8 thg 10, 2013

Giai thoại về câu đố



Không chỉ được treo tại những nơi trang trọng, câu đối còn có một cuộc sống sinh động trong đời sống xã hội, trong tâm thức dân gian. Câu đối là tiếng nói của tư tưởng, tâm hồn, tình cảm được thể hiện dưới một hình thức độc đáo, đậm chất trí tuệ. Giai thoại hay về câu đối, trong dân gian có đến hàng ngàn, hàng vạn...
1. Câu đối là câu trả lời của khí phách. Nhiều người thuộc giai thoại rằng Giang Văn Minh khi đi sứ Tàu đã đối lại sự ngạo mạn: Đồng cổ chí kim đài dĩ lục bằng Đằng giang tự cổ huyết do hồng. Người ta tặng câu đối một cách trọng thị, biểu hiện tình cảm quý mến, tôn trọng với những nội dung ca ngợi nghĩa khí, võ công, văn đức. Tôn Thất Thuyết viếng Hoàng Diệu tuẫn tiết sau khi thành Hà Nội thất thủ (1882) bằng đôi câu:
Nhất tử thành danh tự cổ anh hùng phi sở nguyện
Bình sinh trung nghĩa đương niên đại cục khả vô tâm.
Tạm dịch:
Tử mà thành danh, chí anh hùng từ xưa thường không toại
Sinh trọn trung nghĩa, nhìn đại cục có thể chẳng thẹn tâm.
Nhưng cũng có những câu đối mà kẻ nhận được phải bầm gan tím ruột khi người làm câu đối đọc đúng “tim đen”, điểm đúng “huyệt hiểm” của hắn. Một đám hát bội diễn cho Nguyễn Thân - tay sai đắc lực của Pháp đánh dẹp nghĩa quân Cần vương Phan Đình Phùng:
Đội mũ mang râu làm mặt lạ (nạ)
Vác siêu khuân giáo đánh người quen.
Nhân dân Thái Bình “khen” sinh phần của một nghị viên họ Lại thời Tây:
Rực rỡ mé đường Tây, kẻ lại người qua, ca tụng sinh phần quan lớn Lại
 Vang lừng trong thôn Bắc, trên kính dưới rái, một lòng tôn trọng cụ trong dân.
 Mấy chữ cuối ở hai câu này phải đọc theo kiểu nói lái mới thấy dân gian tuy rằng “nôm na mánh qué” nhưng cũng chẳng phải không thâm thuý, sâu cay... 
Câu đối là câu trả lời thông minh của tinh thần khảng khái, ý chí kiên cường và một tấm lòng trong sáng yêu sự công bằng, đối lại với sự ức hiếp, đè nén, bất công dù lớn dù nhỏ. Câu đối là vũ khí tinh thần của kẻ yếu (nhưng không yếu về trí tuệ) chống lại cường quyền của kẻ mạnh hơn mình (về lực lượng vật chất).
Nguyễn Hoè tuổi nhỏ khi đi thi bị quan chủ khảo bắt bẻ vì trùng tên với ông ta:
- Lạn Tương Như, Tư Mã Tương Như, danh tương như, thực bất tương như.
Lạn Tương Như, Tư Mã Tương Như, hai người cùng tên nhưng công danh sự nghiệp khác nhau.
Nguyễn Hoè đối lại:
Nguỵ Vô Kỵ, Trưởng Tôn Vô Kỵ, bỉ vô kỵ, ngã diệc vô kỵ.
Nguỵ Vô Kỵ, Trưởng Tôn Vô Kỵ, ông tên vô kỵ, tôi cũng tên vô kỵ.
Để ý mới thấy rằng vô kỵ còn có nghĩa là không sợ. Nhân đây cũng xin nói thêm: Theo niêm luật bằng - trắc của câu đối thì lẽ ra câu của quan chủ khảo phải đặt sau, ở vị trí đối, câu của Nguyễn Hoè phải đặt trước, ở vị trí của câu xướng. Cả ông quan chủ khảo đó và Nguyễn Hoè đều là những người am hiểu Nho học chẳng lẽ lại chưa thuộc luật đối? Tôi cũng đã có suy nghĩ thắc mắc như vậy và ôm mối thắc mắc đó cũng khá lâu. Sau này trong một buổi tình cờ trà dư, tửu hậu, được một vị túc Nho giải thích cho rằng: Đó là cách “chơi khó” của người ra vế ứng, buộc người đối phải “phá” luật, phải thuận theo mình. Thỉnh thoảng vẫn gặp những câu đối như vậy, nhất là những câu đối của những người đang ở những vị trí đối kháng. Có thể nhớ lại đôi câu nổi tiếng mà dân gian vẫn cho là của Đặng Trần Thường và Ngô Thì Nhậm - mà các nhà nghiên cứu cũng đã phải tốn nhiều giấy mực để bảo rằng khó có khả năng hai người đối với nhau sau trận đánh đòn trả thù những tiến sĩ triều Lê theo Tây Sơn ở Văn Miếu (1802) (1):
Ai công hầu ai khanh tướng trong trần ai ai dễ biết ai
Thế Chiến quốc thế Xuân thu gặp thời thế thế thời phải  thế.
Lại nói tiếp chuyện Nguyễn Hoè, viên quan thấy vế đối xược liền ra tiếp một vế:
- Xỉ tính cương, thiệt tính nhu, cương tính bất như nhu tính cửu.
Nghĩa là: Răng tính cứng, lưỡi tính mềm, tính cứng không bền lâu như tính mềm - ý nói chớ nên ngông nghênh bướng bỉnh nữa.
Nguyễn Hoè lại đối:
- My sinh tiên, tu sinh hậu, tiên sinh bất nhược hậu sinh trường.
Nghĩa là: My(lông mày) sinh trước, râu mọc sau, sinh trước không thể dài bằng mọc sau.Viên quan đành chịu.
 Lê Công Hành - người được tôn là tổ nghề thêu ở Quất Động (Chương Mỹ, Hà Tây) lúc chưa đỗ đạt phải đi làm phu xây cống. Quan huyện ra vế đối:
Ngói đỏ lợp nghè, lớp trên đè lớp dưới.
Lê Công Hành đối lại:
- Đá xanh xây cống, hòn dưới nống hòn trên.
Vế đối thật hoàn hảo, đối thanh, đối ý chan chát, cả về mặt âm điệu cũng hiện rõ cái tinh thần khảng khái, ý chí phản kháng, không chịu bị lớp trên đè mà hòn dưới còn nống hòn trên...
2. Trong đời sống xã hội, trên bình diện rộng hơn, câu đối là một thú chơi tao nhã, có khi tinh nghịch dí dỏm trong câu chữ, có khi thâm trầm sâu sắc trong triết lý. Câu đối cũng mang nặng hồn người. Bởi vì câu đối kết tinh cả tâm hồn và trí tuệ, thể hiện một thế giới quan, một nhân sinh quan, thể hiện những sắc thái rung động tâm hồn và tình cảm, cả những nét tính cách độc đáo  của người đã làm ra nó, đối cảnh sinh tình. Người ta hiểu nhau qua câu đối, có thể thân nhau, phục nhau nhờ câu đối. Những người xuất chúng trong xã hội cũng thường là những người rất giỏi ứng đối. Những giai thoại về tài ứng đối nhanh trí của những nhân vật lịch sử và cả của những nhân vật trong văn học dân gian như Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh, Cao Bá Quát, rồi Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, rồi Nguyễn Khuyến, Tú Xương, rồi trạng Quỳnh, trạng Lợn, Xiển Bột, Ba Giai, Tú Xuất... tập hợp lại cũng đã nhiều quyển.
Chẳng phải ai trượt chân bị ngã cũng thốt lên được như Hồ Xuân Hương:
- Giơ tay với thử trời cao thấp
Xoạc cẳng đo xem đất ngắn dài
Xem ra cái khẩu khí thò tay “với trời” và xoạc cẳng “đo đất” chẳng phải là ngôn ngữ thường ngày của nữ nhi chân yếu tay mềm. Cái khẩu khí đó chắc chỉ có ở Bà Chúa thơ Nôm Xuân Hương - người đã dám viết Đang cơn nắng cực chửa mưa tè - mà về sau một nhà phê bình nổi tiếng bình rằng bà bỡn cợt với cả trời, coi trời như con trẻ để mắng rằng (nó) chửa mưa tè... Cũng có lẽ bởi cái khẩu khí ngang tàng khí khái đó mà đường hạnh phúc riêng của bà khá lận đận, để sau này Chiêu Hổ viết cho bà:
- Người Cổ lại còn đeo thói Nguyệt
Buồng Xuân chi để lạnh mùi Hương.
Chữ Cổ, chữ Nguyệt ghép lại thành chữ Hồ, chữ Xuân, chữ Hương ở câu sau thì ghép thành tên của nữ sĩ. Chiêu Hổ dùng chữ cũng tài tình lắm thay. Cũng cô Xuân Hương ấy đang giặt áo dưới cầu, thấy võng quan đi qua liền ứng khẩu:
Võng đào quan lớn đi trên ấy
Váy rách bà con giặt dưới này. (!)
Giai thoại cũng kể về những trò tinh nghịch lúc còn nhỏ của ông đầu xứ Thái (Hoàng Phan Thái, người Nghệ An). Nhà ông gần chùa, nhà sư ở đây lại thích thơ phú. Một lần sư chùa ra một câu tức cảnh: Dầu vương ra đế rớt ra đế đèn (khi rót dầu lỡ tay ). Cậu học trò Thái nhìn quanh, đối lại: Ỉa vãi vào sư rồi ù té chạy. Câu đối rất xược nhưng về mặt câu chữ quả là không chê vào đâu được. Một lần khác sư lại ra một vế:
- Cái là tượng, tượng là voi, voi chầu cửa cái.
 Vế đối này khá lắt léo. Nguyên chữ Hán cái là tượng - là dáng vẻ, tượng cũng là con voi, chữ cái cuối cùng là chữ nôm - cái là to. Cậu Thái xin phép ra đứng ở tam quan rồi mới đọc:
- Tu là hổ, hổ là cọp, cọp bắt thày tu.
Đọc xong lại ù té chạy. Vế đối của cậu Thái cũng lắt léo tài tình không kém. Trong Hán tự, tu nghĩa là xấu hổ, hổ cũng là con cọp...
Ông Chiêu Phu (không rõ tiểu sử) viết cho một bà goá lấy chồng người Trung Quốc:
Bí phát kết ngô duyên di hi kim chiêu hồng bắc khứ
Bình đầu lưu khách địa ta tai hà nhật nhạn nam quy.
Tạm dịch nghĩa:
Kết tóc đuôi sam, (theo kiểu người Trung Quốc) lấy chồng nước khác, con chim hồng đã bay về phương Bắc.
Quay đầu về đất khách, thương ôi đến ngày nào con chim nhạn về Nam.
Bà goá này đi giữa đường gặp một người chê “Dở lắm, đem trả lại, lấy tiền về đây”. Ông Chiêu Phu biết người chê mình là Cao Bá Quát liền mời họ Cao đến chơi và hỏi câu đối nọ của mình dở thế nào. Cao Bá Quát thủng thỉnh đáp: “Dở ở chỗ ý hai vế giống nhau”. Ông Chiêu Phu mời Cao Bá Quát làm lại câu đối ấy. Sau khi nghĩ ngợi một lát, Cao Bá Quát đọc:
- Xoắn đuôi chuột, trở về với mẹ
Khép mu sò, dừng lại nuôi con.
 Câu đối rất hợp với tình cảnh người đàn bà goá nọ nhưng cái chất bỡn cợt, tinh nghịch rất Cao Bá Quát vẫn hiện lên rất rõ...
Cao Bá Quát khởi nghĩa không thành, bị bắt, bị giam, bị cùm chân, chờ đem ra xử tội. Ngồi trong ngục tối, ông vẫn ngâm:
Một chiếc cùm lim chân có đế
Ba vòng xích sắt bước thì vương...
Đúng là khí phách của kẻ anh hùng lâm nạn, đầu sắp lìa khỏi cổ mà giọng văn vẫn sắc sảo, vẫn trào lộng, vẫn khiến người ta kính nể.
Tam nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến là bậc thầy dùng chữ Nôm trong câu đối, có thể nói đến mức tuyệt diệu. Trong câu đối của ông, âm Nôm kết hợp với chữ Hán một cách nhuần nhuyễn, tinh vi khiến người đọc nhiều khi phải giật mình ngạc nhiên thú vị. Hãy nghe ông tự trào bằng câu đối, thật nôm na nhưng vô cùng thâm thuý:
Người nước Nam hỏi tiếng Tây chẳng biết tiếng Tây, hỏi tiếng Tàu chẳng biết tiếng Tàu, cho nên phải “minh tiên vương chi đạo di đạo”.
Nhà hướng Bắc, người chưa rét thì mình đã rét, người chưa bức thì mình đã bức, nên gọi là “tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu”.
Minh tiên vương chi đạo di đạo là câu của Mạnh Tử có ý là đem đạo của các vua trước như Nghiêu, Thuấn, Vũ ra làm cho sáng tỏ. Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu là câu của Phạm Trọng Yêm đời Tống có nghĩa là trước khi thiên hạ lo thì mình đã lo rồi. Dù đỗ tam nguyên, gặp thời loạn lạc, Nguyễn Khuyến cáo quan về quê, chẳng theo Tây, cũng chẳng theo Tàu (!) nhưng cái đạo của ông, cái ưu của ông làm nhiều người cảm kích.
Nguyễn Khuyến là người sâu, thâm thúy nhưng cũng rất dí dỏm, tinh nghịch, hay trêu đùa người khác bằng câu chữ. Ông tức cảnh khi anh hàng thịt mang biếu bát tiết canh và đôi bầu dục vào một ngày cuối năm rồi nài xin cụ cho câu đối Tết:
Tứ thời bát tiết canh chung thuỷ
Ngạn liễu đôi bồ dục điểm trang.
Một lần ông đi qua chùa Đọi (Hà Nam) có một chú tiểu nói ngọng và một sư cụ móm nói phều phào. Tam nguyên Yên Đổ làm đôi câu đối:
Phất phất phóng phong phan pháp phái phi phù phan phụng phật
Căn căn canh cổ kệ cao ca kì cứu cứu cùng kinh.
Tạm dịch xuôi:
Phất phơ cờ phướn bay trước gió, đạo pháp và cờ phướn bay để thờ phật
Tất cả cùng đọc kinh cổ, đọc to lên để khảo cứu kinh Phật cho đến cùng.
Về ý, không ai dám chê câu đối ca tụng Phật pháp nhưng về âm, khi đọc lên không ai không bật cười vì cái phều phào, cái ngọng ngịu, nghíu ngô cứ ẩn, cứ  hiện thật tài tình.
Hãy nghe Nguyễn Khuyến làm câu đối khóc vợ (rất nhiều người đã thuộc lòng câu đối nổi tiếng này):
Nhà chỉn cũng nghèo thay, nhờ được bà hay lam hay làm, thắt lưng bó que, sắn váy quai cồng, le te chân trước chân sau, vì tớ đỡ đần mọi việc.
Bà đi đâu vội mấy, để cho lão vất vơ vất vưởng, búi tóc củ hành, buông quần lá toạ, gật gù tay đũa tay chén, lấy ai kể lể chuyện trăm năm.
Về già, mắt đã kém, Nguyễn Khuyến cảm nhận không khí tết một cách rất đặc biệt:
Tối ba mươi, nghe pháo nổ đùng, ờ ờ Tết.
Sáng mùng một, chạm nêu đánh cộc, à à Xuân.
Cũng trào lộng và sắc sảo không kém, Tú Xương làm câu đối cho một người cháu khóc ông:
Ông đi đẩu đi đâu, đến sáng mai, ngày tết ngày tung, buồn rỉ buồn rầu không yếm đỏ.
Cha khóc lăn khóc lóc, qua bữa nọ, mất cướp, mất bóc, khổ sao khổ vậy, thực hồi đen.
3. Cũng có khi câu đối là một cuộc đối thoại đầy chất trí tuệ giữa người ứng với người đối. Đây là cuộc so tài có thể coi rằng không có kẻ thắng người thua, tuy người ta vẫn thừa nhận xuất đối dị, đối đối nan. Kẻ đối được là người thông minh, tài trí nhưng người ra vế đối cũng không thể là người nông cạn. Dân gian còn ghi lại rất nhiều giai thoại về những cuộc đấu trí kỳ thú đó.
Mạc Đĩnh Chi đi sứ qua một nơi có câu chuyện về một anh học trò vì không đối được vế thách đối của cô gái mình đang theo đuổi mà nhảy xuống giếng tự vẫn. Nghe người dân ở đó nói lại vế đối của cô gái: Ngân bình kiên thượng tỵ (Bình bạc mũi trên vai - chỉ cái vòi ở trên vai ấm), Mạc Đĩnh Chi làm vế đối giải oan cho anh học trò kia: Kim toả phúc trung tu. (Khoá vàng râu trong bụng - chỉ cái tua khoá ở trong ruột khoá). Một chuyện kỳ quặc mũi trên vai được đối lại với một chuyện kỳ quặc khác râu trong bụng rất tương xứng. Người đối phải là người có trí thông minh và óc quan sát tuyệt vời trong vốn thực tế phong phú mới có thể đối được chỉnh như vậy.
Dân gian vẫn truyền nhau câu đối (khuyết danh) của một cô dâu thử tài chú rể trong đêm tân hôn:
Hang Thiên Thai then khoá động đào, đóng chặt lại kẻo chàng Lưu quen lối cũ (Cô dâu dùng điển Lưu Thần nhập Thiên Thai).
Chú rể cũng chẳng phải tay vừa:
- Cửa Hàm Cốc lỏng khuôn tạo hoá, mở toang ra cho ông Bái dân quân vào (Chú rể dùng điển Bái Công - Lưu Bang dẫn quân qua cửa Hàm Cốc để đối lại). Cô dâu chịu và tất nhiên là... mở cửa.
Vương Toán (không rõ tiểu sử) thông minh, học giỏi nhưng nhà nghèo, lại thích con gái nhà quan họ Bạch. Quan ra vế đối:
Trai họ Vương đầu đội nón trúc, tuổi hai mươi, hà túc toán dã.
 Câu này chắp chữ vương, chữ trúc và chữ trấp (là hai mươi) thành chữ Vương Toán, nhưng có ý coi thường vì hà túc toán dã, trích từ sách Luận ngữ, nghĩa là có gì đáng kể.
Vương Toán đối:
Gái họ Bạch lưng thắt dây tơ, tuổi mười tám, bất diệc lạc hồ.
Câu này ghép chữ bạch, chữ ty (tơ) và chữ thập bát (là mười tám) thành chữ Bạch Lạc là tên cô gái, lại có ý cự lại câu trên vì Bất diệc lạc hồ, cũng trích từ sách Luận ngữ,  nghĩa là sao lại không vui. 
Người ta còn dạy nhau bằng những chuyện (tưởng như chuyện cười) xung quanh câu đối. Chẳng biết những ai thường quen thói nhìn cục bộ, từng chi tiết, từng bộ phận như kiểu thầy bói mù xem voi, có giật mình khi nghe chuyện có người đối lại vế Thần Nông giáo dân nghệ ngũ cốc bằng cách tách từng chữ để đối cho chỉnh, cuối cùng được vế đối nghe cũng khá hay (!), bằng - trắc cũng chỉnh… nhưng vô nghĩa: Thánh sâu gươm nước gừng tam cò (!)
4- Nhiều câu đối đến nay vẫn còn đang chờ được hoàn chỉnh. Nổi tiếng trong dân gian là những vế đối khó của cô Điểm thách Trạng Quỳnh - một ông trạng đậm màu giai thoại:
- Lên phố Mía, gặp cô hàng mật, cầm tay kẹo lại hỏi thăm đường.
- Trời mưa đất thịt trơn như mỡ, giò (dò) đến hàng nem, chả muốn ăn.
- Bà đồ Nứa, đi võng tre, đến khóm trúc thở dài hí hóp...
Tương truyền cô Điểm còn ra cho trạng một vế khác chỉ có năm chữ nhưng chẳng những đã làm ông trạng “bí”, đành chịu không đối được mà còn làm đau đầu biết bao sĩ tử sau này: Da trắng vỗ bì bạch. Cái oái ăm nhất của vế đối chính là bì bạch vừa có nghĩa Hán  - Việt là da trắng vừa là một từ tượng thanh, như tiếng vỗ nước, rất nôm na, bình dị, rất Việt. Nghe nói, cũng đã có người đối: Giấy đỏ viết chỉn chu nhưng rõ ràng so với Da trắng vỗ bì bạch thì vế này vẫn chưa thể coi là chỉnh. Lại có người đối rằng Rừng sâu mưa lâm thâm.Về mặt chữ nghĩa và ý thì có thể tạm coi là được, về bằng - trắc cũng có thể châm chước nhưng về âm thì rõ ràng là kém cô Điểm nhiều lắm.
Còn một vế đối năm chữ khác, cũng hóc búa không kém, tương truyền là do bà vợ ba của vị thủ lĩnh nghĩa quân Cai Vàng thách đối: Cô Miên ngủ một mình... Chẳng biết Cai Vàng có cách nào vượt qua vế đối này để được cô ưng thuận (?)
Câu đối khó vẫn lưu truyền trong dân gian khá nhiều, thật tiếc chưa thể sưu tầm đầy đủ: 
- Bò lang chạy vào làng Bo.
Cha con thày thuốc về quê, gánh một gánh hồi hương phụ tử.
- Song song là hai cửa sổ, hai người ngồi trong cửa sổ song song.
- Thằng Quỳnh ngồi trên cây cậy dái đỏ hồng hồng 
 Dân gian cũng gán câu này cho cô Điểm...
Gái tơ chỉ kén ngài quân tử.
- Trong quần anh có em học khá.
v.v... và v.v...
Từ khi chữ Quốc ngữ chiếm ưu thế tuyệt đối trên văn đàn, câu đối không còn được treo và làm một cách rộng rãi như trước nữa nhưng vẫn có những câu đối len lỏi trong dòng văn học dân gian, đôi lúc hiện lên như những chấm phá khá bất ngờ thú vị. Thời hiện đại, cái thú chơi câu đối không mất đi mà đã mang màu sắc mới, với những chất liệu mới lấy từ cuộc sống hiện đại:
Cán bộ to đi xe nhỏ
Nhân viên thấp ở nhà cao...
*   *   *
Khác với người phương Tây, người phương Đông chú trọng tới đối phó, thích nghi, thuận theo nhiều hơn là cải tạo tự nhiên. Câu đối là một loại hình sản phẩm trí tuệ khá đặc biệt nhưng cũng không nằm ngoài cái “xu thế đối phó” đó. Câu đối là ảnh xạ xa xôi của cái “tâm thức đối phó” kia chăng?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét