Việt đầu tiên được gia nhập Hội Nhân quyền Pháp, người đầu tiên xuất bản tờ báo bằng chữ quốc ngữ ờ Hà nội, tờ Đại nam Đăng cổ tùng báo, người đầu tiên dịch các tác phẩm văn học Pháp sang tiếng Việt, người đầu tiên dịch truyện Kiều sang tiếng Pháp, người đứng đơn xin mở trường Đông kinh nghĩa thục (Cụ Lương Văn Can làm hiệu trưởng), người chống quân chủ lập hiến kiểu bù nhìn đòi thành lập nền Cộng hoà, người mà trong lời tựa bản dịch Tam quốc chí đã viết “Nước Nam ta mai sau này hay, dở cũng là ở chữ quốc ngữ”, người 2 lần từ chối Bắc đẩu bội tinh của chính phủ Pháp, người mà lúc chết trên thuyền độc mộc ở sông Sê-băng-hiêng, Sê-pôn – Lào, hai tay vẫn cầm cây bút và quyển sổ với phóng sự đang viết dở dang “Một tháng với những người tìm vàng”.
Người tự cho mình là người man di hiện đại.
Một người mà người Pháp đánh giá là thiếu tính tự ti của dân nhược tiểu.
Người đó là Tân Nam Tử Nguyễn Văn Vĩnh.
Một người xuất chúng và có công lớn với nền văn hoá hiện đại của nước nhà như thế mà mãi tới năm 1999 tên người mới được đặt cho một con đường ở phường 4 quận Tân Bình.
Còn tại Hà nội quê ông thời vẫn chưa có con đường nào mang tên ông…
Sài gòn 12-5-2013
ĐXĐ
Nguồn: http://trelangkienviet.com/2013/06/16/ai-tim-ra-chu-quoc-ngu/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét