Hôm nay là ngày khai giảng. Ngày mà các thầy hiệu trưởng đứng lên đọc những bài diễn văn, và chủ thể của ngày khai giảng đứng phía dưới để nghe.
Ngày khai giảng luôn là ngày lễ ý nghĩa nhất của đời học sinh. Các bạn học sinh, trong ngày ấy, có cảm nhận rõ ràng về việc mình đã lớn thêm. Nó là những cái cột mốc đánh dấu những nấc thang hồn nhiên và hân hoan nhất trong cuộc đời mỗi con người.
Các bạn sẽ vui. Mặc đồng phục đến trường, cầm theo cả cờ tổ quốc hay bóng bay, xếp hàng chỉnh tề trong sân trường, năm nay đã xếp ở chỗ khác, chỗ của lớp lớn hơn rồi nhé. Rồi thả bóng bay lên trời. Lúc đấy chưa hiểu lắm về ý nghĩa của hành động đấy đâu, nhưng lớn rồi mới thấy khoảnh khắc ấy đẹp lạ lùng.
Nhưng liệu chúng ta có thể tưởng tượng về một cung cách khai giảng khác, vui hơn nữa và ý nghĩa hơn nữa được không?
Các bạn không đứng yên lặng dưới sân trường, có khi chịu một cơn mưa nhẹ của mùa mưa bão tháng Bảy, và lắng nghe những bài diễn văn đôi khi các bạn không hiểu hết của thày hiệu trưởng nữa. Các bạn sẽ được bước lên và nói. À tất nhiên không phải bước lên và nói theo kiểu bạn liên đội phó được chỉ định đứng lên đọc một đoạn viết sẵn toàn hứa và phấn đấu đâu.
Tưởng tượng nào. Một bạn trai được chọn ngẫu nhiên trong hàng, được dắt lên bục và nói bất kỳ điều gì em thích. Bạn này béo, con nhà buôn. Bạn nói rằng mình không thích đi học, mà chỉ thích đi bán giày dép. Nhà bạn có nghề buôn bán giày dép từ lâu rồi, mà rất giàu. Sân trường có tiếng cười. Bạn cố tình nói thế vì tính bạn thích nổi loạn mà.
Thế rồi thày giáo dạy Toán bước lên, thày ôn tồn giải thích rằng nếu bạn không học giỏi thì cũng chẳng đi buôn được đâu. Rồi thày lấy ra một bài toán lớp 7 (giả dụ bạn học lớp 8), với nghiệm chính là doanh thu giày dép, ví dụ đơn giản như bài toán tìm giá trị lớn nhất của biểu thức chẳng hạn. Rồi thày bảo bạn giải. Bạn đứng giải ngon ơ trong 5 phút. Và bạn hiểu ra vấn đề.
Một bạn gái khác bước lên, bạn ngập ngừng một lúc, rồi hỏi là bạn có thể không may đồng phục năm nay được không, vì bố mẹ bạn đang khó khăn về tiền nong lắm. Sân trường im lặng. Thày hiệu trưởng đứng lên và hỏi rằng có ai có cùng ý kiến với bạn không? Những cánh tay bắt đầu giơ lên.
Một bạn khác nữa, học lớp 9, tâm sự rằng các bạn trong lớp đừng chế nhạo bạn nữa, việc bố bạn bị lên báo đã khiến gia đình khổ sở lắm rồi.
Cứ thế, rồi ở các cấp lớn hơn, khi những đứa trẻ có nhận thức hơn, chúng sẽ bắt đầu nói về những vấn đề lớn hơn: về một thày giáo trong trường; về việc bị ép học thêm; về sự bức xúc với truyện “Chiếc thuyền ngoài xa” trong sách Ngữ văn (độc giả thân thuộc của Cà phê sáng hẳn vẫn nhớ truyện ngắn này); về những câu chuyện mà thông thường người lớn sẽ chỉ biết được khi nó đã lên mặt báo.
Ngày khai giảng, có thể trở thành một ngày chúng ta dạy trẻ con tập nói. Tất nhiên là không thể có hàng nghìn em học sinh đứng lên nói được. Nhưng một cá nhân bé nhỏ trong hàng bước lên và nói, sẽ kích thích tư duy độc lập của hàng nghìn cái đầu khác trong sân trường. “Mình cũng muốn nói gì đó? Nói gì nhỉ?” – chúng sẽ tự hỏi bản thân như thế. Đó là điều mà chúng ta không hề dạy chúng, mà toàn làm ngược lại.
Chọn một ngày khai giảng để “thả rông” những tưởng tượng về một ngày hội tập nói bởi vì nó đặc biệt hơn những ngày khác. Chứ thật ra đó là điều cần được làm mỗi ngày.
Tất nhiên đấy là một tưởng tượng vu vơ thôi.
Đức Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét