4 thg 1, 2021

50 sự kiện bạn cần biết về Lịch Sử Thế Giới- Phần 9 (41-45)-Nghiên Cứu Lịch Sử

Ian Crofton

Trần Quang Nghĩa dịch

41/ THỂ CHIẾN II: CHÂU ÂU

Vào cuối thập niên 1930, thế giới chuẩn bị cho một cuộc chiến khác. Ở vùng Viễn Đông, một nước Nhật càng ngày càng mang tính quân phiệt, đang theo đuổi một chính sách gây hấn để bành trướng lãnh thổ kể từ vụ chiếm đóng Mãn Châu thuộc Trung Quốc vào năm 1931. Thế giới ngồi lại và không làm gì. Vào năm 1935, Mussolini, nhà độc tài Ý, ra lệnh binh lính tiến vào Albyssina. Một lần nữa, thế giới không làm gì.

Vào năm 1937 Nhật Bản phát động một cuộc chiến xâm lược toàn diện vào chính Trung Quốc. Cộng đồng quốc tế cũng không nhấc một ngón tay. Vào năm 1938 Hitler xáp nhập Áo, và tại Hội nghị Munich Anh và Pháp đồng ý cho Đức xáp nhập vùng Sudetenla của Tiệp Khắc. Hitler tiếp tục chiếm đóng toàn xứ Tiệp, và rồi bắt đầu đe doạ Ba Lan, yêu sách trả lại những lãnh thổ Đức bị mất trước đây sau Thế Chiến I.

Cuối cùng, Anh và Pháp thức tỉnh trước mối nguy, và tuyên bố rằng họ sẽ tiếp cứu Ba Lan nếu nước này bị xâm lấn. Đất  nước thấy trước mối nguy từ Hitler, tuy nhiên, lại là Liên bang Xô-Viết, và để tránh viễn ảnh một cuộc chiến trên hai mặt trận, vào 23/8/1939 ông ta gây sốc cả thế giới khi đồng ý ký Thỏa ước Bất Tương Xâm với Stalin, kẻ thù ý thức hệ lớn nhất của ông ta. Vào ngày 1/9, xe tăng Đức ồ ạt tiến vào Ba Lan. Hai ngày sau, Anh và Pháp tuyên chiến.

Những chuỗi ngày đen tối

Vì ở phía bên kia châu Âu, Anh và Pháp không thể làm gì nhiều để hỗ trợ Ba Lan. Trong sáu tháng có một thời kỳ lắng dịu căng thẳng được biết như Cuộc Chiến Lừa Phỉnh, bất ngờ kết thúc vào tháng 4 1940, khi Hitler tràn qua Đan Mạch và xâm lăng Na Uy. Rồi vào tháng 5 ông ta phát động cuộc Blitzkrieg (“cuộc tấn công sấm sét”) vào các Xứ Vùng Thấp và Pháp, sử dụng trận địa xe tăng gia tốc và bộ binh cơ động để chọc thủng hàng phòng tuyến của địch, dưới sự yểm trợ của máy bay tấn công và oanh tạc dữ dội để khủng bố tinh thần quân dịch và dân chúng.  Cả quân lực Anh và Pháp đều bị bất ngờ và bắt buộc phải chạy dài.

Thủ tướng Anh Neville Chamberlain, người chủ trương xoa dịu Hitler vào năm 1938 bằng cách nhượng bộ những lãnh thổ mà ông ta yêu sách, phải từ chức. Ông được nhân vật sừng sỏ và bướng bỉnh là Winston Churchill thay thế. Churchill bảo với nhân dân Anh là mình “không có gì để dâng hiến trừ máu, nỗi nhọc nhằn, nước mắt, và mồ hôi.” Sau khi Lực lượng Viễn chính Anh, bị bao vây ở Dunkirk, được di tản vào cuối tháng 5, và Pháp phải ký đình chiến với Đức, chỉ còn lại mình nước Anh đương đầu với Hitler. “Chúng ta sẽ chiến đấu trên bãi biển, chúng ta sẽ chiến đấu trên đất liền, chúng ta sẽ chiến đấu trên cánh đồng và trong đường phố, chúng ta sẽ chiến đấu trong vùng đồi ; chúng ta sẽ không bao giờ đầu hàng,” là đoạn văn nổi tiếng của Churchill động viên nhân dân Anh.

“Chính sách chúng ta ra sao?. . . chiến đấu với một chế độ độc tài quái đản, chưa từng có ai vượt qua trong danh sách ai oán, đen tối của tội ác con người.”

Winston Churchill, nói trước Viện Thứ Dân lần đầu tiên khi là thủ tướng, ngày 13/5/1940

 Trên khắp Đại Tây Dương, Tổng thống Roosevelt, mặc dù có cảm tình với thử thách khốc liệt của nước Anh , cũng đành phải kềm chế vì quan điểm cô lập mạnh mẽ ở nước Mỹ, không muốn dính vào cuộc chiến về phe với Anh. Tuy nhiên, ông cung cấp một số lượng lớn viện trợ quân nhu qua những đoàn tàu vận tải xuyên Đại Tây Dương, không ngừng bị các tàu ngầm U-boat của Đức rình rập tấn công. Mục tiêu của Hitler là bắt người Anh phải chết đói và khuất phục. Trong mùa hè 1940, ông ta sẵn sàng phát động một cuộc xâm lược xuyên qua English Channel (Kênh chia cắt Pháp và Anh), và bước đầu tiên là hủy diệt phi trường quân sự của Anh. Nhưng mục tiêu này đã bị Không Lực Hoàng gia ngăn chặn trong Trận Đánh Anh Quốc, trong đó số oanh tạc cơ Đức bị bắn rớt nhiều đến mức Hitler phải quay sang không kích ban đêm xuống các thành phố Anh với hàng vạn dân thường bị giết chết.

Giải mã Mật Mã Enigma

Trước chiến tranh khá lâu Đức đã phát triển thiết bị mã hóa tinh vi, máy Enigma. Máy này mã hóa các liên lạc quân sự tối mật và chỉ có thể giải mã bằng một máy Enigma khác. Vào năm 1939 người Anh thành lập một dự án tối mật tại Bletchley Park, tại đó hàng trăm nhà toán học và ngôn ngữ học cuối cùng cũng tìm ra được cách giải mã các tín hiệu do Enigma truyền đi – và trong tiến trình ấy đã chế tạo ra một trong những máy tính đầu tiên của thế giới. Tin tình báo thu thập được đã đóng một vai trò chủ chốt trong một số chiến dịch quyết định – đáng kế nhất là Trận Chiến Đại Tây Dương, tại đó vào năm 1943 Đồng Minh biết chính xác đoàn tàu ngầm U-boat của Đức sắp sửa đánh ở đâu. Tin mật này là vô giá  đối với việc bảo vệ dòng chảy khổng lồ chở người và quân nhu xuyên Đại Tây Dương trong chiến dịch tích lũy khí tài cho ngày D, ngày đổ bộ lên đất Pháp, mở ra Mặt trận phía Tây.

Tất cả những điều này chỉ là buổi diễn phụ nếu so với tầm mức đại qui mô của những chiến dịch ở Mặt trận phía Đông. Vào tháng 6 năm 1941 Hitler xé Thỏa ước Bất Tương Xâm với Stalin và phát động cuộc xâm lược rầm rộ Liên bang Xô-Viết. Hồng Quân, vốn đã yếu đi sau những cuộc thanh trừng của Stalin vào những năm cuối thập niên 1930, chạy cuốn cờ. Người Đức coi người Nga không chỉ là kẻ thù ý thức hệ vì chế độ cộng sản của họ, nhưng cũng coi người Nga là hạ nhân vì chủng tộc Slav của người Nga được họ coi là thấp kém. Kết quả, sự tổn thất của nhân dân Xô-Viết cũng như lực lượng vũ trang Xô-Viết đến một qui mô thật là khủng khiếp: có thể đến 20 triệu người chết trong quá trình chiến tranh. Nhưng Hitler, cũng như Napoleon trước ông, đã đánh giá thấp kích cỡ, khí hậu và tài nguyên của Nga. Khi Stalin chuyển nền kỹ nghệ Nga về phía sau rặng núi Ural, phun ra xe tăng và phi cơ với số lượng chưa từng có, người Đức sa lầy khốn khổ trong mùa đông nước Nga rét cóng và càng suy sụp thêm trước đường tiếp tế kéo dài quá sức. Còn Stalin không chút cắn rứt khi phải hi sinh hết làn sóng bộ binh này đến làn sóng bộ binh khác, bị đẩy ra trận với súng máy của bọn NKVD (cảnh sát mật) chĩa sau lưng. Bước ngoặt trên Mặt trận phía Đông xảy ra ở Stalingrad trên sông Volga, nơi suốt mùa đông 1942-3 toàn bộ quân Đức bị bao vây và buộc phải đầu hàng. Hồng Quân sau đó tiến lên tấn công, tiến về phía tây vào miền đông Âu châu.


Trận Stalingrad, bước ngoặt của Thế Chiến II

“Tôi hỏi bạn: Bạn có muốn chiến tranh toàn diện không? Bạn có muốn nó, nếu cần thiết, toàn diện hơn và cực đoan hơn thậm chí chúng ta tưởng tượng hôm nay không?”

Joseph Goebbels, bộ trưởng tuyên truyền của người Quốc Xã, bài diễn văn sau khi Đức đầu hàng tại Stalingrad, tháng 2 1943.

Stalin từ lâu đã yêu cầu Đồng Minh Tây phương của mình mở mặt trận thứ hai. Việc này cuối cùng xảy ra khi Hoa Kỳ, Anh và các lực lượng Khối Thịnh Vượng Chung đổ bộ lên bãi biển Normandy vào ngày D, 6 tháng 6, 1944. Khi Đồng Minh Tây phương tiến qua Pháp và các Xứ Vùng Thấp và cuối cùng vượt Sông Rhine tiến vào chính lãnh thổ Đức, thì  trên phía bên kia lục địa Hồng Quân đang tiến gần Berlin. Hitler tự sát vào ngày 30/4/1045 và vào ngày 7/5 toàn bộ lực lượng Đức đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện. Không ai có thể hiểu hoàn toàn mức độ chính xác của mức giá sinh mạng mà cuộc xung đột đã gây ra trên khắp thế giới: còn số ước tính là hơn 50 triệu người chết trực tiếp hay gián tiếp do hậu quả của cuộc chiến.

                 Đổ bộ lên bãi biển Normandy để giải phóng Pháp

                                Liên Xô giải phóng Berlin, Hitler tự sát

TÓM TẮT

Cuộc chiến tốn nhiều xương máu nhất trong lịch sử loài người.

DÒNG THỜI GIAN 

1931Nhật chiếm Mãn Châu
1935Ý xâm lăng Abyssinia
1936THÁNG 10 Thành lập Trục Berlin-La Mã. THÁNG 11 Đức và Nhật lập Thỏa ước Chống-Quốc tế Cộng Sản nhắm vào Liên Xô; Ý gia nhập vào 1937.
1937Nhật phát động xâm lăng đại qui mô Trung Quốc.
1938THÁNG 3 Binh lính Đức chiếm Áo, xáp nhập vào Đế chế Đức. THÁNG 9 Ở Munich, Anh và Pháp đồng ý cho Đức xáp nhập miền Sudetenland của Tiệp.
1939THÁNG 3 Quân Đức đánh chiếm phần còn lại của Tiệp. THÁNG 4 Ý xâm lăng Albania. THÁNG 8 Hiệp ước Bất Tương Xâm giữa Quốc Xã và Xô-Viết. THÁNG 9 Hitler xâm lược Ba Lan, Anh và Pháp tuyên chiến; Liên bang Xô Viết chiếm Đông Ba Lan. THÁNG 11 Liên bang Xô-Viết tấn công Phần Lan.
1940THÁNG 4 Đức tràn vào Đan Mạch và xâm chiếm Na Uy. THÁNG 5 Đức xâm lăng các Xứ Vùng Thấp và Pháp. THÁNG 6 Chính phủ Pháp đình chiến với Đức và tiến hành hợp tác với kẻ chiếm đóng. Ý lâm chiến. THÁNG 7-8 Không chiến trên bầu trời Anh. THÁNG 9 Bắt đầu oanh tạc các thành phố Anh. Ý xâm lược Ai Cập từ Lybia. THÁNG 10 Romania và Hungary tham gia phe Trục.
1941THÁNG 3 Thượng Nghị viện Mỹ thông qua dự luật Lend-Lease để viện trợ Anh. Ý xâm lược Hy Lạp. Bulgaria gia nhập phe Trục. THÁNG 4 Đức xâm lăng Nam Tư và Hy Lạp. THÁNG 6 Đức xâm lược Liên bang Xô Viết. THÁNG 12 Hoa Kỳ bước vào cuộc chiến đấu khi Nhật tấn công Trân Châu Cảng.
1942THÁNG 5 Cuộc oanh tạc hàng ngàn máy bay ném bom xuống Cologne. THÁNG 11 Đồng Minh đánh bại phe Trục ở El Alamein, Ai Cập. Đồng Minh đổ bộ lên tây bắc châu Phi. Hồng Quân bao vây Đức tại Stalingrad.
1943THÁNG 2 Đức đầu hàng tại Stalingrad. THÁNG 5 Phe Trục đầu hàng ở Bắc Phi. THÁNG 7 Đồng Minh xâm lược Sicily; Mussolini bị lật đổ. Hồng Quân đánh bại quân Đức tại Kursk trong trận đánh xe tăng lớn nhất trong lịch sử. THÁNG 9 Đồng Minh xâm lăng nội địa Ý. Ý chấp thuận đình chiến.
1944THÁNG 3 Đức chiếm Hungary. THÁNG 5 Đồng Minh đánh chiếm Monte Cassino, một vị trí phòng thủ ở Ý. THÁNG 6 Đồng Minh tiến vào La Mã. Đổ bộ ngày D, mở mặt trận phía Tây. THÁNG 8 Đồng Minh đổ bộ ở phía nam nước Pháp. Paris được giải phóng. THÁNG 9 Lực lượng nhảy dù Đồng Minh thất bại trong trận đánh giành cây cầu chiến lược tại Arnhem, Hà Lan. THÁNG 12 Trận đánh Bulge: Đức phát động cuộc phản công ở Ardennes.
1945THÁNG 2 Hồng Quân chiếm Budapest. THÁNG 3 Đồng Minh vượt sông Rhine. THÁNG 4 Mussolini bị du kích Ý hành hình. Hồng Quân tấn công Berlin; Hitler tự sát. THÁNG 5 Đức đầu hàng vô điều kiện.

42 THẾ CHIẾN II: Á CHÂU VÀ THÁI BÌNH DƯƠNG

Chỉ t rong một vài thời đại vào cuối thế kỷ 19, Nhật đã vươn vai từ một nhà nước trung cổ cô lập trở thành một cường quốc kỹ nghệ hiện đại. Bắt chước các cường quốc Tây phương, Nhật cũng thỏa mãn những tham vọng đế quốc, chiếm Đài Loan và Triều Tiên từ tay Trung Quốc trong cuộc chiến 1894-5, và chận đứng sự bành trướng của Nga tại Viễn Đông trong cuộc chiến 1904-5.

Trong thập niên 1920 Nhật – do thiếu đất và tài nguyên cho một dân số đang gia tăng – trải qua những khó khăn nghiêm trọng về kinh tế. Nhiều người, đặc biệt các quân nhân, tin rằng chỉ có một chính quyền quân sự mạnh mẽ theo đuổi chính sách bành trướng lãnh thổ mới có thể giải quyết những bài toán của đất nước. Chủ nghĩa dân tộc quân phiệt và bài ngoại mãnh liệt của họ tập trung quanh hoàng đế, dù bù nhìn nhưng vẫn được sùng bái như thần linh.

Một số phần tử trong quân đội bắt đầu tự giải quyết vấn đề theo cách của họ. Nhật đã được quyền đóng quân để bảo vệ Đường sắt Nam Mãn Châu, và khi vào tháng 9 1931 một đoạn đường ray gần thành phố Mukden (Thẩm Dương ngày nay) bị giật mìn phá hủy, quân đội đổ tội cho người Hoa và lấy đó làm cớ để chiếm toàn bộ Mãn Châu. Hội Quốc Liên lên án hành động chiếm đóng, nhưng Nhật Bản đáp lại đơn giản bằng cách ra khỏi Hội Quốc Liên.

Tham vọng của Nhật Bản

Phe quân phiệt ngày càng chiếm quyền kiểm soát chính quyền ở Nhật. Họ không công nhận giới hạn quốc tế về lực lượng hải quân, và tự thấy mình, cùng với Đức và Ý, là một trong những nước  bị đối xử bất công nhất trên thế giới. Nhật kết liên minh với Đức và Ý, và vào 1937 mở cuộc xâm lược đại qui mô Trung Quốc. Nhật chiếm hầu hết bờ biển, và tiếp theo chiếm đóng thủ đô của Trung Hoa khi đó là Nam Kinh, trong đó gần 300,000 dân thường Hoa bị tàn sát. Nhưng dù vậy, người dân Trung Hoa cũng đứng lên kháng chiến.

“Tình thế đất nước đã đi đến bế tắc. . . Con đường duy nhất rộng mở cho chúng ta là sự phát triển Mãn Châu và Mông Cổ.”

Trung tướng Ishiwara Kanji, một trong những sĩ quan dính líu vào việc xáp nhập Mãn Châu vào năm 1931.

Bản đồ châu Á trước Thế Chiến II

Hoa Kỳ – đất nước có lợi ích và lãnh thổ ở Thái Bình Dương (trong đó có Hawaii, Guam và Philippin) – bổng cảnh giác trước chủ nghĩa bành trướng Nhật Bản, và hướng tới hạn chế việc Nhật khai thác nguyên liệu thô chiến lược, như than, quặng sắt và dầu. Về phần Nhật, nhất là sau khi bùng nổ chiến tranh ở châu Âu vào năm 1939, Nhật để mắt đến các thuộc địa của Anh, Pháp và Hà Lan ở nam và đông nam Á, với mục tiêu thu hút chúng vào “Khối Đoàn kết Đại Đông Á”. Mưu đồ này được khoác nhãn hiệu giải phóng các dân tộc Á châu khỏi ách cai trị của thực dân, nhưng thực chất là hoán đổi sự thống trị Tây phương bằng sự thống trị Nhật Bản, thâu tóm nguyên liệu thô có tính chiến lược (như cao su Malaysia và dầu của Miến Điện), và đồng thời tạo ra thị trường tiêu thụ hàng hoá do người Nhật sản xuất.

Nhật đòi mọi tuyến đường tiếp tế cho người quốc gia Trung Hoa qua nước Đông Dương thuộc Pháp và các thuộc địa Miến Điện và Hong Kong thuộc Anh đều phải dừng lại.  Để áp đặt điều này, vào tháng 7 1941 lính Nhật chiếm Đông Dương (gồm Việt – Miên – Lào ngày nay), đưa đến việc Mỹ đóng băng mọi tài sản của người Nhật ở Mỹ. Hoàng thân Konoe, thủ tướng Nhật, nỗ lực tìm môi giới cho một cuộc thỏa thuận, nhưng khi chính quyền Mỹ khăng khăng đòi Nhật phải rút khỏi Trung Quốc và chấm dứt liên minh với Đức và Ý, Koone liền từ chức, và vào tháng 10 1941 được Tướng Hideki Tojo thay thế. Tojo vừa tiếp tục thương thảo với Hoa Kỳ vừa vạch kế hoạch một cuộc chiến toàn diện. Vào ngày 7/12/1941, trong khi đàm phán tiếp tục ở Washington, máy bay ném bom Nhật tấn công căn cứ hải quân Mỹ tại Trân Châu Cảng, trên Oahu ở Quần đảo Hawaii. Đó là, Tổng thống Roosevelt nói trước Quốc hội ngày hôm sau khi ông yêu cầu được tuyên chiến, một ngày sẽ sống mãi trong nỗi ô nhục. Nhưng, người Nhật không biết rằng, bằng cách mang lại sự cáo chung của chính sách cô lập và với nguồn tài nguyên vô tận của Mỹ, cuộc tấn công của họ không sớm thì muộn, cùng với Đức, sẽ chắc chắn gánh lấy thảm bại.


                                Nhật tiến vào Sài Gòn

Con đường đến chốn diệt vong

Cùng ngày với cuộc tấn công Trân Châu Cảng, các lực lượng Nhật cũng tấn công các căn cứ quân sự Anh và Mỹ ở nơi khác trong vùng đông Á và Thái Bình Dương. Rồi tiếp theo là một trong những chiến dịch công kích ngoạn mục nhất trong lịch sử, cho đến giữa năm 1942 Nhật đã chiếm hầu hết những nhóm đảo trong vùng tây Thái Bình Dương, thêm Philippin, bắc Tân Guinea và Đông Ấn thuộc Hà Lan (giờ là Indonesia), Hong Kong, Thái Lan, Malaysia, Singapore và Miến Điện, và đang đe dọa chính Ấn Độ, hòn ngọc trên vương miện của đế chế Anh. Chiến dịch đi kèm với những hành động tàn bạo khủng khiếp, người Nhật lúc này coi mọi chủng tộc khác là dòng giống hạ đẳng, và đối xử với bất kỳ người lính địch nào đầu hàng mà không chịu chiến đấu đến chết đều là bọn hèn nhát đáng khinh bỉ, phải bị sử dụng như nô lệ khổ sai, bị bỏ đói, đánh đập và hành hình không cần xét xử.

“Tôi sợ chúng ta đã đánh thức một tên khổng lồ đang ngủ, và phản ứng của y khi thức dậy sẽ rất khủng khiếp.”

Đô đốc Yamamoto, tư lệnh hạm đội Nhật tấn công Trân Châu Cảng.

Cuộc tấn công của Nhật bị đẩy lùi vào tháng 6 1942 tại Trận Midway, trong đó người Nhật mất 4 tàu sân bay và 248 phi cơ. Nó chứng tỏ là một bước ngoặt trong Cuộc Chiến Thái Bình Dương. Nhật không có nguồn tài nguyên để bù đắp những tổn thất nhanh chóng như người Mỹ. Mặc dù còn vài năm đánh nhau trước mắt, nhưng từ lúc này trở đi người Nhật buộc phải rút quân trong tuyệt vọng. Vào giữa năm 1944 Mỹ đã chiếm lại những hòn đảo đủ gần nước Nhật để làm căn cứ từ đó các máy bay ném bom của họ có thể bay thẳng đến nước Nhật và mở màn những trận oanh tạc hủy diệt các thành phố Nhật. Nhưng người Mỹ càng tiến gần nội địa Nhật, người Nhật càng kháng cự kiên cường. Đối diện trước quyết tâm không đầu hàng của người Nhật, viễn cảnh số thương vong khủng khiếp sẽ gánh chịu nếu binh lính Mỹ buộc phải đổ bộ và đánh nhau với địch trên đất địch, người Mỹ quyết định triển khai một vũ khí mới chưa từng biết. Vào ngày 6/8 họ bỏ một quả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima, giết chết ngay lập tức 78,000 người. Một quả bom thứ hai thả xuống Nagasaki ba ngày sau đó. Ngày 15/8 Nhật Hoàng Hirohito đọc bài phát biểu trên đài lần đầu tiên gởi đến nhân dân ngài, loan báo Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện trước các Đồng Minh.

Bom nguyên tử

Vào năm 1939 nhà vật lý vĩ đại Albert Einstein, vốn đã  đào thoát sang Hoa Kỳ từ nước Đức Quốc Xã vì là người Do Thái, viết một bức thư cho Tổng thống Roosevelt, cảnh báo rằng người Đức có thể đang nghiên cứu chế tạo vũ khí nguyên tử. Kết quả là Roosevelt ra lệnh khẩn trương xúc tiến Dự án Manhattan, trong vòng tối mật tập họp một đội ngũ các nhà vật lý và kỹ sư hàng đầu thế giới để phát triển một quả bom nguyên tử. Quả bom thứ nhất được cho nổ thử trong sa mạc New Mexico vào ngày 16/7/1945, khiến cho giám đốc của Dự án, Robert J. Oppenheimer, phải mượn lời trong tập thơ Ấn giáo cũ,

Bhagavadgita, để thốt lên: “Tôi đã trở thành tử thần, kẻ hủy diệt các thế giới.” Đó là thời khắc ra đời của thời đại hạt nhân. Như Oppenheimer nhận xét hai năm sau vụ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki: “Các nhà vật lý đã biết được tội lỗi; và đây là một thứ hiểu biết mà họ không thể bỏ lỡ.”

                                     Đống hoang tàn sau khi bom nổ

TÓM TẮT

Nhật đã trở nên quá tải khi thách đố với Hoa Kỳ.

 DÒNG THỜI GIAN 

1931Quân Nhật chiếm Mãn Châu.
1932Nhật dựng lên một chế độ bù nhìn ở Mãn Châu, đặt tên lại là Mãn Châu Quốc, do Putin, hoàng đế Trung Hoa cuối cùng, đã bị truất phế vào năm 1912.
1933Nhật rút chân khỏi Hội Quốc Liên.
1934Nhật xé bỏ những hiệp ước quốc tế hạn chế hải lực của họ.
1936Đức và Nhật lập Thỏa ước Chống-Quốc tế Cộng Sản
1937THÁNG 7 Nhật xâm lược Trung Quốc. THÁNG 12 Cướp bóc Nam Kinh, thủ đô Trung Hoa.
1938THÁNG 10 Nhật chiếm Quảng Đông. THÁNG 11 Nhật loan báo kế hoạch Khối Đoàn kết Đại Đông Á
1940THÁNG 3 Nhật lập chính phủ bù nhìn ở Nam Kinh. THÁNG 9 Nhật ký Thỏa ước Ba Bên với Đức và Ý, tạo thành Trục La Mã-Berlin-Tokyo.
1941THÁNG 7 Nhật chiếm Đông Dương thuộc Pháp; Mỹ đóng băng các tài sản của dân Nhật. THÁNG 8 Anh và Hà Lan áp đặt cấm vận đối với hàng hóa Nhật. THÁNG 12 Nhật tấn công Trân Châu Cảng, Mỹ tuyên chiến. Nhật tiến hành tấn công Malaysia, Guam, Philippin, Đảo Wake, Miến Điện, Borneo và Hong Kong.
1942THÁNG 1 Nhật xâm lược Đông Ấn Hà Lan, Tân Guinea và Quần đảo Solomon. THÁNG 2 Singapore, căn cứ hải quân quan trọng của Anh ở Viễn Đông, đầu hàng. THÁNG 5 Trận đánh Biển San Hô ngăn không cho Nhật đổ bộ như dự kiến lên Cảng Moresby, New Guinea. THÁNG 6 Hải quân Mỹ thắng trận quyết định tại Midway. Nhật chiếm toàn bộ Philippin. THÁNG 8-12 Lực lượng Đồng Minh bắt đầu phản công tại Guadalcanal (quần đảo Solomon), New Guinea và Miến Điện.
1943THÁNG 2 Nhật ngừng kháng cự tại Guadalcanal. THÁNG 8 Lực lượng Mỹ đổ bộ lên đảo Ellice (Tuvalu). THÁNG 11 Mỹ đổ bộ lên Bougainvillea. Lực lượng Mỹ chiếm đảo Gilbert.
1944THÁNG 2 Lực lượng Mỹ hoàn tất cuộc đánh chiếm đảo Marshall. THÁNG 6 Đồng Minh đẩy lùi cuộc xâm lược Ấn Độ của Nhật tại Kohima và Imphal. Hạm đội Nhật bị đánh bại tại Trận đánh Biển Philippin. THÁNG 9 Đồng Minh bắt đầu phản công ở Miến Điện. THÁNG 10 Hải quân Mỹ thắng lợi tại Trận đánh Vịnh Leyte.
1945THÁNG 2 Lực lượng Mỹ gặp sức kháng cự dữ dội của quân Nhật tại Iwo Jima. Bắt đầu dội bom lửa xuống Tokyo. THÁNG 4 Nhật sử dụng chiến thuật kamikaze chống lại lực lượng xâm chiếm Okinawa. Nhật ngừng kháng cự tại Okinawa và nhiều vùng ở Philippin. THÁNG 8 Hai quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki. Liên Xô tuyên chiến với Nhật. Nhật chấp nhận điều khoản đầu hàng.

Ghi chú: Muốn biết thêm chi tiết các bạn có thể tìm đọc MẶT TRỜI MỌC trong trang web Nghiên Cứu Lịch Sử này. 

43 THẢM HỌA DIỆT CHỦNG (HOLOCAUST)

Trong một ít năm ngắn ngủi, giữa 1939 và 1945, khoảng 6 triệu người Do Thái – hai phần ba dân số Do Thái của châu Âu – bị tàn sát có hệ thống bởi bọn Quốc Xã. Qui mô của nỗi khủng khiếp chứa đựng trong hàng chữ mô tả ngắn ngủi trên gần như không thể nào có thể lãnh hội được.

Cũng không dễ dàng để hiểu hết những động lực của bọn thủ phạm, đã biến những ảo tưởng thù hằn và méo mó nhất – niềm tin mù quáng vào sự ưu việt của một chủng tộc đối với một chủng tộc khác – thành kết luận hợp lý của hành động chúng. Đây không phải là minh họa đầu tiên hay cuối cùng của tội diệt chủng, nhưng lần này nó được thực hiện trên một qui mô mà đến giờ này nhân loại chưa từng chứng kiến với nỗi khủng khiếp nào lớn hơn.

Thảm họa diệt chủng người Do Thái này được các sử gia đặt tên là “holocaust” và được sử dụng vào thập niên 1950, xuất xứ từ một từ Hy Lạp có nghĩa “bị thiêu hủy hoàn toàn”, và đã được áp dụng trong Cựu Ước để chỉ những con vật hiến tế bị lửa  thiêu cháy hoàn toàn – ám chỉ các thi thể người Do Thái bị tàn sát và thiêu hủy trong lò thiêu ở các trại tập trung diệt chủng. Đối với người Do Thái, sự hủy diệt người Do Thái Âu châu đơn giản là Shoah, chữ Do Thái có nghĩa là “thảm họa”.

Nguồn gốc nạn bài trừ Do Thái

Các cộng đồng Do Thái đã định cư quanh vùng Địa Trung Hải trong thời La Mã, rồi từ đó tản đi khắp châu Âu. Trong những vùng đất do người Hồi cai trị, như ở Tây Ban Nha thời trung cổ, họ thường được khoan dung, nhưng ngược lại người Cơ đốc giáo lại coi dân Do Thái là “bọn giết Christ”, nên thường tiến hành những đợt ra tay bức hại – như các vụ tàn sát Do Thái trong những cơn “bốc hỏa” tôn giáo qua cuộc Thập Tự Chinh Thứ Nhất và sau đó tại thời điểm Tử Thần Đen, mà nhiều người cho nguyên nhân là do người Do Thái đầu độc giếng nước gây ra. Với tôn giáo và văn hóa riêng biệt, người Do Thái, như những nhóm người đứng bên lề xã hội, thường bị nghi ngờ một cách hết sức phi lý là thủ phạm của đủ mọi hành động gớm ghiếc – như hiến tế các trẻ em Cơ đốc – và trở thành những con dê tế thần thuận tiện khi có chuyện gì đó không ổn xảy ra. Một vài xứ, như Anh vào cuối thế kỷ 13 và Tây Ban Nha vào năm 1492, trục xuất các cộng đồng Do Thái. Phải mất gần 400 năm người Do Thái mới được phép trở về Anh.

Ở tây Âu, các cộng đồng Do Thái thường khấm khá, trung lưu và tương đối bị đồng hóa – một số không nhỏ đã cải sang đạo Cơ đốc. Nhiều người hoạt động trong ngành thương mại và ngân hàng – ngành công vụ và quân đội bị cấm – và thành công về tài chính của họ thường gây ra những đố kỵ từ dân bản xứ, hay tệ hơn.

Những nạn nhân khác của bọn Quốc Xã

Người Do Thái không phải là nạn nhân duy nhất của học thuyết Quốc Xã về”vệ sinh chủng tộc”: gần 400,000 người Gypsy cũng bị tàn sát, cùng với những số không thể biết những người gốc Slav, đồng tính và những người thiểu năng trí tuệ hoặc thể chất. Cũng là mục tiêu của chương trình diệt chủng là những người theo đạo Nhân chứng Jehovah, cộng sản, xã hội chủ nghĩa,  và bất kỳ ai bị bọn Quốc Xã coi là kẻ thù của nhà nước. Thêm vào đó là hơn ba triệu tù binh Xô Viết – nhiều hơn phân nửa số tù binh của quân đội Đức – chết trong khi bị bắt và nhốt trong những điều kiện vô cùng kinh khiếp. Tổng cộng, bọn Quốc Xã giết khoảng 14 triệu người mà chúng coi là hạ nhân (Untermenschen).

Hướng tới “giải pháp cuối cùng”

Vào cuối thế kỷ 19 xuất hiện một biến tướng của học thuyết Darwin về sự tiến hóa do chọn lọc tự nhiên, cho rằng, để bảo đảm tương lai của nhân loại, chỉ những mẫu người thích hợp nhất, cả về phương diện thể chất cũng như trí tuệ mới được phép duy trì nòi giống. Một môn giả khoa học về “ưu sinh” ra đời, có mục đích nhận diện tất cả những ai nên bị ngăn cấm có con – bệnh nhân tâm thần, tội phạm, bọn nghiện rượu, người thiểu năng trí tuệ, những ai sinh ra không lành lặn về thể chất , và vân vân. Cùng với ưu sinh học, một hình thức phân biệt chủng tộc mới xuất hiện, nhận diện một số “chủng tộc” được cho là “thượng đẳng” hơn các chủng tộc khác bằng cách sử dụng những kỹ thuật giả-khoa học như đo kích thước bộ não, và chủ trương duy trì sự “tinh khiết” của “dòng máu thượng đẳng bằng cách ngăn ngừa kết hôn chéo. Bỏ vào trong mẻ rượu ‘gia truyền’ này, họ thêm một lượng cực mạnh chất bài – Do Thái truyền thống để quyết tâm tìm cho ra “giải pháp cuối cùng cho vấn đề Do Thái.”

“Người Đức chúng ta cuối cùng phải học cách không coi bọn Do Thái  như người thuộc chủng loại chúng ta. . .”

Heinrich Himmler, lãnh tụ to chức SS, ngày 5/3/1936

 Sau khi Hitler lên nắm quyền ở Đức vào năm 1933, người Do Thái bị trục xuất ra khỏi công vụ, và các cửa tiệm và hãng xưởng Do Thái bị tẩy chay. Hai năm sau, Đạo luật Nuremberg tước đoạt quốc tịch Đức của người Do Thái và ngăn cấm họ kết hôn với người có chủng tộc “Aryan” (mà Quốc Xã mô tả là người Đức tóc vàng, mắt xanh và “chủng” Nordic). Vào ngày 9/11/1938, tức vào Kristallnacht (“đêm kính vỡ”), các nhà ở, cửa tiệm và nhà thờ của nguời Do Thái trên khắp nước Đức đều bị ném đá, tấn công, và gần 100 người Do Thái bị giết hại. Nhiều người giàu có hơn đã chuồn ra nước ngoài (như nhà bác học Albert Einstein), nhưng nhiều người còn ở lại, và càng ngày càng khó cho người Do Thái muốn tị nạn tìm được một quốc gia chịu cưu mang mình.

Thế Chiến II cho bọn Quốc Xã cơ hội để hoàn thành chính sách diệt chủng của mình, không chỉ ở Đức, mà còn trên mọi xứ sở mà họ chinh phục. Khi quân đội Đức tràn vào Ba Lan vào năm 1939, và sau đó vào Nga 1941, họ được Einsatzgruppen (“lực lượng đặc nhiệm”) thuộc SS tháp tùng, có nhiệm vụ trừ khử các chính ủy Xô Viết và gom lại và “tái định cư” dân Do Thái. “Tái định cư” là một mỹ từ để chỉ sự tận diệt, và đến đầu năm 1942

Einsatzgruppen đã giết hơn nửa triệu người Do Thái, phần lớn bằng súng. Nhưng như thế là quá chậm đối với các ông trùm Quốc Xã, và vào tháng giêng 1942 một nhóm quan chức cấp cao họp ở ngoại ô Wannsee, Berlin để thảo luận về cách tiến hành “giải pháp cuối cùng”.

Kết quả là một hệ thống hiệu quả một cách tàn độc cho bộ máy giết người. Những trại tập trung lớn được xây dựng ở Ba Lan, tại những nơi như

Auschwitz và Treblinka. Từng đoàn tàu này đến đoàn tàu khác chở người Do Thái sinh sống trên những lãnh thổ châu Âu do Quốc Xã chiếm đóng ken cứng trong những toa chở súc vật để đến các trại tập trung. Khi họ xuống tàu, các bác sĩ chọn ra những người còn khỏe mạnh gạt sang bên để lao động khổ sai. Những người còn lại trở thành đối tượng cho những thí nghiệm y khoa tàn nhẫn. Đa số – đàn ông, đàn bà, trẻ con, trẻ sơ sinh – được lùa đi, bắt phải cởi bỏ quần áo và bị đẩy vào những gian phòng rộng mà họ nghĩ là khu tắm rửa. Nhưng rồi cửa khóa chặt, và từ trần nhà, không phải nước chảy xuống, mà là chất Zyklon-B, một loại khí độc giết người có chứa chất hydrogen cyanide. Mất 20 phút để giết chết nạn nhân. Một bác sĩ SS, sau khi đã chứng kiến việc xông hơi độc đầu tiên của mình, đã ghi lại trong nhật ký rằng “Địa ngục của Dante (Dante Alighieri (1265-1321), là một trong số những nhà thơ kiệt xuất nhất của nước Ý và thế giới. Trong phần Hoả Ngục của tác phẩm Thần Khúc, ông mô tả cảnh địa ngục gồm nhiều tầng dành tra tấn những linh hồn khi còn sống trên dương gian đã phạm những tội lỗi khác nhau: ND) dường như là một hài kịch nếu so sánh với cảnh tượng này.” Khi mọi người đều đã chết, thi thể của họ được đẩy tới lò thiêu, bận rộn nhả khói suốt ngày đêm.


                                                        Vào trại trại tập trung

“Tôi là người kết tội, Chúa là kẻ bị kết tội. Đôi mắt tôi trừng trừng và tôi cô đơn – cô đơn khủng khiếp trong một thế giới không có Chúa Trời và không có con người.”

Elie Wiesel, Đêm, 1958, ghi chép lại trải nghiệm của ông như một tù nhân tại Auschwitz và Buchenwald.

Thậm chí khi Hồng Quân tiến về phía Tổ quốc Đức một cách thô bạo, bọn Quốc Xã vẫn dành nguồn tài nguyên quí giá để duy trì tiến độ của công tác tận diệt, thậm chí còn di tản những tù nhân về phía tây trong những “hành trình tử thần khủng khiếp.” Đó là cơn lốc điên cuồng trên một qui mô không thể tưởng tượng được, nhưng bọn đàn ông và đàn bà tham gia thực thi “giải pháp cuối cùng” không phải là những quái thú mang hình người mà là những người bình thường đã bị nhồi sọ, khiến chúng tin rằng mình chỉ đang làm nhiệm vụ một cách hiệu quả và theo đúng như Fuhrer mong mỏi. Nhận thức được cái bóng tối đã ngự trị tại trái tim của châu Âu – nước Đức, quê hương của Schiller, Goethe và Beethoven – đã làm dịch chuyển sâu xa cái nhìn của người lục địa về chính mình. Đúng ra, nhân loại xét như một toàn thể khó có thể nhìn vào chính mình theo cùng một cách thêm một lần nữa.

TÓM TẮT

Diệt chủng trên một qui mô chưa từng có.

DÒNG THỜI GIAN

1933Quốc Xã nắm quyền ở Đức. Người Do Thái bị đuổi khỏi công sở, cửa tiệm và hãng xưởng bị tẩy chay.
1935Đạo luật Nuremberg tước đoạt quyền công dân của người Đức gốc Do Thái. Heinrich Himmler, ông trùm, khởi động chương trình gây giống “chủng tộc thượng đẳng Aryan”
1937THÁNG 7 Mở trại tập trung Buchenwald. Người Đức gốc Do Thái bị buộc phải mang huy hiệu Ngôi – sao – David màu vàng. THÁNG 12 Người Do Thái ở Romania bị đuổi khỏi mọi ngành nghề và bị cấm sở hữu đất.
1938THÁNG 11 Kristallnacht: Cửa hàng, nhà ở và nhà thờ Do Thái bị đốt phá trên khắp nước Đức, để trả thù cho việc một nhà ngoại giao Đức bị một người Do Thái Đức – Ba Lan giết chết ở Paris.
1939THÁNG 9 Hitler xâm lược Ba Lan, khơi mào Thế Chiến II.
1940Quốc Xã bắt đầu tàn sát người Do Thái ở Ba Lan, và hạn chế người Do Thái trong các ghettohe (khu tập trung). THÁNG 7 Chính phủ hợp tác bù nhìn Vichy áp dụng các biện pháp bài Do Thái ở Pháp.
1941THÁNG 6 Quốc Xã xâm lăng Liên bang Xô-Viết và sau đó tàn sát tập thể người Do Thái. Hungary chính thức kết liên minh với phe Quốc Xã nhưng từ chối giao nộp 800,000 dân Do Thái của họ. THÁNG 9 Trong hai ngày bọn SS bắn hạ 33,771 người Do Thái ở Ukraine tại Babi Yar, một khe núi ngoài Kiev.
1942THÁNG 1 Tại Hội nghị Wannsee, các quan lớn Quốc Xã quyết định “giải pháp cuối cùng về vấn đề Do Thái.” THÁNG 7 Chức trách Pháp gom được 30,000 người Do Thái ở Paris để chở đến trại tử thần. 
1943THÁNG 4-5 Nổi dậy tại khu ghetto Do Thái ở Warsaw; 60,000 bị giết sau cuộc dập tắt. THÁNG 10 Bọn SS tính gom người Do Thái ở Đan Mạch nhưng bị chính quyền và dân chúng Đan Mạch ngăn cản.
1944THÁNG 3 Đức chiếm Hungary, và cuộc tống xuất  dân Do Thái bắt đầu.
1945THÁNG 1 Hồng Quân giải phóng Auschwitz, ở đó chỉ còn lại 3,000 tù nhân đã bọc xương còn sống; khoảng 1 triệu người đã bị giết. THÁNG 4 Lực lượng Mỹ giải phóng trại tập trung Dachau, gần Munich.
1945-6Toà án Nuremberg: Các tên trùm Quốc Xã bị đưa ra xét xử vì các tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người; 12 trong số 22 tên bị kết án tử.
1961Các đặc vụ Israel bắt cóc Adolf Eichmann,người được giao nhiệm vụ thi hành “giải pháp cuối cùng” và đã trốn thoát sang Argentina sau chiến tranh. Eichmann bị đem ra xét xử tại Jerusalem và bị hành hình năm 1962. Việc tố tụng các tội phạm chiến tranh Quốc Xã cấp thấp hơn tiếp tục cho mãi đến thế kỷ 21.

44 CHIẾN TRANH LẠNH

Những vấn đề thế giới trong nửa sau thế kỷ 20 chủ yếu là mối hiềm khích vũ trang kéo dài giữa Hoa Kỳ tư bản và Liên bang Xô-Viết cộng sản cùng với các đồng minh của hai bên. Thời kỳ căng thẳng leo thang này được đặt tên “Chiến tranh Lạnh” – một thuật ngữ được sử dụng đầu tiên vào năm 1947 – vì nó không bao giờ bùng phát thành một xung đột toàn cầu “nóng”.

Hoa Kỳ và Liên bang Xô-Viết đã bước ra khỏi Thế Chiến II như là hai siêu cường của thế giới, và, mặc dù họ không hề đánh nhau trực diện, những kẻ thù ý thức hệ quyết liệt này đạo diễn một số cuộc chiến ủy thác chống lại các đồng minh của nhau, và tồn trữ những kho khủng khiếp các vũ khí hạt nhân đe đọa chính tương lai của nhân loại.

“Từ Stettin ở vùng Baltic đến Trieste ở Adriatic một bức màn sắt đã buông xuống khắp châu Âu.”

Winston Churchill, nói tại Fulton, Missouri, ngày 5/3/1946

Bức Màn Sắt

Mối ác cảm giữa phương Tây tư bản và Liên bang Xô-Viết cộng sản bắt nguồn từ Cách Mạng Bôn-se-vich 1917 ở Nga. Tuy nhiên, khi Hitler xâm lăng Liên bang Xô-Viết vào năm 1941, nguyên tắc “kẻ thù của kẻ thù của tôi là bạn tôi” lại được vận dụng, và Anh, Hoa Kỳ và USSR đều có chung chính nghĩa trong cuộc chiến chống Quốc Xã Đức. Khi thắng lợi của Đồng Minh ngày càng chắc chắn hơn, “Ba Ông Lớn” – Tổng thống

D. Roosevelt của Hoa Kỳ, Thủ tướng Anh Winston Churchill và lãnh tụ Xô-Viết Joseph Stalin – gặp nhau tại Yalta vào tháng 2 1945, và thỏa thuận rằng những vùng lãnh thổ đông Âu được Hồng Quân giải phóng khỏi tay Quốc Xã sẽ nằm dưới ảnh hưởng của Xô-Viết. Trong vòng ba năm có những chính quyền cộng sản thân Xô-Viết được thành lập ở vùng chiếm đóng phía đông của nước Đức, và cũng ở Ba Lan, Hungary, Tiệp Khắc, Bulgaria, Romania, Nam Tư và Albania. Một bức màn sắt đã buông xuống khắp châu Âu.

Vào thời gian này, các Đồng Minh thời chiến đã từ lâu không còn gắn bó. Thậm chí trước khi Thế Chiến II kết thúc, ở Hy Lạp đã xảy ra xung đột giữa người cộng sản và không cộng sản, người sau này được Anh hậu thuẫn. Sau đó chẳng bao lâu, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ thấy mình đối đầu với một cuộc nổi dậy của những người cộng sản, và trong năm 1947 Tổng thống Truman nêu ra “Học thuyết Truman,” xem Hoa Kỳ có nghĩa vụ chặn dung sự lan truyền của chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới.

“Tại thời điểm này trong lịch sử thế giới gần như mọi quốc gia phải chọn lựa cho mình một lối sống. Sự lựa chọn thường không phải là một lựa chọn tự đó.. .”

Tổng thống Harry S. Truman, từ “Học thuyết Truman,” ngày 12/3/1947

 Trong khi phương Tây lo sợ trước sự lan tràn của chủ nghĩa cộng sản, người Xô-Viết lại sợ mình sẽ sớm bị đe doạ tấn công. Theo quan điểm của họ, họ đã mang lại những lợi ích của chế độ cho những dân tộc từng sống trong vòng tăm tối, trong khi tạo ra một vùng trái độn giữa URSS và một nước Đức có tiềm năng vùng dậy, mà cuộc chiến chống lại họ đã lấy mất ít nhất 20 triệu công dân Xô Viết. Tuy nhiên, đối với nhiều người sống trong các nước Đông Âu dưới ách thống trị Xô-Viết, thì họ chỉ đơn giản thay một  chế độ độc tài này – chế độ Quốc Xã chiếm đóng – để lấy một chế độ độc tài khác. Khi những chính quyền cải cách ở Hungary vào năm 1956 và Tiệp Khắc vào năm 1968 toan tính theo đuổi một con đường độc lập hơn, khát vọng của họ đã bị xe tăng Xô-Viết đè bẹp tàn bạo. Cho đến cuối thời kỳ Chiến tranh Lạnh, chỉ có Nam Tư, Albania và Romania đã xoay sở thoát ra được gọng kềm thép của Moscow

Thế Cân Bằng Hạt Nhân

Vào cuối Thế Chiến II Hoa Kỳ là nước duy nhất sở hữu bom nguyên tử. Nhưng đến năm 1949 URSS cho nổ vũ khí nguyên tử đầu tiên của mình, và một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân bắt đầu. Hoa Kỳ thử quả bom khinh khí đầu tiên – một vũ khí còn mạnh hơn nhiều – vào năm 1952, thì chẳng bao lâu Liên bang Xô Viết cũng sản xuất được quả bom khinh khí của họ. Với sự phát triển tiếp theo về tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, phóng lên từ mặt đất hoặc tàu ngầm, cả hai bên đều có khả năng tiêu diệt lẫn nhau, cho dù ai tấn công trước. “Nguyên tắc đảm bảo hủy diệt lẫn nhau” (“mutually assured destruction”  viết tắt là MAD) này nằm đằng sau lý thuyết răn đe cho rằng chính việc hai bên đều sở hữu vũ khí hạt nhân bảo đảm rằng chúng sẽ không bao giờ được dùng đến. Đó là một chiến lược tiềm ẩn nguy cơ cao.

Xung Đột bên ngoài Châu Âu

Trong khi ở châu Âu hai bên vũ trang gườm kình với nhau ngang qua Bức Màn Sắt, thì ở các nơi khác trên thế giới tình trạng phân cực ý thức hệ được diễn tiến dưới hình thức xung đột. Năm 1949, sau những năm nội chiến, phe cộng nắm được quyền lực ở Trung Quốc, và năm sau chiến tranh bùng nổ ở Triều Tiên. Sau khi giải phóng khỏi Nhật vào năm 1945 Triều Tiên bị chia cắt thành hai miền, miền bắc cộng sản và miền nam tư bản. Đến năm 1950 Bắc Triều Tiên phát động một cuộc tấn công xuống miền Nam, trong một canh bạc để thống nhất đất nước. Dưới sự ủng hộ của Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ, Anh và các đồng minh can thiệp để đẩy lùi bọn xâm lược. Lực lượng Liên Hiệp Quốc thành công trong sứ mạng này, sau đó tiến quân ra Bắc đến tận biên giới Trung Hoa. Trung Quốc đã cảnh cáo rằng họ sẽ không tha thứ cho một động thái như thế; “Nếu môi hở,” Trung Cộng nói lúc đó, ám chỉ đồng minh Bắc Triều Tiên của mình, “thì răng sẽ lạnh.” Hàng triệu binh lính Trung Cộng tràn qua biên giới, đẩy lùi lực lượng Liên Hiệp Quốc xuống phía nam lần nữa. Sau hai năm kèn cựa, hai bên ký một hiệp ước đình chiến, mặc dù về mặt kỹ thuật Bắc và Nam Triều Tiên còn đang ở tình trạng chiến tranh.

Chiến tranh Triều Tiên là một vấn đề tương đối ngắn hạn so với chiến tranh Việt Nam, một đất nước cũng đã bị chia cắt giữa miền Bắc cộng sản và miền Nam tư bản. Chiến tranh Việt Nam (xem Chiến tranh Việt Nam) buộc người Mỹ phải phái một số lượng lớn binh lính và khí tài với niềm tin rằng nếu miền Nam rơi vào tay cộng sản, thì tất cả những xứ Đông Nam Á lân cận sẽ lần lượt rơi theo sau, sự kiện được gọi là ii”Hiệu ứng Đô-mi-nô.” Từ quan điểm cộng sản, chiến tranh Việt Nam sẽ giải phóng vùng đông nam Á khỏi chủ nghĩa đế quốc Tây phương.

Ngay sát bên nhà, người Mỹ đặc biệt nhạy cảm với bất kỳ dấu hiệu nào về sự xâm nhập của Xô-Viết vào vùng Mỹ La tinh (tức Trung và Nam Mỹ), mà Hoa Kỳ theo truyền thống coi là vùng ảnh hưởng của mình. Điều này dẫn đến việc Hoa Kỳ hậu thuẫn một số hội đồng quân sự cánh hữu áp bức trong khu vực, và thậm chí yểm trợ cho họ lật đổ các chính quyền xã hội chủ nghĩa được bầu cử một cách dân chủ, như đã xảy ra ở Chile vào năm 1973. Tuy nhiên, Hoa Kỳ cho thấy là mình không thể tống khứ chế độ cánh tả của Fidel Castro ở Cuba, cho dù có hậu thuẫn cho một cuộc xâm chiếm không thành công của những người Cuba lưu vong chống Castro vào năm 1961 và áp đặt lâu dài lệnh cấm vận thương mại. Vào năm 1962 Liên Xô dựng một dàn tên lửa trên đảo Cuba, và Tổng thống Kennedy đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân nếu chúng không được tháo bỏ. Thế giới nín thở theo dõi diễn biến, cuối cùng Xô-Viết đành phải nhượng bộ.

Tình trạng nhân loại đứng bên bờ vực như thế là điều hiếm có, và cả hai bên, nhận thức được rằng chiến tranh hạt nhân toàn diện sẽ chắc chắn dẫn đến sự tận diệt của loài người, nên phải cùng nghĩ cách “chung sống hòa bình.” Trong thập niên 1970, Hoa Kỳ chuyển sang cô lập Liên Xô bằng cách mở một tiến trình hòa hoãn với Trung Cộng, vốn đã ly khai với khối Xô-Viết trong thập niên 1950. Điều này thúc giục Xô-Viết tìm cách cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ, và hai bên đồng ý giới hạn qui mô kho vũ khí hạt nhân của họ – cho dù đồng thời cũng vẫn tiếp tục những cuộc chiến ủy thác tại những vùng khác nhau như Angola, Nicaragua và Afghanistan.

Nhưng cuối cùng, người Xô-Viết nhận thấy mình không thể cạnh tranh với những tài nguyên vượt trội và nền kinh tế hùng hậu đầy năng lượng của Mỹ. Kết quả là không chỉ người Xô-Viết phải từ bỏ đế chế của họ ở vùng đông Âu mà chính Liên bang Xô-Viết cũng ngừng tồn tại (xem Sự Sụp Đổ của Chủ Nghĩa Cộng Sản)

TÓM TẮT

Thời kỳ mà nhân loại tiến gần nhất đến sự tự diệt.

 DÒNG THỜI GIAN 

1945THÁNG 2 Hội nghị Yalta. THÁNG 5 Đức bị chia cắt thành bốn khu vực chiếm đóng của Đồng Minh, với Xô-Viết ở phía đông.
1946THÁNG 9 Nội Chiến bùng phát ở Hy Lạp giữa cộng sản và bảo hoàng.
1947THÁNG 3 Học thuyết Truman. THÁNG 6 Mỹ thông báo Kế hoạch Marshall, gói viện trợ khổng lồ nhằm ngăn ngừa cách mạng cộng sản ở Tây Âu. THÁNG 10 Bắt đầu “cuộc săn phù thủy” chống cộng ở Hoa Kỳ.
1948THÁNG 6 Xô-Viết phong tỏa các khu vực Mỹ, Anh và Pháp ở Berlin. THÁNG 6 Nam Tư ly khai khối Xô-Viết.
1949THÁNG 4 Mỹ, Canada và các đồng minh Tây Âu thành lập Tổ chức Mình ước Bắc Đại Tây Dương chống Xô-Viết (NATO). THÁNG 10 Cộng Sản chiếm quyền lực ở Trung Quốc.
1950THÁNG 6 Bùng nổ chiến tranh Triều Tiên (cho đến 1953)
1955THÁNG 5 Các nước Đông Âu gia nhập Liên bang Xô-Viết trong Thỏa ước Warsaw, một liên minh quân sự.
1956THÁNG 11 Các lực lượng Xô-Viết đè bẹp cuộc nổi dậy của Hungary. 
1961THÁNG 4 Cuộc xâm chiếm, được Mỹ hậu thuẫn chống Cuba thân Xô Viết, bị đánh bại tại Vịnh Con Heo. THÁNG 8 Đông Đức cho xây dựng bức tường Berlin.
1962THÁNG 10 Khủng hoảng Tên lửa Cuba.
1963THÁNG 8 Mỹ, Liên Xô và Anh ký Hiệp ước Cấm Thử Hạt Nhân.
1965Mỹ leo thang cuộc can thiệp vào chiến tranh Việt Nam.
1968THÁNG 8 Các lực lượng trong Thỏa ước Warsaw ngăn chặn sự tự do hóa chính quyền cộng sản ở Tiệp Khắc.
1969THÁNG 11 Bắt đầu Đàm phán Giới Hạn Vũ khí Chiến Lược (SALT) giữa Mỹ và Nga.
1972THÁNG 2 Tổng thống Mỹ Nixon thăm Trung Quốc. THÁNG 5 Nixon thăm Moscow và ký Hiệp ước Chống Tên Lửa Đạn Đạo với Liên Xô.
1973THÁNG 3 Những binh sĩ Mỹ cuối cùng rời Việt Nam. THÁNG 9 CIA hậu thuẫn cuộc đảo chính ở Chile.
1975Cộng sản chiếm quyền lực ở Miên, Nam Việt Nam và Lào.
1979THÁNG 6 Mỹ và Nga ký Hiệp ước Giới hạn Vũ khí Chiến lược. THÁNG 12 Xô-Viết xâm lược Afghanistan.
1985THÁNG 4 Mikhail Gorbachev trở thành lãnh tụ Xô Viết và bắt đầu tiến trình tự do hóa và cải cách kinh tế.
1989THÁNG 2 Lực lượng Xô-Viết rút quân khỏi Afghanistan.
1898-91Các chế độ cộng sản khắp Đông Âu và Liên Xô sụp đổ.

45 KẾT THÚC CHỦ NGHĨA ĐẾ QUỐC

Vào cuối Thế Chiến II, gần như toàn bộ Phi châu và nhiều xứ ở nam và đông nam Á đều bị cường quốc Âu châu cai trị. Họ cũng sở hữu nhiều lãnh thổ quanh biển Caribbean, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Trong vòng ba thập kỷ đại đa số các dân tộc thuộc địa đều giành được độc lập, đôi khi một cách hòa bình, đôi khi phải qua chiến tranh giải phóng. Vào cuối thế kỷ, không còn một dấu vết đế quốc nào. Đó là sự cởi bỏ nhanh chóng của một giấc mơ đế chế phải mất hàng thế kỷ mới nhận thức ra được.

Có một vài nhân tố dẫn đến sự biến đổi này. Một trong những nhân tố quan trọng nhất là việc tạo ra trong lòng nhiều thuộc địa những người bản xứ ưu tú có học vấn theo phương Tây. Họ vốn được huấn luyện để giúp đỡ chính quyền thuộc địa trong việc cai trị và phát triển thuộc địa. Những người ưu tú này tiếp thu những giá trị Tây phương về tự do, bình đẳng và dân chủ, và đến lượt mình họ đòi hỏi quyền tự quyết dân tộc cho đất nước họ – những đòi hỏi càng ngày càng được công luận xã hội chủ nghĩa và cấp tiến ở đất mẹ ủng hộ.

 Một nhân tố trực tiếp là Thế Chiến II, khiến hầu hết các quốc gia Âu châu gần như là phá sản, và không thể bao biện chi phí khổng lồ để duy trì đế quốc. Chiến tranh đó cũng khiến các dân tộc thuộc địa thêm tự tin, vì đã chứng kiến bằng cách nào một xứ Á châu, Nhật Bản, có thể quét sạch bọn Âu châu hùng mạnh ra khỏi vùng đông nam Á  và khu vực Thái Bình Dương.

Lót Đường

Vào đầu thế kỷ 20, Anh đã trả độc lập cho các thuộc địa thuộc “khu định cư trắng” của họ – Canada, Úc, New Zealand và Nam Phi. Những tiền lệ này khuyến khích sự lớn mạnh của chủ nghĩa dân tộc ở Ấn Độ, đất nước đông dân cư nhất  và cũng phát triển nhất trong các số các thuộc địa không da trắng của Anh. Đại hội Dân tộc Ấn đã được thành lập vào năm 1885, và từ thập niên 1920 dưới sự lãnh đạo của Mahatma Gandhi và

Jawaharlal Nehru, nó đã trở nên càng ngày càng có tính chiến đấu và tổ chức tốt hơn. Tổ chức không hài lòng trước sự ban bố nhỏ giọt quyền tự trị. Cùng lúc, khi Đại hội gây áp lực đòi độc lập, Liên đoàn Hồi giáo yêu sách lập ra một nhà nước Hồi giáo – Pakistan – tách ra từ tiểu lục địa Ấn Độ. Gandhi và những người theo ông theo đuổi một chính sách bất tuân dân sự bất bạo động, mà đỉnh cao là chiến dịch Bỏ Ấn Độ phát động vào năm 1942, khiến Anh phải nhốt hầu hết ban lãnh đạo Đại hội cho đến hết Thế Chiến II.


                             Gandhi, biểu tượng sức mạnh của bất bạo động

Lúc mà người nô lệ quyết tâm mình sẽ không còn là người nô lệ nữa, tức thì gông cùm y rơi xuống. . . Tự do và nô lệ là những trạng thái tâm trí.”

Mahatma Gandhi, Bất Bạo Động trong Hòa Bình và Chiến Tranh, 1949

Chính quyền của Đảng Lao động được bầu ra ở Anh vào cuối thế chiến 1945 có cảm tình với chủ nghĩa dân tộc Ấn hơn chính quyền tiền nhiệm. Nó cũng đối mặt với với cuộc khủng hoảng tài chính hậu chiến khiến bắt buộc phải cởi bỏ gánh nặng đế chế càng sớm càng tốt. Kết quả là nền độc lập đó được trao trả vào năm 1947, khi cuối cùng tiểu lục địa Ấn được nhanh chóng chia cắt làm hai, Ấn Độ theo Ấn giáo và Pakistan theo Hồi giáo. Mặc dù nền độc lập giành được bằng phương pháp bất bạo động, nhưng theo chân  thành tựu này là những xung đột dã man khủng khiếp: sự chia cắt dẫn đến những cuộc di dân hàng loạt người tị nạn theo cả hai chiều, trong đó hàng trăm ngàn người bị giết trong những vụ tàn sát giáo phái.

Tiến Trình Chuyển Tiếp

Nhìn chung thì việc Anh rút khỏi đế quốc là một tiến trình hòa bình. Tuy nhiên, cũng có ngoại lệ. Suốt thập niên 1950, chẳng hạn, các lực lượng Anh đánh nhau với phong trào Mau Mau đòi độc lập ở Kenya. Trong mắt người Anh, Mau Mau là những kẻ khủng bố, nhưng đối với nhiều đồng bào Kenya họ là những chiến sĩ của tự do – các quan điểm phân cực rất phổ biến trong suốt quá trình giải phóng thuộc địa.

Một cường quốc thuộc địa Âu châu hàng đầu khác, Pháp, cũng có một lịch trình cam go tương tự. Mặc dù hầu hết đế quốc Phi châu rộng lớn của nó đã giành được độc lập một cách hòa bình vào năm 1960, sau Thế Chiến II người Pháp đối kháng dữ dội với các phong trào độc lập ở Đông Dương, mà người Nhật đã chiếm đóng trong thời chiến tranh. Ở Việt Nam, Việt Minh do cộng sản khống chế đã tuyên bố độc lập sau khi Nhật bại trận, nhưng buộc phải rút lui về căn cứ an toàn khi người Pháp trở lại tái lập quyền cai trị. Sau vài năm chiến đấu, Việt Minh giành được thắng lợi – và độc lập – vào năm 1954, nhưng việc chia cắt đất nước sau đó gieo mầm mống cho Chiến tranh Việt Nam (xem Chiến tranh Việt Nam). Cuộc chiến mà người Pháp tiến hành ở Đông Dương chia rẽ công luận ở đất mẹ Pháp; cuộc đấu tranh giành độc lập ở Algeria còn gây ra chia rẽ sâu sắc nhiều hơn nữa.

Đấu Tranh Giành Độc Lập cho Algeria

Tình hình thuộc địa khó giải quyết nhất là khi thuộc địa đó có số lớn người định cư Âu châu đã đến ở đó từ lâu. Đó là trường hợp của Zimbabwe (trước đây là Rhodesia) và Nam Phi, nơi có một thiểu số da trắng vẫn khăng khăng bám lấy quyền lực rất lâu sau khi những xứ Phí châu khác đã được quyền độc lập và cai trị theo luật đa số da đen.

Một trong những xung đột cay đắng nhất như thế là cuộc đấu tranh độc lập ở Algeria. Lãnh thổ ven biến này đã được người Pháp định cư đông đảo, và, theo luật, là một bộ phận của mẫu quốc Pháp. Một chiến dịch giành độc lập được người Hồi giáo bản địa phát động vào năm 1954, và ngay sau đó một cuộc chiến đắng cay bắt đầu, với những hành động dã man từ hai bên. Công luận Pháp chia rẽ theo suốt cuộc chiến đưa đến sự sụp đổ của Đệ Tứ Cộng Hòa. Quân đội và dân lập nghiệp thực dân Pháp mong đợi ở vị tổng thống mới, Charles de Gaulle, có biện pháp cứng rắn chống bọn nổi dậy, nhưng de Gaulle nhận thức được rằng đa số cử tri Pháp chống đối chiến tranh, và loan báo việc mình ủng hộ cho quyền tự quyết của nhân dân Algeria. Những phần tử trong quân đội và bọn định cư thực dân cực đoan thành lập OAS (Tổ chức Vũ trang Bí mật), mở ra một chiến dịch khủng bố nhằm ngăn cản tiến trình trả độc lập. Tuy nhiên, dù xảy ra những âm mưu đảo chính quân sự và ám sát, de Gaulle vẫn thỏa thuận thành công để kết thúc thù địch, và độc lập được trao trả vào năm 1962.

Trong số những cường quốc Âu châu khác, người Hà Lan thoạt đầu chiến đấu để giành lại quyền kiểm soát vùng Đông Ấn sau khi Nhật thua trận rút về nước, nhưng đến năm 1949 thuộc địa cũng giành được độc lập và trở thành nước Indonesia. Bỉ nhanh chóng trả độc lập cho Congo vào năm 1960. Nhưng vì trước đây họ hạn chế người bản xứ Congo tham gia chính trị, nên khi họ rút đi, người Congo chưa kịp chuẩn bị để tự cai trị mình. Thế là đất nước nhanh chóng rơi vào một cuộc nội chiến đẫm máu. Còn Bồ Đào Nha thì cố bám lấy một cách tuyệt vọng các thuộc địa Phi châu của mình, đánh dẹp các phong trào độc lập bản xứ cho tận đến 1974, khi chế độc tài cảnh hữu ở Bồ Đào Nha bị lật đổ.

“Gió đổi chiều đang thổi qua lục địa. . . “

Harold Macmillan, thủ tướng Anh, phát biểu ở Cape Town, Nam Phi, ngày 3/2/1960

Vào năm 1945, đã có khoảng 70 nhà nước chủ quyền độc lập. Ba mươi năm sau, vào năm 1975, có hơn 170. Trong những thập niên tiếp sau, hầu hết những thuộc địa còn lại của châu Âu trong vùng Caribbean và Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương cũng trở nên độc lập. Mặc dù tất cả những xứ này giờ là những nước có chủ quyền về phương diện kỹ thuật, nhưng nhiều nước còn thấy mình bị thống trị, về phương diện chính trị và kinh tế, bởi phương Tây hoặc bởi những siêu cường quốc mới trỗi dậy như Trung Quốc. Một số cho rằng thời kỳ đế chế vẫn chưa hoàn toàn đi qua.

TÓM TẮT

Một sự biến đổi của bản đồ thế giới

DÒNG THỜI GIAN

Các niên đại độc lập;

1946 : Philippin (USA); Jordan (Anh); Syria (Pháp)

1947 : Ấn, Pakistan (Anh)

1948 : Miến Điện, Tích Lan (Anh; Tích Lan đổi tên là Sri Lanka 1972)

1949 : Indonesia (trước đây gọi là Đông Ấn Hà Lan)

1951 : Libya (Anh và Pháp; trước là thuộc địa của Ý 1911–42)

1954 : Lào, Miên, Việt Nam (trước đây là Đông Dương thuộc Pháp; Việt Nam bị chia cắt cho đến 1975)

1956 : Ma Rốc, Tunisia (Pháp); Sudan (Anh và Ai Cập)

1957 : Malaya, Ghana (Anh)

1958 : Guinea (Pháp)

1960 : Mauritania, Senegal, Mali, Côte d’Ivoire, Upper Volta (giờ Burkina Faso), Togo, Dahomey (giờ là Benin), Niger, Chad, Cộng Hòa Trung Phi, Cameroon, Gabon, Congo-Brazzaville, Madagascar (Pháp); Cyprus, Nigeria (Anh); Somalia (Anh và Ý); Congo (Bỉ)

1961: Sierra Leone, Tanganyika (Anh; Tanganyika thống nhất với Zanzibar để lập thành Tanzania 1964)

1962 : Algeria (Pháp); Uganda, Jamaica, Trinidad và Tobago (Anh); Rwanda, Burundi (Bỉ); Western Samoa (New Zealand)

1963 : Sarawak, Sabah, Singapore, Kenya, Zanzibar (Anh)

1964 : Malawi, Zambia, Malta (Anh)

1965 : Gambia, Maldives (Anh)

1966 : Botswana, Lesotho, Barbados, Guyana (Anh)

1967 : Nam Yemen (Anh; thống nhất với Bắc Yemen 1990)

1968 : Swaziland, Mauritius (Anh); Equatorial Guinea (Tây Ban Nha); Nauru (Australia)

1970 : Fiji, Tonga (Anh)

1971 : Bahrain, Qatar, United Arab Emirates (Anh)

1973 : Bahamas (Anh)

1974 : Guinea-Bissau (Bồ Đào Nha); Grenada (Anh)

1975 :Papua Tân Guinea (Úc); Đông Timor (Bồ Đào Nha); Mozambique, Angola, Cape Verde, São Tomé e Príncipe (Bồ Đào Nha); Comoros (Pháp); Surinam (Hà Lan)

1976 : Seychelles (Anh); Western Sahara (Tây Ban Nha)

1977 : Djibouti (Pháp)

1978 : Dominica, Đảo Solomon, Tuvalu (Anh)

1979 : Kiribati, St. Lucia, St. Vincent và Grenadines (Anh)

1980 : Zimbabwe (Anh); Vanuatu (Anh và Pháp)

1981: Antigua và Barbuda, Belize (Anh)

1983 : St. Kitts-Nevis (Anh)

1984 : Brunei (Anh)

1986 : Đảo Marshall, Micronesia (Mỹ)

1990 : Namibia (Nam Phi)

1994 : Palau (Mỹ)

1997 : Hong Kong (Anh; trả về Trung Quốc)

1999 : Macao (Bồ Đào Nha; trả về Trung Quốc)

 Mời Xem Lại :50 sự kiện bạn cần biết về Lịch Sử Thế Giới- Phần 8 (36.....40 )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét