Chính phủ Trung Quốc đang gia tăng việc sử dụng WeChat để theo dõi và ngăn chặn các tiếng nói đối lập
.Nguồn: Jing Yang, “WeChat Becomes a Powerful Surveillance Tool Everywhere in China”, WSJ, 22/12/2020.
Siêu ứng dụng WeChat của Trung Quốc (nền tảng tích hợp nhiều chức năng) là một trong những công cụ mạnh mẽ nhất mà Bắc Kinh sử dụng để giám sát người dân, kiểm duyệt ngôn luận và trừng phạt những cá nhân thể hiện sự bất mãn với chính phủ.
Những người bất đồng chính kiến, người dùng và các nhà nghiên cứu bảo mật nói rằng chính quyền đang gia tăng việc sử dụng ứng dụng của tập đoàn Tencent để truyền đi những lời đe dọa cũng như lấy bằng chứng cho các vụ bắt giữ.
Wang Shengsheng, một luật sư về lao động và quyền phụ nữ, cho biết nhà chức trách đã theo dõi WeChat và tin nhắn của cô từ đầu năm nay để có thể thu thập bằng chứng nhằm cản trở sự nghiệp trong lĩnh vực tư pháp của cô.
Cô cho biết thêm, công an địa phương và các quan chức kỷ luật của Đảng cũng đang theo dõi cha cô ở quê, việc này nằm trong nỗ lực nhằm làm hoen ố thanh danh của cô.
“Mọi người luôn nói rằng những gì trao đổi trên WeChat đều công khai. Tôi không hiểu rõ nó là gì cho đến khi sự việc gần đây xảy ra,” cô nói. “Bây giờ tôi vô cùng sợ hãi.”
Người phát ngôn của Tencent từ chối bình luận. Cục Quản lý mạng và Bộ Công an Trung Quốc cũng không hồi đáp yêu cầu bình luận.
WeChat cùng phiên bản nội địa Weixin ra mắt năm 2011 và hiện có hơn 1,2 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng trên khắp thế giới (theo Tencent), phần lớn trong số đó là ở Trung Quốc. Chưa có ứng dụng nào tại Mỹ đạt được mức độ phổ biến như những gì WeChat làm được ở Trung Quốc. Ngoài chức năng nhắn tin, người dùng Trung Quốc còn sử dụng nó để chia sẻ hình ảnh, thanh toán hóa đơn điện nước, gọi taxi, đọc tin tức, đặt lịch hẹn với bác sĩ và sử dụng các dịch vụ công của chính phủ.
Năm nay, do phải làm việc và học tập từ xa vì đại dịch COVID-19, sự thống trị của ứng dụng này trong xã hội Trung Quốc càng trở nên vững chắc hơn. Các công ty và trường học đổ xô sử dụng WeChat Work, một công cụ giao tiếp dành cho doanh nghiệp được tích hợp sẵn trong WeChat. Theo Tencent, trong quý I năm nay, các chính quyền, doanh nghiệp và cá nhân đã sử dụng mã QR WeChat hơn 140 tỷ lần. Mã QR WeChat được sử dụng khi thực hiện thanh toán cũng như khi đăng nhập vào các thiết bị và tài khoản khác nhau.
Chính phủ Trung Quốc cũng khai thác hai tập đoàn công nghệ là Tencent và Alibaba trong việc thiết kế các hệ thống phân loại sức khỏe, đây là một trong những công cụ truy vết chính nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Các mã theo dõi sức khỏe có trong ứng dụng WeChat và Alipay (do công ty Ant Group của Alibaba vận hành) là thẻ thông hành cần thiết để vào các khu dân cư, tòa nhà văn phòng và sử dụng phương tiện giao thông công cộng tại Trung Quốc.
Nhưng tiện ích đó có cái giá đi kèm. WeChat là một trong những nơi quan trọng mà đội ngũ kiểm duyệt của chính phủ nhắm đến nhằm hạn chế thông tin trong thời gian dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán.
Ngoài việc gỡ bỏ các nội dung được xem là nhạy cảm, người dùng cho biết WeChat thường xuyên chặn các tài khoản thảo luận về những vấn đề như đại dịch, việc vi phạm nhân quyền ở khu vực Tân Cương. Sau khi tài khoản của người dùng bị chặn, cảnh sát thường sẽ tìm đến họ.
“Tôi đã rất sốc và bối rối”, một sinh viên Trung Quốc giấu tên đang học tập tại Úc nói về phản ứng của anh khi tài khoản bị chặn vì đăng những bình luận chỉ trích cách chính phủ xử lý dịch bệnh ở Vũ Hán vào đầu năm nay.
Tuy có thể lập một tài khoản mới với một số điện thoại khác chỉ trong vài ngày nhưng anh đã vĩnh viễn mất quyền truy cập vào hàng chục nghìn tin nhắn trò chuyện với gia đình, bạn bè và nhiều thông tin liên quan đến công việc.
“Nó khiến tôi rơi vào một tình huống rất khó khăn vì không thể tìm được việc làm, việc WeChat của bạn bị chặn sẽ nói cho người khác biết rằng bạn đang ‘lệch lạc’ về quan điểm chính trị,” anh cho biết.
Một người dùng không muốn tiết lộ danh tính ở Bắc Kinh cho biết anh đã bị bắt để thẩm vấn vài ngày sau khi tài khoản WeChat của anh bị chặn vì đã chỉ trích các chính sách đối ngoại của chính quyền Trung Quốc. Cuộc thẩm vấn kéo dài hai giờ, cảnh sát cầm trên tay bản in nhật ký trò chuyện trên WeChat của anh và đọc lên những phần có nội dung chỉ trích giới lãnh đạo Trung Quốc. Anh đã được thả sau khi ký cam kết sẽ không tái phạm một lần nữa.
Vấn đề đối với nhiều người dùng là ứng dụng này đã đi quá sâu vào cuộc sống hàng ngày đến mức nếu tắt nó sẽ giống như thiếu nước hoặc không khí.
“WeChat có rất nhiều chức năng mà chúng tôi không thể thiếu được,” Zhang Qingfang, một luật sư về nhân quyền tại Bắc Kinh cho biết. Anh nói thêm rằng những thông tin mà anh trao đổi qua WeChat cũng đang bị theo dõi.
Lo ngại vì sự phụ thuộc quá mức vào ứng dụng, một số người dùng đã phát động chiến dịch “Free From WeChat” (Không sử dụng WeChat) vào đầu năm nay. Họ kêu gọi mọi người chuyển sang sử dụng các nền tảng được cho là không bị chính phủ Trung Quốc can thiệp, chẳng hạn như Telegram. Những người này đã xuất bản một tuyên ngôn trên trang blog tiếng Hoa – Matters.news, trong đó họ tự nhận mình là “những người nhập cư kỹ thuật số – digital immigrants” (ND: những người không sinh ra trong thời đại công nghệ số và chỉ tiếp xúc với công nghệ số khi đã trưởng thành) mong muốn thoát khỏi bức tường lửa trên Internet do chính quyền Trung Quốc dựng lên.
Áp phích chiến dịch “Free From WeChat” kêu gọi người dùng chuyển sang sử dụng Telegram. (Ảnh: Free From WeChat)
Sau khi các thành viên của nhóm thuyết phục được vài trăm người chuyển sang sử dụng Telegram, các quan chức phụ trách an ninh của chính phủ đã mời những người này và gia đình của họ đến để lấy lời khai. Những người liên quan cho biết họ đã chấm dứt chiến dịch vào tháng 3 và nói với nhà chức trách rằng họ không có động cơ chính trị nhưng các quan chức an ninh vẫn tiếp tục thẩm vấn và theo dõi họ.
Chính quyền Trung Quốc đã dựng tường lửa trên Internet từ lâu để chặn các trang web và ứng dụng nhắn tin nước ngoài như Google, WhatsApp, Telegram và Facebook nhưng vẫn có thể truy cập được vào những nền tảng này nếu sử dụng các mạng riêng ảo (VPN). Một ứng dụng nhắn tin khác là Signal thì vẫn cho phép người dùng hệ điều hành IOS của Apple truy cập nhưng người dùng hệ điều hành Android thì không.
Sự phức tạp của việc thiết lập VPN đã ngăn nhiều người truy cập các trang web và ứng dụng nước ngoài. Điều đó cũng có nghĩa những người mong muốn chuyển sang sử dụng các ứng dụng an toàn hơn có thể gặp khó khăn khi thuyết phục người khác tham gia với họ.
“Một số bạn bè và khách hàng của tôi chuyển sang sử dụng Signal hoặc FaceTime cho các cuộc hội thoại nhạy cảm. Tuy nhiên đa số mọi người vẫn cho rằng việc vượt tường lửa đối với các cuộc trò chuyện thường ngày là không cần thiết,” ông Zhang nói.
Mặc dù vậy, ngày càng có nhiều người vỡ mộng về WeChat trong năm qua khi có nhiều bằng chứng cho thấy nhà chức trách đang tăng cường việc kiểm soát ngôn luận và theo dõi những người bất đồng chính kiến thông qua WeChat.
Theo nhà cung cấp dữ liệu ứng dụng Apptopia, lượt tải xuống của Telegram và Signal trên App Store (chợ ứng dụng của Apple) tại Trung Quốc đã tăng đều đặn trong những năm qua tuy nhiên chúng vẫn chỉ là một phần nhỏ khi so với lượng người dùng của WeChat. Cả hai ứng dụng trên đều sử dụng tính năng mã hóa đầu cuối (end to end) để ngăn chặn bên thứ ba đọc được nội dung trao đổi giữa người gửi và người nhận.
Lượt tải Telegram và Signal trên App Store Trung Quốc: Người dùng điện thoại thông minh ở Trung Quốc đang gia tăng sử dụng các ứng dụng có thể bảo vệ tốt hơn thông tin liên lạc của họ.
“Từ vài năm qua, tôi đã kêu gọi bạn bè của mình ở Trung Quốc đại lục chuyển sang sử dụng Telegram,” một giáo sư đại học ở Hồng Kông cho biết. “Nhiều người trong số họ từng nghĩ rằng việc sử dụng VPN để vượt tường lửa là một điều phiền toái. Giờ đây, ngày càng có nhiều người thay đổi suy nghĩ của mình.”
Fergus Ryan, nhà phân tích tại Viện Chính sách Chiến lược Úc – một tổ chức nghiên cứu phi đảng phái do chính phủ Úc lập ra, cho biết WeChat sử dụng phương thức mã hóa từ máy khách đến máy chủ (Client to Server) cho phép tập đoàn Tencent (chủ sở hữu WeChat) toàn quyền truy cập vào dữ liệu trao đổi giữa người gửi và người nhận, điều này trái ngược với phương thức mã hóa đầu cuối.
Ông nói thêm “Trò chuyện qua WeChat giống như việc bạn gửi một bức thư và đưa nó cho WeChat vận chuyển trong một chiếc hộp kín, có khóa và họ sẽ mang nó về văn phòng của mình”. Sau đó, họ “mở hộp, đọc thư và sửa đổi/biên soạn lại nếu cần rồi đặt nó vào một chiếc hộp kín, có khóa khác và đưa nó đến cho người nhận.”
Chính quyền Trump viện dẫn việc WeChat có quyền truy cập vào thông tin của người dùng cũng như tiến hành kiểm duyệt nội dung là lý do để cấm ứng dụng này tại Hoa Kỳ cùng với ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok. Cả hai lệnh cấm trên đều đang bị thách thức tại các Tòa án Mỹ và hiện vẫn chưa có hiệu lực.
Việc kiểm duyệt trong đợt bùng phát dịch COVID-19 ở Vũ Hán nghiêm ngặt đến mức đôi khi những nội dung từ các phương tiện truyền thông nhà nước cũng bị gỡ bỏ. Theo các nhà nghiên cứu, hiện tượng này xảy ra là do các công ty công nghệ đã cẩn trọng quá mức nhằm tránh vi phạm các quy định về ngôn luận vốn thường rất mơ hồ.
David Bandurski, đồng giám đốc Dự án về Truyền thông Trung Quốc của Đại học Hồng Kông cho biết: “Vấn đề chính ở đây không phải là luật lệ mà là nỗi lo sợ. Các công ty phải tuân thủ những quy định và hướng dẫn tuyên truyền của nhà cầm quyền để bảo vệ lợi ích kinh doanh của mình”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét