10 thg 10, 2013

Đọc sách :Trốn chạy -Alice Munro (Nobel 2013)

Đọc sách


 

Trốn chạy & khoảng trống để lại

Trốn chạy (Trần Thị Hương Lan dịch, NXB Văn học và Nhã Nam) là tập truyện ngắn thứ mười một của Alice Munro. Đây là tập truyện duy nhất mà nhan đề tiếng Anh chỉ có đúng một chữ, Runaway, và toàn bộ tám truyện ngắn trong đó cũng vậy. Dịch giả cũng rất khéo khi đã dịch các tên truyện bằng chỉ đúng hai chữ trong tiếng Việt.

Cách đặt tên này dường như cố để lộ cho người đọc biết trước đề tài của truyện, nhưng cũng chỉ dừng lại ở đó, và phần việc còn lại của độc giả trở nên khó khăn hơn, khi bằng cách nào đó phải vượt qua cái từ được cho biết trước để có thể bước thong dong mà không bị “mắc lỡm”, như tên một truyện ngắn trong tập. Cách đặt tên này đầy mạo hiểm, như cách trong truyện trinh thám người viết cho biết trước ngay từ đầu ai là thủ phạm. Như một hiệu ứng chung, người đọc mong ngóng một diễn biến làm lật đổ mọi dự đoán từ đầu – một nỗi mong ngóng đầy bất an.

Truyện ngắn đầu tiên, được lấy tên làm nhan đề cho cả tập, cho thấy sự tỉnh táo làm chủ ngòi bút của tác giả, khi kỹ thuật viết được vận dụng đậm đặc nhiều hơn mức cần thiết so với phong cách của Alice Munro, nhưng nó vẫn chỉ là công cụ, một thứ công cụ tinh vi nhưng hữu ích, để bà đi sâu vào tận ngóc ngách tâm lý nhân vật. Truyện ngắn Trốn chạy, như tên truyện gợi ý, kể về hai cuộc trốn chạy: nhân vật nữ chạy trốn khỏi người chồng lỗ mãng, và con thú cưng chạy trốn khỏi cô. Thậm chí còn có một cuộc trốn chạy thứ ba, ấy là nhân vật chính Carla chạy trốn khỏi cái gọi là nhà.

Bối cảnh của truyện là một trang trại nơi hai vợ chồng Carla và Clark sống nhờ nghề nuôi ngựa thuê. Qua hình tượng thời tiết, cuộc sống khó khăn của họ được hé lộ: “Mùa hè năm nay mưa dầm mưa dề” (tr. 10), rồi sau đó là đời sống hôn nhân không như ý muốn: “mây trắng ra, mỏng đi, cho lọt chút xíu thứ ánh sáng khuếch tán không bao giờ bừng lên nổi thành ánh mặt trời thật sự, và thường thì cũng tắt trước bữa tối” (tr. 11). Cảm giác bức bí, ngột ngạt do thời tiết được nâng lên khi Carla phải sống chung với người chồng cộc tính. Anh xô xát với đám chủ nợ, gây sự ở một hiệu thuốc hay quán cà phê, và cục cằn với cả con ngựa Lizzie mà anh được thuê nuôi. Cao trào của sự bức bí là khi Clark biết rằng ông hàng xóm Jamieson mới mất từng nhận được món tiền lớn cho một giải thưởng thơ, anh âm mưu “bắt lão ta phải trả giá” (tr. 21) và buộc Carla phải sang nói chuyện với bà Jamieson.

Cảm giác phụ thuộc hiện diện ở mỗi nhân vật nữ – phụ thuộc vào đàn ông, quá khứ, nơi chốn, và nỗi cô đơn; nhưng ở tầng sâu đó là cảm giác của kẻ xa lạ, khi mà trong Trốn chạy, đàn ông gây nên nỗi bức bí, quá khứ luôn là hiện tại, nơi chốn là điểm cách ly cảm xúc, và nỗi cô đơn là phản hồi đầy bất an của khao khát yêu thương.

Đến đây, cũng cần phải nhấn mạnh tầm quan trọng của các khoảng trắng phân đoạn trong tập truyện. Ở Trốn chạy, chúng không chỉ nhằm tách biệt các mẩu trần thuật, mà còn nhằm thay đổi cường độ của nỗi bức bí. Ở giữa hai khoảng trắng (tr. 25-26), trong lúc Carla kinh sợ khi phải sang nhà Jamieson, cô chợt trăn trở về sự biến mất của con dê nhỏ Flora: “cảm giác đau đớn đơn thuần vì mất Flora, có lẽ là mất Flora vĩnh viễn, gần như là nỗi khuây khỏa so với mớ bòng bong nàng vướng phải liên quan tới bà Jamieson, và so với nỗi khổ phập phù của nàng với Clark” (tr. 26). Khoảng trắng thứ hai còn có mục đích thay đổi điểm nhìn trần thuật, mặc dù vẫn ở ngôi thứ ba, nhưng từ Carla sang bà Jamieson, tức Sylvia. Bà hiểu rằng sự suy sụp của Carla không phải vì con dê biến mất, mà bởi cô không thể chịu đựng được thái độ của Clark đối với cô.

Tiểu thuyết của Alice Munro NXB:
Văn Học và Nhã Nam Giá: 90.000 VNĐ


Nếu như việc con dê biến mất mang tính biểu tượng về việc giải thoát như là sự cám dỗ trong đời Carla – có lần cô mơ thấy Flora ngậm một quả táo đỏ – thì việc cô trốn chạy khỏi Clark là điều lý trí nhất người ta có thể tưởng tượng ra, thậm chí là “điều duy nhất thể hiện lòng tự trọng mà người ở tình cảnh của Carla có thể làm” (tr. 46). Mỉa mai thay, chiếc xe buýt mà cô hớt hải bước ra vì “sợ không gian kín” cũng không khác là bao “nhà lưu động”, tức chiếc xe moóc của hai vợ chồng. Mỉa mai thay, cũng như trước kia cô từ bỏ bố mẹ và cuộc sống tiện nghi để chạy theo Clark, giờ đây cô từ bỏ mọi thứ liên quan đến Clark để chạy trốn khỏi anh, và khi có vẻ tìm thấy tự do, thì cô lại muốn thoát khỏi nó.

Thần lực là truyện ngắn dài hơi ở cuối tập truyện. Trái với Trốn chạy, truyện này thiếu tính kết dính bởi sự pha trộn nhiều cách xử lý – thư từ, nhật ký, trần thuật trực tiếp và thay đổi điểm nhìn. Truyện kể về Nancy, một phụ nữ trẻ đính hôn với một anh bác sĩ. Ollie, anh họ của chàng bác sĩ, đến thăm và Nancy đưa anh ta đến gặp bạn cũ của cô thời trung học, một cô gái có năng lực ngoại cảm. Việc cô bạn cũ và Ollie kết thân làm rạn nứt mối quan hệ giữa Nancy và Ollie bởi cô cho rằng anh chỉ lợi dụng năng lực của cô gái. Bốn mươi năm sau Nancy đến thăm bạn mình ở bệnh viện, lúc này cô bạn khăng khăng rằng chồng cô ta tức Ollie đã chết, mặc dù theo như câu chuyện mở ra thì không phải vậy. Đề tài ngoại cảm trong truyện bị đẩy dần về hướng cliché (và cũng khó mà khác được khi xử lý đề tài dạng này) khi người viết thiếu một cách nhìn mới, chỉ xem nhân vật mang một thứ “thần lực” giả hiệu và dễ dàng bị trần tục hóa, vật chất hóa; điều này đã được hàm ý trong cách đặt tên phân đoạn đầu của truyện: “Để Dante nghỉ giải lao đi”.

Một điểm nhấn tạo nên sức nặng cho cả tập là bộ ba truyện ngắn liên quan đến nhau, nói về cùng một nhân vật và theo diễn biến tuyến tính: Tình cờ, Sắp rồi, và Nín lặng. Nếu như cách đặt tên truyện bằng một từ giúp tách rời và mang lại tính độc lập cho từng truyện, thì việc xâu chuỗi ba truyện ngắn lại tạo hiệu ứng chồng lớp, làm tăng ảnh hưởng và chiều sâu cho cả ba truyện, nhưng lại không quá tản mát và ôm đồm như là từng chương của tiểu thuyết.

Cả tám truyện ngắn trong tập truyện đều để lại những khoảng trống giày vò, bất kể nhân vật là kẻ trốn chạy hay là người gánh chịu nỗi đau đớn sau một cuộc trốn chạy, chấp nhận mọi thứ thân thuộc trôi tuột và biến mất. Ở các nhân vật nữ, khoảng trống ấy càng được khoét sâu thêm bởi tính nhạy cảm và mong manh. Đối với họ, đó còn là sự trốn chạy khỏi khao khát thay đổi và mong muốn làm chủ cuộc đời m.nh, một ý muốn dường như hợp lý và mang tính thời đại nhưng lại bị ràng buộc bởi những mối dây gia đình, con cái và cộng đồng, đã được Alice Munro miêu tả một cách tự nhiên và bình dị trong bối cảnh chính là vùng quê miền Đông Nam Ontario của bà. Cảm giác phụ thuộc hiện diện ở mỗi nhân vật nữ – phụ thuộc vào đàn ông, quá khứ, nơi chốn, và nỗi cô đơn; nhưng ở tầng sâu đó là cảm giác của kẻ xa lạ, khi mà trong Trốn chạy, đàn ông gây nên nỗi bức bí, quá khứ luôn là hiện tại, nơi chốn là điểm cách ly cảm xúc, và nỗi cô đơn là phản hồi đầy bất an của khao khát yêu thương.


Bài Trần Quốc Tân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét