Mời Xem Lại :
50 sự kiện bạn cần biết về Lịch Sử Thế Giới- Phần 9 (41-45)-Nghiên Cứu Lịch Sử
Ian Crofton
Trần Quang Nghĩa dịch
46 CHIẾN TRANH VIỆT NAM
Việt Nam là cuộc chiến tranh mà người Mỹ thua trận. Sự can thiệp của Hoa Kỳ vào đông nam Á kéo dài hơn một thập niên, và trong quá trình đó đất nước bị chia rẽ và để lại một di sản đắng cay kéo dài. Tính tất cả, khoảng 2 triệu người Mỹ – phần đông là lính nghĩa vụ da trắng hoặc da đen nghèo – tham gia chiến đấu trên trận địa, và các phi cơ Mỹ đã bỏ trọng lượng bom gấp hai lần đã bỏ trong Thế Chiến II.
Xung đột ở Việt Nam là chương “nóng nhất” trong chiến lược Chiến tranh Lạnh của Hoa Kỳ để ngăn chận – hoặc thậm chí đẩy lùi – chủ nghĩa cộng sản quốc tế, mà Mỹ xem như một mối đe dọa cho lối sống của họ, một lối sống dựa trên “chủ nghĩa cá nhân thô thiển”, tính dân chủ và chủ nghĩa tư bản không xiềng xích. Nhưng khi số tổn thất sinh mạng của những thanh niên trẻ tăng lên càng ngày càng cao, nhân dân Mỹ càng lúc càng nhận ra rằng họ đã trả một giá quá đắt.
Cuộc đấu tranh chống thực dân
Những lý tưởng dân tộc vốn đã nảy mầm trên các thuộc địa Âu châu ở hải ngoại trong nửa đầu thế kỷ 20 thường sánh đôi với những lý tưởng phản-đế của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Một người dân trẻ ở thuộc địa đã bắt gặp những ý tưởng như thế trong thời gian sống ở Pháp là Hồ Chí Minh. Anh đã thỉnh nguyện với Tổng thống Woodraw Wilson tại Hội nghị Hòa Bình Paris 1919 hãy công nhận quyền tự quyết của dân tộc Việt Nam – khi đó nằm dưới ách cai trị của thực dân Pháp. Anh bị phớt lờ. Hồ Chí Minh không nản lòng, tiến lên thành lập, vào năm 1930, Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Việc Nhật Bản chiếm đóng Việt Nam trong thời Thế Chiến II tạo cho Hồ Chí Minh cơ hội củng cố vị thế của phong trào du kích chiến, Việt Minh, và ngay sau khi Nhật thất trận vào năm 1945 ông tuyên bố đất nước độc lập. Nhưng người Pháp lại nghĩ khác. Họ quay trở lại với sức mạnh của bạo lực. Cuộc chiến đấu tiếp sau đó mang đến thắng lợi cho Việt Minh vào năm 1954, và cùng năm đó nền độc lập của Đông Dương thuộc Pháp (Việt, Miên, Lào) được công nhận bởi Hiệp định Geneva. Chỉ riêng Việt Nam bị tạm thời chia cắt dọc theo vĩ tuyến 17, Hồ Chí Minh cầm đầu chế độ cộng sản ở miền Bắc, trong khi một chính quyền không-cộng sản được hình thành ở miền Nam. Tổng tuyển cử toàn quốc sẽ được tổ chức vào 1956 để nhân dân chọn một chế độ duy nhất cho một quốc gia thống nhất.
Nhưng khi biết rõ là Việt Minh chắn chắn sẽ chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử, miền Nam – dưới sự cai trị độc tài của Ngô Đình Diệm được Mỹ yểm trợ – từ chối hợp tác. Vào cuối thập niên 1950 một tổ chức du kích quân cộng sản, Việt Cộng, hoạt động tích cực ở miền Nam, được sự chi viện của miền Bắc qua những tuyến đường tiếp tế bí mật xuyên qua Lào và Miên, được biết dưới tên Đường Mòn Hồ Chí Minh. Hoa Kỳ phái những cố vấn quân sự hỗ trợ quân đội miền Năm, và vào năm 1963 đạo diễn một cuộc đảo chính Diệm vốn không được lòng dân. Tuy nhiên, ban cố vấn của Tổng thống Lyndon B. Johnson đi đến kết luận rằng chỉ có việc dàn quân chính qui tham chiến tại chỗ mới chận đứng được làn sóng cộng sản. Nếu miền Nam rơi vào tay cộng sản, các nhà chiến lược Mỹ tin rằng, sau đó tất cả vùng đông nam Á sẽ rơi tiếp theo.
Cuộc “Trình diễn Bên lề” ở Miên.
Ông Hoàng Sihanouk, nhà cai trị đất nước Cao Miên sát bên, đã giữ được tính trung lập cho xứ mình trong những năm đầu của Chiến tranh Việt Nam. Vào năm 1970 ông bị một vị tướng thân Mỹ trong quân đội lật đổ, nhưng sự kiện này cùng với những vụ đột kích của Mỹ vào xứ sở, chỉ khiến dân chúng gia tăng sự hậu thuẫn cho phong trào du kích cộng sản của Cao Miên, Kmer Đỏ. Kmer Đỏ đánh chiếm thủ đô Cao Miên, Phnom Penh, vào năm 1975, và dưới sự lãnh đạo của Pol Pot đã thực thi một cuộc lột xác hoàn toàn xã hội, cưỡng bách dân thành thị về làm ruộng ở nông thôn, và tàn sát dã man bất cứ ai được nghi là phản cách mạng. Tổng cộng, gần 2.5 triệu người Miên có thể đã chết vì đói hoặc dưới bàn tay của đội hành quyết Pol Pot. Thời kỳ khủng bố này chỉ chấm dứt khi quân đội Việt Nam phát động cuộc xâm lăng vào cuối năm 1978 và đánh đuổi Kmer Đỏ rút về rừng núi.
Sa lầy
Một cái cớ đến đúng lúc vào tháng 8 1964 khi miền Bắc Việt Nam tấn công một hải thuyền Mỹ trong Vịnh Bắc Việt. Kết quả là Tổng thống Johnson được Quốc hội chấp thuận cho leo thang chiến tranh can thiệp của Mỹ vào Việt Nam. “Chúng ta sẽ dội bom cho chúng trở về thời Đồ Đá,” Curtis E. LeMay, tổng tham mưu Không Lực Mỹ huênh hoang, khi máy bay Mỹ được lệnh không kích các mục tiêu ở phía Bắc. Lực lượng bộ binh Hoa Kỳ đầu tiên đổ bộ lên miền Nam vào năm 1965, và đến cuối năm 1969 quân số Hoa Kỳ tham chiến ở Việt Nam đã tăng lên hơn nửa triệu người.
Những bộ binh Mỹ đầu tiên đổ bộ lên bờ biển Đà Nẵng Việt Nam
Trong khi các lực lượng Mỹ tiến hành những sứ mạng tìm-và-diệt trong vùng nông thôn – khiến dân quê càng ngày càng chán ghét – thì Việt Cộng chỉ việc rút về các đường hầm bí mật dưới lòng đất. Dù vậy các tướng lĩnh Mỹ vẫn tiếp tục tự tin cất lên giọng điệu chiến thắng đang gần kề. Chỉ đến khi quân đội Bắc Việt và Việt Cộng phát động cuộc tổng tiến công vào dịp lễ Tết đầu năm 1968 công luận Mỹ mới bật ngửa trước cú sốc kinh khủng. Giới truyền thông Hoa Kỳ ít nhiều không bị hạn chế về tình hình chiến sự, và khi mà cuộc chiến được trình chiếu mỗi tối trên truyền hình Mỹ, thái độ quần chúng bắt đầu biến đổi.
Thậm chí cựu biên tập viên thời sự của đài truyền hình CBS Walter Cronkite kết luận vào tháng hai 1968 rằng “chúng ta đang bị sa lầy,” và cách duy nhất thoát ra là bắt đầu đàm phán với miền Bắc. “Nếu tôi đã để mất Walter,” Tổng thống Johnson bình luận, “thì tôi đã để mất thành phần công dân trung bình.” Mặc dù cuộc tổng công kích Tết kết thúc với phe thua là những người cộng sản, nó cũng cho thấy phát biểu của các tướng lĩnh về một thắng lợi đến gần là một ảo tưởng. Khi các cuộc biểu tình phản chiến tràn ngập đường phố Mỹ, Johnson tuyên bố mình sẽ không tái ứng cử.
“Tôi biết ngay từ đầu là nếu tôi rời bỏ người phụ nữ tôi thực sự yêu quí – Xã hội Vĩ đại – để lao vào cuộc chiến chó chết đó . . . thế thì tôi sẽ mất hết mọi thứ ở đây. Mọi niềm hi vọng, mọi ước mơ. . .”
Lyndon B. Johnson, trong tạp chí New York Times, số ngày 2/11/1980. “Xã hội Vĩ đại” là chương trình đầy tham vọng của Johnson về quyền dân sự trong nước và cải cách chống nghèo.
Ứng cử viên chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống 1968, Richard Nixon, đã thắng áp đảo vì ông hứa sẽ kết thúc Chiến tranh Việt Nam. Mặc dù hòa đàm đã khởi động ở Paris, nhưng tiến độ vô cùng chậm chạp. Trong khi đánh nhau vẫn tiếp diễn cùng với biểu tình rầm rộ trong nước, Nixon loan báo chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh,” theo đó quân đội Nam Việt sẽ đảm đương việc chiến đấu khi các lực lượng Mỹ rút quân. Cùng lúc Nixon tăng cường việc dội bom miền Bắc, và ra lệnh không kích và xâm nhập bất hợp pháp vào Lào và Miên để cắt đứt một cách vô vọng con đường tiếp tế của cộng sản.
Hòa đàm Paris đưa đến việc ngừng bắn vào năm 1973, cho phép hoàn tất việc rút quân của lực lượng Mỹ. Khi lực lượng Bắc Việt nối lại cuộc công kích của họ vào năm 1975, quân đội miền Nam, không nhận được viện trợ khí tài như người Mỹ đã hứa, nên mất hết ý chí đánh trả. Đến cuối tháng 4 Bắc Việt đã chiếm được thủ đô của miền Nam, Saigon, và không lâu sau đó Việt Nam được thống nhất. Lào và Miên cũng rơi vào tay những người cộng sản nổi dậy. Chiến tranh Việt Nam đã cướp đi sinh mạng của 58,000 lính Mỹ và hàng triệu người dân Việt Nam.
Thảm kịch chiến tranh
TÓM TẮT
Thất bại lớn nhất về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong thời Chiến tranh Lạnh
DÒNG THỜI GIAN
1941 | THÁNG 7 Nhật chiếm đóng Đông Dương thuộc Pháp. Sau đó Mỹ hậu thuẫn lực lượng kháng chiến Việt Minh gồm người quốc gia lẫn cộng sản. |
1945 | THÁNG 9 Hồ Chí Minh, lãnh tụ Việt Minh, tuyên bố Việt Nam Độc Lập. |
1946 | THÁNG 11 Giao tranh bắt đầu giữa Việt Minh và lực lượng thực dân Pháp, được Mỹ ủng hộ. |
1954 | THÁNG 5 Việt Minh đánh bại Pháp trong trận đánh quyết định tại Điện Biên phủ. THÁNG 7 Hiệp định Geneva: Việt Nam độc lập bị chia cắt thành miền Bắc cộng sản và miền Nam không cộng sản, việc bầu cử treo lại. THÁNG 8 Tổng thống Eisenhower cam kết Mỹ sẽ hậu thuẫn miền Nam. |
1955 | THÁNG 2 Eisenhower gởi cố vấn quân sự Mỹ huấn luyện quân đội miền Nam. THÁNG 10 Ngô Đình Diệm tuyên bố nền cộng hòa độc lập Nam Việt Nam; Hoa Kỳ ủng hộ việc ông từ chối tổ chức trưng cầu dân ý về việc thống nhất. |
1959 | Bắc Việt và Việt Cộng (du kích miền Nam) bắt đầu chiến dịch quân sự nhằm thống nhất đất nước. |
1960 | THÁNG 10 Việt Cộng thành lập Mặt trận Giải Phóng Miền Nam để chiêu dụ những người không cộng sản vào chính nghĩa của họ. |
1961 | THÁNG 5 Tổng thống Kennedy phái 400 binh sĩ thuộc lực lượng đặc biệt đến Việt Nam. |
1963 | THÁNG 11 Mỹ đạo diễn vụ đảo chính lật đổ Diệm. |
1964 | THÁNG 8 Tấn công hải thuyền Mỹ ở Vịnh Bắc Bộ thúc giục Quốc hội thông qua nghị quyết Vịnh Bắc Bộ, cho phép leo thang sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam. |
1965 | THÁNG 2 Mỹ ném bom các mục tiêu ở miền Bắc và gởi bộ binh chính qui đến mặt trận. |
1968 | THÁNG 1 Mở màn cuộc công kích Tết Mậu Thân, tiếp theo là biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam trên đất Mỹ. THÁNG 3 Ít nhất 350 dân làng không vũ khí bị lính Mỹ tàn sát tại Mỹ Lai. THÁNG 5 Hòa đàm bắt đầu ở Paris. THÁNG 10 Ngừng hoàn toàn việc ném bom xuống Bắc Việt. |
1969 | THÁNG 3 Tổng thống Nixon ra lệnh bí mật ném bom xuống các mục tiêu ở Miên. |
1970 | THÁNG 4 Lực lượng bộ binh Mỹ tiến vào Miên, càng thúc đẩy biểu tình phản chiến gia tăng. THÁNG 12 Quốc hội hủy bỏ Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ. |
1972 | THÁNG 3 Bắc Việt phát động cuộc công kích chủ lực, bị không lực Mỹ ngăn chặn. THÁNG 12 Nixon ra lệnh “dội bom Giáng Sinh” ác liệt xuống Hà Nội. |
1973 | THÁNG 1 Thỏa thuận hòa bình được ký kết. THÁNG 3 Những binh sĩ cuối cùng rời khỏi Việt Nam. |
1975 | THÁNG 4 Bắc Việt chiếm Saigon, và miền Nam. Khmer Đỏ nắm quyền ở Miên. THÁNG 11 Cộng Sản Pathet Lào nắm quyền ở Lào. |
1976 | THÁNG 7 Bắc và Nam Việt Nam thống nhất. |
47 XUNG ĐỘT Ả RẬP- ISRAEL
Cuộc tranh cãi giữa nhà nước Do Thái Israel,người Palestine và các dân tộc Ả Rập khác chứng tỏ đây là mối xung đột lâu dài nhất và khó giải quyết nhất trong lịch sử hiện đại. Nó cũng là mối xung đột có tác động mạnh mẽ vượt khỏi Trung Đông, hoặc làm lên giá dầu hoặc làm tăng trưởng chủ nghĩa khủng bố toàn cầu.
Việc định cư người Do Thái ở Palestine – lúc đó là một bộ phận của đế chế Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ – bắt đầu vào những năm đầu tiên của thế kỷ 20. Những người định cư ôm ấp những lý tưởng của chủ nghĩa Zionism (chủ nghĩa Phục quốc Do Thái), một phong trào được Theodor Herzl thành lập vào cuối thế kỷ 19. Ông tin rằng dân tộc Do Thái lạc loài vô tổ quốc – đang sống rải rác trên khắp thế giới trong hàng ngàn năm nay – nên tạo ra một nhà nước Do Thái trên quê hương đã nêu trong kinh thánh của họ.
Việc thành lập Israel
Động lực chính cho chính nghĩa những người phục quốc xuất hiện vào năm 1917, khi Ngoại trưởng Anh, A. J. Balfour, tuyên bố rằng chính quyền của ông sẽ “tán thânh việc thành lập ở Palestine một nhà nước cho người Do Thái.” Mục đích của Balfour là kêu gọi sự ủng hộ từ dân Do Thái ở Anh cho chính nghĩa của Anh trong Thế Chiến I, khi đó đang diễn tiến. Sau khi Thổ bị thua trận vào năm 1918, đế chế Ottoman sụp đổ, và Palestine trở thành vùng ủy thác của Hội Quốc Liên, do Anh trông nom.
Số người định cư Do Thái ở Palestine tăng lên trong thập niên 1920, dẫn đến những xung đột dữ dội với dân Ả Rập đã sống ở đó từ lâu đời. Những người này không chỉ lo sợ bị chiếm mất đất, mà còn bị ảnh hưởng bởi tinh thần mới của chủ nghĩa dân tộc Ả Rập. Trong Thế Chiến I người Ả Rập đã hỗ trợ Đồng Minh bằng cách nổi dậy chống người Thổ, và hi vọng sẽ đạt được độc lập như một phần thưởng. Thay vào đó, phần lớn đế chế Ottoman trước đây đã được Anh và Pháp chia chác.
Bạo lực tiếp diễn trong suốt thập niên 1930, và những kế hoạch phân chia Palestine cho người Do Thái và Ả Rập đã được cất lên kệ sau khi Thế Chiến II bùng nổ. Kinh qua trận Diệt Chủng lại thúc giục nhiều người Do Thái Âu châu còn sống sót tìm về trú ngụ ở Palestine, nhưng người Anh vẫn duy trì chính sách trước chiến tranh của họ là hạn chế người di cư. Bên trong Palestine,những nhóm du kích phục quốc như Irgun và Stern Gang tiến hành một chiến dịch khủng bố ác liệt chống lực lượng Anh, khiến Anh vào năm 1947 phải tuyên bố trao lại quyền ủy thác cho Liên Hiệp Quốc, tổ chức kế nhiệm Hội Quốc Liên. Liên Hiệp Quốc tổ chức đầu phiếu để chia phần Palestine cho người Do Thái và Ả Rập, nhưng việc này càng làm cho xung đột giữa hai bên thêm dữ dội. Vào ngày 14/5/1948, ngay trước khi quyền ủy thác của Anh hết hạn, người Do Thái ở Palestine tuyên bố ra đời nhà nước Israel.
“Cuối cùng chúng ta sẽ được sống như những con người tự do trên mảnh đất riêng của mình, và sẽ chết một cách an bình trong ngôi nhà của mình.”
Theodor Herzl, người sáng lập chủ nghĩa Phục quốc Do Thái, trong quyển sách Nhà Nước Do Thái của ông, 1896.
Chiến tranh Ả Rập – Israel
Những nước láng giềng Ả Rập của Israel – Ai Cập, Jordan, Syria và Lebanon – ngay lập tức tấn công nhà nước còn non trẻ. Cuộc chiến thật ác liệt, nhưng sau khi ngừng bắn vào năm 1949, Israel lại thấy mình sở hữu nhiều đất đai hơn phần được Liên Hiệp Quốc phân cho – khoảng 80 phần trăm lãnh thổ Palestine. Việc thành lập nhà nước Israel tốn bao nhiêu xương máu: bạo lực chống lại người dân Ả Rập do các nhóm cực đoan Do Thái gieo rắc buộc khoảng 500,000 người Ả Rập Palestine phải chạy khỏi xứ sở trong một sự kiện được biết dưới tên thenakba (tiếng Ả Rập có nghĩa là “thảm họa”), chỉ còn 200,000 người ở lại. Những dân tị nạn này được cấp chỗ cư ngụ trong các trại tị nạn ở Gaza và Bờ Tây, mong đợi có ngày được hồi hương. Chính nghĩa của họ trở thành chính nghĩa của chủ nghĩa dân tộc toàn-Ả Rập, một phong trào càng ngày càng lớn mạnh trên khắp vùng, nhất là sau Cuộc Chiến Ả Rập-Israel Lần 2, Khủng hoảng Kênh đào Suez 1956.
Khủng hoảng Kênh đào Suez
Vào tháng 7 1956 Tổng thống Nasser của Ai Cập, một người theo chủ nghĩa dân tộc đầy quyết tâm, đánh chiếm Kênh đào Suez, do Anh và Pháp liên kết sở hữu vì lợi ích. Anh và Pháp đi đến một thỏa thuận bí mật với Israel, theo đó Israel sẽ xâm lược Bán đảo Sinai của Ai Cập lấy cớ ngăn chặn những vụ đột kích xuyên biên giới, và Anh và Pháp sẽ can thiệp, bề ngoài là để bảo vệ kênh đào.
Hình vị trí Kênh đào Suez, nối Địa Trung Hải và Hồng Hải, băng qua xứ Ai Cập do Anh và Pháp đầu tư xây dựng
Chiến dịch bắt đầu vào tháng 10, và đốt bùng lên làn sóng lên án của quốc tế. Đặc biệt Hoa Kỳ nổi doá, áp dụng sức ép tài chính mạnh mẽ lên Anh và kêu gọi Liên Hiệp Quốc yêu cầu lực lượng Anh-Pháp rút quân ngay lập tức. Việc này được tiến hành vào tháng 12. Đó là dấu chấm hết cho sự đòi hỏi quyền lực đế chế của Anh – và một khúc khải hoàn cho Nasser, giờ trở thành người hùng của thế giới Ả Rập.
Cuộc chiến Ả Rập-Israel Lần 3 xảy ra vào tháng 6 1967. Cảnh giác trước việc Ai Cập điều quân vào Sinai và yêu cầu lực lượng Liên Hiệp Quốc còn đóng tại đó trong cuộc Khủng hoảng Kênh đào Suez phải rút đi, Israel phát động cuộc tấn công tiên hạ thủ vi cường vào các nước láng giềng. Trong sáu ngày, lực lượng Israel đánh chiếm Sinai từ tay Ai Cập, Cao nguyên Golan từ tay Syria và Bờ Tây từ tay Jordan. Israel quyết tâm bám giữ các vùng lãnh thổ chiếm được này, trên cơ sở sử dụng chúng như vùng độn cho việc phòng thủ biên giới, khiến phát sinh nhiều dân tị nạn Ả Rập và thêm nhiều đau thương cho họ.
Cuộc Chiến Ả Rập-Israel Lần 4 xảy ra vào năm 1973, trong ngày lễ Yom Kippur của Do Thái, khi Ai Cập và Syria phát động cuộc tấn công Israel trên hai mặt trận. Trận chiến diễn ra ác liệt, và Hoa Kỳ phải nâng cao mức báo động hạt nhân khi được tin Liên Xô chuẩn bị tung lực lượng hậu thuẫn Ai Cập và Syria. Tuy nhiên, một thỏa thuận ngừng bắn được đưa ra, vẫn để Israel sở hữu “Vùng Lãnh thổ Chiếm đóng”. Để trừng phạt sự ủng hộ Israel của phương Tây, các quốc gia sản xuất dầu áp đặt việc đẩy giá dầu lên cao, dẫn đến sự suy giảm gay gắt của nền kinh tế toàn cầu. Nhận thức được thế giới đang tiến sát đến bờ vực, Hoa Kỳ gia tăng sức ép lên Israel và Ai Cập buộc họ phải thương thảo hoà bình. Cuối cùng kết quả là Thỏa ước Trại David 1978, theo đó Israel phải trả lại Sinai và Ai Cập phải công nhận quyền tồn tại của Israel.
Nhưng như thế vẫn chưa hết xung đột. Vào năm 1982 Israel xâm lăng Lebanon để đè bẹp Tổ chức Giải Phóng Palestine (PLO), vốn tiếp tục tiến hành các cuộc đột kích chống Israel. Tội đồng loã của Israel trong vụ tàn sát dân thường Palestine ở Lebanon, cũng như chính sách xây dựng khu định cư Do Thái trong vùng Lãnh thổ Chiếm đóng, thách thức cả Liên Hiệp Quốc, càng làm người Ả Rập thêm thù hận. Trong khi nhân dân Palestine vùng lên trong một intifada (cuộc nổi dậy) tại những vùng Lãnh thổ Chiếm đóng, lãnh tụ PLO Yasser Arafat nỗ lực tìm kiếm một giải pháp ngoại giao – cho dù bị các nhóm Hồi giáo Palestine quá khích, như Hamas và Hezbollah được Syria và Iran hậu thuẫn, chống đối. Phe có chính kiến ôn hòa hơn ở Israel cũng tán thành một thỏa thuận, và vào năm 1993 thủ tướng Israel Yitzhak Rabin đi đến một thỏa hiệp với Arafat trao cho Palestine quyền tự trị tại vùng Lãnh thổ Chiếm đóng, và Israel sẽ rút quân dần dần. Các phần tử cực đoan ở Israel cực lực chống đối, và Rabin bị một tên Do Thái quá khích ám sát.
“Israel đã nuốt một con rắn độc.”
Câu nói của người Palestine, ám chỉ việc Israel chiếm đóng dãy Gaza và Bờ Tây.
Kể từ đó, việc tiến tới một nền hòa bình lâu dài trong khu vực bị một số nhân tố cản trở. Israel đã không chịu rút lui khỏi Bờ Tây, và tiếp tục xây dựng các khu định cư tại đó, trong khi Hamas và Hezbollah tiếp tục tấn công dân thường ở ngay trong xứ Israel – thường dẫn đến sự đáp trả quân sự dữ dội. Tất cả những việc này chỉ khuấy động mối hận thù đối với Israel – và đối với Hoa Kỳ, được coi như là người bảo trợ chính cho Israel – trên khắp vùng Trung Đông, đốt lên những tham vọng sát nhân của những tổ chức như Al-Qaeda.
TÓM TẮT
Mối đe doạ chủ yếu đến hòa bình và an ninh quốc tế.
DÒNG THỜI GIAN
1897 | Đại hội Phục quốc (Zionism) lần 1. |
1917 | Tuyên bố Balfour. |
1920 | Anh kiểm soát Palestine. |
1945 | Du kích Irgun Phục quốc bắt đầu tấn công quân Anh ở Palestine. |
1947 | Liên Hiệp Quốc biểu quyết việc phân chia Palestine; được người Do Thái ủng hộ nhưng Liên đoàn Ả Rập chống đối. |
1948 | THÁNG 4 Bọn quá khích Do Thái trong tổ chức Irgun và Stern Gang tàn sát 254 người Ả Rập Palestine tại làng Deir Yassin. THÁNG 5 Tuyên bố thành lập nhà nước Israel, tiếp theo là Cuộc Chiến Ả Rập-Israel Lần 1. |
1949 | Thỏa thuận đình chiến giữa Israel và xứ láng giềng Ả Rập. |
1956 | THÁNG 7 Ai Cập quốc hữu hóa Kênh đào Suez. THÁNG 10-12 Cuộc Chiến Ả Rập-Israel (Khủng hoảng Suez). |
1967 | THÁNG 6 Cuộc Chiến Ả Rập-Israel Lần 3 (Cuộc Chiến Sáu Ngày). THÁNG 11 Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc kêu gọi Israel rút lui khỏi vùng Lãnh thổ Chiếm đóng. |
1970 | THÁNG 9 Quân đội Jordan trục xuất cưỡng chế PLO. PLO chuyển sang nước Lebanon. |
1973 | THÁNG 10 Cuộc Chiến Ả Rập-Israel Lần 4 (Cuộc Chiến Yom Kippur). Các xứ Ả Rập sản xuất dầu lửa tăng giá dầu lên gấp bốn lần. |
1975 | Lebanon rơi vào nội chiến giữa một bên là phe dân quân Cơ đốc giáo được Israel yểm trợ và bên kia là dân quân Hồi giáo. |
1976 | Syria can thiệp vào Lebanon. |
1978 | THÁNG 3-6 Israel can thiệp vào Lebanon. THÁNG 9 Thỏa ước Trại David. |
1982 | THÁNG 4 Quân đội Israel mở chiến dịch tấn công PLO ở Lebanon. THÁNG 9 Dân quân Cơ đốc người Lebanon tiếp tay Israel tàn sát hàng trăm dân thường Palestine tại trại tị nạn Sabra và Chatila. |
1987 | THÁNG 12 Người Palestine bắt đầu nổi dậy trong vùng Lãnh thổ Chiếm đóng. |
1993 | THÁNG 9 Hòa ước Israel-Palestine; nhưng bạo lực vẫn tiếp diễn. |
1995 | THÁNG 11 Yitzhak Rabin bị ám sát. |
2000 | THÁNG 10 Người Palestine lại nổi dậy. |
2005 | THÁNG 9 Các lực lượng Israel rút lui khỏi dãy Gaza. |
2007 | Hamas nắm quyền kiểm soát ở dãy Gaza; Israel phong tỏa khu vực. |
2008 | THÁNG 12 Israel phát động các cuộc không kích chống Gaza để đáp trả cuộc tấn công tên lửa vào phía nam Israel. |
2009 | THÁNG 1 Bộ bình Israel tiến vào dãy Gaza, và rời đi sau ba tuần chiến đấu ác liệt. |
48 SỰ SỤP ĐỔ CỦA CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN
Vào cuối thập niên 1980 – thình lình và thật bất ngờ – các chế độ cộng sản kiên định ở đông Âu, từ lâu được tưởng là không thể biến đổi và lay chuyển được, bổng lật ngã như một ngôi nhà làm bằng giấy bìa, chỉ sau trơ trọi một phát súng bắn ra. Thậm chí Liên bang Xô-Viết, một thời là người cai trị của một đế chế gồm các nhà nước chư hầu, bỗng thấy mình không còn khả năng hoặc ý muốn duy trì như một nhà nước tối cao, và vỡ vụn thành một miếng chắp vá gồm nhiều xứ sở mới.
Những biến đổi trọng đại này xảy ra qua một phối hợp của nhiều sức ép bên ngoài và một khao khát đổi mới ở bên trong. Cuộc xâm lược vào Afghanistan của Liên Xô vào năm 1979 khiến Chiến tranh Lạnh càng lạnh hơn, nhất là sau khi Ronald Reagan bước vào Nhà Trắng vào năm 1981. Dưới vẻ ngoài thân thiện, Reagan là một chiến binh Chiến tranh Lạnh lì lợm, rêu rao Liên bang Xô-Viết là một “đế chế xấu ác”. Ông quyết tâm gây sức ép lên người Xô-Viết, nhất là qua việc leo thang cuộc chạy đua vũ trang, mà ông biết Hoa Kỳ, với ưu thế vượt trội về công nghệ và kinh tế, có thể chiến thắng. Các tên lửa hành trình được bố trí ở Tây Âu và một hệ thống phòng thủ tên lửa đặt căn cứ trong không gian tốn kém và đầy tham vọng được loan báo – Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược, được gọi đùa là “Chiến tranh Giữa các Vì Sao.”
Trong khi đó, nền kinh tế chỉ huy thiếu mềm dẽo của Liên Xô rạn nứt trước sức căng, không thể cạnh tranh nổi về khoản chi phí quốc phòng, cũng như mọi lãnh vực khác. Lớp lãnh đạo già cỗi đã duy trì một Liên Xô trì trệ trong nhiều thập niên đã chết dần hết, và vào năm 1895 một lãnh đạo trẻ năng động, Mikhail Gorbachev, trở thành tổng bí thư của Đảng Cộng Sản Xô-Viết. Con người có đầu óc cải cách này thi hành hai chính sách mới: gladnost (“công khai”), cho phép tự do phát biểu nhiều hơn, và perestroika (“đổi mới”), nhằm đến việc đại tu cực đoan hệ thống kinh tế và chính trị. Các nhà máy và nông trang tập thể được ban quyền tự trị nhiều hơn, và một mức độ kinh doanh tư nhân được cho phép. Những cuộc tuyển cử đa đảng tự do được tổ chức vào năm 1989 để lập ra một nghị viện mới, Quốc hội Đại biểu Nhân dân, và vào tháng 2 1990 Đảng Cộng Sản từ bỏ chuyên chính quyền lực.
Gorbachev gặp gỡ Reagan trong chuyến thăm nước Mỹ
“Chúng ta phải để ý đến nhịp đập của thời đại. Những ai trì hoãn sẽ bị chính cuộc sống trừng phạt.”
Mikhail Gorbachev, nói tại Đông Berlin, ngày 8/10/1989
Những bất ổn ở phía đông
Vào tháng 6 1989 Gorbachev đã loan báo rằng Liên Xô không còn muốn can thiệp vào “việc phòng thủ chủ nghĩa xã hội” ở các nước đồng minh đông Âu – học thuyết đã được sử dụng để biện minh cho những hành động quân sự ở Hungary vào năm 1956 và Tiệp Khắc vào năm 1968 (xem Chiến tranh Lạnh). Phát biểu này bật đèn xanh cho các nhà cải cách trên khắp đông Âu. Cùng tháng đó, Ba Lan cũng tổ chức bầu cử đa đảng, và sau đó Công đoàn Đoàn Kết (đảng do một công nhân hãng đóng tàu trước đây Lech Walesa cầm đầu) tham gia chính quyền liên minh với người cộng sản. Ở Hungary, khi hè trở sang thu, những người cộng sản bị đánh bại một cách áp đảo trong các cuộc bầu cử tự do, và những cuộc biểu tình rầm rộ ở Đông Đức mang đến sự thay đổi trong hàng ngũ lãnh đạo cộng sản, mở cửa Bức Tường Berlin, và một thôi thúc không kềm chế được là thống nhất với Tây Đức theo chủ nghĩa tư bản, thành tựu vào năm sau. Những cuộc biểu tình tương tự – sự kiện gọi là “Cách Mạng Nhung” – xảy ra ở Tiệp Khắc vào lúc cuối năm, đưa đến việc thành lập một chính phủ liên minh có mặt của nhà bất đồng chính kiến hàng đầu trước đây, kịch tác gia Václav Havel. Cuộc cách mạng bạo lực duy nhất là ở Romania, nơi, tiếp sau một vụ cảnh sát mật đàn áp đổ máu một cuộc nổi dậy, quân đội lên nắm quyền vào tháng 12 1989 và hành quyết tên độc tài
Nicolae Ceaucescu, và bà vợ y. Ở Bulgaria sự thay đổi đến chậm hơn, nhưng vào năm 1990 các cuộc bầu cử tự do lần đầu tiên được tổ chức.
Xung đột sắc tộc và dân tộc
Sự nới lỏng ách cai trị cộng sản với nắm tay sắt, vốn từng coi những khát vọng dân tộc là thái độ phản động và dập tắt chúng một cách thẳng tay, đã mở ra chiếc hộp Pandora (Theo thần thoại Hy Lạp, chiếc hộp chứa những tai ương không lường trước được nếu mở hộp ra: ND) cho các thành viên trong đế chế Xô-Viết trước đây. Chẳng hạn, trong vùng Caucasian, những người ly khai Hồi giáo ở Chechnya nỗ lực thoát ra khỏi Liên bang Nga, dẫn đến việc can thiệp quân sự đẫm máu và hành động khủng bố đáp trả. Trong chính châu Âu, sự tan rã của nhà nước cộng sản Nam Tư trước đây vào thập niên 1990 thành một số các nước cộng hòa dựa trên sắc tộc, dẫn đến một loạt xung đột cay đắng và những đợt “thanh tẩy sắc tộc,” trong đó những chiến thuật tàn ác – kể cả những vụ tận diệt – được sử dụng để xóa sạch dân cư khỏi một số vùng nào đó. Những phương sách như thế được tiến hành bởi một số dân quân theo chủ nghĩa dân tộc khác nhau, tai tiếng nhất là người Serb ở Bosnia, mà vào năm 1995 tại Srebrenica đã tàn sát hơn 7,000 người Hồi giáo một cách lạnh lùng – hành động tàn bạo nhất ở châu Âu kể từ Thế Chiến II.
Trong chính Liên bang Xô-Viết, các chính sách của Gorbachev không thể vực dậy nền kinh tế, mà đúng ra tình trạng thiếu hụt lương thực và hàng hóa tiêu dùng còn trầm trọng hơn. Mặc dù ông đã trở thành con cưng của phương Tây, trong xứ ông không được nhân dân yêu mến. Một số người thích Boris Yetlsin, vị tổng thống mới đắc cử của Liên bang Nga (thành viên lớn nhất trong Liên bang Xô-Viết), người chủ trương cải cách nhanh hơn. Ở đầu kia của dãy phổ là những người kiên định trong Đảng Cộng Sản, vào tháng 8 199, định thực hiện một cú đảo chính lật đổ Gorbachev. Nhưng âm mưu bị sụp đổ chỉ sau một vài ngày, chủ yếu nhờ một cơn thịnh nộ của nhân dân do Yetlsin đạo diễn. Gorbachev giờ chỉ còn là một nhân vật hết thời, cũng như chính Liên Xô. Lần lượt từng nước cộng hòa thành viên tuyên bố độc lập, và vào ngày Giáng Sinh Gorbachev từ chức. Liên bang Xô-Viết chính thức giải tán vào ngày 31/12/1991.
Hậu quả
Về mặt kinh tế, những xứ đông Âu và Liên Xô trước đây bỗng thấy mình gánh chịu giai đoạn quá độ không được điều tiết và diễn ra quá nhanh sang chủ nghĩa tư bản với thị trường tự do không hạn chế, trong đó một số nhỏ các nhà kinh doanh thiếu lương tâm phất lên giàu sụ nhanh chóng, trong khi số khác lại thua lỗ. Đó là một trải nghiệm đau đớn cho nhiều người, vốn quen với tình trạng mọi người đều có việc làm, chỗ ở được trợ cấp và mạng lưới an toàn của tình trạng phúc lợi xã hội chủ nghĩa – và theo thời gian, một số bắt đầu nhớ lại quá khứ với chút hối tiếc, một tâm trạng được đặt tên là Ostalgie trong tiếng Đức, ghép của từ Os, “phía đông” và Nostalgie, “tình hoài hương”.
“Những người cộng sản chúng tôi là đế chế cuối cùng.”
Milovan Djilas, nguyên tùy viên của lãnh đạo cộng sản Nam Tư Broz Tito, nói vào năm 1992.
Dần dà, hầu hết các quốc gia đông Âu đạt được mức quân bình kinh tế và dân chủ hóa đủ điều kiện được nhận vào Liên minh châu Âu. Chỉ có Liên bang Nga là đi theo con đường khác: trong khi vẫn ôm lấy chủ nghĩa tư bản với thị trường tự do, nó có khuynh hướng đi theo một phong cách chính quyền càng ngày càng chuyên quyền, và cũng nhắm đến mục tiêu tự xác lập một điều gì đó giống như quyền lực đế chế ngự trị trong thời sa hoàng và Liên bang Xô-Viết thuở trước. Điều này thỉnh thoảng dẫn đến những căng thẳng với phương Tây, nhưng không thể so sánh với tình hình thịnh hành thời Chiến tranh Lạnh.
Đối với người phương Tây, sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản là “đoạn kết của lịch sử,” thắng lợi cuối cùng của những giá trị trong nền dân chủ Tây phương tự do. Họ đã quên không tính đến sự xuất hiện của một hiện tượng hoàn toàn mới, hiện tượng của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo toàn cầu, nhắm đến sự hủy diệt hoàn toàn phương Tây.
TÓM TẮT
Sự biến mất nhanh chóng của một hệ thống đã ngự trị từ 1945.
DÒNG THỜI GIAN
1985 | THÁNG 3 Mikhail Gorbachev trở thành nhà lãnh đạo Xô-Viết và bắt đầu tiến trình tự do hóa và cải cách kinh tế. |
1988 | THÁNG 5 Giới lãnh đạo cộng sản kiên định ở Hungary bị phe cải cách thay thế. THÁNG 6 Lực lượng Xô-Viết can thiệp để dập tắt bạo lực sắc tộc ở Armenia, Azerbaijan và Nagorno-Karabakh thuộc Armenia. THÁNG 11 Hợp pháp hóa các đảng chính trị ở Hungary. |
1989 | THÁNG 6 Bầu cử đa đảng tự do ở Ba Lan, Công đoàn Đoàn Kết lập liên minh với người cộng sản. Hàng ngàn dân tị nạn Đông Đức bắt đầu tràn vào Tây Đức qua ngõ Hungary và Tiệp Khắc. THÁNG 9 Đảng Cộng Sản bị đánh bại trong bầu cử tự do ở Hungary. Bắt đầu biểu tình ồ ạt ở Đông Đức. THÁNG 10 Hungary tuyên bố thành lập nước cộng hòa dân chủ. THÁNG 11 Chính quyền Đông Đức từ chức. Bức Tường Berlin mở cửa. Lãnh tụ cộng sản Bulgaria từ chức. Biểu tình ồ ạt ở Tiệp. THÁNG 12 Chính quyền không cộng sản nắm quyền ở Tiệp. Lật đổ dữ dội chế độ cộng sản ở Romania. |
1990 | THÁNG 2 Đảng Cộng Sản Xô-Viết đồng ý từ bỏ độc quyền cai trị. THÁNG 3 Lithuania tuyên bố độc lập khỏi khối Liên Xô. Bầu cử tự do ở Đông Đức. THÁNG 5 Latvia và Estonia tuyên bố độc lập tách khỏi Liên Xô. Boris Yetlsin được bầu làm tổng thống Liên bang Nga, được tuyên bố là một nhà nước có chủ quyền. THÁNG 7 Nghị viện Ukraine biểu quyết nền độc lập. THÁNG 10 Đông Tây Đức thống nhất. |
1991 | THÁNG 6 Slovenia và Croatia tuyên bố độc lập tách ra từ Nam Tư; cuộc chiến bùng phát với quân đội Nam Tư do người Serb khống chế, dẫn đến nội chiến. THÁNG 8 Đảo chính Gorbachev thất bại, Đảng Cộng Sản bị đình chỉ hoạt động. Tiếp theo, các nước cộng hòa còn lại trong Liên Xô tự tuyên bố độc lập. Cuối năm 1991 Liên bang Xô-Viết ngừng tồn tại. |
1992 | THÁNG 1 Liên Hiệp Quốc môi giới cuộc ngừng bắn ở Croatia. Macedonia và Bosnia-Herzegovina tuyên bố độc lập ra khỏi Nam Tư. THÁNG 4 Người Serb bắt đầu bao vây thủ đô Sarajevo của Bosnia. THÁNG 6 Bạo lực đòi ly khai trong vùng Caucasus. |
1993 | THÁNG 1 Sau trưng cầu dân ý, Tiệp Khắc tách làm hai: Slovakia và Cộng Hòa Séc. |
1994 | THÁNG 8 Nội chiến bùng nổ ở Chechnya giữa phe thân và chống Nga. THÁNG 12 Lực lượng Nga tiến vào Chechnya. |
1995 | THÁNG 7 Người Serb ở Bosnia tàn sát hàng ngàn người Hồi Bosnia ở Srebrenica. THÁNG 8 NATO không kích quân Serb ở Bosnia. THÁNG 11 Hiệp ước hòa bình Dayton kết thúc xung đột ở Bosnia. |
1999 | THÁNG 3 NATO bắt đầu không kích Serbia để đáp trả những hành động dã man chống lại sắc tộc Albania ở Kosovo. |
Ghi chú: Muốn biết thêm chi tiết các bạn có thể tìm đọc CÁCH MẠNG 1989 trên trang web Nghiên Cứu Lịch Sử này.
49 SỰ TRỖI DẬY CỦA TRUNG QUỐC
Vào đầu thế kỷ 20 sự vinh quang của đế chế Trung Hoa, một thời là nền văn minh tiến bộ nhất trên hành tinh, đã từ lâu bị che khuất. Trong mười năm, các nhà cách mạng dân tộc thuộc Quốc Dân Đảng đã lật đổ hoàng đế cuối cùng, mở cửa bước vào một thế kỷ đầy biến động, gồm nội chiến, xâm lược, cách mạng, khúc ngoặt ý thức hệ và cuối cùng là một sự tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc.
Trong không đầy 100 năm, Trung Quốc đã chuyển mình từ một xã hội phong kiến lạc hậu trở thành một siêu cường thương mại và kỹ nghệ – và một quyền lực phải tính tới trên đấu trường thế giới.
Nội chiến và cách mạng
Lãnh tụ cuộc cách mạng 1911, Tôn Dật Tiên, mất vào năm 1925, đã thất bại trong việc thiết lập một nền cộng hòa mới trên miền bắc Trung Hoa, lúc ấy vẫn còn bị các tư lệnh quân đội cai trị độc lập. Kế vị Tôn là Tưởng Giới Thạch, là một vị tướng rành về quân sự hơn là chính trị. Ông mở các chiến dịch chống các tư lệnh kiêu binh cùng lúc đánh dẹp hàng loạt cuộc nổi dậy tại đô thị do Đảng Cộng Sản Trung Quốc, được thành lập vào năm 1921, tổ chức. Đi theo học thuyết Mác chính thống, những người cộng sản tin tưởng rằng cách mạng chỉ có thể phát động bởi giai cấp vô sản thành thị, nhưng vào thập niên 1920 giai cấp này ở Trung Quốc chỉ chiếm một tỉ lệ quá bé nhỏ so với mặt bằng dân số. Vào cuối thập niên 1920, một nhân vật mới xuất hiện trong giới lãnh đạo cộng sản. Đó là Mao Trạch Đông. Ông phát triển một chiến lược cách mạng dựa trên giới nông dân chiếm đa số áp đảo ở Trung Quốc. Vào năm 1931 Cộng Hòa Xô-Viết Trung Hoa được thành lập trong vùng rừng núi Giang Tây. Nhưng dưới sức ép từ quân đội quốc gia, để bảo toàn lực lượng, những người cộng sản phải rút lui trong cuộc Trường Chinh vào năm 1934-5, đi đoạn đường dài 10,000 cây số đến Diên Ấn miền tây bắc xa hút. Chỉ phân nửa trong số 100,000 quân đến được căn cứ. Nhưng trên hành trình Trường Chinh này Mao đã khẳng định được vị thế lãnh tụ cộng sản không thể tranh cãi.
Nội chiến tiếp tục cho đến Nhật Bản xâm lược vào năm 1937 (xem Thế Chiến II: châu Á và Thái Bình Dương), khi phe cộng sản và phe quốc gia đồng ý lập liên minh chống kẻ thù chung. Sau khi Nhật đầu hàng vào năm 1945 nội chiến lại tiếp tục, và vào ngày 1/10/1949 Mao tuyên bố sự ra đời của Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa ở Bắc Kinh. Tưởng Giới Thạch và tàn dư quân đội quốc gia phải rút lui ra Đảo Đài Loan, tại đó họ thành lập Cộng Hòa Trung Hoa đối lập.
Từ chủ nghĩa cộng sản sang chủ nghĩa tư bản
Cộng hòa Nhân dân thoạt đầu là đồng minh của Liên bang Xô-Viết (chẳng hạn trong Chiến tranh Triều Tiên; xem Chiến tranh Lạnh), nhưng sau đó chia tay vào cuối thập niên 1950, biến cuộc Chiến tranh Lạnh thành một vấn đề ba bên. Tình hình càng trầm trọng thêm khi Hoa Kỳ và Trung Hoa theo đuổi chính sách hòa hoãn, cải thiện mối bang giao, hướng tới việc cô lập người Xô-Viết.
“Không ngoại bang nào có thể mong đợi bắt Trung Hoa thành chư hầu, cũng không ngoại bang nào mong đợi bắt Trung Hoa chấp nhận điều gì có hại cho quyền lợi Trung Hoa.”
Đặng Tiểu Bình, diễn văn đọc tại Đại hội Lần 12 của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, ngày 1/9/1982.
Trong nước, Mao dẫn dắt đất nước trải qua những cơn oằn oại thống khổ, trong đó có Đại Nhảy Vọt và Cách Mạng Văn Hóa. Năm 1976 Mao mất và tiếp theo là một trận đấu đá giành quyền lực trong đó những nhân vật cách tân như Đặng Tiểu Bình thắng thế, kết quả là tín điều về cách mạng thường trực của Mao bị bãi bỏ. Năm 1978 Đặng thi hành “bốn hiện đại hóa” – về nông nghiệp, công nghiệp, quốc phòng, và khoa học kỹ thuật. Công cuộc này đòi hỏi phải áp dụng kinh doanh tự do theo chủ nghĩa tư bản, trong khi duy trì sự chuyên chính của Đảng Cộng Sản. Giải phóng kinh tế cần thiết phải mở cửa với phương Tây, như một đối tác thương mại và người cung cấp công nghệ mới.
Đặng Tiểu Bình và Tổng thống Jimmy Carter
Đại Nhảy Vọt và Cách Mạng Văn Hóa
Đại Nhảy Vọt 1958-61 của Mao được dự tính quét sạch những tập tục và lối suy nghĩ truyền thống, và động viên dân số khổng lồ của Trung Hoa vào việc hiện đại hóa xứ sở qua kỹ nghệ hóa cấp tốc và tập thể hóa nông nghiệp. Sự chống đối từ các các ban bệ hành chính và từ trong nội bộ đảng, phối hợp với việc rút đi của các kỹ thuật viên Xô-Viết và một loạt các vụ mất mùa, đưa đến sự phá sản và cảnh đói kém, trong đó khoảng 20 triệu người có thể đã mất mạng. Vào cuối thập niên 1950 một số tương tự đã bị thủ tiêu vì tội chống đối chính sách Mao.
Đối diện với nguy cơ bị các đồng chí bên dưới hạ bệ, vào năm 1966 Mao phát động cuộc Cách Mạng Văn Hóa, trong đó ông động viên hàng triệu người trẻ quá khích, Vệ binh Đỏ, đi thanh trừng đảng và phục hồi sự thuần khiết của ý thức hệ. Các đảng viên cao cấp, cán bộ quản lý công nghiệp, nhà khoa y, kỹ thuật gia, viện sĩ, giáo viên và những chuyên gia ngành nghề khác phải chịu đựng những đợt phê bình tập thể và thường là những bôi nhọ gay gắt, và bị đẩy ra thôn quê để loại bỏ thói “kênh kiệu tư sản” bằng lao động trên đồng ruộng. Giáo dục và công nghiệp bị xao nhãng, nền kinh tế tổn thất trầm trọng, và hỗn loạn ngự trị. Cuối cùng quân đội phải can thiệp để ngăn chặn sự quá trớn của Vệ binh Đỏ, nhưng Cách Mạng Văn Hóa vẫn tiếp diễn khi Mao chết vào năm 1976.
Sau đó là làn sóng ảnh hưởng phương Tây tràn vào khiến cho người dân Trung Hoa, đặc biệt là thành phần sinh viên, đòi hỏi những giải phóng chính trị. Có một thời gian vào mùa xuân 1989 hình như những vụ biểu tình đòi dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh – lấy cảm hứng từ những công cuộc cải cách đang xảy ra ở Liên bang Xô-Viết – có thể mang lại những biến đổi chính trị căn cơ. Nhưng vào đầu tháng 6 giới lãnh đạo già nua ở Trung Quốc ra lệnh đàn áp biểu tình, và hàng ngàn người đã bị giết chết.
Từ đó, quyền con người ở Trung Quốc không biểu lộ tiến bộ nào, nhưng nền kinh tế của nó thì càng ngày càng lớn mạnh, và một khối lượng khổng lồ hàng hóa, trước đây sản xuất ở châu Âu và Bắc Mỹ, giờ được làm ở Trung Quốc. Một thành quả của công cuộc tăng trưởng này là Trung Hoa, để có được càng ngày càng nhiều tài nguyên thiên nhiên cho công nghiệp, và để thỏa mãn nhu cầu tiêu thụ tăng cao của nhân dân mình, đã xác lập sự hiện diện càng ngày càng vững chắc tại những vùng như châu Phi. Nhiều doanh nghiệp phương Tây có phần hùn của các công ty Trung Quốc, và chính chính quyền Trung Quốc sở hữu hàng trăm tỉ đô la giấy bạc của Ngân Khố Hoa Kỳ, giúp tài trợ ngân sách Mỹ và những thâm hụt mậu dịch.
“Trung Quốc đang nổi lên, và nó sẽ tiếp tục. Họ không phải kẻ thù của chúng ta cũng không phải là bạn của chúng ta. Họ là đối tác.
Barack Obama, nói vào tháng 4 2007.
Một số câu hỏi nổi lên. Giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ chống lại được bao lâu sức ép từ quốc tế và trong nội bộ đòi quyền dân chủ? Có khi nào trong nửa thế kỷ tới Trung Quốc sẽ vượt hơn Mỹ và trở thành siêu cường hùng mạnh nhất thế giới? Nếu thế, liệu chúng ta có cảm thấy mình bị thống trị bởi một cường quốc ngoại bang coi thường quyền con người? Việc Trung Quốc vươn lên sẽ bất khả nếu không có toàn cầu hóa, mà việc toàn cầu hóa lại là một tiến trình tác động hai chiều, vì thế việc giới lãnh đạo cộng sản ở Bắc Kinh có thể bám víu vào sự độc chiếm quyền lực hảo huyền bao lâu nữa là một vấn đề có thể bàn cãi.
TÓM TẮT
Một quyền lực toàn cầu đang trỗi dậy
DÒNG THỜI GIAN
1911 | Cách mạng dân tộc do Tôn Dật Tiên lãnh đạo |
1921 | Thành lập Đảng Cộng Sản Trung Quốc |
1922 | Hỗn loạn ở Trung Quốc khi các tư lệnh vùng không chịu tuân phục. |
1925 | Bất ổn ở Thượng Hải và ở nơi khác chống lại “các hiệp ước không bình đẳng” với các cường quốc Tây phương. Tôn Dật Tiên qua đời. Tưởng Giới Thạch mở chiến dịch đánh dẹp các tư lệnh lộng hành, được cộng sản ủng hộ. |
1927 | Quân đội quốc gia chiếm Nam Kinh và Thượng Hải. Tưởng Giới Thạch quay ra chống người cộng sản, đè bẹp một cuộc nổi dậy ở Quảng Đông. Nội chiến bùng nổ. |
1931 | Thành lập Cộng Hòa Xô-Viết Trung Hoa ở Giang Tây. Quân đội Nhật chiếm Mãn Châu của Trung Quốc. |
1934-5 | Cộng Sản rút lui trên đường Trường Chinh |
1937 | THÁNG 7 Nhật xâm lược Trung Quốc, bắt đầu Chiến tranh Trung-Nhật Lần 2; người quốc gia và cộng sản lập liên minh kháng Nhật. |
1946 | THÁNG 4 Nội chiến tiếp diễn giữa quốc và cộng. |
1949 | THÁNG 10 Tuyên bố thành lập Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa ở Bắc Kinh. |
1950 | THÁNG 2 Cộng Hòa Nhân dân ký hiệp ước đồng minh với Liên bang Xô-Viết. THÁNG 10 Trung Quốc chiếm Tây Tạng. THÁNG 11 Trung Quốc can thiệp vào chiến tranh Triều Tiên về phe Bắc Triều Tiên. |
1953 | Chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên. |
1958-61 | Cuộc Đại Nhảy Vọt |
1959 | Dân Tây Tạng nổi dậy chống Trung Quốc, bị đè bẹp. |
1961 | Trung Quốc tố cáo các nhà lãnh đạo Xô-Viết là “bọn xét lại phản bội”. |
1964 | Trung Quốc thử vũ khí hạt nhân đầu tiên. |
1966 | THÁNG 8 Trung Quốc phát động Cách Mạng Văn Hóa. |
1969 | Va chạm biên giới Trung-Xô. |
1971 | THÁNG 9 Lâm Bưu, người kế vị được chỉ định của Mao, chết trong tai nạn rớt máy bay khi bay đến Liên Xô, có thể sau một vụ đảo chính thất bại. THÁNG 11 Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa thay thế Cộng Hòa Trung Hoa ở Đài Loan vào Hội đồng Bảo an LHQ, như một phần trong chính sách hòa hoãn của Tổng thống Nixon. |
1976 | THÁNG 9 Mao qua đời. |
1977 | THÁNG 7 “Lũ Bốn Tên”, người hậu thuẫn hàng đầu của Cách Mạng Văn Hóa của Mao, được trục xuất ra khỏi đảng khi những người cách tân như Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền. |
1989 | THÁNG 6 Xe tăng đè bẹp người biểu tình đòi dân chủ tại Thiên An Môn. |
50/ SỰ KIỆN 11/9 VÀ SAU ĐÓ
Thứ ba ngày 11/9/2001 bừng sáng quang đãng và đầy nắng ở New York. Thật là một buổi sáng cuối hè tươi đẹp. Rồi, khi những người đi làm lục tục đến được văn phòng, tin tức bắt đầu loan truyền rằng một phi cơ đã bất ngờ gặp nạn khi đâm vào Tòa Tháp Đôi của Trung tâm Thương mại Thế Giới ở Hạ Manhattan. Trong khi hàng ngàn người đang đứng nhìn chằm chằm vào đám khói đang cuồn cuộn bốc lên từ Tòa Tháp Bắc, họ bỗng kinh hoàng khi trông thấy một máy bay khác – một máy bay thương mại lớn – hiện ra khỏi bầu trời xanh và tiến thẳng vào Tòa Tháp Nam rồi đâm sầm vào đó với một đám lửa đỏ bùng phát dữ dội.
Chỉ đúng 15 phút sau cú đâm đầu tiên lúc 8:46, ngay lập tức người ta biết đó không phải là tai nạn. Lúc 9:40 một máy bay thứ ba đâm xuống Ngũ Giác Đài, trụ sở Bộ Quốc phòng ở Washington, DC, và trong vòng một tiếng đồng hồ một máy bay thứ tư đã rớt xuống vùng quê Pennsylvania. Các hành khách, nhận ra máy bay đã bị không tặc chiếm và đã nghe tin về các sự kiện ở New York và Washington trên điện thoại di động của họ, liền ào tới bọn không tặc, dù hầu như biết chắc rằng mình sẽ phải hi sinh mạng sống.
Có tất cả 2,750 người bị giết trong Tòa Tháp Đôi. Thêm 184 người chết tại Ngũ Giác Đài, và 40 ở Pennsylvania. Tất cả 19 tên không tặc, hầu hết đều từ Saudi Arabia, cũng bị giết. Đây là vụ tấn công tồi tệ nhất trên nội địa Mỹ, và sẽ làm thay đổi thế giới mãi mãi.
Từ Đông Phi đến Afghanistan
Chẳng bao lâu người ta biết rõ ràng là những tên không tặc có liên hệ với Al-Qaeda, một tổ chức Hồi giáo khủng bố trước đây chưa được biết tiếng do một triệu phú người Saudi có tên Osama bin Laden cầm đầu. Vào thập niên 1980 bin Laden đã tham gia vào cuộc thánh chiến do Mỹ hậu thuẫn đánh lại quân đội Xô Viết đang chiếm đóng Afghanistan. Nhưng vào tháng 2 1998 y tham gia cùng với người Hồi giáo để “giết bọn Mỹ và đồng minh của chúng – dù binh sĩ hay dân thường – trong bất cứ xứ nào có thể làm được việc ấy.” Vào tháng 8 năm đó, Al-Qaeda đánh bom các sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania, giết chết hơn 300 người. Bin Laden, từng lên án người Mỹ đã chống lưng Israel, đặc biệt căm phẫn trước sự hiện diện của các lực lượng Mỹ trú đóng trên đất Saudi Arabia – ngôi nhà của những thánh địa thiêng liêng nhất của đạo Hồi, ở Medina và Mecca. Các lực lượng Mỹ đã đóng quân ở Saudi Arabia từ Chiến tranh Vùng Vịnh 1991, để ngăn chặn sự gây hấn tiếp theo của Iraq do Saddam Hussein, sau vụ đánh chiếm Kuwait đã bị liên minh do Mỹ cầm đầu đánh đuổi.
“Bọn Mỹ khoái Pepsi Cola, còn chúng tao khoái Chết.”
Khẩu hiệu trên một người Afghanistan ở Pakistan, tháng 9 2001
Theo sau cuộc tấn công 11/9/2001, một số người Mỹ thắc mắc tại sao họ bị nhiều nơi trong thế giới Hồi giáo thù ghét, nhưng cũng có nhiều người khác hăng hái ủng hộ lời kêu gọi của Tổng thống Bush cho một “trận chiến chống khủng bố,” được phát động trong bài diễn văn gởi đến Quốc hội vào ngày 20/9. Cuộc chiến chống khủng bố này, nhằm mục đích bảo vệ những giá trị Tây phương về tự do và dân chủ, mỉa mai thay lại coi thường quyền con người khi những nghi can liên hệ đến khủng bố trên khắp thế giới phải chịu cảnh giam cầm không được xét xử và thậm chí bị tra khảo.
Các trại huấn luyện của Al-Qaeda đặt tại Afghanistan, xứ sở nằm dưới quyền kiểm soát của người Taliban Hồi giáo cực đoan từ năm 1996. Vào tháng 10 2001 Hoa Kỳ, đứng đầu liên minh NATO, bắt đầu không kích Afghanistan với mục tiêu hủy diệt các căn cứ của Al-Qaeda, và trong chiến dịch trên bộ sau đó đã đánh đuổi bọn Taliban ra khỏi trung tâm quyền lực. Bin Laden, cùng với hầu hết ban lãnh đạo Al-Qaeda, phải tháo chạy, chắc chắn vào những vùng vô pháp dọc theo biên giới tây bắc với Pakistan. Mặc dù một chính quyền dân chủ thân phương Tây được dựng lên ở thủ đô Kabul, nó cho thấy đã thối nát từ căn cơ và không thể mở rộng quyền lực đến nhiều vùng lãnh thổ. Tình hình này, cùng với sự chia rẽ bộ tộc và thù ghét ngoại bang chiếm đóng có tính truyền thống, và phương Tây chậm chạp trong công cuộc viện trợ phát triển khẩn cấp trong buổi đầu, đã dẫn đến việc nổi dậy mạnh mẽ trở lại của Taliban, khiến nhiều nhóm binh lính của NATO phải sa lầy.
Sự tan rã ở Iraq
Cuộc Chiến Vùng Vịnh 1991 vẫn để Saddam Hussein ở lại quyền lực tại Iraq, một đất nước phần nào khiên cưỡng do người Anh lập ra vào đầu Thế Chiến I từ một phần của đế quốc Ottoman trước đây. Phía bắc của người Kurd, trung tâm là người Sunni và người Shiite ở phía nam, một sự sống chung không mấy dễ chịu mà Saddam đã duy trì được bằng sự áp bức thô bạo – thậm chí sử dụng vũ khí hóa học chống lại nhân dân mình. Cùng với hơi độc, Saddam bị tình nghi là đã thụ đắc những vũ khí hủy diệt hàng loạt khác (WMD), như vũ khí sinh học và thậm chí hạt nhân, thách thức cả nghị quyết của LHQ. Y cũng không ngừng cản trở những nỗ lực của các thanh sát viên LHQ được phái đến để thanh tra việc y không sở hữu WMD như tuyên bố.
Tượng của Saddam Hussein bị giật sập sau khi Mỹ tiến vào Iraq
Đánh giá những mối đe doạ
Những hành động của Hoa Kỳ và các đồng minh ở Iraq và Afghanistan dường như không làm giảm bớt mối đe doạ khủng bố, như những vụ đánh bom liều chết ở Bali, Tây Ban Nha, London, Kampala và ở những nơi khác đã chứng tỏ. Đúng ra, những cuộc xâm phạm vào các xứ Hồi giáo bởi các cuộc “thập tự chinh” Tây phương thực sự đã làm gia tăng số người tình nguyện đăng ký vào chính nghĩa thánh chiến, vẫn đang ác liệt nổ ra trên toàn cầu. Trong tâm thức nhiều người phương Tây, sự kiện này đã thay thế sự hủy diệt hạt nhân trong Chiến tranh Lạnh thành mối đe doạ chính yếu đến sự tồn vong nhân loại, cho dù một ý kiến chứa nhiều thông tin hơn cho rằng sự biến đổi khí hậu mới là mối nguy cơ lớn hơn nhiều đến an ninh toàn cầu.
Dường như không thể nào loại bỏ hoàn toàn cơn cuồng tín liều chết của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo – dẹp bỏ một tế bào, một tế bào khác lại trỗi lên ở chỗ khác: phá hủy một căn cứ huấn luyện khủng bố tại một xứ lỏng lẻo, một xứ lỏng lẻo khác lại mở cửa chứa chấp bọn khủng bố; đập tan giới lãnh đạo, những tên bắt chước lại ngoi lên trên khắp thế giới. Một chiến lược an ninh dựa trên ngăn chận và tình báo có thể cho thấy là cách tốt nhất trước mắt, kết hợp với một quyết tâm chấn chỉnh – về mặt chính trị và kinh tế – những nguyên nhân đã thúc đẩy quá nhiều người hết lòng hoặc có cảm tình với chủ nghĩa khủng bố.
Sau sự kiện 11/9
Chính quyền Bush bắt đầu gợi ý là Saddam Hussein nằm trong liên minh với Al-Qaeda và những nhóm Hồi giáo khủng bố khác, và chắc chắn đã cung cấp cho chúng WMD, đe đọa đến phương Tây. Thật ra, Saddam là một người theo chủ nghĩa dân tộc Ả Rập cổ lỗ thuộc trường phái cũ, và đã có những giải pháp khắt khe với những người Hồi giáo trong xứ Iraq. Nhưng dù vậy Saddam cũng trở thành mục tiêu đặc biệt để phe tân bảo thủ trong chính quyền Bush sỉ nhục. Họ tin rằng người Mỹ có sứ mạng phải xuất khẩu tự do và dân chủ đến Thế Giới Thứ Ba, được hậu thuẫn nếu cần bằng sức mạnh quân sự. Việc nước Iraq đang ngồi trên nguồn tài nguyên dầu khí khổng lồ cũng làm nó trở thành mục tiêu quan trọng có tính chiến lược. Kết quả là vào tháng 3 2003 một “liên minh tình nguyện”, chủ yếu gồm Mỹ và Anh, tiến hành một cuộc xâm chiếm Iraq và lật đổ Saddam Hussein. Không có việc phê chuẩn rõ ràng của LHQ, động thái này được tiến hành trước sự phản kháng của dư luận trên khắp thế giới. Không có dù chỉ một vũ khí WMD nào – cái biện minh duy nhất cho hành động dính líu của Anh – được tìm thấy.
“Hoặc bạn theo phe chúng tôi, hoặc bạn theo phe khủng bố.”
Tổng thống George W. Bush, nói với Quốc hội, ngày 20/9/2001
Các cường quốc xâm lăng đã đưa ra những kế hoạch không đến nơi đến chốn để tái thiết Iraq sau khi chế độ thay đổi. Sự chia rẽ tôn giáo và sắc tộc trong xứ càng lỡ lói hơn, khiến dân chúng thống khổ và chống đối kẻ chiếm đóng Tây phương dữ dội hơn, cùng với sự xuất hiện của một tổ chức Al-Qaeda trong xứ. Trong quá trình xâm chiếm và nổi dậy tiếp sau đó, hạ tầng Iraq bị tàn phá nặng nề, và hàng vạn – có thể hàng trăm ngàn – dân thường Iraq bị giết chết. Mặc dù toán lính Mỹ cuối cùng đã rút đi vào tháng 8 2010, Iraq vẫn còn là một nơi mất ổn định một cách nguy hiểm.
TÓM TẮT
Khởi đầu của một thời đại mới đầy lo âu.
DÒNG THỜI GIAN
1990 | THÁNG 8 Saddam Hussein tấn công Kuwait láng giềng. |
1991 | THÁNG 1-2 Liên minh do Mỹ cầm đầu được LHQ phê chuẩn đánh đuổi Iraq ra khỏi Kuwait, nhưng vẫn để Saddam nắm quyền. THÁNG 3 Saddam dập tắt sự nổi dậy của người Kurd ở phía bắc và người Shiite ở phía nam một cách tàn bạo. |
1996 | THÁNG 9 Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan và áp đặt nghiêm nhặt luật sharia (luật Hồi giáo xưa rất khe khắt, nhất là đối với phụ nữ). |
1998 | THÁNG 8 Al-Qaeda đánh bom sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania, giết chết hơn 300 người. Hoa Kỳ đòi trục xuất bin Laden khỏi Afghanistan nhưng bị Taliban khước từ. THÁNG 12 Khi Saddam Hussein không chịu hợp tác với thanh sát viên vũ khí LHQ, máy bay Mỹ và Anh oanh kích các mục tiêu ở Iraq. |
2001 | THÁNG 9 Cuộc tấn công ngày 11/9 tại New York và Washington. Tổng thống Bush loan báo”chiến tranh chống khủng bố”. THÁNG 10 Liên minh do Mỹ dẫn đầu bắt đầu không kích Al-Qaeda và Taliban ở Afghanistan. THÁNG 11 Liên minh bắt đầu hành quân trên bộ vào Afghanistan. THÁNG 12 Hồi giáo khủng bố nghị viện Ấn giết chết 14 người. |
2002 | THÁNG 1 Bush khẳng định rằng Iraq, Iran và Bắc Triều Tiên là “trục xấu ác”. THÁNG 10 Quốc hội Mỹ ủy quyền cho Bush sử dụng vũ lực để tịch thu WMD của Iraq. Ở Bali đánh bom liều chết của nhóm Hồi giáo có liên hệ với Al-Qaeda giết chết 202 người. THÁNG 11 Hội đồng An ninh Hoa Kỳ bảo Saddam Hussein hợp tác với các cuộc thanh tra vũ khí, nếu không sẽ đối mặt với “hậu quả nghiêm trọng.” |
2003 | THÁNG 2 Biểu tình rầm rộ khắp thế giới chống cuộc chiến vào Iraq do Bush đề nghị. THÁNG 3 Liên minh do Mỹ dẫn đầu tiến vào Iraq. THÁNG 12 Bắt được Saddam Hussein, tiếp theo là bạo lực gia tăng ở Iraq. |
2004 | THÁNG 3 Đánh bom tàu khách ở Madrid giết chết 191 người. THÁNG 5 Khủng bố Hồi giáo giết hơn 20 người Tây phương ở Saudi Arabia. THÁNG 11 Lực lượng Mỹ chiếm lại thị trấn Fallujah ở Iraq, hoàn toàn phá hủy thị trấn. |
2005 | THÁNG 7 7/7 đánh bom liều chết ở London do bọn Hồi giáo sinh ra ở Anh, giết chết 52 người. THÁNG 10 Đánh bom liều chết ở Bali giết chết 20 người. |
2006 | THÁNG 12 Saddam Hussein bị hành quyết. |
2007 | Mỹ bắt đầu gia tăng quân số ở Iraq. |
2008 | THÁNG 3 Chữ Thập Đỏ tuyên bố tình hình nhân đạo ở Iraq vẫn còn là đáng ngại nhất trên thế giới. THÁNG 11 Khủng bố Hồi giáo Pakistan giết chết 173 người ở Mumbai, Ấn Độ. |
2009 | THÁNG 4 Anh kết thúc hoat động quân sự ở Iraq. |
2010 | THÁNG 7 Đánh bom ở Kampala, Uganda, do Hồi giáo có căn cứ ở Somali giết chết 74 người. |
2011 | THÁNG 5 Chiến dịch Neptune’s Spear” (Ngọn Giáo của Thủy Thần), các biệt kích xông vào một ngôi nhà tại Thị trấn Bilal, Abbottābad, Pakistan và giết chết bin Laden, người chủ mưu vụ tấn công 11/9. |
Chú thích của ND: Và đến giờ, sau 19 năm sa lầy ở Afghanistan trong cuộc chiến dài nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, Mỹ và đồng minh cùng với kẻ thù Taliban đã gây bao nhiêu đau thương cho nhân dân Afghanistan suốt gần một thế kỷ chiến tranh dưới đủ mọi hình thức. Và cũng như ở Việt Nam trước đó, Mỹ cũng đang loay hoay tìm cách hòa đàm với phe Taliban càng ngày càng lớn mạnh để phủi tay khỏi cái bánh khó nuốt trôi và rồi để mặc tình bọn khủng bố Taliban sẽ tiến vào thủ đô Kabul dẹp quách cái chính quyền bất lực và thối nát do Mỹ dựng lên. Mỹ dường như không có đủ năng lực, trí tuệ và lương tri để giải được những bài toán hóc búa của thời đại: chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa khủng bố.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét