29 thg 9, 2024

ÔNG TÔI - Trần Phong Vũ

 

ÔNG TÔI
 
Ngày mai, 27 tháng 8 Âm lịch là ngày giỗ ông nội tôi. Ông mất năm 1972 vì cancer phổi hưởng thọ đúng 72 tuổi luôn.
Ông nội tôi vốn là một nông dân nghèo, không có ruộng đất ở 1 làng quê ven bờ sông Nhuệ Hà Đông. Vì nghèo nên phải tha phương cầu thực, phải Nam tiến tìm đất sống noi gương những người cùng làng đi trước. Năm 1935, ông gửi ba tôi lúc đó mới 14 tuổi vào Saigon học nghề thợ giày. Sau đó đến chú tôi, cô tôi... Phải đến năm 1940, ông tôi đăng ký đi mộ phu đồn điền ở Lộc Ninh, được 1 khoản tiền ông giao cho bà nội tôi ở quê nuôi 2 người con còn lại. Gia đình ông tôi ly tán từ đây.
Làm phu đồn điền ngày xưa rất cực nên đến năm 1945, ông tôi đổ bệnh sốt rét rất nặng tưởng không qua khỏi, ba tôi hay tin, vay một số tiền lớn về Lộc Ninh nuôi ông. Khi ông tôi khỏi bệnh, ba tôi đưa ông tôi về Bà Chiểu xứ Gia Định. Ở đó ba tôi thuê đất cất một căn nhà nhỏ trên đất của ông Bá hộ Quyền. Ông này sau 1954 bỏ sang Pháp nhưng ba tôi hàng năm vẫn phải đóng tiền đất qua văn phòng thừa phát lại cho đến khi trào ông Diệm sụp đổ mới thôi (1963)
Điều khiến ông tôi tự hào và hạnh phúc nhất là ba tôi, chú và cô tôi đều xây dựng gia đình, sinh cho ông tôi một đống cháu nội, ngoại chừng 2 chục đứa hơn.
Thuở nhỏ, ông tôi cưng tôi nhất vì tôi là cháu đích tôn của ông. Người bắc quê là vậy đó. Mỗi năm, rằm Thượng ngươn ( tháng giêng) và Hạ ngươn (tháng 10). Ông tôi lại trịnh trọng khoác lên người bộ bà ba lụa trắng, bên ngoài là cái áo the đen, đội khăn đóng, chân đi hài Gia Định bóng nhoáng dẫn tôi lên chùa Pháp Vân ở Phú Nhuận dự Tế và hội làng Văn Giáp. Ở đó, ông tôi được ngồi ghế kỳ lão, được mọi người trịnh trọng gọi bằng Cụ vì ông là một trong những người già nhất của làng ở đất Saigon này...
Năm 1972 cũng là năm tôi thi đỗ Tú tài 1 hạng Bình. Làng tổ chức trao bằng tưởng lệ và khen thưởng. Tôi nhớ hoài một ông cụ già nhất làng gọi là cụ Kỳ. Khi trao bằng cho tôi, ông cụ nắm tay tôi rưng rưng : Về nói với ông Nội và bố con là ông mừng lắm vì con nhà nghèo mà học giỏi như thế này là có phúc lắm... Tôi thì buồn vì khi đó ông tôi đang vật vã đau đớn vì căn bệnh thế kỷ. Rồi ông tôi cũng mất sau bà nội tôi 3 năm. Bà tôi mất ở ngoài quê năm 1969, lúc đó giữa 2 miền vẫn còn thư tín gửi qua bưu thiếp...
Dù sao thì khi ông tôi mất, đám tang ông tôi di chuyển từ Ngả tư Bình Hòa lên chợ Bà Chiểu, khăn tang trắng đội đầu cũng rợp trời vì quê tôi có lệ con cháu trong dòng họ đều phải chít khăn....
Như vậy đó, ba má và ông bà tôi là người bắc nhưng lứa chúng tôi đều sinh ra ở đất Saigon, nói giọng Saigon, ẩm thực và sinh hoạt trong nhà vẫn còn giữ nếp Bắc nhưng ra đời đều tự hào khoe với mọi người : Tui là dân Xì gòn chánh hiệu con nai vàng
Có lần đi ra Bắc công tác, có thím trưởng buồng ngơ ngác : Ủa thầy Hai là người Bắc à ? Tôi vỗ ngực : không, tôi là Bắc kỳ lai, gấp 2 Bắc kỳ thật đấy...
 
TRẦN PHONG VŨ
28.09.24


 Mời Xem : LẤY VỢ -Trần Phong Vũ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét