24 thg 8, 2013

Chùm chuyện thật ngắn của Thái Doãn Hiếu




Posted on 22.08.2013 by nguyentrongtao

THÁI DOÃN HIU

THÁI DOÃN HIỂU
Viết tiểu thuyết như người đi trên đại lộ, viết truyện ngắn như ngồi trong cửa sổ nhìn ra. Nó chỉ là một nhát cắt. Nhát cắt sắc hay cạn tùy thuộc ở tay nghề và năng lực thẩm thấu cuộc sống của người cầm bút. Tôi vốn bình sinh viết nghiên cứu và phê bình văn học nhưng thể loại văn xuôi này chẳng xa lạ với tôi. Xin gửi tới bạn đọc một chùm truyện cực ngắn viết theo phong cách cố sự tân biên (truyện cũ viết lại) của văn hào Lỗ Tấn và  truyện cực ngắn với đề  tài hiện đại viết theo phong cách văn hào Sê khốp để thấy rằng lối tư duy hình tượng đã giúp cho những trang văn tư duy tư biện khảo cứu văn hóa của tôi thêm sinh khí.

HOÁ KIẾP

          Sáng nay, tại phố N… xẩy ra một vụ án mạng động trời.
Bà chủ tịch hội phụ nữ quận tên  Khuê đi làm khuya về, qua một quãng đường vắng thì bị một đám thanh niên choai choai chực sẵn xông ra vác vào nghĩa trang, xé nát áo quần lột trần ra rồi thay nhau hãm hiếp. Bà yếu ớt chống không nổi sự hung hãn của lũ trẻ, nhưng đứa thứ 9 cuối cùng, bị bà cắn đứt ngón tay út.
          Sau khi dập tắt được ngọn lửa dâm dục, chúng bỏ mặc cô nằm sóng soài ngất xỉu giữa một đám cỏ nhàu nát. Chúng kéo nhau về quán karaoke ăn nhậu, hút hít, la hét tới tận khuya.
          Bà Khuê tỉnh dậy, toàn thân đau ê ẩm như dần, dưới ánh trăng non cố lết về nhà. Bà kể cho chồng là bí thư quận ủy nghe chuyện khủng khiếp. Ông chồng nổi giận đùng đùng.
          Gần sáng, họ vào thăm phòng con trai đánh thức nó dậy đi học như thường lệ thì thấy cậu quý tử ngủ say như chết, máu loang ra cả chăn nệm, bàn tay phải mất ngón út mới được băng bó sơ sài. Ông bố sùng sục chạy xuống bếp xách con dao bầu xồng xộc lao lên. Bà mẹ quỳ xuống lạy, ú ớ  không ra tiếng. Nhanh như cắt, ông phóng một đường  dao sắc lẹm trúng tim con. Cậu bé chết đứ đừ, không kịp ngáp, chết mà chẳng hiểu mình chết vì lẽ gì. Ông đã hóa kiếp cho nó.
          Có lẽ sang kiếp khác thằng bé sẽ sống Người hơn ?

VẬT HIẾN TẾ HIỆN ĐẠI

          Một cô gái điếm nghèo có nhan sắc tên là Nguyệt Nga bị bệnh nặng, không tiền để thuốc thang. Ông bác sĩ động lòng trắc ẩn thương tình chữa cho miễn phí.
          Lành bệnh, cảm cái ơn tái sinh, cô đến tạ ơn bằng cách hiến thân đãi ân nhân một đêm vui. Ông bác sĩ xởi lởi nhận lời. Cuộc mây mưa làm tình đang đến đỉnh điểm cao trào, thì bỗng nhiên nghe một tiếng “kịch” phát rõ to và đục  dưới tấm nệm. Ông bác sĩ tưởng bị khủng bố tấn công, hốt hoảng  “Gì vậy”. “Dạ thưa, không có chi, chỉ là cái khay bị vỡ thôi mà”. “ Sao cô làm thế”. “Dạ thưa, em thấy mọi người khi trả tiền bác sĩ  họ đều đặt tiền vào khay, nâng hai tay dâng. Em cũng đặt em lên khay để tỏ lòng tôn kính”.

DI HUẤN THIÊNG LIÊNG

          Bà mẹ trong cơn hấp hối, ghé tai anh con trai trưởng thì thào “Khi tao chết, nhớ quật mồ bố mày lên đặt tao nằm cạnh ông ấy”.
          Suốt mấy ngày lễ tang, anh ta rất phân vân.
          Ngày bố lâm chung, bố anh căn dặn “Khi nào mẹ mày “đi”  thì chôn bà ấy xa xa mộ bố một chút cho bố nhờ, mát cái lỗ  tai”. Không biết nghe theo lời người nào đây ? được lòng bố thì mất lòng mẹ, được lòng mẹ thì mất lòng bố !  Mà lời di huấn của  đấng song thân bao giờ cũng thiêng liêng cả.

TỬ HÌNH CẢ BỐ !

          Ông Đội về làng thăm nhà, có hai lính bồng súng theo hầu. Oách thật ! Thời Cải cách ruộng đất, “nhất Đội nhì trời”, không oai mà  được à. Ông Đội mù chữ, chỉ biết mỗi chữ ký phải tập đến cả trăm lần mới thành, nhưng  khi ông kê bản án tử hình tỳ lên ghi đông xe đạp ký cái roẹt thì có bốn năm chục mạng người bay khỏi trái đất như gió mùa thu quét lá.    Ông là kẻ sát nhân lương thiện giết người sạch sẽ.
          Ông đứng trước cổng, cẩn thận bước qua cánh cửa lim  nặng nề kêu ót ét quay, tần ngần nhìn cơ ngơi dinh lũy phong kiến nhà ông tòa ngang dãy dọc được kiến tạo bao đời, bây giờ nông dân bần cố chia nhau ở, buông một tiếng thở dài não nề. Ông chầm chậm  rẽ phải, đi qua vườn chuối xơ xác. Cuối vườn có một cái ổ chó, nơi gia đình ông bị nông dân tịch biên hết cả gia sản, đuổi cổ khỏi nhà đang cư ngụ trong đó. Ông dừng lại đằng hắng. Một cô bé 7 tuổi chạy ra, mặt lằm lằm, chẳng nói chẳng rằng. Rồi bà mẹ da bọc xương bọc chống gậy tập tễnh bước ra.
          - Bố đâu, mẹ ? Ông Đội hỏi dồn.
          Bà mẹ uất lên nghẹn ngào. Cô em căm phẫn:
          -  Còn giả bộ hỏi. Anh ký giấy tử hình cả bố còn gì. 43 người tất cả với chữ ký của ông Đội Đỗ Xuyên Tạc còn rành rành ra đó. Chối nữa hay thôi ?
          Ông Đội sững người, đứng như trời trồng, lâu sau mới thốt nên lời:
          - Trời ơi ! Chúng nó đưa danh sách xử bắn từ xã lên hàng chục người, làm sao đọc xuể, chỉ còn biết hỏi ”tao ký chỗ nào mày ?
          Sau những chiến tích “quân pháp bất vị thân” ông Đội Đỗ Xuyên Tạc được cấp trên tín nhiệm, thăng cấp rần rần. Sau Cải cách ruộng đất, ông leo lên đến chức Chủ tịch thành phố  Hải Đông.

CAO HỔ  CỐT THỨ  THIỆT

          Nắng trưa chang chang đổ lửa xuống tán cây trùng điệp rừng Cao Bằng. Kỹ sư địa chất Khắc trằn xuống ngâm mình trong dòng nước suối mát lạnh xua đi cái mệt mỏi sau một buổi trèo leo đi tìm quặng, thì vừa lúc kỹ sư Dần – bạn anh lật đật đi ngang qua.
          - Hôm nay, mình sẽ về xuôi nghỉ phép thăm nhà. Cậu có quà gì gửi về cho ông cụ nhà cậu không ?
          -  Sao gấp gáp thế ? Biết gửi gì đây được bây giờ ? Á, tớ vừa mua được hai lạng cao hổ cốt của một dân bản người Tày. Cậu mở tủ lấy hộ, ngăn thứ hai bên phài.
          Ba tháng sau, kỹ sư Khắc về phép thăm nhà. Ông cụ xuống tận cầu thang đón con trai. Mặt mày hồng hào hớn hở, cụ khoe ngay với Khắc:
          -  Cao thế mới gọi là cao chứ, đúng là cao hổ cốt thiệt, uống vào đến đâu biết đó. Chứng đau nhức toàn thân của thầy không thuốc nào chạy chữa khỏi, cứ êm dần rồi lui hẳn.. Cao thật là tốt. Nhưng sao nó rắn thế ?
          -  Thầy dùng bằng cách nào ?
          -  Lấy thanh cật nứa mài với nước chè. Lạ lắm, nó cứ đặc sánh không tan. Thầy trêu mỗi bữa một ít.
          Nghe thế, Khắc hơi chột dạ:
          - Cao còn nữa không thầy ?
          - Còn nguyên một lạng. Phải dè sẻn không dám dùng nhiều. Thánh y thần dược phải để dành phòng xa chứ.
          - Thầy lấy ra đây con đổi cho thứ khác tốt hơn.
          Khắc mở ba lô lấy hai lạng cao thật đổi lấy một thỏi dài dài tròn tròn, răn rắn trong tay bố. Lần giở lớp giấy báo ra, nó chỉ là một thỏi cao su đúc ! Thì ra cái thằng đoảng Dần đãng trí đã lấy lộn phải hai chiếc má phanh xe đạp ở chiếc ngăn thứ 2 bên trái..
          Thật lầm lẫn chết người – Khắc lẩm nhẩm – may mà… Rất nhanh, anh đổi lo làm vui:
          - Thầy à, loại cao này còn tốt hơn thứ thầy vừa dùng. Đây mới chính là cao hổ cốt thứ thiệt đấy ạ !
* Cái ảo giác nhiều khi cũng là chân lý.

MÓN ÓC KHỈ

          Năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp các nhân sĩ trí thức Thủ đô Hà Nội. Với một giọng đượm buồn, Người băn khoăn về những tổn thất lớn của Cải cách Ruộng đất mà dư âm còn tê tái và đề nghị các nhân sĩ cho kế sách. Chủ tịch hỏi cụ Phó bảng Phan Võ về nguyên nhân sai lầm. Cụ Phan thưa:
          Tôi xin kể Chủ tịch nghe câu chuyện nhỏ.
          Bà  Thục Cơ – ái khanh của vua Minh Mạng lâm trọng bệnh. Vua truyền thánh chỉ “bằng mọi giá phải cứu cho được quý phi. Quan thái y chẩn bệnh kê toa. Trong toa có món óc khỉ sống. Triều đình phủ dụ giao cho tỉnh Quảng Trị cấp tốc tiến cung một bộ óc khỉ sống để làm thuốc.
          Để chắc ăn, tỉnh đường xuống lệnh “Mỗi huyện bắt 5 con khỉ”. Để trừ hao, huyện sức xuống dưới xã “Mỗi xã bắt 10 con khỉ”. Để phòng xa, xã sức “Mỗi tổng bắt 20 con khỉ”. Tổng lại sức cho làng “Mỗi làm bắt 40 con khỉ”.
          Quan lệnh lính truyền, cứ thế làm, không ong đơ chi hết.Lệnh vua chớ đùa, mất cái đầu đội nón như chơi.
          Thế rồi, những cánh rừng bạt ngàn thâm u Quảng Trị đang ngủ vùi trong giấc nguyên sinh bỗng chốc náo loạn cả lên bởi cuộc lùng sực săn bắt đại quy mô của hàng trăm phường săn.
          Đến ngày quy định, quan ngự y trong Đại Nội nhận được 1.739 con khỉ. Cả một thị tộc nhà khỉ bị tóm. Khỉ ông, khỉ bà, khỉ cha, khỉ mẹ, khỉ con, khỉ cháu, khỉ chắt rầu rầu, ngơ ngác nhìn nhau qua những chiếc rọ nứa đan xoắn xuýt, nước mắt ngắn, nước mắt dài.
          Chủ tịch chăm chú nghe. Nghe xong, Người ngùi ngùi sẽ sàng nói:
          -Vâng ! vâng ! Tôi hiểu ý cụ: sai một ly đi một dặm ! Xin cảm ơn cụ về lời phê bình thật. Ở Nghệ Tĩnh quê mình tổn thất ra làm sao ?
          - Thưa. Vô cùng to lớn. Tôi kể sơ Chủ tịch nghe. Bộ trưởng Đặng Hướng thay mặt Chính phủ về kiểm tra ba tỉnh Thanh Nghệ Tĩnh. Chân ướt chân ráo vừa đặt chân tới Diễn Châu liền bị du kích tóm ngay tống vào tù với tội danh địa chủ lọt lưới và phản động. Mấy tháng sau ông chết trong tù. Cha ông Phan Đăng Lưu là Phan Đăng Dư ở Yên Thành bị bắt tù ở Bến Hới và bỏ mạng trên đó. Ông Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm ở Hương Sơn – vị đốc học liêm chính, bị bắt giải đi chết trên đường đến trại giam. Ông Bộ Trinh người xứ Dừa hoạt động và bị đày cùng Nguyễn Chí Diểu, Huỳnh Ngọc Huệ, cùng với Tố Hữu bị bắt bị đày các nhà lao Lao Bảo, Đắc lay…bị xử bắn bởi lý lịch mờ ám và phản động. Nhà Phan Bội Châu bị kê biên tịch thu, ảnh của nhà chí sĩ bị vứt xuống chuồng lợn. Những chiến sĩ cốt cán Đảng viên 1930-31 bị vu cáo là Quốc dân đảng, bị dùng cực hình tra khảo đấu tố, cầm tù, tiêu biểu là nhà giáo Thái Doãn Tiên ở Yên Lăng. Bí thư chi bộ Đảng Vầng Hồng ở Yên Hòa, Anh Sơn ông Thái Doãn Yết, nhận chỉ thị của bí thư Cửu Thiện sang làm bang tá hoạt động hai mang, bị kết án “Khiếp nhược trước uy vũ kẻ thù đầu hàng chúng phá hoại cách mạng” và nhận bản án tử hình. Ông Nguyễn Công Trạm – thư ký riêng của cụ Hồ Tùng Mậu bị nông dân Thái Sơn Đô Lương lôi về xử tử, cả gia đình ông chết đói 7 người, ba người bị bỏ tù, gia đình tan nát.  Gia đình ông Cửu Trạm là ân nhân nuôi dưỡng ông Nguyễn Sinh Sắc những năm tháng ông Sắc sang Anh Sơn đi học. Nhiều thân hào địa chủ  biết trước kết cục bi đát như thế nên đã treo cổ tự tự. Số bị bắn chính thức theo chỉ tiêu trên bổ xuống nhiều vô kể, mỗi xã 6 mạng, không ngày nào là không ngớt tiếng súng. Theo thống kê của quyển Lịch sử kinh tế Việt Nam, NXB Sự Thật 1957, tổn thất của CCRĐ toàn miền Bắc lên đến 172.008 người bị  giết và nửa triệu người bị hại…
          - Vâng ! Con số không nhỏ. Hồ Chủ tịch lấy khăn tay thấm nước mắt.

CHÂU VỀ HỢP PHỐ

          Ông Sĩ là doanh nhân thành đạt giàu có đến nghỉ mát ở thành phô H. Ông mới thửa một chiếc đồng hồ hiệu Rôlếch ngay trong chuyến công du đến Pháp.
          Ông đi bát phố bằng tắclô để tìm khoái cảm trần thế. Khi về đến nhà thì chiếc đồng hồ đắt tiền của ông bay hơi lúc nào không hay.
          Ông đem chuyện  này phô với bạn ông là Chủ tịch thành phố H. cho dịu bớt bực mình, chẳng có một chút hy vọng nào vớt vát lấy lại với tụi kẻ cắp chuyên nghiệp nhiều như rươi ở thành phố này.
          Chiều đến. Có chú công an sắc phục chỉnh tề tìm đến khách sạn trao chiếc đồng hô  Rôlếch cho ông Sĩ  với một lời xin lỗi cung kính.
          - Xin ngàn lần tha thứ cho sự lầm lẫn của đám đệ tử. Thật không ngờ là ông đây và thủ trưởng của chúng tôi  lại  là chỗ thân tình đến thế.
          Ông Sĩ đứng ngẩn người ra   !…

LÀM VUA SƯỚNG LẮM CHA À !

Thằng Trình ba tuổi thỏ thẻ với cha :
- Làm vua sướng lắm cha à ! Cha không biết đó thôi.
- Thế cơ à ! Sướng ra làm sao, con trai ?
- Sướng quá chời ! Giả tỷ như ta có thể ra lệnh : “ Lính ! Mày chạy mau qua bên kia đường mua cho ta một cây kem 5 xu để ta mút”.
Ông bố tròn xoe mắt :
- Còn gì nữa không con?
- Từng ấy đủ rồi – Cậu bé tưng hửng, cái mặt vênh lên.

QUẢ BÁO NHÃN TIỀN

          Sài Gòn sau giải phóng. 7 h kém 23 phút  ngày 24-11-1975, tại vòng xoáy  Cộng Hoà đường Nguyễn Văn Cừ xẩy ra tai nạn thật kinh hoàng. Một cô gái trẻ lái chiếc honda chở mẹ bế cậu con trai một tuổi đi cấp cứu bệnh viện Nhi Đồng đã chui tọt vào gầm xe tải làm tử vong tại chỗ cả ba người.
          Ông chồng đứng trước một đống thịt bầy nhầy máu mê lênh láng của người thân, ngất xỉu. Cay đắng về đời sống vô thường, ảo ảnh, từ đó sống thui thủi một mình. Ít lâu sau, những bạn bè thân thuộc thấy anh ta xuống tóc, khoác áo nâu tu hành trong một ngôi chùa vắng ngoại thành.
          Người ta đồn rằng hồi còn sống trong cứ, anh ta là tay thiện xạ nhất đơn vị, chuyên kiếm thực phẩm cho cơ quan bằng cách săn bắn thú rừng. Anh ấy đã hạ sát 6.783 con thú gồm mễn (hoẵng), cheo, gấu, bò tót, gà rừng, nai, trăn, kỳ đà, khỉ … Người đời ngao ngán chép miệng “gieo gì gặt nấy”.

(Rút trong tập truyện THỬ GIẢI MÃ SẤM TRẠNG TRÌNH
của THÁI DOÃN HIỂU, gồm 214 truyện. Chưa xuất bản)

LỜI BÌNH  CỦA TỪ ANH TUẤN :
       Lỗ Tấn viết “cố sự tân biên” bằng những truyện ngắn khá dài. Vì vậy, Ông có đất để sáng tạo. Trong những “cố sự tân biên” của Ông thì “Luyện kiếm” là một sáng tạo kì tài. Cách đây hơn 50 năm, khi còn là một học sinh cấp II, tôi đã mê mẩn truyện ngắn đó và đã đọc đi đọc lại mấy lần liền mà không biết chán.
      “Cố sự tân biên” mà viết bằng truyện ngắn mi ni thì cực khó vì nhà văn phải diễn tả “cố sự” ấy như một vở kịch cực ngắn mà vẫn có lớp lang, có nhân vật, có tình tiết, có kịch tính…Và cái chính là phải nêu lên được một triết lí, một kết luận…nhằm gây được ấn tượng sâu sắc cho người đọc, buộc họ phải suy ngẫm.
       Đã là “cố sự” thì thường là nhiều người biết và đã định hình. Hơn nữa phải “viết lại” chứ không phải “chép lại”. Khi viết lại, nhà văn phải sáng tạo như thế nào đó để người đọc “thuận tai”, không thấy nhàm chán. Đó là một yêu cầu không dễ thực hiện. Sáng tạo là cốt lõi, là điều bắt buộc của “cố sự tân biên”. Anh chọn thể loại truyện ngắn mi ni để  “viết lại” những “chuyện cũ”  thì Anh đúng là “người dũng” trong văn chương!
       Trong dăm truyện ngắn mi ni Anh gửi cho, tôi thích nhất truyện “Ôm lấy của nợ đó mà làm gì?”.
       Tôi nhớ, trước đây, trong bài tham luận gửi Đại hội các nhà văn Việt Nam (tôi quên mất năm nào), Nguyễn Huy Thiệp có kể rằng, khi học trò hỏi Khổng Tử là nếu làm chính trị thì Ông sẽ làm gì trước tiên. Nguyễn Huy Thiệp bảo lúc ấy Khổng Tử cau mặt, càu nhàu trả lời: “Ta sẽ chính danh trước”.
      “Chính danh” là một trong những học thuyết nổi tiếng khoảng 2500 năm nay của Khổng Tử, một bậc “Thánh nhân”", một “Vạn thế sư biểu”. Mỗi câu mỗi chữ của Ông đều thành “Kinh”, thành “Điển”. Vậy mà ngày nay Nguyễn Huy Thiệp diễn tả Khổng Tử cau mặt, càu nhàu khi trả lời học trò việc mình phải “chính danh” trước khi làm chính trị là một sáng tạo rất tài hoa.
      Trong truyện “Ôm lấy của nợ đó mà làm gì?”, Anh lại diễn tả Khổng Tử ” vuốt râu bình đạm” (tôi thấy hình như Ông ấy còn tủm tỉm cười) khi trả lời “thắc mắc” của học trò, rằng Ông đã dùng mẹo khích tướng nhằm đuổi hai kẻ hủ nho gàn dở đến quấy rầy mình cũng là một sáng tạo rất lí thú.

LỜI BÌNH CỦA NHỤY NGUYÊN :
Mảng truyện ngắn thật có giá trị, nó không thua kém gì mảng nghiên cứu và phê bình văn học nổi tiếng của chú.

LỜI BÌNH CỦA ĐỒNG THỊ CHÚC
Tôi biết nhà nghiên cứu và phê bình VH Thái Doãn Hiểu đã viết đến hàng trăm truyện ngắn. Tôi may mắn đọc được một số truyện . Nhưng với chỉ một số đó thôi, tôi đã cảm thấy thật thú vị . Qua truyện của ông giúp tôi hiểu về ngày xưa , nhân vật xưa mà tôi chưa hề biết. Có truyện như điển tích, có truyện như giai thoại và tất cả đều rút ra ý nghĩa hay bài học gì đó cho người đọc nó. Với lối viết ngắn, kiệm lời pha chút hóm hỉnh làm người đọc có lúc bật cười bởi chợt nhận ra một điều gì tâm đắc. Chính vì vậy  đã khiến người đọc nó khi đã đọc hết truyện này sẽ muốn đọc truyện tiếp theo.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét