SGTT.VN - Thằng nhỏ học lớp 2 lủi thủi trong sân toà. Thi thoảng nó rúc mình vào hàng chậu kiểng để né tiếng quát của người lớn vì mải bứt cây, bẻ cành. Thằng nhỏ đã lớn dần theo năm tháng và những trò chơi cứ thế đã lặp đi, lặp lại ngay tại sân toà này trong gần 12 lần xử mà mẹ nó là bị cáo của một vụ án suốt tám năm viện Kiểm sát nhân dân huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận vẫn chưa xác định được nhiều điều.
Một người dân hỏi thằng bé biết gì về cái chỗ đang chơi? Nó nói đó là toà án và mẹ nó sẽ về…
|
Người ta gọi vụ án của mẹ nó là “kỳ án trộm dê…”
“Sẽ có lần xử thứ 13”, nghe câu nói vui của những người dự khán đang chờ đến giờ toà khai mạc, bị cáo Trần Thị Kim Nguyệt thở dài đánh thượt. Từ ngày xảy ra vụ án, bà Nguyệt nói mình đã rệu rã về thể xác, mệt mỏi về tinh thần nhưng vẫn tin rằng sự thật có tiếng nói của nó. Rằng, nếu phải đi đến cuối đời mình để chứng minh trong sạch, bà Nguyệt cũng cam tâm. Tuy nhiên, các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bình Thuận lại đang phải gặp khó khăn vì mấu chốt chính là chứng cứ thì… đã không còn.
Hồ sơ vụ án là những thông tin tưởng chừng không gì phức tạp: đó là năm 2004, bà Nguyệt mua miếng đất để nuôi dê rồi đưa mẹ và cha dượng về sống chung. Bị cáo và người bán đất viết giấy tay, giao tiền. Tự tin mình đang giữ sổ đỏ của đất và không rành quy định nên bà Nguyệt không làm thủ tục sang tên. Thế rồi gia đình lục đục, bà Nguyệt ngỡ ngàng khi cha dượng và mẹ mình bán mảnh đất cho bà Lê Thị Kim Y. Mâu thuẫn gia đình lên cao, bà Nguyệt lo lắng những sự cố có thể đến với đàn dê nên thuê xe chở đàn dê đi nơi khác và bị công an huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận bắt vì hành vi “trộm cắp tài sản”.
Vụ án tưởng chừng rất đơn giản với logic: nếu đàn dê của bà Nguyệt như lời khai thì bà không phạm tội. Còn ngược lại đàn dê của cha mẹ bị cáo bán cho bà Y thì hành vi này của bà Nguyệt phải bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, điều đơn giản đó đã trở nên phức tạp khi thư ký toà Văn Hồng Lễ lập biên bản trao các giấy tờ nhà đất là chứng cứ của vụ án cho bà Lê Thị Kim Y. Tại các phiên xét xử, bà Y khai đã mất một số tài liệu, còn giấy tờ nhà đất thì đã thế chấp ngân hàng vay tiền.
Từ đó, suốt hơn tám năm với 12 lần xét xử rồi hoãn toà, trong đó lần xử mới nhất diễn ra hôm 11.9 vừa qua, đến nay bà Nguyệt vẫn kêu oan, viện kiểm sát thú nhận rằng cơ quan này chưa thể xác định được ai là chủ sở hữu hợp pháp của đàn dê nên xin rút hồ sơ để điều tra bổ sung. Và, “thân phận bị cáo” vẫn cứ lửng lơ trên đầu bà Nguyệt. “Đếm số năm thì gần như vừa đủ số tuổi của thằng con từ lúc nó mới lọt lòng. Người ta đưa tôi vào vành móng ngựa khi mọi thứ còn rất nhập nhằng…”, bà Nguyệt nói.
Buổi xử luôn được bắt đầu bằng lời nhắc nhở bị cáo bình tĩnh của chủ toạ. Còn bị cáo liên tục lau nước mắt, khóc lớn giữa gian phòng xử án. “Tôi bị bắt, bị giam, bị ra toà hơn tám năm qua mà mình không có tội. Thử hỏi còn điều gì ê chề hơn một người mang tội trộm cắp. Tôi không ăn trộm gì của ai, sao lại phải đứng ở vành móng ngựa này?” Bà Nguyệt thổn thức rồi chốc chốc bà rảo mắt tìm thằng con đang leo lên bức tường cao ngăn cách giữa toà án và nhà dân. Ánh mắt của một người mẹ đầy toan lo, thắc thỏm cho thằng bé lớp 2, hiếu động, không có người ở nhà trông nom phải theo mẹ ra toà.
Đại diện viện kiểm sát hỏi: Bị cáo không trộm cắp, sao lùa dê ban đêm? Câu hỏi càng khiến phiên toà căng thẳng khi bà Nguyệt nói lớn: Ban ngày dê đi ăn thì không thể đuổi bắt. Đêm, dê về chuồng mới lùa dễ. Dê của bị cáo thì bị cáo muốn xử lý thế nào cũng được. Trước thái độ không đồng tình với cách lý giải trên của công tố viên, bà Nguyệt hét lớn: “Sao ông rành vậy?” Phòng xử oà cười trong tiếng nhắc nhở của chủ toạ.
Điều gây ngỡ ngàng cho buổi xử lại đến rất nhanh sau đó, là khi nhắc nhở bị cáo xong, chính chủ toạ bị các luật sư bảo vệ cho bị cáo đề nghị “không được mớm cung”. Ngoài ra, các luật sư còn yêu cầu thay cả hội đồng xét xử và đại diện viện kiểm sát vì trước đó, luật sư yêu cầu đổi thư ký Văn Hồng Lễ, người đã đưa hồ sơ – chứng cứ vụ án cho bà Y nhưng quyết định hoãn phiên toà thì hội đồng xét xử ghi luật sư đòi đổi hội thẩm. “Ngay từ khi phần hình thức đã không đúng thì tính khách quan của phiên toà không được đảm bảo”, một luật sư lập luận.
Sau hai ngày xét xử, vẫn nhưng câu hỏi cũ, những tình tiết không mới, những phản ứng tự nhiên của bị cáo, bị hại… viện Kiểm sát nhân dân huyện Bắc Bình mới đi đến nhận định: hồ sơ vụ án còn nhiều thiếu sót như phải triệu tập chồng bà Y ra toà với tư cách bị hại, đưa bà Lâm, người bán đất thành nhân chứng và xác định lại ai là chủ sở hữu hợp pháp của đàn dê…
Tám năm, một vụ án đơn giản nhưng chính các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bình Thuận lại phải đối diện với sự phức tạp hơn rất nhiều: đó là các chứng cứ quan trọng đã bị mất. Dù rằng, không một ai muốn thấy lại cảnh thằng bé lớp 2 vạ vật ở sân toà. Không một ai muốn trí óc ngây thơ của nó in hằn hình ảnh một người mẹ đứng trước vành móng ngựa quá lâu, chỉ vì những tắc trách lẽ ra có thể không xảy ra nếu người ta làm đúng chức phận. Một người dân hỏi thằng bé biết gì về cái chỗ đang chơi? Nó nói đó là toà án và mẹ nó sẽ về…
bài và ảnh: Thanh Nhã
Từ xưa Ông Bà ta có câu : Vô phúc đáo tụng đình,té ra bây giờ cũng "VỦ NHƯ CẨN"
Từ xưa Ông Bà ta có câu : Vô phúc đáo tụng đình,té ra bây giờ cũng "VỦ NHƯ CẨN"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét